Lớn lên, tôi luôn bị bảo rằng “Đừng có mà ích kỉ như thế” và phải cố gắng nghe lời hết mức có thể. Giờ đây, khi trưởng thành, tôi nhận ra những người ích kỉ và độc tài nhất chính là cha mẹ mình

by admin

Lòng tự tôn của tôi thấp tới mức trầm trọng, tôi cố làm hài lòng mọi người chỉ để tránh đụng độ với họ, và hi sinh chính hạnh phúc của mình.

edit: Cảm ơn mọi người đã chia sẻ trải nghiệm của mình, nó thực sự giúp tôi nhận ra mình không hề đơn độc với những suy nghĩ ấy và không có gì sai khi cảm thấy như vậy cả.

_____________________

Tôi thề là cha mẹ độc tài ưa từ “Ích kỉ” hơn bất cứ từ nào khác. Nó khiến đứa trẻ tự chối bỏ nhu cầu/suy nghĩ/ mong muốn của bản thân và tống sạch chúng ra ngoài. Và sau đó những người cha mẹ này có thể nhồi nhét những thứ tào lao của họ và tạo ra một con robot biết nghe lời.

____________________

u/xoecksohgossipgirl (81 points)

Tôi là một người lai Mỹ-Á nên nên sự tôn trọng người lớn tuổi luôn đóng vai trò quan trọng trong nề nếp văn hóa. Còn trẻ và muốn trở thành một phần của gia đình, tôi luôn cố để tuân thủ điều đó hết mức có thể. Một công thức nuôi con kinh khủng.

Tuy nhiên không phải gia đình châu Á nào cũng tệ như vậy… Tôi mừng vì vẫn có những người có thể hòa hợp cùng gia đình và văn hóa của họ, nhưng có vẻ như gia đình của tôi lại dùng những nét truyền thống ấy để điều khiển tôi.

_____________________

u/aBitOfaNut (61 points)

Tôi hiểu mà. Tôi cũng đang sống như vậy và mới nhận ra điều này gần đây. Điều tồi tệ nhất về việc cố gắng để làm hài lòng mọi người đó là khi tôi cố gắng để đấu tranh vì bản thân, tôi lập tức bị coi như là một con khốn.

Tôi muốn phản kháng. Tôi muốn sống vì bản thân mình. Nhưng tôi bị mắc kẹt mãi trong mớ hỗn độn này. Chỉ cần nói một lời, và họ sẽ bắt đầu “Thấy chưa? Bảo rồi mà, nó chỉ làm quá lên thôi, đúng là một con nhỏ khốn nạn”, rồi tất cả mọi người sẽ cho đó là đúng.

Hiện giờ tôi đang bấp bênh với những suy nghĩ “nên nói” hay “không nên nói” va đập mạnh trong đầu như một quả banh tennis. Tôi khóc, giận dữ, tuyệt vọng. Nhưng chẳng làm gì nổi. Sự bạo lực tàn nhẫn của những kẻ đó đã cướp đi giọng nói của tôi. Sự thật bị chôn giấu sâu cùng dưới tầng dối trá và thao túng. Điều đó có nghĩa là họ có thể nói bất cứ lời nào họ muốn và tôi sẽ không bao giờ có cơ hội bào chữa cho bản thân trước những cáo buộc điêu ngoa của họ. Thật…tệ.

Tôi rất tiếc là bạn phải trải qua những điều này.

_____________________

u/throwaway1372625 (42 points)

Từ điển độc tài:

“Ích kỉ”:

1. Không đặt lợi ích của họ lên hàng đầu 24/7

2. Có bất kì mong muốn/nhu cầu riêng tư nào

_____________________

u/tokixjam (28 points)

Tôi cũng là một người Mỹ-Á và việc trở thành kẻ luôn làm hài lòng mọi người khiến ai cũng dễ dàng lợi dụng tôi. Cha mẹ tôi không phải những kẻ độc tài nhưng họ có quá nhiều nét tính cách xấu.

Dạo này tôi đang tìm hiểu làm thế nào để không trở thành một kẻ dễ thỏa hiệp và tại sao mình luôn thu hút những kẻ độc tài xung quanh. Tôi cố gắng để đặt ra giới hạn và tuân theo chúng. Tôi trở nên dè chừng và tránh xa khỏi những kẻ ích kỉ và tự ái.

Nhân đây tôi mong bạn cũng đang học hỏi và tự chữa lành cho mình. Đó là một hành trình dài.

_____________________

u/GypsyButterflySpirit (26 points)

Thật đấy. Tôi từng bị tẩy não để nghĩ rằng bản thân thật ích kỉ cho đến năm nay khi tôi nhận ra mẹ mình nhỏ mọn và luôn cho mình là trung tâm của vũ trụ thế nào.

_____________________

u/velvye (21 points)

Thật khó khăn để nhận ra rằng chính bạn mới là quan trọng nhất và bạn cần chăm sóc thật tốt cho mình. Chỉ có bạn mới có thể vá lại vết thương từng chút một cho bản thân mỗi ngày, chấp nhận rằng nhu cầu chính đáng của mình không hề ích kỉ.

Lập trình lại từ tư tưởng đó là một quá trình mệt mỏi khi nó đã ăn thật sâu vào đầu bạn. Tôi vẫn đang đấu tranh với nó hàng ngày. Mong rằng bạn có thể sống thật an nhiên.

_____________________

u/IamFreeatlast (18 points)

Những người có vấn đề với việc đặt ra ranh giới của bạn chính là những người thu lời nhiều nhất từ việc bạn không có bất kì giới hạn nào. Nói cách khác, họ la mắng bạn vì đặt ra ranh giới càng nhiều thì họ lợi dụng bạn càng lâu. Ai cũng xứng đáng có được quyền riêng tư cả, và có 2 cách để cắt nghĩa sự tôn trọng. Một là sự tôn trọng bạn sẵn có vì là một con người, hai là sự tôn trọng đối với quyền lực. Cha mẹ độc tài hiểu như sau: Nếu bạn kính trọng họ như một kẻ có quyền thì họ sẽ để tâm đến bạn như một con người. Vậy nên bạn có thể tôn trọng người lớn tuổi hơn trong nhà nhưng không cần phải tuân theo họ khi bạn trưởng thành; trái với khi bạn còn nhỏ tuổi vì cuộc đời bạn phụ thuộc vào họ. Hãy tự đứng lên vì quyền lợi của bạn, vì họ không bao giờ dạy bạn cách tự đưa ra quyết định đâu.

_____________________

u/cmajalis (13 points)

Tôi vẫn bị coi là đứa ích kỉ vì cha mẹ lớn lên ở Philippines và gần như phải từ bỏ mọi thứ họ muốn để có thể tồn tại. Bạn có thể nghĩ rằng họ đến Mỹ là để thoát ly khỏi những tư tưởng cổ hủ đóng rễ trong đầu họ kể từ khi họ còn nghèo đói và bị vùi sâu trong những nỗi đau thế hệ, nhưng thay vì đó, họ đến đây để có thêm kinh phí phát triển “gia đình kiểu mẫu”, bởi tất cả mọi người trong vòng quan hệ đều có vẻ tự ái và có nỗi sợ bị ai khác đánh giá. Cha mẹ tôi khẳng định họ từ bỏ mọi thứ để tôi có thể sống tốt hơn, nhưng tôi nhận ra họ chỉ làm vậy để có thể cướp đi cuộc sống của tôi sau này. Tôi đã sống qua những năm tháng của sự trì trệ về tình cảm, trạng thái sợ hãi việc đối đầu, những mối quan hệ mang tính bạo hành (bạo hành gia đình, tâm lý, cảm xúc), và luôn cảm nhận thấy nỗi nhục vì không thể đáp ứng nổi kì vọng của gia đình. “Tao với mẹ mày đã vượt qua cả đại dương và rời bỏ cả gia đình để mày có thể lập nghiệp ở đây. Và mày chỉ muốn vui cho cái thân mày thôi sao? Làm họa sĩ? Tại sao không làm bác sĩ? Hay y tá đi? Mày biết Steven nhà hàng xóm mà, cha mẹ nó cho nó vào trường Y rồi nó mua được nhà ở tuổi 25 luôn kìa. Sao mày không thể làm như vậy?”

Steven phải may mắn lắm, khi có người cha người mẹ không chỉ biết anh ta muốn trở thành một bác sĩ mà còn chi trả và giúp đỡ anh ta vượt qua nạn thất nghiệp khi còn học tại trường. Cha mẹ tôi chẳng thèm thảy ra một cắc, và thậm chí còn không bằng lòng trả học phí của chương trình Y Dược tôi đăng kí chỉ vì họ muốn vậy. Họ nói tôi thật ích kỉ khi không muốn trở thành một sinh viên Y Khoa, và rồi chỉ mình tôi là kẻ gánh nợ ngu ngốc.

Tôi mệt rồi. Tôi quá mệt mỏi với sự kém cỏi của mình rồi. Tôi mệt mỏi vì lúc nào cũng tức giận. Nhiều người từng nói là tôi thật may mắn, vì có cha mẹ thúc đẩy tôi thực hiện một thứ gì đó lớn lao hơn mình nghĩ. Nhưng thật ra, cha mẹ tôi chỉ là không thích tôi sống cho bản thân mà thôi. Tôi có cha mẹ không muốn tôi trở thành kẻ “ích kỉ” và làm họ thất vọng với một công việc tầm thường, thứ mà họ không thể đem khoe khoang khắp mọi nơi. Tôi có cha mẹ gò tôi vào một chiếc vỏ bao bọc lấy bản thân thay vì biến đổi để thành phiên bản tốt nhất của mình.

Và kết cục là, tôi nghĩ mình sẽ ổn thôi. Chấp nhận quá khứ, khoảng thời gian mình đã phí hoài và tiếp tục cất bước. Chấp nhận việc trở thành một tù nhân trong song sắt của tâm trí, vang vọng những lời họ từng nói và những gì họ từng tước đoạt khỏi tôi. Tôi đang dành thời gian nỗ lực làm một con người hoàn chỉnh như trước, nhưng nó thật khó và đôi lúc tôi cảm thấy như chẳng có thứ gì quan trọng nữa. Thật khó để không cảm thấy tuyệt vọng và luẩn quẩn: sợ hãi khi hạnh phúc và lo lắng khi ai đó có thể cướp chút hi vọng này đi. Tôi lo rằng mình sẽ luôn sợ hãi.

_____________________

Dịch bởi Seok Seok

You may also like

Leave a Comment