Vâng, một ai đó đã từng nói 【 Đạo Tâm không vững, làm sao có thể thành đạo 】 nhưng không ít các người đọc lại mù mờ, không hiểu lắm về “Đạo Tâm” này là cái gì? Vì sao nó lại quan trọng đối với một người tu luyện?
Theo hiểu biết nông cạn của tại hạ, “Đạo Tâm” ở đây nói nôm na chính là “phương hướng” suy nghĩ của một người tu luyện. Lấy ví dụ như nếu một người theo đuổi “Sát Lục Đạo” thì không thể xuất hiện suy nghĩ “Nhân Từ”, hoặc theo đuổi con đường “Vô Dục Vô Cầu” thì phải tránh xuất hiện “Lục Dục”
Đạo Tâm là gì? Tại sao trong truyện, tác giả lại cứ đề cao Đạo Tâm?
Nói chi tiết hơn thì “Đạo Tâm” phải bao gồm có “Đạo” và “Tâm”. “Đạo” là con đường riêng của mỗi người khi bước vào con đường tu luyện. Còn “Tâm” đại khái là suy nghĩ, tâm tính trong lòng của mỗi người. Hai thứ này sẽ bổ sung và bù đắp cho nhau, thiếu một cũng không được.
Vì sao các tác giả luôn nhấn mạnh và đề cao “Đạo Tâm”, cảnh giới càng lên cao thì “Đạo Tâm” càng quan trọng?
Tại hạ lúc mới bắt đầu đọc Tiên Hiệp cũng ngu ngơ khó hiểu, tại sao người trong tông môn, gia tộc lớn cứ phải đưa đệ tử nòng cốt, là tương lai của gia môn họ đi lịch luyện, đưa vào chỗ nguy hiểm. Không thể ở nhà tu luyện tăng cao tu vi rồi hãy đi không được sao?
Thì nói đơn giản là vì tu luyện như đi trên một con đường rất dài, đôi lúc sẽ có nhiều ngã rẽ buộc người phải lựa chọn. Chọn sai sẽ đi nhầm đường lạc lối, đến cuối cùng là rơi vào ngõ cụt, vực sâu hoặc không phải điểm đến đã chọn lúc ban đầu. Càng về phía cuối thì con đường sẽ càng hẹp, lựa chọn sai thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Lúc ấy, bao công sức và tài nguyên được bồi dưỡng cho họ đều sẽ đi tong
Lấy ví dụ, nếu một nhân vật lựa chọn tu luyện “Tuyệt Tình Đạo” nhưng cuối cùng lại sinh ra tình, vậy hắn sẽ hoài nghi liệu con đường hắn đi có đúng hay không. Lúc ấy, vượt qua được hắn sẽ đi tới một cái đích khác. Còn nếu không, toàn bộ những thứ hắn đã tu luyện được trước đó sẽ lung lay và đổ vỡ, cuối cùng là dẫn đến cái gọi là “tẩu hỏa nhập ma”
Lại nói tu vi càng lên cao thì sự sụp đổ này sẽ dẫn đến ảnh hưởng càng lớn, cho nên bắt buộc phải cẩn thận hơn. Cơ sở lúc ban đầu càng vững chắc thì nguy cơ về sau sẽ càng ít. Mà để rèn luyện “Tâm” của mỗi người thì đi lịch luyện, đặt mình vào chỗ nguy hiểm là một lựa chọn tốt nhất. Giống như các đồng hữu sẽ suy nghĩ là “Chuyện nguy hiểm đó còn vượt qua được, chút chuyện nhỏ này đã là gì”
Hi vọng các đồng hữu đã có chỗ rõ ràng hơn về “Đạo Tâm”. Cho nên mới nói muốn rèn luyện đạo tâm thì hãy đặt mình vào hố sâu nhất có thể nhé
==================
Viết xuống “Đạo Tâm là gì? Tại sao trong truyện, tác giả lại cứ đề cao Đạo Tâm?” không dễ, hi vọng mọi người yêu thích!