Nguyễn Lê Chi – biệt danh Chuột Thổ Cẩm, em gái của MC Diệp Chi – là một người mê sách. Những chia sẻ về chuyện đọc sách dưới góc nhìn của cô nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng Facebook, Instagram.
Với vẻ ngoài xinh xắn, giọng hát ngọt ngào và những biểu cảm ngộ nghĩnh đáng yêu, Nguyễn Lê Chi – Chuột Thổ Cẩm, cô em gái của MC Diệp Chi – được biết đến qua nhiều bản cover ấn tượng như Lạc trôi, Ừ thì, Vết mưa… hay những video hài hước về cuộc sống thường ngày của mình.
Ngoài ra, mọi người yêu mến Lê Chi cũng biết đến sở thích mê đọc sách của chị. Những chia sẻ về chuyện đọc sách dưới góc nhìn của một người trẻ của Chi nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng Facebook, Instagram.
Về việc đọc sách, Lê Chi cho rằng: “Đọc sách không khiến một người trở nên sang trọng, hoặc khác người. Nhiều người thường dành cho những người chăm đọc sách một cái nhìn vừa quá tích cực vừa quá tiêu cực. Trường phái thứ nhất, người ham đọc là người được “trọng vọng”, được nghiễm nhiên xem là người thông minh và thừa hiểu biết. Trường phái thứ hai, người ham đọc được coi là người thiếu thực tế và sách vở. Cả hai – theo mình – đều sai. Người ham đọc thực thụ cũng giống như người ham vẽ, thêu thùa, ham nghe nhạc, xem phim, đều là những người thích thì làm. Việc đọc, theo mình, nên đến một cách tự nhiên và cũng nên được xem là một sở thích tự nhiên.”
Dưới đây là 4 cuốn sách yêu thích của Nguyễn Lê Chi và chia sẻ của chị về từng cuốn sách
Vũ trụ (Carl Sagan)
Đây là cuốn sách đã thay đổi nhân sinh quan của tôi. Nghe thì có vẻ to tát, nhưng cuốn sách về đề tài thiên văn này lại không hề “hoành tráng” hay khó hiểu, mà ngược lại, Carl Sagan đã cố gắng dùng những từ ngữ và hình ảnh ví dụ dễ hiểu nhất. Điều này đã khiến cho kiến thức về vũ trụ nói chung và vật lý thiên văn nói riêng trở nên phổ cập và tiếp cận được với đông đảo công chúng.
Cách đây gần 4 năm, khi lần đầu tiên được đọc Cosmos, tôi đã khóc vì xúc động. Bên cạnh những lý thuyết khô khan, tác giả lồng ghép những câu văn tràn đầy cảm hứng về con người, về sự sống nhỏ bé trên Trái đất giữa một Mẹ Vũ trụ rộng lớn khó tưởng tượng nổi. Ở trên Trái Đất, con người vừa là tất cả, vừa chẳng là một thứ gì; vừa nhỏ bé nhưng cũng rất vĩ đại. Một cuốn sách về khoa học nhưng lại dạy cho độc giả – trong đó có tôi – nhiều bài học về việc “sống”.
Momo (Michael Ende)
Momo là một truyện ngụ ngôn dài dành cho trẻ em và cả người lớn. Câu chuyện đầy hàm ý về “thời gian” đã khiến cho tôi – một trong những cư dân của một thế giới “nhanh” phải giật mình nhìn lại sự phí phạm thời gian của bản thân mình. Khó ai ngờ được một cô bé con như Momo lại có khả năng “dạy” cho người lớn cách tận dụng và trân trọng thời gian; và lúc gấp lại cuốn sách này, nhiều người sẽ tự hỏi liệu mình có phải chính là một trong những gã-màu-xám, hoặc nạn nhân của những gã đó – hùng hục chạy theo vòng quay thời gian mà chẳng nhận ra mình đã đánh mất tiếng cười.
Hóa thân (Fran Kafka)
Tôi yêu Kafka. “Hóa thân” chắc là truyện dễ đọc và súc tích nhất trong những tác phẩm dở dang còn sót lại của nhà văn này. Tôi đọc nó liền tù tì trong một đêm và suốt sau đó nhiều tuần tôi vẫn tự đặt cho mình nhiều câu hỏi về thân phận con người. Với tôi, Kafka có biệt tài là “gọi” tên được những vùng tăm tối và u ám nhất của con người, khiến người ta buồn bã với câu hỏi: Sống cả một đời, nhưng ta là ai?
Hảo nữ Trung Hoa (Hân Nhiên)
Tập “phóng sự” này của nhà báo Hân Nhiên đã thúc đẩy tôi có thêm nhiều quyết tâm trở thành một phóng viên, hoặc ít ra là một người có khả năng ghi chép lại nhiều mảnh đời bất hạnh. Qua cuốn sách này, tác giả đưa tới cho người đọc câu chuyện về những người phụ nữ Trung Quốc bất hạnh nhất nhưng cũng dũng cảm nhất, những “hảo nữ” sống một cuộc đời khổ đau nhưng mạnh mẽ đến đau lòng. Trong số những người phụ nữ đó, có cả Hân Nhiên – một người phụ nữ đã bất chấp cả tính mạng để giữ gìn những trang bản thảo của cuốn sách. Một cuốn sách mà dù tôi đọc đi đọc lại tới bao nhiêu lần thì vẫn sẽ rơi nước mắt.
– Trạm đọc ghi