————————————————————-
Đây là một câu mình nhận được từ vài ngày qua. Mình rất thích và luôn cổ vũ các bạn có đam mê viết hãy thử bắt đầu.
Nhưng, để viết thì bắt đầu từ đâu bây giờ?
Dưới đây là quy trình viết mình áp dụng mỗi ngày, xin chia sẻ cùng mọi người.
1. Tìm ý tưởng, chủ đề
Trước hết, bạn cần có một ý tưởng viết bài. Chính xác hơn là 1 ngân hàng ý tưởng. Vì sao vậy? Vì đến khi có cảm hứng viết, bạn mới bắt đầu suy nghĩ ý tưởng. Việc này làm tiêu tốn của bạn rất nhiều thời gian. Hơn thế, bạn không có ý tưởng thì không viết được bài, việc lên bài cũng sẽ không đều đặn mỗi ngày mà chỉ theo cảm xúc.
Mình từng chia sẻ về 8 tip để không bao giờ cạn ý tưởng viết bài, bạn có thể tìm đọc nhé! Việc tìm ý tưởng, chủ đề giúp bạn xác định nội dung chính bài viết, viết đúng và không bị lạc đề.
2. Tìm hiểu thông tin để viết bài
Thật ra mình không quá giỏi để biết trước hết tất cả những gì mình chia sẻ với các bạn vừa qua đâu. Khi tìm được ý tưởng viết bài, mình sẽ bắt đầu tìm tư liệu, thông tin để đọc và nắm bắt nội dung cần thiết. Điều này giúp mình vừa học được kiến thức mới, vừa tìm được nội dung hay để bổ sung vào bài viết của mình.
Ngoài ra, mình thường đọc các bài blog của anh/chị trong cùng lĩnh vực của mình để học hỏi thêm, chứ không nhất thiết đợi đến khi chuẩn bị viết bài mới đọc. Việc tìm hiểu thông tin giúp bạn hiểu và viết bài có chiều sâu hơn, đầy đủ và khách quan hơn.
3. Tra từ khóa
Đây là một bước cực kỳ quan trọng. Trước đây, khi mình viết bài, mình chỉ viết những gì mình nghĩ thôi. Điều này không ảnh hưởng gì đến nội dung bạn truyền đạt cả, nhưng nó sẽ không giúp bài của mình lên được t.o.p tìm kiếm (không SEO được ý).
Khi bạn viết bài, bạn sẽ muốn bài viết của mình được đến với độc giả đúng không nào? Vì thế, bước tra keyword này sẽ giúp bạn có thể dễ đưa bài viết của mình tiếp cận người đọc hơn một chút.
Mình sẽ liệt kê ra một số từ liên quan đến nội dung mình viết và sử dụng công cụ để tra. Có rất nhiều công cụ để bạn tra từ khóa. Ở đây, mình thường dùng Google Ads ạ (lúc mới bắt đầu tìm hiểu, bạn hãy cẩn thận thao tác từng bước để không bị mất tiền oan uổng như mình nhé).
Ví dụ mình đã từng viết bài “8 tip giúp bạn không bao giờ cạn ý tưởng viết content”. Trong bài này, mình sẽ liệt kê ra một số từ khóa như “ý tưởng viết”, “ý tưởng viết content”, “viết content”, “tip tìm ý tưởng viết”… Sau đó, mình sẽ lên công cụ để xem xét về mức độ phổ biến các từ khóa. Bên cạnh đó, mình tìm thấy vài từ khóa liên quan mà lúc đầu mình chưa nghĩ đến. Mình sẽ ghi lại hết tất cả từ khóa có mức độ tìm kiếm cao.
4. Lập dàn ý
Đây có lẽ là bước quan trọng nhất, quyết định bài của bạn có hay và đầy đủ nội dung không ý. Trước đó, khi viết bài, mình chỉ viết theo cảm nghĩ từng đoạn nhỏ thôi, không lập dàn ý đâu. Nhưng sau vài bài viết, mình được góp ý về phần này và bắt đầu rút kinh nghiệm.
Mình thấy một lợi ích của việc lập dàn ý là giúp mình viết nhanh hơn. Khi có dàn ý sẵn rồi, mình chỉ cần triển khai hết ý này đến ý kia thôi, không còn dễ bị đứt quãng cảm xúc như lúc đầu. Thêm nữa, bài viết hoàn tất sẽ đầy đủ ý, trôi chảy hơn rất nhiều.
Ví dụ như trong bài này, mình xác định chia sẻ về quy trình viết bài. Mình sẽ có mở đầu là giới thiệu vào bài bằng việc đưa ra câu chuyện mình nhận được nhiều câu hỏi viết như thế nào từ các bạn. Sau đó, thân bài mình triển khai từng ý lớn là bước 1-7 mà các bạn đang đọc. Cuối cùng là kết bài, mình tóm tắt lại nội dung đã viết và động viên tinh thần viết mỗi ngày của các bạn.
5. Viết bài
Sau khi đã hoàn thành 4 bước trên thì mình mới thực sự bắt đầu viết. Trong bước này, mình khuyên bạn cần có sự tập trung cao độ. Bạn có thể áp dụng quy tắc Cà chua mà mình đã chia sẻ, hoặc đơn giản loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng để hoàn toàn thả mình vào bài viết.
Bạn sẽ dựa trên dàn ý đã lập và viết. Trong lúc viết bài, bạn sẽ đưa thêm các từ khóa bạn đã tra được ở bước 3 vào bài viết. Bạn sẽ viết một mạch đến hết bài, đừng vừa viết vừa sửa, hoặc vừa viết vừa làm việc khác. Sau khi xong bài, bạn hãy xem lại. Điều này giúp bạn tránh được tình trạng tốn nhiều thời gian và mất mạch cảm xúc.
6. Chỉnh sửa
Đây mới là bước bạn mới thật sự vào chỉnh sửa nè. Mình chắc chắn rằng trong lúc viết, bạn sẽ bị lặp từ, hoặc diễn tả dài dòng, lủng củng… Điều này hầu như ai cũng gặp phải, nên bạn đừng lo lắng quá nhé.
Bạn cần xem lại bài viết của mình nhiều lần. Tốt nhất, bạn nên viết vào ngày hôm trước, và xem đi xem lại 1-3 lần. Ngày hôm sau, bạn hãy đăng. Đôi khi, viết xong rồi bạn cũng chưa nhận thấy sự bất ổn đâu đó trong bài. Thật ấy. Vì thế, hôm sau, khi đã “tỉnh táo” hơn, bạn sẽ đọc lại bài để chỉnh sửa tốt nhất có thể nha.
7. Thiết kế hình ảnh, video đi kèm
Hiện tại, phần dễ thu hút người đọc nhất chính là tiêu đề và hình ảnh trong bài viết của bạn. Để đặt tiêu đề hay thì cần cả một quá trình rèn luyện và kinh nghiệm của bạn. Như mình hiện tại, vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn trong việc đặt tên tiêu đề.
Nhưng phần giúp bạn dễ dàng thu hút độc giả ở lại hơn, đó là hình ảnh/ video đi kèm. Bạn có thể lên các công cụ như Canva, Photoshop,… để thiết kế hình ảnh phù hợp với nội dung viết của mình nhé!
Như vậy, cơ bản là bạn đã hoàn thành một bài viết và có thể đăng lên các nền tảng bạn muốn rồi. Mình muốn chia sẻ với bạn một điều: “Viết không khó, nhưng viết hay, viết tốt thì không dễ. Bạn cần luyện tập, trau dồi mỗi ngày thì mới viết tốt được. Mỗi ngày viết một bài thôi sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng viết rất nhiều”.
Trước đây, mình đã từng viết rất nhiều (nhưng chỉ viết theo cảm tính ý), vì vậy kỹ năng viết của mình không đủ để mình đạt được thu nhập. Để rèn luyện được kỹ năng viết thật sự có thu nhập, mình đã đi học một cách bài bản, đàng hoàng và nhận được công việc viết. Vì thế, nếu bạn thật sự muốn học giống mình, mình luôn sẵn sàng chia sẻ với bạn về những nội dung đã học để có thu nhập nhé!
Nguồn: Trúc Linh