Tả Ao, tên thật là Nguyễn Đức Huyền, là người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, sống vào thời Lê sơ. Tục gọi ông theo tên làng.
Lúc còn trẻ nhà nghèo, mẹ mù lòa, Huyền theo chân người khách buôn sang Tàu lấy thuốc về chữa mắt cho mẹ. Thầy thuốc thấy Huyền hiếu thảo, mới dạy cho nghề thuốc. Được hôm có ông thầy địa lý bị đau mắt, thầy thuốc lại già yếu không đi được, bèn sai Huyền đi chữa bệnh thay. Ông thầy địa lý khỏi bệnh, lại thấy Huyền thông minh sáng dạ nên truyền cho nghề địa lý phong thủy. Huyền học hơn một năm đã thành tài. Thầy địa lý thử sức học trò, đổ cát nặn thành hình sông núi, rồi yểm 100 đồng tiền xuống lòng cát. Rồi cho Huyền 100 cái kim, sai tìm huyệt để cắm kim vào lỗ đồng tiền. Huyền xem huyệt, cắm trúng 99 cái kim vào 99 lỗ đồng tiền, chỉ sai mất một cái cắm ra ngoài. Thầy địa lý thốt lên: “Thế là tinh hoa địa lý đã về phương Nam mất rồi!”, rồi cho Huyền cái tróc long và dạy cho bùa chú để về phương Nam hành nghề. Huyền về đến nhà thì mẹ còn khỏe mạnh, dùng bài thuốc thầy truyền dạy chữa cho mẹ khỏi mù lòa.
Quả nhiên danh bất hư truyền, Huyền sau này đã trở thành bậc thầy phong thuỷ, được mọi người kính cẩn gọi là Thánh Tả Ao. Ông vân du khắp mọi miền, vừa để chữa bệnh cứu người, vừa để xem xét thế đất, tầm cứu long mạch. Một lần đi qua núi Hồng Lĩnh, trông thấy có kiểu đất “Cửu long tranh châu”, Tả Ao mà nói rằng: “Huyệt đế vương ở đây rồi!”. Lập tức cho bốc mộ cha, đem cất vào huyệt trên núi. Không bao lâu, Tả Ao sinh được một quý tử. Người Tàu xem thiên văn, thấy các vì sao chầu cả về phương Nam, biết là người nước Nam được đất. Vua quan bên Tàu truyền cho các nhà địa lý, ai để đất cho người Nam, thì phải sang nước Nam dùng thuật mà phá đi, nếu không thì chu di cả ba họ. Thầy địa lý ngày trước, biết chắc chỉ người trò cũ mới làm được việc này, bèn sai con trai tìm đến nhà Tả Ao, lập mưu mà triệt đi. Con ông thầy địa tìm đến nơi, vào chơi nhà hỏi chuyện, Tả Ao tính thật thà kể hết chuyện khi trước. Hắn ta nghe xong, bèn dùng mẹo đào lấy ngôi mộ ấy, bắt cả đứa con của Tả Ao đem về Tàu.
Ít lâu sau, mẹ Tả Ao mất. Tả Ao tìm một ngôi đất ở bãi biển, kén ngày kén giờ để hạ huyệt. Đến giờ sóng gió ầm ầm, không mang áo quan ra được, lát sau sóng yên bể lặng thì ở đấy nổi lên thành bãi bồi. Tả Ao than rằng: “Đây là hàm rồng, cứ 500 năm mới há miệng ra một lần, mà há chỉ trong một lát mà thôi. Bây giờ đã ngậm lại rồi, còn táng làm sao được nữa. Trời không cho thì chỉ uổng mất công ta mà thôi.”
Từ đó Tả Ao không chịu làm ăn gì cả, chỉ lang thang đi làm đất cho người ta suốt 20 năm trời. Nhiều giai thoại nổi lên về khoảng thời gian này, hầu hết kể rằng Tả Ao giúp người ta táng được những huyệt đất tốt mà phát tài phát lộc, lại được người ta chia phần, danh tiếng vang khắp thiên hạ. Nhưng cũng có lần Tả Ao định táng hộ đất cho nhà họ Trần nọ tại một ngôi đất to rộng, ngờ đâu Thổ thần hiện lên phán rằng đất này Trời đã để dành cho nhà Nguyễn Quý Đức, họ Trần ít phúc đức không kham nổi, nếu làm cưỡng ý trời tất có vạ. Tả Ao lĩnh chỉ ý thần, hiểu rằng phúc là từ đức mà ra, tài lộc nhiều hay ít cũng là do đức dày hay mỏng, thầy địa lý dẫu cao tay đến đâu cũng không thể dựa vào phong thuỷ để thay đổi mệnh Trời.
Khi đã già yếu, Tả Ao tìm sẵn cho mình một ngôi đất để táng, gọi là thế “nhất khuyển trục quần dương” (một con chó đuổi đàn dê). Nếu táng được ngôi ấy, thì chỉ ba ngày là thành địa tiên. Bấy giờ ông còn hai người con trai, do mải chu du khắp thiên hạ làm phúc mà không để tâm tới gia cảnh, con cái sống bần hàn. Đến lúc bệnh nặng, Tả Ao sai hai con khiêng mình ra huyệt đã chọn mà chôn; nhưng đến nửa đường thì đã gần chết, không kịp đến được chỗ kia, mới trỏ một cái gò bên cạnh đường, dặn con rằng: “Chỗ kia là ngôi huyết thực (nghĩa là được hưởng người ta cúng tế), bất đắc dĩ táng ngay ở đấy cũng xong.” Nói xong thì mất, bấy giờ mới 65 tuổi. Hai con đem táng vào gò ấy, quả nhiên về sau làm phúc thần được một làng phụng thờ.
Tả Ao sống ở đời làm nhiều việc phúc đức, tiếc là cuối đời bần hàn. Nhưng về sau ông được phụng thờ, danh tiếng muôn đời là đệ nhất phong thủy nước Việt. Một số giai thoại truyền lại về việc Tả Ao “đấu phong thủy” với Cao Biền – nhưng chỉ là truyện dân gian thôi vì hai người này sống cách nhau hàng thế kỷ. Kho tàng thư tịch cổ còn để lại nhiều cuốn sách Hán Nôm được cho là của Tả Ao truyền lại, gồm nhiều cuốn sách phong thủy bí truyền.
Nguồn: EPIC
Viết xuống “Tả Ao – Bậc thầy địa lý phong thủy nước Việt” không dễ, mọi người tán dương chính là động lực để tiểu biên tiếp tục kiên trì viết tiếp! Hẹn gặp lại a…