Không có gì có thể tồn tại độc lập hay riêng rẽ, mà tất cả đều nằm trong một hệ thống phức tạp và đan cài vào nhau.
Những ngày gần đây, người ta xôn xao vì một cô ca sĩ trẻ tuổi, tài năng phải nhập viện vì sốc ma túy với những title bài đầy cảm thông và thương xót:
“8 năm vật lộn với ma túy của ABC”
“Góc khuất đầy chua xót phía sau ánh hào quang của cô ca sĩ trẻ vừa nhập viện vì sốc ma túy”
“ABC và câu chuyện tìm đến ma túy để chống chọi với căn bệnh trầm cảm”
…
Nghiễm nhiên, người ta cảm thấy đồng cảm với cô gái trẻ một cách khủng khiếp, thương cho kiếp tài hoa mà bạc mệnh.
Khoan hãy nói đến vấn đề vì sao cô gái ấy nghiện ma túy, đằng sau bi kịch ấy có là một bi kịch nào khác hay không, chúng ta hãy thành thực trả lời một câu hỏi: Đó là đúng hay sai?
Một anh nghiện nằm đầu ngõ chợ Khâm Thiên những năm 2000 cũng có một câu chuyện buồn đằng sau đó, không tự dưng có ai đi đâm đầu vào ma túy dù biết nó gây nghiện và độc hại đến mức nào. Anh nhà nghèo cám cảnh cuộc đời tìm khói thuốc phê pha, anh nhà giàu sống đời trụy lạc mất phương hướng chẳng biết đi về đâu tìm niềm vui bên bột trắng, chị gái ngành thương xót phận mình bán hoa bèo bọt làm một hơi để quên đi tủi nhục… Đấy, ai cũng có một câu chuyện cho riêng mình.
Nhưng họ vẫn bị chửi. Chửi là “con nghiện”, là “thằng nghiện”, là lũ mất dậy, ngu đần, cơm không ăn lại đi đâm đầu vào ma túy. Của đáng tôi, một ngày họ chết, người ta sẽ chẹp miệng một cái và bảo: “Cho đáng đời cái lũ nghiện” hay “Chết đi cho rảnh nợ, sống lại làm khổ người khác”, bất chấp họ hút ma túy bằng tiền của mình hay tiền đi ăn cắp.
Thế đấy. Còn cô ca sĩ nọ, vẫn nhận được những lời xót thương: “Khổ thân quá, chắc phải đấu tranh nhiều lắm”, “Cuộc sống phải khó khăn thế nào mới tuyệt vọng đến thế”… Thậm chí, một tờ báo còn đưa tin: “Trước đó, đã có lúc người ta tưởng rằng nữ ca sĩ 25 tuổi này đã thành công trong cuộc chiến nhiều năm với các chất gây nghiện. Nhưng, như lời thừa nhận trong đĩa đơn mới Sober, cuối cùng, cô cũng chỉ là một con người.” Vâng, cô “cũng chỉ là một con người”, như thể đó là bản tính của tất cả mọi con người.
***
Không phải chỉ ở Việt Nam mà ở đâu thì người ta cũng phản đối ma túy cả thôi. Nên nếu hỏi tôi rằng, có thương cô gái ấy không, tôi trả lời là có, nhưng nếu có đồng cảm hay không, thì chắc chắn là không.
Tình huống trên đã thể hiện sự phân cấp rõ ràng giữa người giàu và kẻ nghèo, người nổi tiếng và kẻ bình thường trong xã hội hiện đại, nơi chúng ta có những “tiêu chuẩn kép” cho từng đối tượng. Những sự ưu ái nhất định luôn được dành cho người giàu và có địa vị hơn.
Không chỉ thế, nó còn là minh chứng cho sự thiếu nhận thức của cả một tập thể. Còn đồng cảm với một người nghiện là ta cũng đang gián tiếp đồng cảm cả với ma túy, kiểu như: “Phải thế nào người ta mới hút”. Trong cuốn sách “Thấu hiểu hệ thống”, Donnella H. Meadows có nêu một quan điểm:
“Nghiện ma túy không phải là sự sa đọa của một cá nhân, và không một ai, dù mạnh mẽ, bao dung đến mấy có thể cứu chữa một người nghiện, chứ đừng nói đến người nghiện ma túy. Chỉ khi nào hiểu rằng nghiện ngập là một phần trong rất nhiều tiêu cực và vấn nạn xã hội, ta mới có thể bắt đầu giải quyết nó.”
Không có gì có thể tồn tại độc lập hay riêng rẽ, mà tất cả đều nằm trong một hệ thống phức tạp và đan cài vào nhau.
Xét cho cùng, không ai muốn ma túy hay nạn đói, nghèo khổ… còn tồn tại, nhưng chúng vẫn tồn tại. Bởi chúng là các vấn đề hệ thống cốt lõi – và giải quyết những vấn đề từ cốt lõi mới là cách giải quyết tốt nhất. Các vấn đề chỉ ra đi khi chúng ta lấy lại trực giác của mình, ngưng đổ lỗi, lấy dũng khí để “tái cấu trúc” nó, mà ở đây, bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất nhất chính là cách chúng ta nhìn nhận vấn đề.
Ở bất kì một lĩnh vực nào khác, người ta cũng có thể ứng dụng cách tư duy hệ thống để giải quyết vấn đề: Kinh doanh, quản lý, giáo dục,… Thay vì lao vào xử lý những biểu hiện bề mặt và hiển nhiên, người lãnh đạo – hay người điều hành cần đào sâu vào gốc rễ của sự việc, từ đó thiết lập nên được hệ thống chính xác những gì đang xảy ra và tiêu diệt, hoặc sửa chữa nó từ gốc.
Nhìn nhận và suy nghĩ mọi vấn đề theo một cách khác đi là một cách tư duy tuy không mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Khi Trái đất trở nên hỗn độn hơn, đông đúc hơn, liên kết và phụ thuộc hơn, biến đổi hơn thì việc có càng nhìn cách nhiều càng tốt. “Thấu hiểu hệ thống” – Donnella H. Meadows đưa đến cho chúng ta hướng dẫn về cách tư duy, rèn luyện khả năng hiểu cục bộ, nhìn thấy những liên kết, đặt ra câu hỏi và sáng tạo để tái thiết. Với sự thấu suốt này, ta có thể tạo ra sự thay đổi cho chính mình và thế giới. Đây là một cuốn sách dành cho tất cả mọi người, tất cả mọi ngành nghề và đối tượng, cuốn sách được ví như đã “thu hẹp khoảng cách giữa tư tưởng hệ thống và hoạch định chính sách”.
Người Tử Tế.