Suốt bao năm qua, liên tục có các cuộc thảo luận liệu “Nhà giả kim”, cuốn sách bán được hơn 150 triệu bản, dịch ra 80 thứ tiếng, đã được đánh giá cao, thổi phồng giá trị hay không?
Nhà giả kim của Paulo Coelho là một trong 9 cuốn sách bán được hơn 100 triệu bản kể từ khi phát hành. Tác phẩm lập Kỷ lục Guinness Thế giới cho sách được dịch nhiều nhất của một tác giả còn sống (67 thứ tiếng, tính đến năm 2009), hiện giờ tổng số ngôn ngữ đã lên tới 80.
Bản thân Coelho cũng bất ngờ khi “đứa con cưng” của mình bán chạy tới vậy. Nhà văn chia sẻ: “Thật khó để giải thích tại sao. Tôi nghĩ rằng bạn sẽ có 10.000 lời bào chữa cho thất bại nhưng không có lời giải thích hợp lý nào cho sự thành công”.
Từ cuốn sách bị bỏ rơi tới ngôi vị toàn cầu
Coelho viết Nhà giả kim chỉ trong hai tuần vào năm 1987. Ông giải thích có thể sáng tác thần tốc như vậy vì “câu chuyện đã được viết sẵn trong tâm hồn”.
Nhưng chặng đường đến với độc giả lại không hề suôn sẻ.
Sách được Rocco, nhà xuất bản ít người biết đến của Brazil, phát hành. Họ chỉ in 900 bản vì nghĩ rằng không thể bán nhiều hơn. Sau đó, bản quyền được trả lại cho Coelho.
Cảm thấy phải “chữa lành” bản thân sau thất bại này, Coelho cùng vợ rời Rio de Janeiro bắt đầu 40 ngày du ngoạn ở sa mạc Mojave (Mỹ). Khi trở về, ông quyết định tiếp tục đấu tranh với niềm tin đây là một cuốn sách tuyệt vời và bắt đầu gõ cửa từng nhà xuất bản.
Trong lời tựa viết vào năm 2014, Coelho giải thích hoàn cảnh bản thân sau khi nhà xuất bản bỏ rơi Nhà giả kim: “Tôi 41 tuổi và tuyệt vọng. Nhưng chưa bao giờ mất niềm tin vào cuốn sách hay dao động. Tại sao? Bởi vì tôi ở trong đó, tất cả con người tôi, trái tim và linh hồn”.
Nhà xuất bản thứ hai nhận lời in sách và bán thêm được vài nghìn bản.
Tám tháng sau, một du khách người Mỹ đọc sách và muốn giúp Coelho tìm nhà xuất bản ở Mỹ. HarperCollins đã đảm nhận dự án. “Để được xuất bản ở hơn 100 quốc gia, cuốn sách phải in ở ngôn ngữ có thể đọc được ở Thái Lan hoặc Litva”, Coelho giải thích.
Nhà giả kim đã có hơn 300 tuần nằm trong danh sách Sách bán chạy nhất của New York Times. Bản dịch tiếng Pháp năm 1994 cũng là cú hích tương tự. Tác phẩm dần lan rộng khắp phần còn lại của châu Âu, đạt được thành công lớn ở mỗi thị trường mới.
Thổi phồng giá trị?
Bài học chính từ Nhà giả kim là mọi người nên theo đuổi ước mơ của mình, không để những hạn chế hàng ngày cản trở. Câu viết được trích dẫn nhiều nhất: “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được” là triết lý cốt lõi.
Truyện kể về Santiago, chàng chăn cừu trẻ tuổi người Andalusia. Cậu được truyền cảm hứng từ giấc mơ về “Huyền thoại cá nhân” và quyết định từ bỏ cuộc sống quen thuộc, bán đàn cừu để du hành đến các kim tự tháp Ai Cập tìm kho báu.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều trở ngại như mất hết tiền (ba lần) và vô tình tham gia vào cuộc chiến giữa các bộ tộc, Santiago quyết tâm vượt qua tất cả. Cậu khám phá “kho báu” tinh thần trong những trải nghiệm mới cũng như mối tình lãng mạn chớm nở với cô gái ở ốc đảo. Cuối cùng, cậu tìm thấy vàng ở gốc cây nơi quê nhà, bởi vì “trái tim bạn ở đâu, bạn sẽ tìm thấy kho báu của mình ở đó”.
Người dẫn chương trình nổi tiếng Oprah Winfrey là một trong những fan nhiệt thành của Nhà giả kim. Sau khi ca sĩ Madonna không ngừng giới thiệu, Oprah nghĩ: “Chà, mình phải đọc cuốn sách thay đổi cuộc đời Madonna”.
Và khi nghiền ngẫm xong, Oprah xúc động đến nỗi khẳng định rằng: “Đó là cuốn sách bạn muốn chia sẻ với cả thế giới”. Bà coi Coelho là một người thầy vĩ đại, để Nhà giả kim cạnh giường. Nhiều người nổi tiếng như Tổng thống Bill Clinton, diễn viên Will Smith cũng dành lời khen ngợi cho tác phẩm.
Cuốn sách được nhiều người yêu thích vì đó là một câu chuyện đơn giản đưa tới những bài học quan trọng trong cuộc sống. Tất cả độc giả có thể liên hệ với chính họ.
Thế nhưng, số lượng người đánh giá thấp tác phẩm cũng không hề nhỏ. Suốt bao năm qua, liên tục có các cuộc thảo luận liệu Nhà giả kim được đánh giá quá cao, thổi phồng giá trị hay không?
Theo Stanford Daily, tác phẩm không có chiều sâu, không một nhân vật nào có đấu tranh nội tâm. Nhân vật chính không phải mang gánh nặng nào kéo dài hơn một vài trang giấy. Cậu giải quyết các vấn đề của mình nhờ sự can thiệp của vị vua già, những viên đá ma thuật, khả năng tiên tri, nhà giả kim và sự may mắn tuyệt đối.
Tờ New York Times nhận xét Nhà giả kim là “một cuốn sách self-help hơn là tác phẩm văn học”. Các trang viết quá nhiều câu triết lý để đóng khung treo tường.
Song với các fan của Coelho, đó lại chính là điểm khiến họ yêu thích tác phẩm hơn. Bởi vậy, bạn vẫn thấy những câu văn quen thuộc được trích dẫn khắp nơi:
– Chỉ có một lý do khiến giấc mơ không thể trở thành sự thực: đó là nỗi sợ thất bại.
– Những thứ vào miệng con người không độc hại xấu xa. Xấu xa, độc hại là những thứ từ miệng họ tuôn ra.
– Hãy tha thứ, nhưng đừng cố quên, nếu không bạn sẽ bị tổn thương một lần nữa. Tha thứ sẽ thay đổi thế giới quan. Lãng quên sẽ mất đi bài học.
–Theo Zingnews