Đối với độc giả của Kim Dung thì có lẽ tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ không ai là không biết, bởi vì đây được xem là một trong những tiểu thuyết hay, hấp dẫn và sâu sắc nhất trong 15 tác phẩm của ông.
Nhưng không giống như 1 số tiểu thuyết khác như Thiên Long Bát Bộ, Xạ điêu tam bộ khúc hay Lộc Đỉnh Ký được diễn ra trong những cột mốc thời gian cụ thể, Tiếu Ngạo Giang Hồ lại không được cụ Kim mô tả là diễn ra trong 1 bối cảnh lịch sử nào, chỉ được suy đoán là trong thời nhà Minh(1368-1644), nằm giữa 2 tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long ký và Bích huyết kiếm mà thôi.
Vậy thì Tiếu Ngạo Giang Hồ diễn ra vào khoảng thời gian cụ thể nào, tại hạ xin phân tích những dữ kiện trong tác phẩm này và 2 tác phẩm kia để tìm ra đáp án !!
– Thứ nhất : Trong truyện có nhắc tới chuyện 80 năm trước, Ma giáo tập kích Võ Đang cướp đi Chân Võ kiếm và thủ bút Thái Cực quyền kinh của Trương Tam Phong để lại. Điều này chắc chắn phải diễn ra sau khi Võ Đang Lục hiệp qua đời, chứ nếu còn Võ Đang lục hiệp thì với võ công và uy danh của họ, các trưởng lão Ma giáo sẽ không dám và cũng không đủ khả năng để làm được việc này. Mà khi tác phẩm YTĐLK kết thúc vào năm 1368 khi Chu Nguyên Chương lên ngôi, Võ Đang lục hiệp tầm từ 40-50, và với tác dụng dưỡng sinh của võ công phái Võ Đang thì ít nhất họ cũng sống thêm được 30-40 năm nữa. Như vậy việc Ma giáo tập kích Võ Đang phải diễn ra sau khoảng thời gian năm 1410, và TNGH sẽ diễn ra khoảng thời gian từ sau những năm 1500.
– Thứ 2 : tác phẩm Bích huyết kiếm diễn ra trong giai đoạn vua Sùng Trinh cai trị (1627-1644). Lúc này chưởng môn phái Hoa Sơn là Mục Nhân Thanh cũng đã gần 80 tuổi, làm chưởng môn cũng đã mấy chục năm. Mà thời gian cuối TNGH thì phái Hoa Sơn đã suy yếu và sắp tan rã, để vực dậy môn phái và đào tạo đệ tử thành tài, ít nhất cũng mất 30-40 năm. Cho nên TNGH phải diễn ra trước BHK hơn 100 năm, là sẽ nằm trong khoảng trước năm 1520.
=> Đối chiếu với khoảng thời gian này trong lịch sử thì đó là giai đoạn trị vì của vị vua Minh Vũ Tông(1505-1521).
Đi sâu hơn về nghiên cứu lịch sử thì vua Minh Vũ Tông sống vô cùng xa hoa, đam mê tửu sắc, bỏ bê triều chính, trọng dụng bọn gian thần và hoạn quan, đặt biệt là 8 tên hoạn quan lũng đoạn triều chính, ăn chặn hối lộ, còn gọi là loạn Bát hổ mà cầm đầu là tên hoạn quan nổi tiếng Lưu Cẩn. Hắn được Minh Vũ Tông giao cho mọi quyền lực, tự ý phê duyệt cả tấu chương, ban hành các chiếu chỉ, sắc lệnh. Có điều hắn chỉ là 1 hoạn quan, học hành không nhiều nên chữ nghĩa không biết được bao nhiêu, nên giao luôn cho bọn thân tín làm những việc này.
– Trong TNGH thì chúng ta bắt gặp 2 trường hợp bỏ tiền ra mua chức quan, là Lưu Chính Phong mua chức quan Tham tướng ở Hành Sơn, và Ngô Thiên Đức tới tận Bắc Kinh, hối lộ Binh bộ thượng thư để được chức quan Tham tướng ở Tuyền Châu.
+ Ngô Thiên Đức thì từ 1 tên du kích ở Thương Châu- Hà Bắc lại được Binh bộ thượng thư phong lên làm Tham tướng ở Tuyền Châu- Phúc Kiến. Mà Tuyền Châu lúc này đang là 1 điểm nóng quân sự, xảy ra giao tranh giữa nhà Minh với người Bồ Đào Nha, đang cần nhân tài để phục vụ đất nước, lại cử 1 tên vô dụng tới đó.
+ Đọc lại sắc phong cho Lưu Chính Phong thì có thể thấy lời văn trong chiếu chỉ này rất tầm thường, không thể là do những bậc Đại học sĩ soạn thảo được. Nguyên văn chiếu chỉ như sau : Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết : ” Theo tuần phủ Hồ Nam tấu, thứ dân Lưu Chính Phong ở huyện Hành Sơn chăm lo việc nghĩa, giỏi về cung mã; ở quê nhà kham tài đại dũng. Vậy phong chức Tham tướng để từ nay vì triều đình gắng sức báo đáp, không phụ lòng trẫm. Khâm thử”.
– Trong giai đoạn này, kỷ cương của triều đình rất là lơi lỏng, quan lại địa phương chỉ biết hà hiếp dân lành, ăn hối lộ, áp đặt thuế má lên đầu dân lành, để lấy tiền cống nạp lên trên, chứ không cần quan tâm đến đời sống người dân. Trong TNGH có đoạn mô tả Nhật Nguyệt thần giáo truy bắt Đồng Bách Hùng, khua chiên gióng trống ầm ĩ, chẳng coi quan lại địa phương ra gì, mà địa phương ở đây chính là tỉnh Hà Bắc, giáp với kinh đô Bắc Kinh.
– Thời kỳ này đất nước do hoạn quan cầm quyền, họ có địa vị rất cao trong xã hội, cho nên họ không còn tự ti như những hoạn quan của các thời đại khác. Và trong TNGH lại có mấy người sẵn sàng tự cung để luyện Quỳ Hoa bảo điển và Tịch tà kiếm pháp. Dù biết họ tự cung để muốn luyện thành thần công, nhưng phải chăng việc tự cung đối với họ nói riêng và xã hội lúc này nói chung cũng không phải là việc quá xấu hổ ??
=> Qua đó có thể thấy bối cảnh xã hội trong TNGH cũng rất giống xã hội Trung Quốc trong giai đoạn này.
– Thêm 1 tình tiết lịch sử nữa là vua Minh Vũ Tông có 1 tình yêu đồng tính với 1 thủ lĩnh Hồi giáo người Duy Ngô Nhĩ là Sayyid Husain, hắn từng làm giám công ở Hami(Cáp Mật) khi xảy ra chiến tranh biên giới giữa nhà Minh với Turfan(Thổ Lỗ Phiên). Phải chăng mối tình đồng tính của Đông Phương Bất Bại và Dương Liên Đình được cụ Kim sáng tạo dựa trên mối tình này. Cái này chỉ là suy luận cho vui thôi.
– Xét thêm các mốc thời gian là, giai đoạn trước khi vua Minh Vũ Tông trị vì là của vua Minh Hiếu Tông Hoằng Trị Đế (1487-1505). Thời kỳ này Hoằng Trị cai trị rất tốt, được coi là thời Hoằng Trị trung hưng, và ông được xem là 1 hoàng đế đáng khen của nhà Minh, được so sánh với Minh Thái Tổ và Minh Thành Tổ. Ông đã làm cho xã hội, quốc gia hưng thịnh, bãi bỏ các tham quan bất tài và hoạn quan lộng quyền. Cho nên TNGH không thể xảy ra trong giai đoạn này.
– Tiếp theo là giai đoạn sau Minh Vũ Tông trị vì là thời kỳ của Gia Tĩnh Đế (1521-1567). Gia Tĩnh Đế ban đầu cai trị rất tốt, thiên hạ thái bình, như cụ Nguyễn Du có tả trong truyện Kiều là :
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.
Tuy vào những năm cuối đời, Gia Tĩnh Đế để Nghiêm Tung lộng hành, nhưng giai đoạn này đã quá gần với Bích Huyết kiếm, như vậy lại không hợp lý. Cho nên TNGH cũng không thể xảy ra trong giai đoạn này được.
Từ những tình tiết trên, tại hạ cho rằng tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ xảy ra trong giai đoạn vua Chính Đức Đế Minh Vũ Tông cai trị, thời gian từ năm 1505-1521.