Người chưa tới mà huyền thoại đã tới trước, thân chưa xuất hiện mà danh đã làm chấn động giang hồ, tưởng không có ai bằng được Mộ Dung Phục. “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung” là câu truyền tụng trong giới võ lâm. Kiều Phong ở phương Bắc, Cô Tô Mộ Dung ở phương Nam trở thành biểu tượng võ công và hào khí cho tất cả hào sĩ giang hồ. Kể ra Kim Dung đã dày công xây dựng bối cảnh xuất hiện của Mộ Dung Phục, theo thủ pháp mà La Quán Trung đã bài trí cho sự xuất hiện của Khổng Minh trong Tam quốc chí. Trước khi Khổng Minh xuất hiện, người đọc phải cùng Lưu Bị gặp những người bạn hoặc người thân của Khổng Minh, để qua đó dần dần hình dung ra con người Khổng Minh. Những nhân vật như Từ Thứ, Thủy Kính tiên, Thôi Châu Bình, Gia Cát Quân … đều là những bậc thềm giúp người đọc tuần tự bước lên những tầng cao hơn nữa để đối diện với chân dung của vị quân sư tương lai nhà Hậu Hán.
Mộ Dung Phục cũng thế. Sự xuất hiện của Mộ Dung Phục còn hấp dẫn và lôi cuốn hơn cả sự xuất hiện của Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ. Nếu trước khi xuất hiện, Lệnh Hồ Xung chỉ có mặt trong những câu chuyện kể, qua lời các sư đệ đồng môn và cô tiểu ni Nghi Lâm xinh đẹp, thì sự hiện diện thấp thoáng trong những lời đồn đại, trong những giai thoại được truyền tụng khắp võ lâm đã khiến Mộ Dung Phục giống như con thần long chỉ thấy đầu mà không thấy đuôi. Thủ pháp “gậy ông đập lưng ông” (dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân 已 彼 之 道 還 施 彼) đã gieo hoang mang khắp giang hồ. Thoạt đầu, nhà sư Tuệ Chân vượt đường xa vạn dặm đến nước Đại Lý để báo tin Huyền Bi đại sư, trên đường từ Thiếu Lâm đến Đại Lý, bị đánh chết tại chùa Thân Giới vì chính tuyệt kỹ Đại Vi Đà Chử của mình. Rồi Hoàng My đại sư kể lại câu chuyện bản thân mình hồi trai trẻ bị một cậu bé đánh bại cũng bởi chính tuyệt kỹ Kim cương chỉ của mình. Kế đó, Kim toán bàn Thôi BáchTuyền kể chuyện mình bị một cặp nam nữ trung nỉên dùng con toán đánh ngay vào những huyệt đạo trong cơ thể, khiến tay cao thủ của phái Phục Ngưu này phải mai danh ẩn tích, đổi tên là Hoắc tiên sinh làm kẻ hầu hạ chuyên lo chuyện tạp dịch trong cung điện Đại Lý, nhằm tránh hoạ sát thân. Lạc thị tam hùng đất Hà Bắc chuyên dùng phi trùy thì chết về phi trùy. Chương Hư đạo nhân thường thi hành thủ đoạn chặt chân tay của địch nhân để hành hạ, thì cuối cùng lại chết vì chính thủ đoạn trên. Những cái chết bí ẩn của các tay cao thủ bởi chính tuyệt kỹ của mình đã phủ trùm lên võ lâm một bầu không khí khủng bố, và dòng họ Mộ Dung được thêu dệt như những nhân vật thần thông quảng đại vì thấu triệt được tất cả những tuyệt học trong thiên hạ.
Ngay cả nhân vật lỗi lạc nhất Thiên Long Bát Bộ là Tiêu Phong cũng xuất hiện trước Mộ Dung Phục. Tại rừng trúc, nơi đông đảo quần hùng tụ hội để quyết định số phận của Tiêu Phong, thì Mộ Dung Phục cũng chỉ xuất hiện qua những người liên quan như Vương Ngữ Yên, Bao Bất Đồng, tỳ nữ A Châu và qua lời kể của Tiêu Phong về Phong Bá Ác. Dung nhan tuyệt tục của Vương Ngữ Yên, võ công của Bao Bất Đồng, phong cách của Phong Bá Ác, trí tuệ của A Châu đều là những chất liệu nền để làm sáng thêm vầng hào quang của Mộ Dung Phục, khiến bạn đọc lại càng thêm náo nức đón chờ con người tài hoa tuấn nhã của vùng sông nước Giang Nam.
Họ Mộ Dung ở Cô Tô thuộc dòng dõi nước Đại Yên. Đến đời Tống thì nước Đại Yên không còn nữa. Và giấc mơ phục quốc đã trở thành một nỗi ám ảnh của hậu duệ đời sau. Mộ Dung Bác đặt tên con là Phục, với ý đồ muốn con mình sẽ phục quốc xưng vương, khôi phục lại cơ nghiệp tổ tông. Ông muốn khuấy động can qua giữa hai nước Trung Quốc và Khiết Đan để Đại Yên thừa cơ quật khởi. Chỉ vì tham vọng chính trị đó mà Mộ Dung Bác đã dựng lên vụ huyết án tại Nhạn môn quan, đẩy cặp phu phụ Tiêu Viễn Sơn vào chỗ chết và khởi đầu cho cuộc đời đầy bi kịch của Tiêu Phong.
Ngay từ bé, Mộ Dung Phục đã phải mang nặng trách nhiệm khôi phục nước Đại Yên. Một cậu bé phong tư ngọc lập, cốt cách thanh kỳ nhưng không có được tuổi thơ, mà phải gánh cây thập tự quá nặng nề trên vai vì những ảo vọng của cha ông, quả là điều đáng ân hận trong nhân gian. Để rồi đến khi lớn lên, y lại bị hút vào vòng xoáy của cơn lốc phục quốc mà không cách nào thoát ra được. Sứ mệnh chính trị nặng nề đã khiến y phải ngoảnh mặt đi trước tình yêu của Vương Ngữ Yên. Trong trái tim của y, giấc mộng đế vương đã choán sạch chỗ, nên tình yêu không còn chỗ đứng. Trong cuộc xung đột giữa “tư tình” và “đại nghiệp”, chiến thắng nghiêng hẵn về hai chữ “đại nghiệp”.
Bạn đọc có thể thầm tiếc và thầm trách vì sao Mộ Dung Phục lại hững hờ vô tâm với người con gái dung nhan tuyệt tục như Vương Ngữ Yên, nhưng dù sao đó cũng là phong cách thường tình của những người muốn dựng nên nghiệp bá ở phương Đông. Người phương Đông thường cho rằng người đàn bà đẹp luôn luôn là chướng ngại cho khách anh hùng trên đường dựng nên nghiệp lớn. “Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản”. Tình cảm quyến luyến của người con gái dễ làm chí khí anh hùng sút giảm. Vừa là một vị vua đa tình lại vừa là một thiên tài quân sự thì cổ kim họa chăng chỉ có Napoléon, và trong văn học họa chăng chỉ có Từ Hải! Đó là những người mà “khí” không những không bị “đoản” bởi “tình trường” của nhi nữ, mà còn xem “tình trường” đó là chất men kích thích để dựng nên đại nghiệp. Điều hòa được “hồng nhan” và “đại nghiệp”, dung hợp được “thiên hạ” với “mỹ nhân”, đó mới đích thực là bản sắc tài hoa của kẻ anh hùng. Nếu Napoléon có thể viết thư tình giữa chiến trường máu lửa, thì người anh hùng đất Việt Đông dù cùng Thúy Kiều “nửa năm hương lửa đang nồng”, vẫn có thể “trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”, để rồi ra đi xây dựng một cơ đồ “triều đình riêng một góc trời” đáp tạ lòng tri kỷ.
Kim Dung đã dày công tô vẽ nên hình ảnh một con rồng võ lâm Cô Tô Mộ Dung Phục nhưng lại không “điểm nhãn” để con rồng ấy bay lên cõi trời cao, mà để nó từng bước, như con giun đất, lún sâu vào vũng bùn của ảo vọng hão huyền. Hình ảnh thiểu não của Mộ Dung Phục xuôi Bắc ngược Nam, lao tâm khổ tứ, dùng mọi thủ đoạn để mưu đồ phục quốc ngẫm cũng đáng thương. Người đọc càng hồi hộp chờ đợi nhân vật Mộ Dung Phục xuất hiện bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu trước những hành động của y. Đầu tiên y gia nhập đám các động chủ, đảo chủ trong Vạn tiên đại hội để cùng tấn công lên đỉnh Linh Thứu, và không ngần ngại giết hại bao nữ thuộc hạ của cung Linh Thứu chỉ nhằm mục đích muốn tạo được mối quan hệ với đám quần hùng ô hợp đó nhằm mưu đồ lợi dụng về sau. Khi vị tân chủ nhân của Linh Thứu cung là Hư Trúc xuất hiện, y liệu chừng tình thế không thuận lợi cho mưu đồ của mình nên phải bỏ đi. Đó là bước mở đầu cho sự sa đọa Mộ Dung Phục, về phong độ lẫn lương tri.
Tại chùa Thiếu lâm, khi thấy Tiêu Phong bị quần hùng vây hãm, nhưng chưa ai dám khiêu chiến thì y lại nhảy ra phối hợp với Du Thản Chi và Đinh Xuân Thu để cùng đối phó với Tiêu Phong. Dù biết rõ Du Thản Chi và Đinh Xuân Thu tuy võ công cao cường nhưng nhân cách bị tất vả quần hùng khinh bỉ, và Đinh Xuân Thu đã từng giao chiến với mình, nhưng y vẫn làm điều đó cũng chỉ vì một mục đích duy nhất là lấy lòng quần hùng. Khi bị Đoàn Dự dùng Lục mạch thần kiếm đánh cho tơi tả, và chỉ thoát chết nhờ lời cầu xin của Vương Ngữ Yên, thì y lại dùng thủ đoạn đánh lén Đoàn Dự! Hình ảnh Mộ Dung Phục thảm hại với đầu tóc xổ tung, bị Tiêu Phong ném lăn long lóc trên mặt đất đã đặt dấu gạch chéo lên hình ảnh của “con rồng Cô Tô” trong lòng người đọc.
Từ đó, bắt đầu cho một chuỗi việc làm thương luân bại lý của Mộ Dung Phục. Khi thấy không thể liên kết được với người của võ lâm để phục quốc thì y lại nghĩ đến việc lợi dụng sức mạnh quân sự của triều đình. Trên đường sang Tây Hạ cầu hôn, y lừa bắt Đoàn Dự ném xuống giếng vì muốn loại bỏ bớt một đối thủ. Y lại làm ngơ khi Vương Ngữ Yên lao mình xuống giếng trong cơn tuyệt vọng, vì y đã quyết tâm đặt đại nghiệp lên trên tư tình. Y không hiểu rằng một trái tim không còn biết yêu thương sẽ biến thành ngôi nhà lý tưởng cho quỷ dữ. Rồi ước vọng trở thành phò mã Tây Hạ cũng không thành. Mộ Dung Phục bắt đầu cơn khốn quẫn.
Khi thời gian càng trôi đi, nghĩa là cái mục tiêu phục quốc trở nên ngày càng xa hơn, thì ta thấy Mộ Dung Phục càng thêm hoảng loạn. Con rồng đáng thương ấy ngày càng quay cuồng một cách tuyệt vọng trong cơn lốc của giấc mơ đại nghiệp. Mộ Dung Bác là kẻ thâm mưu viễn lự, nhưng cái hào quang quá khứ của ông cha đã khiến ông trở nên mê muội, cho nên dù nước Yên là một nước quá bé, ông vẫn cứ mãi mê lao theo con đường phục quốc. Rồi ông lại đặt sứ mệnh tranh giành thiên hạ lên vai con. Mộ Dung Phục, vì áp lực nặng nề của quá khứ và vì giấc mộng làm vua, đã dần dần biến thành nạn nhân trong tham vọng chính trị mù quáng của tổ tiên, mà kết cục thảm bại đã bày ra trước mắt. Ai cũng hiểu được điều đó trừ cha con họ Mộ Dung. Kẻ có tài năng nhưng cuồng vọng tự mãn và mê muội bởi quyền lực, một khi đã quyết tâm thực hiện điều gì thì vào những phút cuối cùng họ sẽ không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, nhất là lúc linh cảm được “quỹ thời gian“ đang từng lúc cạn dần. Cho nên, dù Mộ Dung Bác đã bừng tỉnh cơn mê “trục lộc” để quy y cửa Phật, nhưng “lực quán tính” của giấc mộng đế vương vẫn cứ kéo Mộ Dung Phục tiếp tục trượt dài trên con đường sa đọa.
Giây phút hoảng loạn nhất của Mộ Dung Phục là lúc y dùng áp lực để cầu xin Đoàn Diên Khánh nhận y làm nghĩa tử. Y giết tất cả các nhân tình của Đoàn Chính Thuần để gây áp lực, buộc vị vương tử đa tình này nhường ngôi nước Đại Lý đã là việc làm bại hoại và quá ư tàn nhẫn, nhưng chỗ sa đọa cùng cực của Mộ Dung Phục về nhân cách, đạo đức lẫn suy tư là hành động giết Bao Bất Đồng, một thuộc hạ suốt đời tận tụy trung thành với dòng họ Mộ Dung. Một đại ma đầu ban lĩnh như Đoàn Diên Khánh làm gì không nhận ra dã tâm của Mộ Dung Phục, cần gì Bao Bất Đồng phải nói ra những điều bất hiếu, bất trung bất nghĩa của y? Cầu xin ân huệ bằng áp lực, trong khi điều cầu xin là quan hệ thiêng liêng giữa cha con, quả là điều quá buồn cười, nếu không nói là ngu xuẩn. Mộ Dung Phục vẫn làm điều đó không phải vì y bất trí mà chỉ vì cuồng quẫn trong giấc mộng đế vương, khi thấy mọi nỗ lực đều thất bại.
“Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường đời mưa bay gió cuốn còn nhiều …”. (Chiều mưa biên giới- Nguyễn Văn Đông). Khi viết đến những dòng này, tôi chợt nhớ đến những lời ca đó. Nếu để Mộ Dung Phục chịu đựng bao cảnh ma chiết của “đường đời mưa bay gió cuốn” và chết đi trong giấc mơ phục quốc, thì dù sao cái “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng” đó cũng còn có điểm đáng cảm thông; đằng này Kim Dung lại tàn nhẫn để y biến thành “hoàng đế” sống hoang tưởng trong cơn mộng đế vương hư ảo với y phục của phường tuồng, quần thần là đám trẻ con chạy theo xin bánh kẹo, còn “triều đình” thì được dựng lên nơi nghĩa địa. Đó là tất cả những gì còn lại của “con rồng võ lâm” do Kim Dung sáng tạo ra nhưng lại không “điểm nhãn”!
– Lai rai chén rượu giang hồ – Huỳnh Ngọc Chiến
————–
Viết xuống “MỘ DUNG PHỤC: CON RỒNG CHƯA ĐIỂM NHÃN” không dễ, mọi người tán dương chính là động lực để tiểu biên tiếp tục kiên trì viết tiếp! Hẹn gặp lại a…