TÀN NÔ
Tác giả: Hắc Nhan
Thể loại: Cổ đại, đoản văn, ân oán giang hồ, ngược, HE.
Độ dài: 12 chương.
Tình trạng: Hoàn edit.
Link đọc https://truyen5zz.com/tan-no
_______
A La rất thích hoa lê, nàng thích ngắm nhìn những bông hoa lê trắng như tuyết bay tà tà trong gió nhẹ, nàng thích dạo bước dưới ánh hoàng hôn của ngày chiều tắt nắng, thích lắng nghe tiếng ca của mẫu thân trong từng làn điệu ngân nga dịu dàng…
A La là thiếu chủ của Băng tộc, tộc này từ xưa đến nay đều là âm thịnh dương suy, nữ tử lấy mỹ mạo nổi tiếng khắp thiên hạ, nhưng Băng tộc vốn không phải là một bộ tộc hùng mạnh. Vì tránh diệt vong tộc, các thế hệ trước giờ chỉ có thể tìm kiếm cường giả che chở, mà cách duy nhất chính là lấy nữ tử dung mạo xinh đẹp nhất, huyết thống cao quý nhất trong tộc gả cho ngoại tộc. Và A La là người được chọn.
Năm ấy, A La ngồi trong chiếc kiệu hoa mỹ lệ, Băng tộc tiến hành nghi thức long trọng nhất đưa nàng hiến cho quân chủ tiền nhiệm của nước Ma Lan cường đại. Nàng không vui sướng cũng không ưu thương, chỉ là thuận theo ý trời.
Nam nhân trung niên kia chính trực, nàng cho rằng hắn sẽ là chỗ dựa cả đời của nàng, của Băng thành. Khi đó, nàng vẫn còn quá ngây thơ, ngây thơ đến nỗi không biết dục vọng đối với mỹ sắc và quyền lực có thể khiến con người không còn là con người.
Trong ba năm, nàng bị từng người lại từng người nam nhân đến tranh đoạt, bọn họ có khi thậm chí ngay đến tóc của nàng còn chưa chạm được đã ngã trong vũng máu. Mỗi người bọn họ đều muốn có được nàng, mỗi người đều nói những gì họ làm đều vì nàng, giết người cũng vậy.
Nàng chịu đựng khuất nhục vô cùng để sống, chỉ vì nàng là thiếu chủ Băng thành, mục đích duy nhất nàng còn sống chính là giữ gìn hòa bình yên ổn cho Băng thành. Nàng mặc kệ nam nhân bên cạnh mình là ai, nàng chỉ cần xác định tất cả những gì nàng làm có thể giúp nàng bảo hộ Băng thành, bảo hộ muội muội duy nhất của nàng là đủ rồi.
Người ta nói nàng là “hồng nhan họa thủy” nhưng họ có biết chăng “hồng nhan” như nàng cũng chỉ là kẻ “bạc phận”. Đến cuối cùng, nàng vì thoát khỏi cuộc sống kia mà tự hủy hoại dung mạo, lưu lạc đến tận vùng đất Kỳ Kha xa xôi làm nữ nô.
Tử Tra Hách Đức, chàng là thủ lĩnh của bộ lạc Mạc Hách của người Địa Nhĩ Đồ, là chiến binh dũng mãnh được người người ngưỡng mộ. Chàng có một hình thể cường tráng và vô cùng hoàn mỹ, với đường nét gương mặt rõ ràng thể hiện sự anh tuấn trẻ tuổi, toàn thân tản ra khí thế bức người khiến người ta kính phục. Chàng là đức lang quân trong mộng của bao nữ tử Địa Nhĩ Đồ.
Trong cuộc đời của Tử Tra Hách Đức, chàng đã gặp được rất nhiều nữ tử, là Thanh Lệ Na đầy kiêu hãnh và mạnh mẽ, là Linh Mộc phóng khoáng tự do mang theo hào khí của nữ chiến binh, là muội muội Lam Nguyệt Nhi non nớt và tùy hứng… Nhưng có lẽ chẳng có người nào kỳ lạ và bí ẩn như A La.
A La có một đôi mắt rất đẹp, đôi mắt ấy chứa đựng sự dịu dàng, ấm áp khiến chàng trầm luân say mê, nhưng đôi mắt ấy cũng chứa đựng quá nhiều cảm xúc phức tạp làm người ta nhìn không thấu.
A La có một giọng nói rất hay, giọng nói êm ái mềm mại lại vô cùng dễ nghe, phảng phất như dòng nước trong lành, nhẹ nhàng xuôi vào lòng người, chậm rãi mà thấm mát cả tâm can.
A La có một trái tim lương thiện và bao dung, cho dù trái tim của nàng đã từng bị tổn thương đến tận cùng.
Nàng không xinh đẹp như những nữ tử chàng từng gặp, nhưng lại là người duy nhất khiến chàng động tâm, khiến chàng bận lòng.
A La, mặc kệ quá khứ thế nào, dù nàng đã từng là ai hay từ đâu đến, giờ đây nàng chỉ là A La, là thê tử của Tử Tra Hách Đức.
A La, ta muốn nhìn thấy nụ cười của nàng, xin hãy để ta mang lại hạnh phúc cho nàng, có được không?
.
.
.
“Tàn nô” là một bộ truyện ngắn, khá dễ hiểu và vẫn được viết theo phong cách quen thuộc của Hắc Nhan. Truyện không có quá nhiều gút mắt khó khăn hay ngược tâm, nhưng cũng không đi theo chiều hướng ngọt sủng và nhẹ nhàng. Cốt truyện có phần quen thuộc, kết hợp với giọng văn trầm lắng và bình thản. Đây không phải là một bộ truyện có thể gây ấn tượng sâu sắc với người đọc, nhưng nó vẫn sẽ là sự lựa chọn thích hợp cho những ai yêu thích lối văn của Hắc Nhan.
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.