Đại Phụng Đả Canh Nhân là một bộ truyện khá hay, cũng là một trong ba bộ đạt được lv6 của Qidian. Trong thời gian đọc truyện thì tôi có hứng thú khá lớn với hệ thống tu luyện của bộ truyện này nên bài viết này là để tổng hợp lại những thông tin của truyện.
Thế giới của Đại Phụng được gọi là Cửu Châu.
Nhân loại phát triển rất mạnh mẽ sau thời đại của Thần Ma và đã sáng tạo ra nhiều hệ thống tu luyện khác nhau. Thời điểm hiện tại, có tổng cộng 6 hệ thống tu luyện cho nhân loại. Đó là võ, đạo, nho, phật, vu và thuật sĩ.
Vào khoảng 1200 năm trước, một nhân vật kinh tài tuyệt diễm đã ra đời, đó là Nho Thánh. Công tích của Nho Thánh đối với nhân loại cùng toàn thế giới là vô cùng lớn như ngăn chặn đại kiếp, tạo nên “Cửu Châu địa lý chí” ghi chép lại địa hình cùng cư dân khắp mọi miền của Cửu Châu, tạo ra nho gia cùng hệ thống tu nho,….. Và một trong những việc vĩ đại nhất mà Ngài làm là phân chia cấp bậc cho các hệ thống tu hành trên thế giới. Trước kia, sự phân chia giữa các hệ thống thường khá mơ hồ và không có một tiêu chuẩn rõ ràng nào.
Thánh Nhân đã phân chia mỗi hệ thống thành 9 phẩm cấp khác nhau. Điều thú vị là Thánh Nhân không hề xếp đẳng cấp của hắn vào trong những phẩm cấp này. Vì vậy, ta còn một đằng cấp bên ngoài, là những kẻ siêu việt phẩm cấp và thường được gọi là “siêu phẩm” hay “Thần”.
Trước khi vào từng phần hệ thống chính thức thì tôi sẽ đề cập qua một số thứ cơ bản.
1. Hệ thống nguyên tố
Bộ truyện sử dụng 2 hệ thống nguyên tố khác nhau cho các hệ thống tu hành. Đó là Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) và Tứ Đại (Địa, Thủy, Hỏa, Phong).
2. Nguyên thần và linh hồn
Trong truyện, 2 thứ này có thể coi là một. Linh hồn thì sẽ được cấu tạo từ tam hồn thất phách. Tam hồn bao gồm Thiên Hồn, Địa Hồn và Nhân Hồn (còn thất phách thì không được tác giả nhắc tới nhiều). Khi một người chết thì Thiên Hồn cùng Địa Hồn sẽ rời khỏi thân thể, chỉ để lại Nhân Hồn. Sau 7 ngày, Nhân Hồn cũng sẽ thoát khỏi thể xác.
3. Cao phẩm và Siêu Phàm cảnh
Cao phẩm là từ dùng để chỉ những người tu hành đạt cảnh giới tầm trung của hệ thống tu luyện. Thường thì khi truyện nhắc đến chiến lực cao phẩm nghĩa là nói về các cao thủ Tứ Phẩm (và cũng có lúc là Ngũ Phẩm).
Siêu Phàm cảnh thì rõ ràng hơn, cụm từ này chỉ toàn bộ những tồn tại từ Tam Phẩm tới Nhất Phẩm. Bởi vì đạt tới cấp độ này cũng là vượt qua ranh giới của “phàm nhân”, chạm tới một cấp độ sinh mệnh cao hơn. Bất kỳ Siêu Phàm cảnh đều có 1 loại “uy áp” có thể dễ dàng áp chế “phàm nhân”. Bởi vậy nên chỉ Siêu Phàm mới có thể đối phó được với Siêu Phàm, chiến thuật lấy số lượng bù đắp chất lượng gần như vô dụng trong trận chiến với Siêu Phàm cảnh.
Những tồn tại ở cảnh giới Siêu Phàm thường có tuổi thọ vô cùng cao (trừ vài trường hợp đặc biệt, nhất là nho gia và hoàng tộc). Theo một hậu duệ của Thần Ma đã sống từ thời đại Viễn Cổ tới giờ, thọ nguyên của Siêu Phàm có thể kéo dài tới vô tận.
4. Hai vấn đề lớn của các hệ thống tu hành
“Hệ thống trong thiên hạ, nhảy ra bên ngoài tam giới, thân tại trong ngũ hành. Chỉ có võ giả, thân tại tam giới, không tại bên trong ngũ hành.”
Đây là một câu nói thuộc quyển sách “Cách tấn thăng Bán Bộ Võ Thần” của Giám Chính. “Tam giới” trong này chỉ ‘Sắc giới’, ‘Dục giới’ và ‘Vô Sắc Giới’ – có thể hiểu là “hồng trần”, có dục niệm. Còn “ngũ hành” dùng để ám chỉ chung về lực lượng của thiên địa (chứ không phải chỉ nói về 5 nguyên tố).
Hai câu bên trên chỉ ra hai vấn đề lớn của các hệ thống tu luyện.
Thứ nhất là các hệ thống ngoài võ phu đều có thể sử dụng lực lượng của thiên địa, họ có thể chưởng khống âm dương ngũ hành cùng địa thủy hỏa phong. Nhưng võ phu lại không cần và không thể làm vậy. Bởi tu võ là cải thiện cơ thể, tu vì bản thân, không dựa dẫm vào thiên địa. Họ chỉ cần dựa vào nắm đấm của mình.
Thứ hai, đối với các hệ thống không phải võ, người tu hành có tu vi càng cao thì dục vọng của họ sẽ càng thấp. Đương nhiên còn tùy vào hệ thống – ví dụ như Nhân Tông sau khi lên Siêu Phàm sẽ phải chịu đựng nghiệp hỏa, bị thất tình lục dục đeo bám hay Địa Tông sau khi nhập ma sẽ có tà niệm cực kỳ kinh khủng. Nhưng nói chung thì những cường giả Siêu Phàm đều dần trở thành những kẻ vô dục vô cầu. Điều này giống như do càng dựa dẫm vào thiên địa thì họ càng gần với thiên địa hơn, mà thiên địa (đúng hơn là thiên đạo) là một “thứ” không có dục vọng, vô tình vô niệm.
5. Pháp khí, thần binh và pháp bảo
Các khí cụ và vật phẩm của thế giới này được phân ra làm 4 loại là phàm khí, pháp khí, thần bình (bản convert là tuyệt thế thần binh) và pháp bảo.
Phàm khí là những vật phẩm, binh khí được chế tạo và rèn đúc bình thường.
Pháp khí là những vật phẩm sở hữu năng lực đặc thù. Pháp khí lại phân ra làm hai loại khác nhau. Một là những khí cụ được thuật sĩ luyện chế rồi được Tứ Phẩm Trận Sư khắc họa trận pháp để gia trì năng lực cho chúng. Cách thứ hai là những vật phẩm thần dị được tự nhiên tạo ra hoặc được người tu hành ôn dưỡng. Hầu hết các hệ thống (trừ võ phu) đều có phương pháp để tạo pháp khí.
Pháp khí cấp bậc cao nhất là những vật phẩm có được khí linh. Chúng còn được gọi là thần binh. Vũ khí có khí linh tiến hóa tới một mức độ nhất định có thể tự động chiến đấu thay cho chủ nhân và người khác cũng không thể sử dụng thần binh đã có chủ (trừ khi dùng thực lực bắt ép hoặc xóa bỏ khí linh). Việc tạo ra thần binh là vô cùng khó khăn, thuật sĩ có thể tạo phôi cho thần binh nhưng muốn nó sinh ra linh trí cần một thời gian dài ôn dưỡng hoặc dựa vào cơ duyên lớn.
Pháp bảo là thứ hiếm có nhất, chỉ những thần binh đạt được cơ duyên nhất định mới có thể trở thành pháp bảo. Có thể sử dụng nguyện lực cùng hương hỏa (nói chung là dùng khí vận) để sửa chữa cùng ôn dưỡng pháp bảo. Mỗi pháp bảo đều có năng lực vô cùng cao cấp.
6. Khí vận là gì ?
Vạn vật trên thế gian đều sở hữu một thứ, đó là khí số. Có rất nhiều yếu tố quyết định tới khí số của một người là nhiều hay ít, là lớn hay nhỏ.
Ví dụ nhân yêu sẽ có khí số cao hơn thú loại hoặc cỏ cây vô tri, quý tộc cùng quan to sẽ có khí số khác với những người dân thường. Và các tổ chức, bang phái, tôn giáo cùng vương triều cũng có khí số riêng. Chúng thường được gọi là khí vận. Cũng có những cá nhân kiệt xuất có khí số cực kỳ tốt và được gọi là người mang đại khí vận.
Khí vận của một vương triều được gọi riêng là “quốc vận”. Độ mạnh yếu của nó bị ảnh hưởng bởi số lượng dân chúng cùng “lòng dân”. Nếu dân chúng càng tin tưởng và ca ngợi triều đình thì quốc vận sẽ ngày càng tăng cao. Và ngược lại, nếu các chính sách của triều đình khiến dân lầm than, cực khổ thì quốc vận sẽ bị sụt giảm mạnh.
7. Tác dụng cùng tác hại của khí vận
Đối với người có đại khí vận, họ làm việc gì sẽ đều thuận lợi hơn người khác và thường những người có tu vi cao đều là người có đại khí vận. Nhất là những kẻ ở cảnh giới Siêu Phàm, họ đều là những chiến lực cao cấp của bất kỳ thế lực lớn nào. Vì vậy, bất cứ hành động nào của họ đều có ảnh hưởng vô cùng lớn tới thế lực của mình nên khí số của họ cũng không hề “ít” đâu.
Còn có cụm từ liên quan tới khí vận mà có thể mọi người thường gặp trong các bộ tiểu thuyết mạng trung quốc. Đó là “khí vận gia thân”. Những người này còn thuận lợi hơn rất nhiều những kẻ đại khí vận. Số lượng của những kẻ này không nhiều cũng không ít. Bởi vì Hoàng Đế cùng hoàng thất đều là những kẻ có “khí vận gia thân”. Và nó cũng hề tốt một chút nào, bởi vì kẻ có khí vận gia thân thì không thể trường sinh. Nho Thánh là một ví dụ, dù đã trở thành siêu phẩm và còn mạnh mẽ hơn cả Vu Thần, Phật Đà nhưng Ngài chỉ có thể sống tới tuổi 82.
Lưu ý với các bạn là có khí vận cao không đồng nghĩa với sẽ chắc chắn có được tu vi tuyệt đỉnh nha. Theo “kinh nghiệm” của mấy nhân vật trong truyện, khí vận thường phát huy tác dụng lớn nhất ở khoảng dưới Siêu Phàm, còn khi trở thành Siêu Phàm rồi thì tác dụng của khí vận sẽ rất thấp. Điều này được chứng minh rõ ràng nhất ở điểm không phải lúc nào triều đình cũng có cao thủ Siêu Phàm cảnh. Bởi vì nếu khí vận gia thân mà tốt như thế thì chỉ cần chọn 1 vài vị hoàng tử hoặc hoàng nữ ra để bồi dưỡng là sẽ có luôn có “một lượng” Siêu Phàm cảnh đều đặn rồi.
8. Cách sử dụng khí vận
Theo bộ truyện, có 2 cách để sử dụng khí vận:
– Dung nạp khí vận, hòa làm một thể với nó. Hệ thống tu luyện của nho gia dùng cách này và không thể trường sinh. Tuy nhiên cách sử dụng này có vẻ như sẽ khiến cho chiến lực của họ lại mạnh hơn hẳn cái cách thứ hai. Ví dụ rõ ràng nhất là Nho Thánh, các siêu phẩm khác đều công nhận là Nho Thánh mạnh hơn mình rất nhiều.
– Luyện hóa khí vận, chấp chưởng khí vận và coi nó như một “món đồ” có thể sử dụng khi cần. Thuật sĩ là những người làm như thế này, sức mạnh của thuật sĩ Nhất Phẩm cũng liên quan rất lớn với nó. Và đương nhiên là họ có tuổi thọ rất lớn rồi.
9. Hương Hỏa Thần Đạo
Đây là một hệ thống tu hành được tạo ra vào thời kỳ thượng cổ và nó có liên quan tới khí vận. Các bước chính để tu hành hệ thống này:
– Dùng tài lực, võ lực hay bất cứ thứ gì để có thể làm chủ một vùng đất nhất định. Vùng đất đó phải là một ngọn núi hoặc một dòng sông.
– Sau khi đã chiếm cứ được địa bàn cần thiết rồi thì lập ra thần miếu riêng của bản thân.
– Tiếp theo là thu thập tín đồ, thực hành các nghi lễ như cúng tế thần miếu, thu nhận cống phẩm (có thể là súc vật và cũng có cả kẻ bắt cống nạp đồng nam đồng nữ). Việc này có thể dựa vào uy hiếp hoặc thực sự giúp đỡ bách tính để có được “tín đồ” cùng cống phẩm.
– Sau khi số lượng tín đồ đạt đến một quy mô nhất định, thần miếu sẽ dần ngưng tụ ra một loại pháp bảo. Nó gọi là Thần Ấn (bao gồm cả Sơn Thần Ấn cùng Thủy Thần Ấn).
Nếu cầm Thần Ấn trong tay thì có thể kiểm soát lực lượng của thiên địa trong địa bàn của kẻ đó và thường được gọi là vô địch bên trong lĩnh vực riêng.
Loại hệ thống này ảnh hưởng rất lớn tới sự trị vì của các vị Đế Vương và nó cũng khá cực đoan nên Hương Hỏa Thần Đạo luôn bị những vị Nhân Hoàng của thời đại đó chèn ép. Sau đó, Đạo Tôn đã diệt trừ toàn bộ Hương Hỏa Thần Đạo và thu lại những Thần Ấn đó.
10. Chủng tộc khác
Ngoài nhân loại, Cửu Châu cũng tồn tại cả yêu tộc và hậu duệ của Thần Ma. Hệ thống tu luyện của yêu tộc giống với tu võ, có vài điểm khác biệt thì tôi sẽ đề cập ở phần sau.
Về hậu duệ của Thần Ma thì lại hơi khác. Những kẻ này có thể được chia ra làm 2 nhóm – nhóm mang ít huyết mạch Thần Ma tại Cửu Châu (ví dụ như Yêu tộc cùng Man tộc phương Bắc) và những hậu duệ của Thần Ma sinh sống rải rác tại các vùng đảo ngoài biển (ví dụ như long tộc, giao nhân tộc, bốc tộc,.…..). Nếu theo đúng như trong truyện thì cụm từ “hậu duệ của thần ma” được dùng để chỉ nhóm thứ hai a.k.a mấy kẻ ngoài biển. Bởi vì họ có mang nhiều đặc điểm giống với tổ tiên của mình nhất – tới nỗi thành hẳn một chủng tộc riêng. Nhưng tôi cảm thấy nếu chỉ đề cập tới nhóm đó thì hơi thiếu nên nhét thêm mấy kẻ ở Cửu Châu vào luôn.
– Những nhân loại cùng yêu tộc mang huyết mạch Thần Ma sẽ có nhiều đặc điểm vượt trội so với nhân loại cùng yêu tộc thông thường. Ví dụ như tộc nhân của Kim Mộc Bộ có một con mắt thứ ba mọc dọc trên trán; Hắc Thủy Bộ nổi tiếng là có khí lực rất lớn, có thể so sánh với Lực Cổ Bộ của Cổ Tộc; những con giao long thuộc Giao Bộ có hình thể vô cùng lớn so với các yêu tộc thông thường – thủ lĩnh của Giao Bộ được miêu tả là dài hơn trăm trượng (1 trượng Trung Hoa = 3,33 mét) và riêng cái đầu đã to ngang một tòa lầu hai tầng. Những kẻ ở Cửu Châu này thì thường sẽ tu luyện theo hệ thống của nhân loại cùng yêu tộc – cụ thể là toàn võ tu và yêu tu.
– Trong khi đó, những chủng tộc tại hải ngoại có một đặc điểm mà nhóm Cửu Châu không có. Đó là “linh uẩn” (đây cũng có thể là lý do chính khiến Đạo Tôn đuổi hết mấy chủng tộc này ra khỏi vùng đại lục trung tâm của Cửu Châu).
Vậy “linh uẩn” là gì ? Vào thời đại vô cùng xa xưa, những Thần Ma được thế giới thai nghén và sinh ra với sức mạnh vô cùng cường đại. Điều này là do mỗi vị Thần Ma đều được thiên địa trao cho một loại lực lượng riêng – nói dễ hiểu là họ nắm giữ 1 phần sức mạnh bản nguyên của thiên địa. Thứ lực lượng đó được gọi là Thần Ma Lực hoặc linh uẩn. Bởi vì linh uẩn là pháp tắc/quy tắc của thiên địa nên Thần Ma cũng sở hữu những thần thông bản mệnh riêng. Ví dụ như thần ma sở hữu pháp tắc không gian có thể chia cắt không gian thành các mảnh vỡ rồi điều khiển các mảnh vỡ đó theo ý muốn; Đại Hoang sở hữu thiên phú thôn phệ vạn vật; Thanh Khâu Hồ sở hữu mị lực có thể mê hoặc hết thảy thế gian;….
Nếu “nhìn” thì linh uẩn sẽ giống với những đường vân kỳ dị. Đối với những hậu duệ của Thần Ma, huyết mạch có độ tinh khiết cao thì linh uẩn sẽ nằm tại bên trong huyết nhục hoặc in bên ngoài thân thể. Trong khi đó những kẻ có huyết mạch mỏng manh thì linh uẩn sẽ được ghi dấu trong nội đan. Bởi vì có đặc tính đặc biệt nên các hậu duệ Thần Ma không cần phải tu luyện theo các hệ thống tu luyện loằng ngoằng kia. Họ chỉ cần khiến linh uẩn phát triển và dung nhập dần vào cả nhục thân lẫn nguyên thần.
==========
Nguồn: FB | Lập ra để viết những thứ mình thích