Thời kỳ Trung Cổ, chiến tranh xảy ra khá thường xuyên, mỗi người đàn ông sinh sống trong lãnh địa phong kiến dù là nông dân tự do, thợ thủ công, hiệp sỹ hay lãnh chúa cao quý đều sẽ phải tham gia chiến sự vào một thời điểm nhất định nào đó. Để tham gia chiến tranh, việc trang bị các công cụ cần thiết là rất quan trọng. Vậy làm thế nào để một người sinh sống vào thời Trung cổ có thể trang bị những thứ cần thiết để giúp anh ta sống sót qua trận chiến.
- Trang bị cần thiết
Trước tiên, chúng ta cần biết những trang bị nào là cần thiết để trang bị cho một người đàn ông khi anh ta ra trận. Theo trí tưởng tượng thông thường, trang bị khá đơn giản, bao gồm vũ khí và giáp trụ, với kỵ binh thì có thêm ngựa cưỡi….. Thực tế trang bị của 1 chiến binh sẽ phức tạp hơn thế một chút bao gồm những vật dụng để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của người lính trong doanh trại, lương thực, thuốc men, công cụ để sửa chữa, may vá quần áo, bảo dưỡng vũ khí, giáp trụ, công cụ khác dùng để cắm trại v.v….. Theo các ghi chép còn sót lại, chi phí lớn nhất của mỗi người lính sẽ là dành cho vũ khí và giáp trụ
A. Vũ khí
Vũ khí là vật dụng vô cùng quan trọng đối với người lính khi tham gia chiến tranh. Thứ đầu tiên một người cần phải trang bị khi nhận được lời kêu gọi tham chiến, chính là vũ khí. Một lính nông dân bình thường sẽ mang theo một cây giáo và lá chắn ra chiến trường. Theo các tài liệu ghi chép lại từ thời Trung Cổ, 1 trang bị cơ bản như vậy sẽ tốn của người lính 2 shiling tức là 24 pence.
Theo ghi chép từ Kho vũ khí của Tháp London, một thanh kiếm, hoặc một cây thương giá rẻ nhất là 1-2 shilling tức là 12-24 pence. Những thanh kiếm có chất lượng hơn hơn có giá khoảng từ 7 – 20 shiling. Những thanh kiếm dành cho các quý tộc được rèn từ những xưởng vũ khí nổi tiếng và được chạm khắc tinh xảo có giá còn đắt hơn nữa. Điều này giải thích tại sao, lính nông dân bình thường hiếm khi mang kiếm. Còn một tấm lá chắn loại tốt có thể có giá lên tới 25 shilling.
B. Giáp trụ
Vào thế kỷ 12, một chiếc áo giáp mail loại tốt là 100 shilling tức là 1200 pence. Theo thời gian, khả năng sản xuất tăng cao, nguồn cung trở nên dồi dào hơn, vì vậy giáp trụ và vũ khí cũng dần trở nên rẻ hơn. Đến năm 1360, một chiếc mail rẻ nhất có giá là 16 shilling, một tấm giáp ngực đơn giản có giá là 25 shilling, trong khi một bộ giáp gần hoàn chỉnh bao gồm giáp ngực, phần che đùi và vai sẽ có giá là 80 shilling. Một chiếc mũ giá trung bình là 6 shilling, một đôi giáp cẳng chân cũng có giá là 6 shilling. Một bộ giáp hoàn chỉnh của hiệp sỹ có giá 320 shilling. Bộ giáp của Hoàng tử sứ Wales có giá lên đến 6800 shilling.
Với giá cả như vậy, trong suốt thời Trung cổ, lính nông dân không có nhiều hy vọng trang bị cho mình một bộ áo giáp sắt, phần lớn bọn họ chỉ có giáp lót Gamberson, hoặc tệ hơn là không có giáp. Tỉ lệ mặc giáp đối với dân quân thành thị cao hơn vì người đến từ vùng này có thu nhập tốt hơn.
C. Ngựa
Thời Trung cổ, 1 con ngựa thồ Sumpter rẻ nhất có giá từ 5-10 shilling tức là từ 75 đến 120 pence. Loại ngựa này ko thể dùng cho chiến trận mà chỉ dùng để chuyên chở. Những con ngựa dùng để cưỡi như loại Hackney hoặc Rouncey có giá từ 60 – 200 shilling, tuy vẫn không phải ngựa chiến và ko được dùng trong chiến trận, người lính cũng có thể cưỡi nó ra chiến trường sau đó xuống ngựa và chiến đấu trên bộ. Những người không thể mua được ngựa loại này sẽ phải tự hài lòng với việc cưỡi ngựa thồ ra trận, ví dụ như lính trường cung của Anh, theo ghi chép là có dùng ngựa để di chuyển. Ngựa thuộc giống Coursers, loại thường dùng để đi săn có giá từ 200 shilling trở lên, chỉ những người giàu mới có khả năng mua được ngựa loại này, những người thuộc tầng lớp trung lưu, bình dân dĩ nhiên không bao giờ mơ tới. Một con ngựa chiến thực thụ loại Destriers, được nhân giống và huấn luyện kỹ lưỡng nhằm phục vụ chiến tranh là loại ngựa đắt nhất, tối thiểu có giá là 40 bảng tức là 800 shilling hoặc là 9.600 pence. Đây là loại ngựa chỉ dành cho giới quý tộc, hiệp sỹ giàu có, vì chỉ có họ mới đủ khả năng chi trả cho những con ngựa chiến như vậy. Ví dụ như vào năm 1331, Vua Edward III của Anh từng trả 120 bảng cho 1 con chiến mã. Năm 1377, cháu trai của ông là Richard II cưỡi 1 con ngựa có giá 200 bảng trong lễ đăng quang của mình.
- Thu nhập và chi phí thường nhật thời Trung Cổ.
Với những thông số kể trên, rõ ràng việc trang bị vũ khí và giáp trụ tốt là điều rất khó khăn với người dân thời Trung Cổ. Vì ngoài đối với một người đàn ông sống vào thời kỳ này, ưu tiên đầu tiên là chi phí sinh hoạt hàng ngày, tiền nhà, các nghĩa vụ thuế chứ không phải là vũ khí và giáp trụ.
Thời Trung Cổ là 1 thời kỳ dài, và châu Âu là 1 lục địa khá lớn, vì vậy thu nhập tại các vùng khác nhau trong thời điểm khác nhau sẽ khác nhau. Tuy nhiên, suốt thời Trung cổ, châu Âu không có các đợt lạm phát nào kéo dài, cùng với những ghi chép còn sót lại, các nhà sử học hiện đại có thể ước tính được thu nhập của người dân sống trong thời trung cổ. Thu nhập thời kỳ này rất bất bình đẳng, theo ước tính vào năm 1300, những người làm việc tạp vụ, lái xe bò, người đưa thu có thu nhập thuộc dạng thấp nhất, chỉ 104 pence/năm. Người lao động chân tay có thu nhập 480 pence/năm tức là khoảng 2 pence/ngày (trừ các ngày nghỉ, ko đc nhận lương). Thợ thủ công có tay nghề, ví dụ như thợ da, hay thợ mộc, thợ đá… có thể nhận được 4 – 6 pence/ngày hay là 1280 – 1920 pence/năm. Thợ áo giáp lành nghề đc trả lương rất cao, có thể lên đến 3840 pence/năm. Các vị trí trong giới quý tộc được trả lương rất cao, một hiệp sỹ có thể nhận đc 840 shilling/năm, Một Nam Tước có thể nhận được 4000 shilling/năm…..
Với thu nhập của mình, con người sống trong thời Trung Cổ đều phải chi tiêu để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống hàng ngày, với hầu hết mọi người ở tầng lớp trung lưu và nông dân…việc chi tiền cho những thứ không thuộc nhu cầu thiết yếu là ý tưởng xa vời. Thu nhập của họ sẽ được chi cho những thứ quan trọng để duy trì cuộc sống hàng ngày, phục vụ sản xuất, nhà ở và đóng thuế cho lãnh chúa.
Theo ghi chép về giá cả thị trường tại Anh vào Thế kỷ XIV, một con bò tốt có giá 6-10 shilling, đây là súc vật quan trọng cho hoạt động sản xuất hàng ngày của người nông dân, chi phí cho chúng ko hề rẻ, ngoài chi phí mua băn đầu, chúng còn tốn chi phí chăm sóc, nuôi ăn, chuồng trại….
Chi phí cho lương thực, thực phẩm nhằm nuôi sống gia đình cũng là một khoản chi phí không nhỏ. Bia, loại thức uống phổ biến nhất thời kỳ này có giá 0,75 pence/gallon loại rởm. 2 tá trứng có giá là 1 pence. 2 con gà thịt có giá từ 2-3 pence. 1 miếng thịt xông khói là 15 pence. 1lb đường có giá 18 pence. Bánh mỳ là loại thực phẩm quan trọng nhất trong giai đoạn này nhưng ko có ghi chép nào về giá bánh mỳ, lý do là vì các gia đình chủ yếu mua bột về tự làm bánh, trong những năm bình thường 1 pence có thể mua đc 7 chiếc bánh, trong những năm đói kém hơn 1 pence chỉ mua đc 5 chiếc. Quần áo cũng không rẻ, áo sợi lanh bình thường có giá là 8 pence. Áo tunic đẹp hơn có giá là 36 pence. Ngoài ra còn những chi phí khác cho dầu đèn, than, củi…..
Tiếp theo đó là chi phí cho chỗ ở. Cho dù ở thành thị hay nông thôn, nhà ở đều là vấn đề tốn kém. Người dân thời Trung Cổ có 2 lựa chọn, một là thuê nhà, hai là mua nhà. Nếu như một người có đủ tiền, mua được 1 ngôi nhà luôn là việc hấp dẫn, tuy nhiên, giá nhà thời kỳ này không hẳn là rẻ, và đối với rất nhiều người, việc mua được một ngôi nhà luôn nằm ngoài khả năng. Một ngôi nhà tranh bình thường, loài rẻ nhất trong các loại nhà, cũng có giá 480 pence hay 40 shilling. Một căn nhà thợ thủ công với chỗ làm việc, cửa hàng sẽ có giá 250 shilling. Nhà lát gạch có kho thóc sẽ có giá khoảng 1600 shilling. Vì giá nhà cao như vậy, nhiều người sẽ chọn phương pháp thuê nhà. Giá thuê 1 căn nhà tranh là 5 shilling/năm. 1 căn nhà có xưởng làm việc và cửa hàng là 20 shilling/năm…….
Những khoản quan trọng khác mà người dân phải chi trả đó là thuế và các khoản phí. Chi phí này ko hề nhỏ, ngoài thuế phải nộp cho lãnh chúa, còn các loại phí khác nộp cho đoàn thể, phí để lấy giấy phép hành nghề v.v…… Ví dụ trong thu nhập của một thợ đá lành nghề vào năm 1360, 23% sẽ được chi trả cho tiền nhà và chỗ ở, 13% chi trả cho nhu cầu hàng ngày, và có tới 64% là chi trả cho các khoản thuế và chi phí giấy phép khác theo tác giả John H.Munro trong nghiên cứu về thu nhập của thợ xây tại miền Nam nước Anh năm 1346.
Với chi phí như vậy, hầu hết mọi người sống trong thời kỳ Trung Cổ khó có đủ tiền để chi trả cho những thứ không thiết yếu. Cuộc sống của con người thời đó rõ ràng là khó khăn hơn thời nay rất nhiều. Vì vậy một chiếc áo giáp mail có giá trị bằng 3 tháng thu nhập không có nghĩa là 1 nông dân cứ làm 3 tháng là có đủ tiền mua 1 chiếc, trừ khi cả gia đình anh ta uống nước lã và hít khí trời trong 3 tháng. Đối với mỗi người ở tầng lớp trung lưu và nông dân, việc tự vũ trang cho bản thân để phục vụ trong các trận chiến có thể tiêu tốn của họ cả 1 gia tài thực sự.
- Cách thức vũ trang thời Trung Cổ
Như đã đề cập ở trên, với chi phí tốn kém như vậy cho vũ khí, giáp trụ, việc vũ trang cho binh lính thời Trung cổ là một hoạt động tốn kém.
Trang bị của người lính trên chiến trường thể hiện đẳng cấp xã hội và độ giàu có của anh ta. Những người không đủ khả năng trang bị những món đồ tốt sẽ phải sử dụng nhưng trang bị kém chất lượng hơn. Trong thời kỳ này, phần lớn lính nông dân sẽ chỉ có thể tự trang bị cho mình mũ bảo hộ, mang theo giáo, khiên với chất lượng thấp và mặc giáp Gamberson hoặc không mặc giáp, thay vì những bộ giáp kín người và những món vũ khí tinh xảo thường thấy của các chiến binh thuộc đẳng cấp cao hơn. Theo thời gian, vũ khí và giáp trụ dần trở nên rẻ hơn do khả năng sản xuất đươc tăng cao cũng như sự xuất hiện của những trang bị mới khiến những trang bị cũ, lỗi mốt trở nên rẻ hơn. Đến những năm 1500, dân quân thông thường đã được trang bị tốt hơn so với dân quân của những giai đoạn trước đó, giáp trở phổ biến hơn, nhưng nhìn chung những trang bị tốt vẫn chỉ dành cho những chiến binh ở đẳng cấp cao. Việc trang bị đồng nhất cho quân đội ở châu Âu vào thời kỳ này là không thể. Vì vậy đối với một người lính thời Trung Cổ, có 4 cách để anh ta có thể nhận được trang bị chiến tranh
A. Thừa kế
Thực tế, thừa kế trang bị vũ khí là cách chủ yếu để một người có thể nhận được các trang bị chiến tranh. Phương pháp này cực kỳ phổ biến trang tầng lớp quý tộc và thậm chí còn xuất hiện cả ở các tầng lớp khác. Trong phim ảnh hay tiểu thuyết, chúng ta thường thấy các nghi lễ hoành tráng, trong đó nhưng thanh kiếm báu, được đặt tên rất kêu, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với lời tuyên thệ hay cái gì đó đại loại như vậy. Thực tế thường nhàm chán hơn rất nhiều, trong đó vũ khí thường và các món tài sản được thừa kế khác được ghi lại trong một danh sách đi cùng với di chúc của người chết, danh sách này sẽ được tuyên bố cùng với di chúc đó. Vì vũ khí cũng là 1 tài sản, và yêu cầu phải được giám sát và chăm nom thường xuyên, trong đó người sở hữu phải bỏ chi phí để bảo dưỡng và sửa chữa ngay cả khi vũ khí này không đươc sử dụng. Một số buổi lễ hoành tráng để trao lại những vũ khí đắt giá cho thế hệ sau đúng là có xảy ra, nhưng chúng chỉ tồn tại trong gia đình hoàng tộc như một minh chứng cho vị trí huyền thoại của quân chủ, trong trường hợp đó vũ khí thường có tên, ví dụ như thanh kiếm của Charlemagne, được dùng trong lễ đăng quang của các vị vua Pháp. Với những chiến binh Trung cổ khác, việc thừa kế vũ khí mang ít ý nghĩa biểu tượng hơn nhiều.
B. Cho vay, cho thuê
Trang bị cũng có thể được trao cho người lính như một món quà tặng hoặc là được mượn từ kho vũ khí. Với các gia đình quý tộc, việc trao tặng vũ khí cũng thường xảy ra, ví dụ như trong dịp cưới xin, kết đồng minh… nhưng trong phần lớn các trường hợp, là khi mà lãnh chúa trao tặng vũ khí cho 1 người hầu cận của mình, có thể là gia binh, hoặc 1 hiệp sỹ. Việc này là để lãnh chúa có thể chắc chắn rằng, lực lượng cá nhân của ông ta được trang bị phù hợp cho nhiệm vụ, đôi khi lãnh chúa có thể tặng cả áo giáp hoặc ngựa cho cấp dưới của mình. Những vũ khí này thường có chất lượng khá ổn. Càng về sau, các lãnh địa và vương quốc càng cố gắng cung cấp cho binh lính của mình một dạng như kiểu đồng phục nào đó, ví dụ như coat of arm để dễ phân biệt.
Trong một vài trường hợp khác, các thương nhân cũng có thể mua và tích trữ một lượng lớn áo giáp và binh khí, ví dụ như năm 1295, có ghi chép về những thương nhân đã tích trữ tổng cộng 4000 giáp mail và 6000 chiến khiên cùng những món đồ khác cho chiến dịch của Pháp.
Không chỉ những người giàu có, các thị trấn và thành thị cũng thường tự xây dựng những kho vũ khí và tích trữ để có thể trang bị cho binh lính của mình trong trường hợp cần thiết, kho vũ khí bao gồm cả giáp trụ, vũ khí cá nhân, cung nỏ, tên các loại. Đây là lý do, binh lính tại các thành thị thường được trang bị tốt hơn những người đến từ vùng nông thôn.
Nhưng thông thường việc tặng hoặc cho vay vũ khí, trang bị sẽ dành cho những người có kinh nghiệm chiến đấu, chứ không phải cho những dân quân ít được huấn luyện và có tinh thần chiến đấu kém.
C. Mua bán
Phương pháp tiếp theo khá phổ biến là mua bán vũ khí. Theo thời gian, quy mô sản xuất vũ khí thời Trung cổ tăng dần, với mạng lưới dày đặc các cơ sở sản xuất vũ khí, thương nhân…. chỉ cần có đủ tiền, các cơ sở sản xuất trang bị chiến tranh sẽ cung ứng được từ các trang bị bình dân như cung, giáo, khiên, đến các trang bị phức tạp hơn như giáp trụ, binh khí với chất lượng cao. Một số quý tộc cũng sở hữu các xưởng sản xuất riêng để sản xuất vũ khí cho lực lượng cá nhân, nhưng các cơ sở sản xuất lớn cũng tồn tại, ví dụ như Milan ở Italy. Giá cả và chất lượng rất đa dạng, vũ khí và trang bị chất lượng thấp có thể được sản xuất với số lượng lớn và rẻ hơn nhưng những vũ khí chất lượng cao được chế tạo tỉ mỉ và tinh xảo sẽ có giá cao hơn nhiều. Xưởng vũ khí của Henry VIII ở Greenwich có hơn 20 thợ và tốn đến 500 bảng/năm để vận hành. Những thợ làm vũ khí và áo giáp lành nghề được trả lương rất cao và là những người rất có giá trị. Bên cạnh trang bị mới, những trang bị cũ cũng được đem ra trao đổi buôn bán, thương nhân có thể đi từ vùng này sang vùng khác, thu mua trang bị cũ để bán lại hoặc chính binh lính có thể bán trang bị cũ của mình vì nhiều lý do khác nhau, những trang bị này có giá rẻ hơn và chất lượng kém hơn.
D. Cướp bóc
Một nguồn quan trọng khác chính là vũ khí và trang bị cướp được trên chiến trường. Việc cướp bóc sau trận đánh trái với nhiều người suy nghĩ, ko phải là những hành vi thực hiện trong hỗn loạn mà là một hoạt động được tổ chức cụ thể và rõ ràng. Mọi thành viên của phe thắng trận đều được chia phần, bao gồm cả lãnh chúa, hiệp sỹ, các chỉ huy và binh lính. Việc cướp bóc chỉ được cho phép khi trận chiến đã kết thúc để ngăn chặn việc phá vỡ hàng ngũ giữa trận chiến (một hành động dễ dẫn đến thất bại). Đồ cướp được sẽ được tập hợp và chia phần. Chỉ huy đội quân sẽ có phần lớn nhất, theo sau đó là các chỉ huy cấp thấp hơn, tiếp theo là binh lính. Đến cuối thời trung cổ, phần chia sau trận chiến thường được ghi rõ trong một văn bản dạng như hợp đồng, điều này có nghĩa là một binh lính thông thường sẽ khó mà giữ những trang bị giá trị cao cho riêng mình. Mọi món đồ cướp được sẽ được tập hợp và chia phần theo quy định, đôi khi phần chia có thể khá lớn, nhưng không có nghĩa là 1 dân quân có thể ngay lập tức lấy được một bộ full plate sau trận đánh như trong mấy game RPG. Đôi khi việc cướp bóc bị hạn chế do lo ngại đối phương tập kích. Như trong trận Agincourt, Henry V ra lệnh cho binh lính chỉ cướp những món đồ dễ dàng mang đi và bỏ lại hầu hết các trang bị nặng do lo ngại quân Pháp có thể tái tổ chức và tấn công thêm lần nữa. Các nhà khảo cổ học tìm thấy hố chôn tập thể của trận Visby năm 1361, trong đó, tất cả binh lính đều được chôn cùng với áo giáp và vũ khí của mình, chứng tỏ là việc cướp bóc đã không xảy ra.
- Kết luận
Như vậy có thể thấy, thời Trung cổ, người lính có nhiều cách để tự trang bị cho mình, đối với những người giàu có, việc này tương đối dễ dàng, nhưng với tầng lớp bình dân, việc tự vũ trang là khá khó khăn. Binh lính được trả theo trang bị và vai trò của mình trong quân đội. Ví dụ, một dân quân bình thường đc trả 2 pence/ngày, trong khi 1 cung thủ, những người được trang bị tốt hơn và có kỹ năng tốt hơn (dù về mặt kỹ thuật vẫn là dân quân) sẽ được trả 6 pence/ngày. Những lính kỵ binh hoặc là men-at-arm sẽ được trả nhiều hơn nữa…. Chiến tranh cũng đem lại thu nhập nếu như bạn may mắn ở bên thắng trận và sống sót đủ lâu để tích trữ một khoản tiền lớn. Ví dụ như trong chiến tranh trăm năm, nhiều cung thủ Anh đã tích trữ được đủ trang bị và tiền để trở thành men-at-arm. Việc này tăng cường đáng kể thu nhập và vị trí xã hội của họ