Dù bạn là ai, ở trong hoàn cảnh nào, hãy giữ sự tử tế, thay vì chọn cách tấn công một ai đó chỉ để có được sự hài lòng cho mình. Bạn có thể không thay đổi được những hậu quả mà phù thuỷ đã gây ra, nhưng bạn có thể không gây nên những hậu quả nghiêm trọng khác.
Giữa cộng đồng người chúng ta lẩn khuất một mụ phù thuỷ. Mụ ta gieo rắc tai ương, bệnh dịch, nghèo đói và vô số điều tàn ác khác nữa, mụ ta là chất kịch độc làm băng hoại xã hội này. Bởi thế, chúng ta phải săn lùng những dấu vết tà thuật của mụ, thiêu rụi chúng trong ngọn lửa cứu rỗi, và rồi lùng tìm cho ra mụ, để mụ đối diện với cái chết mà mụ xứng đáng nhận được. Chỉ có như thế, cộng đồng mới có thể trở lại yên bình và an toàn như trước.
Và cứ thế, cuộc săn phù thuỷ bắt đầu.
Theo lịch sử ghi chép lại, trong suốt 300 năm từ giữa thế kỷ 15 tới giữa thế kỷ 18, chỉ tính ở Châu Âu, 35.000 đến 100.000 vụ hành quyết phù thuỷ đã diễn ra, dẫn tới cái chết của hàng trăm ngàn người. Qua một thống kê chưa đầy đủ, trong vòng một thế kỷ, có khoảng 50.000 phù thủy nữ bị hành hình.
Sau hàng thế kỷ phát triển của loài người, điều man rợ ấy tưởng như đã nguôi yên, trở thành một phần quá khứ thương đau mà chẳng ai muốn lặp lại. Chẳng ngờ rằng, những cuộc truy lùng ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay, dưới những dạng thức khác, lẩn khuất đâu đó trong xã hội hiện đại ngày một trở nên phức tạp và khó kiểm soát mà chúng ta đang đương đầu.
Trước những mất mát bất tận của những cuộc hành quyết dưới danh nghĩa công lý ấy, bạn đã bao giờ tự hỏi: Phù thuỷ và những người đi săn, ai mới thật sự là kẻ thủ ác?
Hiểu thế nào về “săn phù thuỷ”?
Săn phù thuỷ (witch-hunting), hay còn được biết tới với cái tên “cuộc thanh trừng phù thủy”, là cuộc lùng tìm, bắt giữ và trừng phạt những người được cộng đồng gắn mác phù thủy, hoặc tìm kiếm bằng chứng về những tà thuật đang hiện hữu. Trong lịch sử, do thường gắn với mầm mống của bệnh dịch, tai ương hoặc những điều không thể lý giải chính xác bằng trình độ khoa học khi đó, phù thuỷ là nỗi sợ hãi của toàn bộ cộng đồng, và ám ảnh loại trừ một sự tồn tại xúc xiểm và độc hại ghim sâu vào khối óc mỗi con người cho tới khối óc chung của nề nếp xã hội.
Chúng ta biết rằng, phần lớn những khúc mắc – về tai ương, dịch bệnh, sự xuất hiện của những thành tựu trí tuệ – khiến loài người hoảng sợ vào thời điểm đó đều được sự tiến bộ của khoa học lý giải sau này. Điều đó cũng mang nghĩa rằng từng có hàng ngàn người bỏ mạng oan uổng dưới những giá treo cổ hay giàn hoả thiêu vì bị cho là một phù thuỷ, trong khi không thật sự gây nên một tội ác nào hay mang tới một mối đe dọa nào cho xã hội. Vì hiểu biết hạn hẹp, cộng đồng khi đó dễ dàng vin vào sự tồn tại hữu hình của tà thuật và phù thuỷ, với ít hoặc không một minh chứng rõ nét cho sự tồn tại của những hiện tượng đó. Những cuộc săn phù thuỷ từ đó trở thành một phần lịch sử đầy oan khuất và đau thương của nhân loại, phô bày đầy rẫy những bất công, tàn ác và sự nông cạn về hiểu biết của loài người.
Nhưng lịch sử đau thương ấy vẫn chưa hoàn toàn ngừng lại, sau chừng ấy thời gian. Cùng với sự phát triển không thể lường trước của công nghệ thông tin và các hình thức kết nối xã hội, đáng tiếc thay, những cuộc đi săn vẫn ráo riết diễn ra, dưới những hình thức khác và với những đối tượng khác, nhưng không kém phần nguy hiểm và tàn khốc.
Trong ngôn ngữ hiện tại, “săn phù thủy” mang nghĩa ẩn dụ cho một cuộc điều tra, tẩy chay ác ý, thường được tiến hành một cách công khai, nhắm tới một ai đó được đa số cho là tàn ác, độc hại, là một mối nguy hiểm cho xã hội, không phù hợp với các quy tắc sống của cộng đồng người nói chung, dù chưa có những chứng cứ rõ ràng và chính xác. Theo sự phát triển của mạng xã hội và sự mở rộng vô tận những kết nối giữa người với người, người ta không còn cần lùng tìm khắp nơi, không cần một giàn hoả thiêu hay một giá treo cổ để trừng phạt những tội lỗi đó. Người ta chỉ cần ngồi một chỗ, soạn ra một bình luận, và rồi gửi nó đi, lẫn vào dòng lũ của trăm ngàn bình luận khác nhấn chìm đối tượng được cả cộng đồng nhắm tới.
Những cuộc săn phù thuỷ lại bắt đầu. Phù thuỷ được nhắm tới nằm giữa cộng đồng người, được cho là vết nhức nhối của xã hội, là cái độc ác không nên được tồn tại. Người ta nghĩ vậy và ráo riết tấn công, trong khi lãng quên một điều không kém phần quan trọng: Thế nào là phù thuỷ? Người đang bị tấn công ấy có thật sự là một phù thuỷ, có thật sự đang gieo rắc cái ác hay không? Và cuối cùng, từ đâu mà chúng ta nghe tới cái ác mà mụ phù thuỷ ấy đang gieo rắc?
Sự thiếu hụt câu trả lời cho những câu hỏi đó làm nên một tai hoạ, mà sự trừng phạt giáng xuống phù thuỷ mới chỉ là khởi đầu.
Vì sao “săn phù thuỷ” lại nguy hiểm đối với xã hội?
Có đôi khi, chỉ với một nút like, chia sẻ hay một bình luận, chúng ta cũng vô tình tiến vào một cuộc thanh trừng phù thuỷ mà không hề hay biết. Niềm tin rằng những tương tác trên mạng xã hội là ảo và hoàn toàn vô hại ảnh hưởng tới quyết định về xu hướng tương tác của mọi người trên thế giới ảo, đồng thời hạn chế khả năng nhận thức mức độ nguy hiểm trong hành động của mình tại thế giới đó. Những cuộc săn lùng, do người trong cuộc không nhận thức rõ về hành động của mình và những hậu quả của nó, có thể gây ra những hậu quả tai hại.
- Những cuộc săn phù thuỷ dễ vượt khỏi tầm kiểm soát
Có một số lý do khiến người ta hăng hái với việc tham gia vào những cuộc tấn công phù thuỷ, đặc biệt là ở phương thức hiện đại – đả kích trên thế giới ảo. Thứ nhất, ấy là sự tác động của đám đông: trong một đám đông hỗn loạn và đầy kích động, người ta cũng thấy ngọn lửa hành quyết đang rực cháy ấy, cái sự ráo riết của đám đông ấy, bừng lên trong mình, cuốn lấy mình và giục mình đi. Thứ hai, người ta vướng vào suy nghĩ tự hào rằng bản thân vô tội và trong sạch hơn cá thể được cộng đồng gắn nhãn phù thuỷ kia, bởi vậy mà người ta tự cho mình quyền được phán xét, được tham gia thực thi công lý cho một đối tượng (nạn nhân của phù thuỷ) hoặc cho cả cộng đồng người. Thứ ba, tầm hiểu biết hạn hẹp hạn chế khả năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, khách quan và trung thực, do đó ác ý nhắm tới đối tượng của cuộc thanh trừng càng sâu sắc.
Bởi thế, những cuộc săn lùng phù thuỷ thường hung hãn và đầy tàn khốc, thậm chí có thể vượt ra khỏi tầm mà chính người tham gia có thể kiểm soát được. Tính khó kiểm soát của quá trình ấy còn được thể hiện ở niềm tin của những người tham gia rằng mình được an toàn sau màn hình máy tính, vì những tương tác kia không ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật mà họ có. Bởi thế mà người ta bẵng đi rằng đằng sau sự kết thúc của những cuộc thanh trừng có thể chưa là bình địa, mà là lãnh địa của những chiến dịch bôi nhọ, hàng loạt hành động quấy rối có tổ chức trên mạng xã hội, và cuối cùng dẫn đến những hoạt động bất hợp pháp, như doxxing – đánh cắp và công khai những thông tin về nhân thân của một đối tượng nào đó trên các trang mạng xã hội, gây nên những hệ lụy nặng nề cho cuộc sống thường nhật của nạn nhân.
Cuộc săn phù thuỷ hiện đại mang tên FindBostonBombers chính là một ví dụ điển hình cho sự mất kiểm soát đó. Một cuộc tấn công khủng bố nổ ra tại cuộc chạy đua Marathon Boston năm 2013 lôi kéo người sử dụng một mạng xã hội lập ra một diễn đàn có tên FindBostonBombers nhằm tìm ra kẻ đã thực hiện hành vi ấy. Những manh mối mà người tham gia diễn đàn này cung cấp chỉ tới một sinh viên đại học mang tên Sunil Tripathi. Từ đó, Tripathi trở thành đối tượng bị tấn công một cách rầm rộ và hung hãn bởi những người sử dụng nền tảng mạng xã hội này, trong khi, trên thực tế, anh đã tự kết liễu mình vì căn bệnh trầm cảm từ trước khi cuộc đánh bom tàn khốc diễn ra. Ngay cả khi sự thật đã được phơi bày, người mẹ của anh vẫn tiếp tục gánh chịu hậu quả nghiêm trọng từ những hành động bôi nhọ và quấy rối của cộng đồng mạng, từ trên những màn hình trực tuyến cho tới đời thực – hậu quả của việc thông tin cá nhân bị tấn công và đánh cắp.
Tựa như hiệu ứng Domino, cuộc săn phù thuỷ này đã gây nên hàng loạt rối loạn khác trong xã hội. Các thám tử internet nghiệp dư đã gây ra nhiều thiệt hại đến mức các quan chức buộc phải công bố hình ảnh của các nghi phạm thực sự, trực tiếp khiến các nghi phạm hoảng sợ và cố gắng chạy trốn khỏi Boston. Điều này lần lượt gây ra một chuỗi các sự kiện dẫn đến cái chết của một sĩ quan cảnh sát trong khuôn viên Viện Công nghệ Massachuset, một cuộc trấn áp toàn thành phố, và một vụ xả súng có thương vong trong Thánh lễ Watertown. Như thế, chính những người luôn ở sau màn hình máy tính lại khiến vấn đề trở nên khó kiểm soát, kéo những người vô tội vào một tai hoạ mà họ có thể đã tránh được.
- Hành vi tấn công và tẩy chay tự phát nhắm vào một đối tượng nào đó, trên thực tế, không thể được ủng hộ và đồng thuận
Thông thường, nếu ai đó (hoặc sự kiện nào đó) gây nên một tội ác, hay thật sự là một mối đe dọa của xã hội, hệ thống pháp luật, thị trường hoặc sự tẩy chay của xã hội thực sẽ điều chỉnh cá nhân hoặc sự tồn tại đó, tùy thuộc vào hành vi và thiệt hại đã gây ra. Việc bổ sung một “đội quân” internet không có tổ chức, thậm chí còn có khả năng cung cấp những thông tin sai lệch và tam sao thất bản, có thể chỉ trở nên phản tác dụng và không có giá trị khai thác nào trên thực tế.
- Săn phù thuỷ cho thấy sự thiếu tổ chức của xã hội, đặc biệt là xã hội ảo trên các nền tảng công nghệ thông tin mà ta tương tác hàng ngày.
Trong thời đại đầy những sự vội vã và rối loạn về thông tin, các nạn nhân có thể nhanh chóng bị tấn công và gặp tổn thương nghiêm trọng trước khi sự thật được phơi bày. Chỉ với một cú hích nhỏ, một vụ việc cũng có thể thu hút cả ngàn người theo dõi, bình phẩm, tương tác, thậm chí là xa hơn – khai thác và lan truyền những thông tin riêng tư hoặc không rõ tính đúng sai với tốc độ chóng mặt. Những hành động tưởng như vô thưởng vô phạt của những người tham gia vào cuộc thanh trừng có thể ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời một người, thậm chí gián tiếp đẩy nạn nhân vào đường cùng. Những phi vụ tẩy chay rầm rộ trên các trang mạng xã hội đang cho thấy một thực tế mà ta phải thừa nhận: một phần của thế giới ảo đang ngày càng trở nên độc hại và dễ bị ảnh hưởng bởi sự độc hại đó.
Săn phù thuỷ tưởng như một khái niệm lớn lao và xa vời, thực ra tồn tại ngay xung quanh ta, trong những tương tác mà ta trông thấy hoặc trực tiếp tham gia hàng ngày. Trước tình hình đó, cần phải làm gì để không biến mình thành một kẻ đi săn phi lý và tàn ác?
Làm thế nào để không bị cuốn vào cuộc săn bắt?
- Hãy cảnh giác với những luồng thông tin.
“Một nửa cái bánh vẫn là cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật nữa.” –Ngạn ngữ phương Tây
Thông tin mà bạn thấy mỗi ngày trên phần lớn các trang thông tin và được lan truyền với tốc độ chóng mặt có thể không phải là những thông tin thực tế và có giá trị sử dụng. Đồng thời, thông tin trên mạng xã hội luôn luôn có xu hướng bias – nghiêng về một phía và tương đối phiến diện khi tiếp cận sự thực, dễ dàng khiến con người rơi vào cái bẫy tin tưởng lầm hoặc nghi ngờ lầm khi không có một góc nhìn khách quan. Bởi vậy, hãy giữ mình ở vị trí trung lập khi tiếp cận với bất kỳ thông tin nào, và không ngừng tự đặt câu hỏi về những thông tin đó. Trước khi bước vào một cuộc đi săn, hãy hỏi mình lần nữa: Đây có thực sự là phù thuỷ? Nhờ đâu mà ta biết đó là phù thuỷ? Nếu không chắc chắn về những thông tin mà mình có được, đừng vội thêu dệt thêm những thông tin khác, đồng thời từ chối thực hiện những hành động có thể ảnh hưởng tới người có liên quan tới những thông tin đó.
- Hãy tỉnh táo trước những tác động của mạng xã hội.
Trên một số phương diện, sự tác động của mạng xã hội đang dễ dàng khiến chúng ta tự nguyện “nhúng chàm” chính mình, để mình bị lèo lái bởi những định hướng không chính xác. Những thao tác bình luận và nút chia sẻ trên mạng xã hội có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng: hoặc khiến ta bị kích động để thực hiện những hành vi có thể gây tổn hại một ai khác, hoặc biến ta trở thành người dẫn đầu cuộc truy lùng ấy qua việc đưa ra những thông tin sai lệch, bẻ lái dư luận, nhằm tạo cơ hội được chú ý cho chính mình.
Giữa một thế giới khó phân biệt được say và tỉnh, thật và giả, đừng vội vã xuôi theo dòng người dồn về một cá nhân. Không ai trong số chúng ta có thể lường trước những hậu quả mà một cuộc tẩy chay có thể gây ra với nạn nhân của nó, bởi vậy, ngay cả khi đối diện với ai đó thật sự “có tội”, hãy suy nghĩ trước khi sử dụng những công cụ mạng xã hội mà ta tưởng như vô hại.
- Hãy tử tế.
Ta có sở hữu quyền “thực thi công lý” hay không?
Dù bạn là ai, ở trong hoàn cảnh nào, hãy giữ sự tử tế, thay vì chọn cách tấn công một ai đó chỉ để có được sự hài lòng cho mình. Bạn có thể không thay đổi được những hậu quả mà phù thuỷ đã gây ra, nhưng bạn có thể không gây nên những hậu quả nghiêm trọng khác. Hoặc, trong trường hợp người bị cộng đồng cáo buộc lại là người vô tội, bạn có thể đã là người cho nạn nhân của cuộc thanh trừng một lý do để chiến đấu cho công bằng của chính mình.
Cùng là con người, cùng sinh sống trong một cộng đồng, mỗi người trong số chúng ta đều có quyền được bất bình, quyền quan tâm và quyền lên tiếng hay hành động để bảo vệ người khác. Tuy vậy, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm với hành động của mình. Trách nhiệm ấy phải xuất phát từ hiểu biết và tỉnh táo trước thông tin từ thế giới bên ngoài và lòng tử tế. Thiếu đi những điều đó, chúng ta chỉ đang tham gia vào một cuộc săn phù thuỷ mà không hề biết chính mình là phù thuỷ mà thôi.
Thu Hà