Có thể nói cảm xúc, cả tiêu cực lẫn tích cực, ảnh hưởng tới tất cả hoạt động của chúng ta. Làm thế nào để tập trung vào các nhiệm vụ trước mắt khi bạn đang bị cảm xúc chi phối? Đoạn trích dưới đây trong cuốn sách “Mỗi ngày hai giờ hiệu quả” của tiến sĩ Josh Davis sẽ hướng dẫn bạn.
Có một cách giúp chúng ta có thể đảm bảo được rằng não bộ đã sẵn sàng khi ta cần làm việc tốt nhất. Khi biết các nhiệm vụ trong danh sách công việc phải làm gợi ra những cảm xúc như thế nào, chúng ta có thể lập kế hoạch trước cho chúng. Bởi việc chuẩn bị sẵn sàng về mặt tinh thần đúng vào lúc quan trọng nhất, nói không với những nhiệm vụ ngáng đường, là chìa khóa đối với việc quyết định xem thứ gì nên thu hút được sự chú ý của chúng ta.
Dù không phải lúc nào chúng ta cũng ý thức được việc đó, nhưng nhiều việc chúng ta làm đều gợi lên các cảm xúc: hào hứng, giận dữ, tự hào, nhàm chán, không chắc chắn, lo lắng, v.v… Những cảm xúc này có thể thoáng qua hoặc sâu đậm. Và bởi những cảm xúc này có tác động sâu sắc đến những gì chúng ta làm, việc nắm rõ kỳ vọng của các cảm xúc sẽ mở ra những cơ hội mới cho hai giờ hiệu quả tuyệt vời.
Cảm xúc chi phối hiệu quả làm việc của chúng ta như thế nào?
Lý do cảm xúc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu suất làm việc của chúng ta là vì nó có giá trị mang tính thích ứng – hay khả năng giúp chúng ta đối mặt và xử lý các tình huống đang gặp phải. Ví dụ, Beyoncé từng nói, “Mỗi lần lên sân khấu, tôi đều lo lắng trước đó]. Tôi thật sự sợ hãi khi tôi không lo lắng.” Cô giải thích rằng nếu không lo lắng, cô sẽ không hát được tốt nhất có thể. Thật khó để tượng tượng ra việc ai đó luôn sung sức trên sân khấu lại cảm thấy lo lắng. Nhưng trải nghiệm về sự lo lắng chính xác là thứ đã giúp cô ấy thể hiện tốt nhất có thể. Cảm xúc – dù có lúc là tiêu cực, như lo lắng chẳng hạn – là những công cụ tuyệt vời khiến tâm trí chúng ta tràn đầy sinh lực và tập trung vào các nhiệm vụ trước mắt.
Ngay cả những cảm xúc tiêu cực cũng có thể giúp chúng ta thích nghi với một tình huống mà chúng ta đang phải đối mặt. Hãy tưởng tượng, tiền vệ ngôi sao của một đội bóng đang ngồi trong phòng thay đồ vào giờ nghỉ giữa hiệp. Anh ấy vừa khiến cả đội thất vọng trong trận đấu quan trọng nhất mùa giải, “lỡ chân” chuyền một đường bóng tệ hại khiến đối phương đón được bóng và chạy nước rút về phía khung thành của đội anh. Khi mất đi sự tự tin, anh không còn động lực thúc đẩy thành công nào nữa. Rõ ràng, các cảm xúc đã ảnh hưởng đến anh.
Vô cùng thất vọng, anh đứng lên, đi tới đi lui trong phòng thay đồ, cho đến khi sự thất vọng lên đến đỉnh điểm, anh ném mạnh chiếc mũ xuống sàn. Thế nhưng mọi cảm xúc trong anh vẫn không hề suy chuyển. Tuy nhiên, khi có cơ hội, huấn luyện viên của tiền đạo nọ đã khuyến khích chàng trai trẻ: “Cứ tức giận đi!” Sau hai phút trò chuyện động viên, chàng tiền vệ bị kích thích nổi giận bừng bừng, sẵn sàng trở lại sân đấu. “Tránh ra, huấn luyện viên,” anh nói, “Tôi sẽ ra ngoài kia và hạ gục chúng!” Huấn luyện viên đã giúp anh biến sự thất vọng thành giận dữ và sự giận dữ kích thích anh ra sân và tập trung vào những gì sắp làm, sẵn sàng làm tốt nhất có thể. Cơn giận có thể khá phù hợp trong bối cảnh một trận đấu bóng đá.
Tức giận hoặc khó chịu mang lại cho chúng ta một số suy nghĩ và hành động cụ thể. Với mỗi cảm xúc phổ biến dưới đây, chúng ta sẽ thấy nhiều cách khác nhau khuyến khích chúng ta có những hành vi hoặc nhiệm vụ cụ thể. Cả những cảm xúc tích cực và tiêu cực đều có ích. Nhưng hãy bắt đầu với những cảm xúc tiêu cực, bởi chúng dễ gây ngạc nhiên cho mọi người nhiều nhất.
Tức giận
Tức giận là một trong những cảm xúc tiêu cực hiếm hoi chi phối hành vi theo hướng tiếp cận. Hành vi theo hướng tiếp cận ám chỉ các hành động khuyến khích chúng ta tiếp cận một người, một đối tượng hay một ý tưởng nào đó.
Thông thường khi bạn tiếp cận những điều tích cực, sự giận dữ sẽ không có phần trong đó. Ví dụ, nếu nghĩ về kẹo mềm sô-cô-la đen ngon thế nào, bạn chắc sẽ có ngay động lực phải tìm lấy một cái và chén nó. Trong trường hợp đó, bạn định hướng hành động về việc tìm kiếm sô-cô-la.
Tuy nhiên, đôi khi chúng ta sẽ tiếp cận thứ gì đó dù không mấy dễ chịu. Đó là khi sự tức giận có thể trở nên có ích. Ví dụ, một chủ cửa hàng cân nhắc đến việc tăng giá một số sản phẩm để tăng lợi nhuận. Nhưng nếu làm vậy, cô ấy sẽ gặp rủi ro về việc vi phạm niềm tin mà cô ấy đang xây dựng với khách hàng của mình. Cô sợ việc tăng giá sẽ khiến khách hàng có những phản ứng tiêu cực. Việc kích thích sự giận dữ thay vì sợ hãi sẽ giúp cô dấn bước để đạt được những gì cô muốn – tăng lợi nhuận – dù có thể khách hàng sẽ không mấy hài lòng trong giai đoạn điều chỉnh giá.
Vậy làm thế nào mà cô ấy có thể nổi giận như mong muốn? Khi tôi huấn luyện một người nào đó điều tiết cảm xúc, họ thường muốn kiểm soát tốt hơn sự tức giận của mình thay vì khơi gợi nó ra. Nhưng mọi thứ đều có thời điểm và vị trí của nó – thậm chí cả các cảm xúc tiêu cực. Chủ cửa hàng có thể nhận ra khi nào cô ấy tức giận và sử dụng nó như khoảnh khắc tuyệt vời để cân nhắc các lựa chọn về giá. Hoặc không, cô ấy có thể điều chỉnh lại tình trạng của mình. Ví dụ, cô ấy có thể do dự rằng thật không công bằng khi tiềm năng lợi nhuận của cô ấy bị chi phối bởi nhu cầu bất chợt của người tiêu dùng, những người không hiểu giá trị của các sản phẩm mà cô ấy cung cấp.
Lần tới, khi không dám chấp nhận rủi ro dù biết đó là việc nên làm, hãy nên tức giận một chút. Như một người cố vấn dày dạn kinh nghiệm của tôi giải thích, đôi lúc, động lực lớn nhất khiến ta có thể đối mặt với thách thức là khi một người có quyền lực nào đó cho rằng họ sẽ không bao giờ có thể vượt qua được thử thách đó. Với sự phẫn nộ, họ ngay lập tức sẵn sàng để chứng minh rằng người kia đã sai. (Tất nhiên, tôi không khuyến khích người nắm quyền nói những điều như vậy với những người mà họ chịu trách nhiệm quản lý hoặc giám sát.)
Nỗi buồn
Nỗi buồn mang lại vài ảnh hưởng đáng ngạc nhiên. Khi cảm thấy buồn, chúng ta có xu hướng ít thiên vị trong việc ra quyết định hơn – nghĩ chậm hơn và có chủ tâm về người mà ta có thể tin tưởng chẳng hạn. Chúng ta cũng có thể hành động công bằng và ít ích kỷ hơn. Hơn nữa, chúng ta đang hoài nghi một cách lành mạnh, tránh được việc quá cả tin. Và, chúng ta có thiên hướng nỗ lực khiến một thông điệp có sức thuyết phục hơn. Tóm lại, có vẻ như khi cần suy nghĩ chậm lại, chu đáo và chín chắn hơn, nỗi buồn có thể trở thành một nguồn lực thực sự.
Vì vậy, nếu đang nghe đến đoạn kết của một bài thuyết trình bán hàng, có thể bạn sẽ thấy nhớ chú chó thời thơ ấu của mình thế nào. Và ngược lại, nếu đang cảm thấy cực kỳ hạnh phúc, bạn có nghe một bài trình bày bán hàng và sử dụng cảm xúc tích cực về điều gì đó thay thế – như là làm công việc sáng tạo của mình chẳng hạn.
Sự lo lắng
Cha tôi là một bác sĩ tâm lý. Khi còn bé, tôi thật may mắn vì có thể nói chuyện với ông mỗi khi lo lắng về một thách thức lớn nào đó sắp diễn ra. Ông giải thích cho tôi rằng sự lo âu đó và sự sẵn sàng về mặt sinh lý là gần giống nhau. Sự lo lắng là một cách kích thích chúng ta cảnh giác cao độ hơn và sẵn sàng ứng phó với bất cứ điều gì có thể xảy đến.
Sẽ có những lúc, bạn cần cảnh giác cao độ và sẵn sàng phản ứng – ví dụ như trong một bài thuyết trình, cuộc họp mà bạn chủ trì hoặc trong một cuộc gọi bán hàng mà bạn cần thuyết phục được khách hàng. Nếu không biết sự lo âu có thể mang lại gì cho chúng ta theo hướng tích cực, bạn sẽ rất dễ nản lòng; nhưng khi hiểu được lợi ích của nó, bạn có thể sẽ thấy biết ơn nó.
Lần tới, nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy tự nhủ rằng: “Không, tôi không lo lắng. Tôi chỉ đang cảnh giác và sẵn sàng phản ứng mà thôi.”
Ở mức độ nào đó, bằng chứng khoa học cũng chỉ ra cho chúng ta thấy được giá trị của sự lo lắng – ít nhất là hành vi của chúng ta đã chứng minh điều đó. Một loạt các nghiên cứu cho thấy, một số người thích cảm thấy lo lắng khi họ sắp phải xử lý một việc khó khăn và họ thường làm tốt hơn khi lo lắng. Có vẻ như Beyoncé sẽ hát tốt hơn bằng cách này trước khi lên sân khấu.
***
TẤT CẢ PHẦN CHIA SẺ về giá trị của những cảm xúc tiêu cực này có thể mang lại cảm giác như thể tôi đang khuyến khích bạn có những cảm xúc tệ hại. Tất nhiên, không phải vậy. Như bạn có thể kỳ vọng, cảm xúc tích cực cũng có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu suất làm việc của chúng ta.
Cảm giác thoải mái đặc biệt hữu ích cho việc đưa ra những ý tưởng mới, sáng tạo, ít phê phán khi quyết định và quyết định nhanh chóng. Và các cảm xúc tích cực có thể dẫn đến sự hợp tác dễ dàng hơn, có lẽ là thông qua các kỳ vọng tích cực mà chúng mang lại. Nghiên cứu thường không chỉ ra được cụ thể những cảm xúc tích cực ấy có ảnh hưởng gì. Nhưng tôi tin rằng những cảm xúc tích cực – như hạnh phúc, vui vẻ, thoải mái, hoặc những cảm xúc tốt nói chung – ảnh hưởng tích cực đến hiệu suất của chúng ta.
Nếu muốn dễ dàng buông bỏ những việc không quan trọng – nhìn chung dưới góc độ ít phán xét hơn – thì một tâm trạng tích cực có thể mang lại hiệu quả. Nếu đã đến lúc sáng tạo, tôi khuyên bạn nên có cảm xúc tích cực trước tiên. Khi cần đưa ra quyết định nhanh chóng và không có thời gian để suy nghĩ nhiều, hãy xem bạn có thể thực hiện chúng với một tâm trạng tích cực không.
Hãy thử cách này: nhắm mắt lại và nhớ đến một điều gì đó khiến bạn vui vẻ – một chương trình truyền hình yêu thích, tán gẫu với bạn bè, thư giãn một vài phút với một cuốn sách, tập thể dục, mơ mộng về thứ gì đó mà bạn muốn, nghĩ đến tình dục, hoặc đơn giản chỉ là cười sảng khoái. Nhớ đến điều gì đó tích cực về mặt cảm xúc sẽ mang lại cảm xúc tích cực. Rõ ràng, việc thực hiện những việc này khiến bạn vui vẻ và chúng thực sự hiệu quả đấy chứ!
***
Thông qua việc làm việc với những người vui vẻ và có hiệu suất làm việc cao, cũng như thông qua nghiên cứu về khoa học thần kinh và tâm lý, tiến sĩ Josh Davis đã viết nên cuốn sách “Mỗi ngày hai giờ hiệu quả” giúp bạn khám phá nhiều điều về thời điểm và cách thức chúng ta có được năng lượng tinh thần ở mức độ cao.
Hai giờ là độ dài thời gian vừa có thể đạt được vừa hiệu quả để thực hiện những việc quan trọng nhất mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng thời gian bao nhiêu không quan trọng. Khi nắm rõ những chiến lược mà Josh Davis cung cấp, bạn hoàn toàn có thể khoanh vùng thời gian hiệu quả tùy thuộc vào nhu cầu của bạn.
Trạm mời các bạn tìm đọc./.