Tôi đã từng nghe có người xem cuốn này là kinh thánh của đời mình. Tôi tò mò không hiểu tại sao? Tôi đọc! Và tôi đã bắt đầu cảm nhận được! Cảm nhận tất cả những gì tinh túy được chắc lọc từ quá trình trải nghiệm cuộc đời của nhà văn.
40 câu chuyện là 40 bài học về cuộc sống, 40 sự chiêm nghiệm vô cùng sâu sắc về những gì tác giả đã trải qua suốt ngần ấy năm sống trên đời.
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” ấn tượng với tôi ngay từ cái tựa đầu tiên và cũng là tựa của một trong những câu chuyện nhỏ phía trong. Bạn đọc nó để biết rằng cuộc sống này còn nhiều điều đáng để ta tĩnh lại mà suy ngẫm, mà yêu thương và tận hưởng.
Mỗi bài học trong 40 câu chuyện đều để lại những ấn tượng riêng:
Có thể nó là:
“Khi đọc cuốn tiểu thuyết Suối nguồn dày gần 1200 trang của Ayn Rand, tôi chỉ nhớ có 1 câu duy nhất: “Nếu muốn nói “Anh yêu em” thì phải nói Anh trước đã.” Tôi yêu thích triết lý đó quá chừng. Vì nó làm tôi vỡ ra nhiều thứ, giống như bài học về hạnh phúc của thầy tôi. Rằng để yêu người thì trước hết chúng ta phải biết yêu mình, phải trân trọng và giữ gìn niềm hạnh phúc của chính mình. Rằng ta phải bồi đắp chính bản thân ta thành một con người tốt đẹp và cảm nhận được niềm hạnh phúc, trước khi nghĩ đến việc mang đến hạnh phúc cho bất cứ ai hay đóng góp điều tốt đẹp gì cho xã hội.
Bởi vì, em biết đó, chúng ta không thể mang đến cho người khác thứ mà ta không có.”
Trong “Đơn giản chỉ là hạnh phúc”
“Ít hay nhiều, khi rơi vào sự cô độc, chúng ta đều cảm thấy tâm hồn mình chỉ còn là một khoảng không đáng sợ, và ta tự hỏi: “Phải làm sao để lấp đầy khoảng trống này đây?”
…Nhưng, bạn biết không, những khoảng trống đó không phải để lấp đầy…
…Bản chất con người vốn cô đơn. Đó là sự thật. Tất cả mọi người đều có lúc cảm thấy cô độc. Cả những người cởi mở, vui tính nhất hay những ngừoi, đang chìm đắm trong hạnh phúc vô biên, vẫn luôn có những khoảnh khắc ko thể chia sẻ cùng ai. Những khoảng trống mà ở đó chỉ mình ta đối diện với chính ta. Không phải vì chia tay một người bạn, hay mất đi một người thân, hay khi một mối tình tan vỡ thì nó mới xuất hiện. Khoảng trống đã có sẵn ở đó rồi. Luôn luôn ở đó, trong mọi con người”
Trong “Những khoảng trống không phải để lấp đầy”
“Có bao nhiêu lần cha và con trai nhìn vào mắt nhau để nhìn thấy tình thương tràn đầy trong đó? Hay chỉ nhìn vào mắt nhau những khi đối đầu? Như Charles Wadsworth nói “Lúc mà một người đàn ông nhận ra rằng cha mình có lẽ đã đúng, thường thì ông ta có một đứa con trai nghĩ rằng ông ta đã sai””
Trong “Nghẹn lời thương đỏ mắt chuyện tương phùng”
“Đừng nôn nóng khi nhìn thấy những loài cây khác đã khoe lá khoe hoa. Hãy cứ bình tâm. Hãy đợi thời điểm của mình, em nhé. Hãy tận dụng khoảng ngừng lặng này để bồi đắp cho chính mình và học cách khám phá điều sẽ xảy ra. Nếu em biết suy tư, khoảng thời gian chờ đợi không bao giờ là vô nghĩa.
Vì thế, dù cuộc sống có trôi nhanh biết mấy, em nhớ để dành trong đời mình những khoảng lặng thời gian cho sự đợi chờ. Không chỉ như chờ đèn xanh bật sáng ở ngã tư, mà như chờ rượu chín rồi hãy uống.”
Trong “Như chờ tình đến rồi hãy yêu”
“Khi ta phải viện đến từ ngữ để tìm cách hiểu nhau, thay vì nghĩ về nhau, nắm bắt cảm xúc của nhau để hiểu nhau. Đó là khi ta nhớ đến Saint Exupéry với lời cảnh tỉnh “Ngôn ngữ là cội nguồn của mọi ngộ nhận.”
Và buồn thay, đó cũng là khi ta để lạc mất nhau rồi. “
Trong “Đó cũng là khi ta để lạc mất nhau rồi”
“Trái tim vốn là một tạo vật mong manh và thiếu kiên định. Vì vậy, hãy tin vào điều thiện, lòng tốt, vào nhân cách và năng lực…nhưng đừng tin vào sự bất biến của nhận thức và tình cảm nơi con người. Hãy tin là mình được yêu trong khoảnh khắc này, nhưng đừng chắc rằng mình sẽ được yêu mãi mãi. Nếu chịu chừa chỗ cho sự đổi thay, ta sẽ tránh được không ít tổn thương sâu sắc.”
Trong “Hãy nói yêu thôi – Đừng nói yêu mãi mãi”
“Giữa những người lạ, ta cần một người quen. Giữa những người quen, ta cần một người yêu. Giữa những người yêu, ta cần một người hiểu. Giữa những người hiểu, ta cần một người tin. Tin và được tin. Như thế, yêu chưa phải là “kết cục có hậu” của một đời người. Yêu, mới chỉ là một nửa chặng đường dài mà thôi.”
Trong “Bởi vì ta là con người”
“Nhưng dù chúng ta hoá trang vì mục đích gì thì vẫn có một sự thật không thay đổi: con người mà ta thể hiện gần với con người thật của ta chừng nào thì những mối quan hệ của ta nhiều khả năng bền vững chừng nấy. Em thể hiện càng gần với bản chất của mình bao nhiêu thì càng có nhiều cơ hội yêu được đúng người bấy nhiêu…
Đó chính là lý do để cô ngựa vằn chẳng việc gì phải tìm cách khoác lên mình bộ lông báo đốm.”
Trong “Khi cô ngựa vằn khoác lên mình bộ lông báo đốm”
“Mary Tyler Moore đã nói rằng “Đôi khi, bạn phải quen biết một người thật sâu sắc mới có thể nhận ra đó là một người hoàn toàn xa lạ”. Cuộc sống đang chảy về phía trước. Em đổi thay và bạn cũng đổi thay. Sự chia xa âu cũng là lẽ thường tình của đời sống, có rồi lại mất, đến rồi lại đi. Vì thế sẽ có những tình bạn keo sơn kéo dài đến tận khi ta xa lìa cuộc đời với mái đầu bạc trắng, nhưng cũng có những người chỉ gắn kết với nhau trong một đoạn đời nào đó rồi thôi.”
Trong “Dư vị từ những tình bạn đã nhạt nhòa”
“Ồ, cuộc đời cũng như hơi thở vậy thôi. Ta không thể hít một hơi dài quá khả năng của mình. Nhưng ta có thể hít sâu hết khả năng của mình trong từng hơi thở. Tôi vẫn tin rằng nếu bạn thực sự biết hưởng thụ, bạn sẽ luôn thấy mình đã sống rất sâu.”
Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu…?
Trong “Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn…”
Tất cả những điều ấy gói gọn trong hơn 150 trang sách nhưng lại cho người đọc tất cả những gì cuộc sống đang dạy ta. Đọc để suy ngẫm, đọc để chiêm nghiệm và đọc để hiểu hơn về cuộc đời!
Hạnh Nguyễn