Hãy học hỏi nghệ thuật chit-chat để mở đường cho sự tương tác sâu sắc, đồng thời củng cố các mối quan hệ cũng như xoa dịu giây phút căng thẳng nhé
Ngày nay việc trò chuyện phiếm lại không được coi trọng này: nhiều người nghĩ rằng nó khá phù phiếm, nhàm chán và vô nghĩa, đặc biệt là đối với nhiều người đi làm trong môi trường doanh nghiệp. Đã bao lần bạn nghe được những câu kiểu “tôi không muốn phí thời gian chit-chat” hoặc “tôi muốn nói thẳng vào trọng tâm luôn” rồi?
Vấn đề là, ta thường coi thường giá trị của trò chuyện phiếm. Dù mang tên gọi như vậy, song nó lại có nhiều công dụng khá quan trọng. Trong cuốn sách Small Talk, Tiến sĩ ngôn ngữ xã hội học Justine Coupland đã nhấn mạnh ý nghĩa của những cuộc đối thoại có vẻ hời hợt ấy:
Trò chuyện phiếm không thể bị coi là thứ tầm thường hay thứ yếu. Ấy là công cụ để chúng ta xây dựng mối quan hệ giữa mọi người. Đây là một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn tới những tương tác đang và sẽ diễn ra.
Vì thế, trong tuần này, thông điệp của tôi tập trung vào sức mạnh của trò chuyện phiếm và cách để bạn cải thiện kỹ năng này.
Theo lời giáo sư Nicholas Epley tại đại học Chicago, việc kết nối với mọi người thông qua những thú vui xã hội thực sự có thể cải thiện sức khỏe cũng như mang lại hạnh phúc cho bạn. Trong một nghiên cứu được thực hiện tại tuyến đường sắt Metra Chicago, ông nhận thấy rằng việc bắt chuyện với một người đồng hành sẽ khiến chuyến đi thú vị hơn với hành khách – dù đó là người hướng nội hay hướng ngoại. Theo lời Epley:
Ta có thể cải thiện được hạnh phúc của chính mình cũng như những người khác chỉ đơn giản nhờ tương tác xã hội với người lạ, thay vì chọn sự tách biệt.
Trò chuyện phiếm mang lại nhiều lợi ích khác nữa:
1. Cực kỳ thư giãn nhé
Trong bài báo Americans are Terrible at Small Talk của mình, tác giả người Ai-len Maeve Higgins than thở rằng việc nói chuyện đùa vu vơ đã bị mai một ở quốc gia mình mới chuyển tới. Tại đó, người ta thích đi thẳng vào “trọng tâm” hơn. Higgins giải thích rằng, trò chuyện về những điều bình thường cho phép bạn được hít thở và thư giãn cùng với người kia. Khi bắt đầu một mẩu đối thoại như vậy, họ sẽ biết rằng bạn cực kỳ thân thiện và thích họ mà không cần phải đưa ra một cuộc thảo luận căng thẳng với họ.
2. Dễ thôi mà
Với ai có nhiều bất an về xã hội, hoặc chỉ đơn thuần là nhút nhát thôi thì, trò chuyện phiếm thực sự là một món quà đó. Bạn không cần phải đi thẳng vào những chủ đề quá nghiêm túc và lo lắng coi sẽ nói gì tiếp theo. Bạn chỉ cần một câu chào, tiếp theo là một lời nhận xét về thời tiết hay ẩm thực mà thôi. Từ đó, áp lực sẽ tan biến, và bạn có thể bước ra khỏi lớp vỏ bọc an toàn của mình. Kể cả bạn không vụng về khi giao tiếp, hãy cứ nhớ rằng rất nhiều người gặp tình trạng đó đấy. Mong muốn được cởi mở của bạn có thể khiến tình hình trở nên thoải mái, thậm chí là thú vị hơn nhiều đối với họ.
3. Góp phần tạo nên trò chuyện nghiêm túc
Trò chuyện phiếm là nền tảng cho cuộc đối thoại sâu sắc hơn. Sau khi đã kết nối qua những thứ nhỏ bé, bạn sẽ thoải mái chia sẻ về những điều lớn lao. Hãy thử tưởng tượng chuyện mới gặp ai lần đầu và cố gắng tìm hiểu về ước mơ mà họ ấp ủ hay nỗi sợ được giấu kín coi! Một cuộc trò chuyện bình thường sẽ mở lối cho những tương tác đầy ý nghĩa kế tiếp – nếu như đó là lựa chọn của bạn.
4. Củng cố các mối quan hệ
Bạn có thể cho đó là chuyện vớ vẩn, nhưng trò chuyện phiếm là thứ kết nối mọi người với nhau hằng ngày. Cứ thử nghĩ tới gia đình và bạn bè của mình đi. Dù có lúc bạn nói về những vấn đề nghiêm túc với họ, song phần lớn điều bạn nói hằng ngày chỉ là về những thứ kiểu như bữa trưa ăn gì, tắc đường khi về nhà, gặp lại hàng xóm cũ, vv. Chia sẻ đồng thời lắng nghe về những chi tiết nhỏ nhặt ấy là một phần lớn thúc đẩy các mối quan hệ của bạn. Vì thế, tại sao ở nơi làm việc lại giới hạn ở mức “chỉ có công chuyện” thôi?
Khi là một người chỉ huy, trung tâm công việc của bạn chính là mối quan hệ với mọi người – và trò chuyện phiếm chính là cách để củng cố sự gắn bó khăng khít đó. Khi hỏi một thành viên trong team xem kỳ nghỉ vừa rồi của họ thế nào hoặc trận đấu họ thích tối qua ra sao, bạn đang thể hiện rất tốt hai điều: bạn quan tâm tới cuộc sống của họ ở bên ngoài công ty, và bạn để ý tới những gì họ nói với bạn.
Ngoài ra, khi bạn kể một vài chi tiết về bản thân, bạn sẽ cho những người đồng nghiệp thấy được thêm về mình – từ đó họ sẽ kết nối với bạn tốt hơn một chút.
5. Xoa dịu những giây phút khó khăn
Trong bài báo The Social Value of Small Talk, Mimi O’ Connor đã mô tả cách mà trò chuyện phiếm giúp bạn trong những lúc căng thẳng:
Lời hỏi thăm của bác sĩ về gia đình hay đội bóng ưa thích của bệnh nhân có thể giúp giảm căng thẳng trước lúc khám bệnh… Sau khi tranh luận nảy lửa, trò chuyện phiếm giúp mọi người giảm căng thẳng, từ đó trao đổi một cách tự nhiên hơn. Nó có thể giúp ta có thời gian nghỉ ngơi quý báu, thoát khỏi những căng thẳng tích tụ cũng như những vấn đề chưa được giải quyết.
Dù theo cách nào đi nữa, trò chuyện phiếm đóng vai trò quan trnọg trong việc tạo dựng, củng cố các mối quan hệ. Nhiều người làm việc này khá dễ dàng, song có người lại khổ sở vì nó đấy nhé. Đây là 4 cách để bạn có thể tăng khả năng trò chuyện phiếm của mình này:
1. Tiết lộ những chi tiết thú vị
Bạn có thể kiệm lời nếu muốn, nhưng nghệ thuật chit-chat sẽ đòi hỏi bạn phải cố gắng hơn một chút. Ví du, khi ai đó hỏi về cuối tuần vừa rồi của bạn, bạn có thể trả lời theo hai cách: đơn giản là “Khá tốt đấy”, hoặc đi vào chi tiết, kiểu “Rất tuyệt luôn nhé. Chúng tôi đi picnic ở một công viên mới. Có rất nhiều thứ hay ho ở đấy, lũ trẻ nhà tôi thích chơi đĩa ném đấy”
Cách trả lời đầu tiên không tiết lộ nhiều điều và sẽ làm cuộc đối thoại ngắt quãng. Cách thứ hai cho người nghe biết nhiều hơn (địa điểm công cộng, hoạt động ngoài trời, trẻ con, thiên nhiên) và kéo dài cuộc trò chuyện. Hãy cố kể thêm một chút, từ đó bạn sẽ giúp người khác tìm được điểm chung với mình hơn.
2. Đặt ra những câu hỏi hay
Đặt đúng câu hỏi sẽ giúp cuộc nói chuyện trôi chảy hơn. Kỹ năng này đặc biệt quan trọng nếu bạn không thấy thoải mái khi nói về bản thân mình (ờ, đấy là lý do đám hướng nội cực giỏi trò này đấy). Hãy tránh những câu hỏi cụt có thể được trả lời bằng “có” hoặc “không” đồng thời cố đưa ra những câu hỏi gợi mở nhé. Ví dụ, thay vì hỏi “bạn tới Campuchia” chưa, hãy thử nói “chuyến du lịch nào khiến bạn thích thú?”.
Hãy chú tâm lắng nghe họ, từ đó bạn có thể trả lời một cách tương ứng và đặt ra những câu hỏi tiếp theo. Nhớ nhé, bạn cần giữ cân bằng giữa việc đặt câu hỏi và nói lên suy nghĩ của mình. Hỏi nhiều quá khiến người ta có cảm giác đang bị thẩm vấn, còn kể nhiều quá dễ khiến bạn trong giống người ái kỷ lắm.
3. Hãy suy nghĩ trước nhé
Bạn có từng thấy mình bị bí lời tại những buổi tiệc của cơ quan hay những sự kiện xã hội và phải khổ sở nghĩ xem nên nói gì chưa? Vài phút chuẩn bị sẽ giúp bạn tự tin hơn nhiều đấy. Trong một cuộc phỏng vấn với GoodPractice, Debra Fine, tác giả cuốn The Fine Art of Small Talk, khuyên ta chuẩn bị ba thứ để bắt đầu cuộc đối thoại trước khi nhập cuộc:
Tiệc tùng, họp hành, hội thảo… Tôi sẽ không tham gia khi chưa có ba điều để nói trong đầu mình.
Đừng nói gì khi đang suy nghĩ về ý tưởng. Đối với một sự kiện xã hội khu vực gần mình, bạn có thể nói về các tin tức hay sự kiện của thành phố để mở đầu (song hãy cố tránh xa các chủ đề gây tranh cãi, như chính trị chẳng hạn). Tại một hội nghị quốc tế, bạn có thể nhắc tới một bài báo hay về chuyên ngành của mình hoặc chia sẻ một kỷ niệm thú vị từ hành trình của mình. Fine cũng thường luyện tập để trả lời các câu hỏi rất thường như “Bạn làm việc gì?” hay “Bạn thế nào?” Hãy cố gắng bỏ những câu trả lời cục ngủn, nhạt nhẽo để có cách phản hồi thú vị hơn nhé. Ví dụ, khi mô tả công việc của mình, bạn có thể nói về dự án mình đang làm không?
4. Hãy để ý tới các dấu hiệu
Trò chuyện phiếm chỉ hiệu quả khi cả hai người cùng cảm thấy vui thôi, vì thế hãy chú ý tới phản ứng của người nghe nhé. Nếu họ thấy khó chịu, bí bách, thử đổi chủ đề xem. Họ bồn chồn hay cố ý im lặng ư? Đến lúc kết thúc rồi đấy. Nếu cả hai cùng cảm thấy thú vị và mọi thứ diễn ra trôi chảy, hãy cứ tiếp tục và tận hưởng nhé.
Trong bài báo đăng trên Forbes của mình là An Introvert’s Guide to Small Talk, Christina Park đã tổng kết lại giá trị rất hay của trò chuyện phiếm:
Thay vì đắm chìm với những suy nghĩ tiêu cực (“Mình dở ẹc khoản này”, “Mình ghét chuyện phiếm”, hay “lúc nào thì về được giờ?”), hãy nhớ rằng trò chuyện phiếm không phải thứ phù phiếm đâu nhé. Nó sẽ giúp bạn đạt được những mục đích quan trọng như tạo dựng nền tảng cho cuộc trò chuyện nghiêm túc thực sự cũng như các mối quan hệ sâu sắc trong tương lai. Hãy coi đó là món khai vị nhẹ trước khi tới món chính nhé, và hãy tiếp cận nó theo các cách thức mới mẻ ấy.
Theo: Vũ Cường