Một cô gái trẻ rong ruổi theo từng chuyến xe tổ chức hội chợ, tiếp xúc với những phận người, đa cảm với cuộc sống đằng sau ánh đèn sân khấu, chịu nhiều tổn thương mất mát ngay khi đang ở ngưỡng cửa 20, tuổi lẽ ra là thanh xuân đẹp đẽ nhất của cuộc đời.
Nỗi cô đơn vây chặt lấy tuổi trẻ
Huyên, nhân vật chính của câu chuyện, 21 tuổi, có một cuộc sống không hề yên ả hệt như những chuyến xe lắc lư của đoàn tổ chức hội chợ rong ruổi về các miền quê xa. Cô lấy sàn xe là giường, thùng xe là nhà, nhiều khi còn phải chia sẻ chiếc thùng xe ấy cho mẹ và bác Khiêm, người tình của mẹ.
Huyên đã có một tuổi thơ êm đềm ở một thị trấn miền biển xinh đẹp, với một người bố cưng chiều cô hết mực, một người mẹ xinh đẹp luôn khiến cô tự hào. Những tưởng cuộc đời của cô gái nhỏ cứ thế trôi qua trong bình lặng và những hồi ức thật đẹp đẽ, nhưng rồi biến cố cuộc đời cô ập đến, đứa em trai mà cô yêu thương nhất, niềm hi vọng của bố, nỗ lực hàn gắn gia đình của mẹ, đã ra đi theo cơn bão dữ.
Tuổi 18 khi chỉ còn chưa đến nửa năm nữa là tốt nghiệp Trung học phổ thông, rồi vào đại học, một tương lai sán lạn như vốn lẽ ra phải thế, Huyên lại bỏ tất cả để trốn chạy theo người mẹ mê ánh đèn sân khấu. Vì cô sợ hãi căn nhà giờ không còn hình bóng của gia đình yêu thương. Hành trang cô gái trẻ mang theo là cuốn sách duy nhất cô đọc đến rã mòn, lót dạ qua ngày bằng những hộp cơm tạm bợ, bầu bạn là mấy con voọc diễn xiếc ở hội chợ, những người bạn trầm lặng, biết lắng nghe và chia sẻ.
Huyên sống chênh vênh như thế, không khát vọng, không yêu thương, không chờ đợi, cuộc sống quen thuộc đến nỗi cô không còn thèm muốn chiếc giường nệm êm ấm nơi góc nhà ngày xưa nữa. Quá khứ tổn thương, tương lai vô định, con tim trống rỗng, nỗi cô đơn vây chặt lấy cô gái trẻ, buồn bã và hắt hiu như ánh đèn vàng vọt phát từ máy nổ chiếu lên màn mưa xiên lạnh lùng.
Những mảnh đời bị đẩy ra bên rìa cuộc sống
Cùng với Huyên, cây bút trẻ Phạm Thu Hà còn khắc họa trong “Qua những ngày mưa” những phận đời buồn. Một cô “pê đê” tên Thanh chuyển giới đã qua thời nhan sắc, bình thản đối mặt với ánh nhìn khinh rẻ. Một bác Hùy thọt trở về sau chiến trận với cái chân tật nguyền và mặc cảm mình là người thừa thãi, tìm niềm vui với mấy con thú nhỏ. Một người phụ nữ phụ việc lặt vặt trong đoàn, có đôi chân vòng kiềng, bộ răng hô và lời buộc tội nhan sắc là kẻ thù làm nên cuộc đời đau khổ của mình. Còn là người mẹ của Khuyên, người phụ nữ đã quá cô đơn trong chính ngôi nhà của mình mà sa ngã, bị chồng ruồng bỏ, bị ánh đèn sân khấu hấp dẫn và thật vô tâm với những nỗi niềm của đứa con gái mới lớn.
Tất cả bọn họ, bằng cách này hay cách khác, đều là những số phận bất hạnh bị đẩy ra bên rìa cuộc sống, cam chịu chấp nhận một cuộc đời không có được bữa cơm nhà với gạo tám thơm, thứ đơn giản mà Huyên thèm muốn nhưng hoài vẫn không có được. Tình yêu đối với họ, thứ mà họ vẫn luôn không ngừng khao khát, cũng thật qua loa, thật trần trụi, thật dung tục và tàn nhẫn như chính cuộc đời mà họ đang tồn tại, không mục đích, vô định trôi theo những chuyến xe.
Những trang viết tinh tế, lắng đọng nhiều cảm xúc
Hãy lần giở những trang sách “Qua những ngày mưa” để nghe tác giả thủ thỉ kể câu chuyện buồn bằng một giọng văn thật dịu dàng. Đôi khi, bạn sẽ phải chớp mắt vài giây cho khỏa lấp cơn xúc động đang dâng lên trong mắt. Bạn cũng sẽ thấy miền Thoọc Phưa, một thị trấn nhỏ ở miền Tây Yên Bái đẹp mê hồn trong sắc tím của hoa ban, sắc đỏ của vầng dương sắp lặn, sắc xanh của đồi núi trập trùng. Thị trấn miền biển trong ký ức ngọt ngào của Huyên cũng được tác giả khắc họa thật êm ả: “Yên ắng trong một con hẻm kè đá, hoa đồng nội vàng cam nở khắp dọc đường, mùa nào cũng nở, bầu trời thì trong mà cây cối thì xanh ngắt, xanh chẳng kém núi rừng, tràn ngập màu sắc, tràn ngập ánh sáng”…
Tất cả những bình yên ấy khiến Huyên cồn cào trong những ký ức ngọt ngào của quá khứ, nhưng có lẽ cũng phần nào chữa lành cho tâm hồn rạn vỡ sau những tổn thương của cô. Cuối cùng, chính cô chứ không ai khác, tìm ra được cách sưởi ấm cho con tim băng giá của mình, chịu đối diện với chính mình, tập tha thứ cho mình và cho người lớn để có thể bắt đầu lại.
Không có gì là quá muộn, vì sau những ngày mưa, trời sẽ sáng trong.
Đôi nét về tác giả:
Phạm Thu Hà – Sinh ngày 06/06 tại Yên Bái, hiện đang học tại khoa Viết văn – Báo chí Đại học Văn Hóa Hà Nội.
“Đối với tôi, viết là cách sống lại những kí ức từng có, hiểu những chuyện chưa từng hiểu. Đó là một hành trình hết sức mỏi mệt vì nhớ lại chuyện vui thì tiếc nuối, mà về với chuyện buồn thì nỗi đau vẫn còn tươi mới trong lồng ngực. Viết xong rồi, tôi không hi vọng nhiều, chỉ mong Sau những ngày mưa, vào một giây phút bất chợt nào đó, có thể gợi nên đôi chút đồng cảm trong lòng những người đã dành cho tôi và tác phẩm sự quan tâm”.
“Rồi cũng có một ngày, chúng tôi về lại Thoọc Phưa. Về lại cái thị trấn mạn tây Yên Bái lọt thỏm trong những rặng núi đá vôi hùng vĩ che khuất cả sao trời. Sau mùa mưa, rừng dường như xanh tốt hơn bao giờ hết. Con đường ven núi dẫn vào thị trấn, một bên là vách đá, một bên là vực sâu, thời gian này cây cối mọc um tùm, che khuất cả bầu trời, ngẩng đầu lên chỉ thấy nắng không xiên nổi qua tán lá, sáng lấp lánh trên đỉnh đầu.
Từ cửa kính nhìn ra cảnh vật nơi đây tôi thấy màu xanh trải rộng đến chân trời, thấy những bông hoa ban tím đầu tiên nở, thấy mặt trời đỏ ối lặn sau rặng núi. Phải mất nhiều thời gian để tôi hiểu rằng, vì núi mà hoàng hôn ở đây đến rất sớm, sớm hơn khoảng một tiếng so với những thị trấn ven biển, nơi mà bầu trời trống trải lắm. Chẳng có gì ở một thị trấn miền núi phía bắc là trống trải.”
Trích “Sau những ngày mưa” – Truyện dài dự thi Văn học tuổi 20 lần 6 do Hội Nhà văn TPHCM, NXB Trẻ và Báo Tuổi trẻ tổ chức.
Các bạn độc giả theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.