Dịch giả: Trần Quỳnh Hương
Cô thiếu nữ 18 tuổi xinh xắn với đôi má hồng hồng, nước da trắng ngần, thật sự là điển hình của kiểu mẫu em gái nhà bên vô tư đáng đáng yêu
Mà đúng là ở độ tuổi tươi trẻ như cô cũng không có gì để ưu sầu cả
Đúng vào thời điểm đánh dấu bước ngoặt trọng đại của cuộc đời, cô quyết định lên thành phố G, thi vào Học viện Kiến trúc vì một lời hẹn ước với Lâm Tịnh – chàng trai sống cùng khu nhà tập thể với cô và hơn cô 5 tuổi.
Ngay từ nhỏ cô đã đi theo sau anh, đuổi theo bóng dáng anh, và luôn nghĩ rằng có thể rút ngắn khoảng cách giữa anh và cô khi hai người cùng ở chung trong một thành phố
Ngỡ đâu, vì mối tình thuở xưa của mẹ cô và cha anh khiến hai bên gia đình có khúc mắc, cho nên anh đã đi Mỹ, để lại cô một mình trăm tư không thể giải
—
“18 tuổi, Trịnh Vy nói với Nguyễn Nguyễn:”tớ là ai, tớ là thiên hạ vô địch Ngọc Diện Tiểu Phi Long, có cái gì tớ không giành được chứ?
22 tuổi, Trịnh Vy đứng trên đỉnh núi hét: “Nước Mỹ, đất nước chủ nghĩa tư bản gian ác, ta hận ngươi, trả lại người yêu cho ta…”
26 tuổi, cô nhìn anh, “em không thể tin anh hết lần này đến lần khác, không thể…”
—
Những điều thú vị trong cuộc sống ở trường đại học, nơi căn phòng 402 của kí túc xá – một điều đặc biệt trong cuộc sống của cô, những cô gái cùng phòng, mỗi người một cá tính và những điều riêng tư, nỗi niềm ấp ủ. Sáu cô gái trở thành “Lục đại Thiên hậu” ở chốn “kinh đô hòa thượng”.
Lâm Tịnh đã chọn con đường cho riêng mình, vậy Trịnh Vy cũng phải chọn cho mình lối đi không có anh. Trịnh Vy lao vào cuộc theo đuổi anh chàng Trần Hiếu Chính lạnh lùng khô khan, chỉ biết cắm đầu vào học. Tình yêu của cô đã được đền đáp, họ trở thành một đôi rất nổi tiếng trong trường đại học.
Bốn năm đại học của cô trôi qua trong hạnh phúc của tình yêu, nhưng ông trời vốn ghét kẻ má hồng, một lần nữa nước Mỹ lại cướp đi người cô yêu. Sau những lời “tâm huyết” của người mẹ đã hy sinh cả một đời để nuôi mình khôn lớn, Trần Hiếu Chính quyết định đi Mỹ mà không cho Trịnh Vy một lời hẹn ước, cả cơ hội chờ đợi cũng không có.
Thời gian vẫn trôi, con người vẫn phải sống, Trịnh Vy mạnh mẽ tiếp tục bước tiếp con đường mình phải đi. Cô làm thư ký cho Giám đốc Công ty 2 trực thuộc Tập đoàn Kiến trúc Trung Quốc, trước kia cô nộp hồ sơ vào đây vì Trần Hiếu Chính cũng nộp hồ sơ. Nhưng nay không còn anh cô vẫn đi làm vì cô thấy đây là cơ hội cô có thể phát triển sự nghiệp.
Dưới sự dìu dắt của Giám đốc Chu Cù, một Trịnh Vy sốc nổi, bốc đồng, bừa bãi đã trở thành thư ký Trịnh điềm đạm trong giao tiếp, cẩn trọng trong công việc.
Cô Lý Chủ tịch Công đoàn của công ty đã giới thiệu cho cô rất nhiều chàng trai, cô nghĩ mình cũng nên tìm một người để nương tựa. Vậy là cô lao vào các cuộc hẹn hò, người thích cô thì cô không thích, mà người cô thích lại chẳng có tình cảm với cô, trước những chàng trai xa lạ cô luôn có một câu hỏi “kinh điển”: “Anh có thích nước Mỹ không?”
7 năm trôi qua từ khi Lâm Tịnh ra đi, Trịnh Vy tình cờ gặp lại anh trong đám cưới của Nguyễn Quản, một sự trùng hợp nữa thời gian đó Trần Hiếu Chính về nước trở thành trợ lý giám đốc của Công ty 2, anh trở thành đồng nghiệp, cấp trên của cô.
Trong cô diễn ra sự giằng co đau đớn, giờ đây cô phải lựa chọn, một người là niềm mơ ước từ nhỏ, một tình cảm kéo dài 17 năm; một người là tình yêu nồng thắm, gắn bó những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi xuân.
Cô có một ước nguyện là được cùng người mình yêu đến làng Vụ Nguyên, ở đó có cây hòe già đã chứng kiến sự gặp gỡ và chia ly mối tình đầu của mẹ cô. Cô cũng mong muốn cây hòe già cũng làm chứng cho tình yêu của cô, nhưng hai lần đến cô đều phải đi một mình, cô phát hiện ra rằng cây hòe già không phải là niềm mơ ước của riêng cô nữa.
Trịnh Vy nghiệm ra rằng: Cố hương là nơi để người ta ôn lại thuở hàn vi, tuổi xuân là quãng thời gian để con người nhớ nhung hoài niệm, khi ôm nó vào lòng nó sẽ chẳng đáng một xu, chỉ khi cô dốc hết nó quay đầu nhìn lại, tất cả mới có ý nghĩa. Những người đã từng yêu và làm tổn thương cô đều có ý nghĩa đối với sự tồn tại tuổi xuân của cô.