Internet và các diễn đàn dành cho văn chương đang là công cụ hữu hiệu giúp người viết trẻ sớm đến với thành công.
Năm 2005, tiểu thuyết Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh ra mắt. Năm 2006, Trần Thu Trang phát hành tiểu thuyết Phải lấy người như anh. Đây gần như là những cuốn sách đầu tiên đi ra từ trang mạng và thành công. Từ đó, dòng văn học mạng đã mang lại thành công cho nhiều cây bút trẻ, giúp họ tạo dựng tên tuổi.
Cánh cửa rộng cho người viết trẻ
Gào là một trường hợp điển hình cho việc thành công khi sáng tác trên mạng. Truyện ngắn của cô xuất hiện trên blog Yahoo được tập hợp và in thành sách. Những cuốn như Cho em gần anh thêm chút nữa (2009), Nhật ký son môi (2010), Tự sát (2011), Yêu anh bằng tất cả những gì em có, Mất anh bởi tất cả những thứ em cho (2012) đã trở thành sách bán chạy nhất khi mới phát hành.
Nguyễn Ngọc Thạch (Jade) cũng là một người viết có nhiều sách được xuất bản. Tác phẩm của Thạch xoay quanh số phận của những người đồng tính, người làm nghề mại dâm thu hút hàng triệu lượt đọc trên mạng. Các truyện ngắn như Đời Callboy, Một con đĩ yêu nghề, Lòng dạ đàn bà đứng trong các cuốn sách khác nhau được xuất bản. Ở tuổi 27, Nguyễn Ngọc Thạch sở hữu một lượng khá các tác phẩm và có nhiều độc giả theo dõi.
Võ Anh Thơ là một sinh viên, năm 2010 cô đọc những bài báo về nghề PR bar và viết Hạ Tuyết để tham gia một cuộc thi truyện ngắn. Tới 2012, cô phát triển Hạ Tuyết thành một tiểu thuyết, cho đăng từng phần trên mạng. Tác phẩm được mua bản quyền và xuất bản sách giấy cuối năm 2013, ghi danh Võ Anh Thơ trong làng viết. Hiện nữ tác giả đang viết tiếp và cho đăng từng phần Nhật ký mang thai khi 17 lên trang mạng xã hội của mình.
Một số tác phẩm văn học mạng làm nên thành công của tác giả.
Nếu như trước đây người viết thường gửi bản thảo tới đơn vị xuất bản, hoặc phải có tác phẩm chất lượng, đoạt giải các cuộc thi… thì mới có thể in thành sách giấy. Tuy nhiên Internet và các trang web đã mở ra một cánh cửa tiếp cận đơn vị xuất bản cho những cây viết trẻ, những người chưa có tên tuổi.
Theo chị Thu Hà – giám đốc điều hành của công ty sách Người Trẻ Việt – công ty này từng phát hành 60 đầu sách văn học Việt Nam, trong đó có tới 2/3 bản thảo lấy từ các tác phẩm đã đăng trên mạng.
Hành trình từ mạng ra giấy
Nhà văn Trang Hạ từng nói: “Trên mạng đầy rẫy chữ. Hay thì gọi là văn, còn lại toàn rác”. Tác phẩm đăng tải trên mạng có độc giả chưa chắc đã là một tác phẩm chất lượng. Để đi ra sách giấy, bản thảo còn phải vượt qua nhiều khâu thẩm định.
Về lý do lựa chọn bản thảo từ mạng, chị Thu Hà đưa ra quan điểm: Các tác phẩm đăng trên mạng có người đọc coi như là đã qua một bước thẩm định. Tác phẩm được nhiều người biết đến thì chất lượng cũng khá ổn. Chúng tôi xác định đối tượng độc giả chính là các bạn tuổi mới lớn, nên khi chọn bản thảo cũng tìm hiểu tác phẩm ấy nhận được những lời nhận xét, khen chê của độc giả trẻ như thế nào. Nếu thấy tác phẩm có nhiều phản hồi tốt, bản thảo ổn về nội dung, chất lượng thì ban biên tập tiến hành thẩm định, rồi mới mua bản quyền.
Sự xuất hiện của mạng Internet và tác động của nó tới văn học là không thể phủ nhận. Ngày càng có nhiều người viết sáng tác trên mạng, lựa chọn mạng làm phương thức tiếp cận độc giả. Tuy nhiên, văn học mạng tại Việt Nam vẫn chưa phát triển tới mức các diễn đàn, trang web văn chương có thể trả tiền cho người sáng tác, hoặc có trả thì cũng chỉ là một con số nhỏ tượng trưng. Vì thế, xuất bản sách giấy vẫn là phương pháp khẳng định tên tuổi người viết. Văn học mạng gần như chỉ đóng vai trò đăng tải, quảng bá tác phẩm, nhưng như thế cũng đã mở ra một cánh cửa giúp người viết trẻ có năng lực sớm đến với thành công hơn.