Số căn cước công dân chính là số định danh cá nhân
Theo Điều 19 Luật Căn cước công dân, số thẻ căn cước công dân là mã số định danh cá nhân. Số này được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, khai thác thông tin của công dân. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.
Như vậy, mỗi công dân sẽ được cấp một mã số định danh cá nhân riêng và duy nhất. Khi đi làm thẻ căn cước công dân gắn chíp, cơ quan có thẩm quyền sẽ dùng chính mã số định danh cá nhân cấp trước đó để làm số căn cước công dân.
Nghị định 137/2015 quy định, số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số và chính là số căn cước công dân.
Trong mã số định danh cá nhân sẽ tích hợp nhiều thông tin của công dân như họ tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, tạm trú, quê quán, dân tộc, tôn giáo, thông tin chủ hộ và các thành viên trong gia đình…
Số định danh là dãy số xác định nhân thân của mỗi công dân do Bộ Công an cấp.
Theo Điều 12 Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, chia sẻ, cập nhật, khai thác thông tin của công dân.
Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc. Mỗi công dân được cấp một số định danh duy nhất từ khi sinh ra đến khi mất đi và không lặp lại ở người khác.
Khi đủ tuổi làm căn cước công dân, số thẻ căn cước công dân được cấp chính là số định danh cá nhân.
Ý nghĩa của 12 số trên căn cước công dân
Hiện nay, CCCD cũng đã được áp dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo cho việc quản lý dân số và nhiều vấn đề khác. Cũng vì thế đầu năm 2021 thẻ CCCD mã vạch đã được thay thế bởi CCCD gắn chip trên phạm vi toàn quốc. Trên mỗi thẻ CCCD sẽ nhìn thấy 1 dãy số bao gồm 12 chữ số. Đây là dãy số dùng để tra cứu thông tin và giúp quản lý thông tin chủ thẻ.
Điều 13 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP quy định về cấu tạo của số định danh cá nhân như sau:
Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
12 chữ số theo thứ tự từ trái sang phải trên căn cước công dân có ý nghĩa như sau:
6 số đầu sẽ bao gồm:
3 chữ số đầu: là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh. Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân khai sinh có các mã từ 001 đến 0096 tương ứng với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ví dụ: Công dân khai sinh ở Hà Nội có mã 001, Hải Phòng có mã 031, Đà Nẵng có mã 048, TPHCM có mã 079…
1 chữ số tiếp theo: là mã thế kỷ và mã giới tính của công dân. Quy ước các mã như sau:
Thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam 0, nữ 1.
Thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam 2, nữ 3.
Thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam 4, nữ 5.
Thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Nam 6, nữ 7.
Thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Nam 8, nữ 9.
2 chữ số tiếp theo: là mã năm sinh của công dân.
Ví dụ: Công dân sinh năm 1999 thì có 2 mã này là 99, công dân sinh năm 2002 thì có 2 mã này là 02.
6 chữ số cuối cùng: là khoảng số ngẫu nhiên, mã này sẽ phân biệt những công dân có thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh và họ cùng sống ở một tỉnh, thành phố nào đó.
Ví dụ số căn cước công dân là: 064199000257 thì: số 064 là mã tỉnh Vĩnh Long. Trong đó số 1 thể hiện giới tính Nữ, sinh tại thế kỷ 20, số 99 thể hiện công dân sinh năm 1999 và số 000257 là dãy số ngẫu nhiên.
Do đó, việc hiểu ý nghĩa 12 con số trên thẻ căn cước công dân gắn chip, người tra cứu có thể tra cứu được những thông tin cơ bản về chủ thẻ căn cước. Việc tích hợp chip trên thẻ căn cước sẽ giúp tra cứu thông tin nhanh hơn. Chỉ cần thẻ được quét qua các thiết bị định danh các thông tin về chủ thẻ sẽ hiện ra. Đây cũng là một trong những cải tiến đặc biệt giúp cơ quan chức năng có thể quản lý các thông tin của người dân dễ dàng hơn rất nhiều.
Vì sao có căn cước công dân gắn chip người dân vẫn cần tài khoản định danh điện tử?
Theo Bộ Công an, tài khoản định danh điện tử có thể được hiểu là “ví giấy tờ điện tử”. Đây là phương thức quản lý thông tin căn cước công dân cùng toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng. Mục đích nhằm thực hiện các dịch vụ công mà không cần phải xác minh lại thông tin cá nhân của người đó.
Theo đó, khác biệt với thẻ căn cước công dân vật lý, tài khoản định danh điện tử sẽ được xác thực thông tin trên môi trường điện tử. Tài khoản này sẽ giúp công dân làm thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được đảm bảo của Bộ Công an, nhất là dịch vụ công trực tuyến.
Nếu thực hiện các thủ tục hành chính, người dân sẽ cần xuất trình các giấy tờ theo quy định như giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, đăng ký xe, thẻ căn cước công dân… Nhưng nếu sử dụng tài khoản định danh điện tử, người dân có thể thay thế cho việc xuất trình các giấy tờ tùy thân này.
Theo Nghị định 59/2022 (có hiệu lực từ ngày 20/10/2022), với tài khoản định danh điện tử mức độ 2, phương thức này có giá trị tương đương với thẻ căn cước công dân hoặc tương đương hộ chiếu với trường hợp là người nước ngoài.
Không chỉ thẻ căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử cũng tích hợp thêm nhiều thông tin, giấy tờ quan trọng của người dân khi thực hiện đăng ký.
Đối với thông tin thẻ BHYT, tài khoản định danh điện tử sẽ thay thế thẻ BHYT vật lý. Thông tin hiển thị của thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID được xác thực và truy xuất từ Cơ sở dữ liệu BHYT Việt Nam. Do đó, khi khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm, công dân sẽ không cần không cần trình thẻ BHYT truyền thống.
Đối với thông tin đăng ký xe, giấy phép lái xe, các thông tin hiển thị các hạng giấy phép lái xe, đăng ký xe trên VNeID được liên thông, xác thực với Cơ sở dữ liệu về giao thông vận tải. Vì vậy, người dân và cơ quan chức năng có thể sử dụng khi thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ.
Người dân cũng có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để nhập thông tin về người phụ thuộc, người giám hộ; khai báo lưu trú mọi lúc mọi nơi, không cần phải liên hệ qua cơ quan công an…
Do đó, việc sử dụng tài khoản điện tử sẽ hạn chế các hoạt động lừa đảo, giúp công dân thuận tiện hơn trong việc thực hiện các dịch vụ công, thanh toán hóa đơn, thay thế được căn cước công dân vật lý và nhiều loại giấy tờ.