Đối với nhiều người, một ly cà phê sau khi ăn sáng thường là một lựa chọn yêu thích trước khi bắt đầu một ngày mới. Tuy nhiên, ngoài việc giúp mang lại sự tỉnh táo thì nó còn có một tác dụng không rõ là tích cực hay tiêu cực khác, đó chính là khiến bạn mắc ia.
Nhìn chung, việc một số người uống cà phê bị đau bụng là vì trong thức uống này có chứa nhiều hợp chất khác nhau có thể gây khó chịu cho dạ dày. Trong đó bao gồm:
1) Caffeine trong cà phê gây kích thích tiêu hóa
Caffeine là một chất kích thích tự nhiên có trong cà phê giúp bạn tỉnh táo. Mặc dù vậy, một số nghiên cứu đã cho thấy caffeine cũng có thể làm tăng nhu động ruột, tăng tần suất co bóp trong đường tiêu hóa của bạn. Tác động kích thích này có thể dẫn đến tình trạng đi tiêu phân lỏng hoặc tiêu chảy đối với một số người sau khi uống cà phê.
Ngoài ra, còn có nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ caffeine có thể kích thích và làm tăng sản xuất acid dạ dày. Khi dạ dày tiết nhiều acid hydrochloric (HCl) hơn thì có thể gây khó chịu hoặc đau đớn. Như vậy, điều này cũng lý giải vì sao đôi khi bạn bị đau bụng khi uống cafe.
2) Acid có trong cà phê khiến bạn uống cafe bị đau bụng
Mặc dù caffeine được coi là nguyên nhân chính gây khó chịu cho dạ dày, nhưng một số nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng: các acid có trong cà phê cũng có khả năng để gây ra tình trạng này.
Cà phê là thức uống có tính acid vì chứa nhiều hợp chất như acid chlorogenic và N-alkanoyl-5-hydroxytryptamide. Những acid này cũng đã được chứng minh là làm tăng lượng acid được sinh ra trong dạ dày và gây nên các cơn đau bụng. Cà phê không phải là nguyên nhân gây bệnh, nhưng được cho là tác nhân gây triệu chứng viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản (GERD) trầm trọng hơn như ợ nóng, khó tiêu,…
3) Các chất phụ gia được thêm vào cà phê
Trong một số trường hợp, uống cà phê bị đau bụng, tiêu chảy không phải là do caffeine hay bất cứ hợp chất nào trong đó mà là do các chất phụ gia được người sử dụng thêm vào như sữa, kem, chất tạo ngọt hoặc đường, đá lạnh.
Ví dụ, một số người không thể dung nạp lactose có trong sữa hoặc không thể tiêu hóa được loại đường này. Do đó, nếu uống cà phê được thêm sữa thì có thể gặp phải một số triệu chứng như đầy hơi, co thắt dạ dày hoặc tiêu chảy. Ngoài ra, một số loại đường nhân tạo như sorbitol và mannitol cũng được thêm vào cà phê để tạo độ ngọt. Mặc dù những loại đường này không có calo nhưng có thể hoạt động như thuốc nhuận tràng và gây tiêu chảy nếu bạn dùng đủ nhiều. Nếu bạn muốn thưởng thức một tách cà phê sữa nhưng cơ thể lại không có khả năng dung nạp đường lactose hoặc gây khó chịu cho dạ dày thì có thể chuyển sang pha cà phê không sữa với các loại sữa khác như sữa đậu nành hoặc hạnh nhân.
Một số lưu ý khí khi dùng cà phê:
- Caffeine có thể gây nghiện, đặc biệt là những người nhạy cảm với caffeine do di truyền. Điều đó là vì việc uống cà phê thường xuyên có thể làm thay đổi thành phần hóa học của não, đòi hỏi lượng caffeine lớn hơn dần để tạo ra các đáp ứng tương tự.
- Uống quá nhiều cà phê có thể dẫn đến lo lắng, bồn chồn, tim đập nhanh và các cơn hoảng loạn. Nó thậm chí còn có thể dẫn đến đau đầu, đau nửa đầu và cao huyết áp ở một số người. Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng bạn nên giới hạn lượng caffeine của mình ở mức khoảng 400 mg mỗi ngày, tương đương với 4 – 5 cốc cà phê.
- Cà phê cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ, đặc biệt là khi uống nó vào cuối ngày vì tác dụng của nó có thể kéo dài đến 7 giờ ở người lớn.
Và cuối cùng, cà phê là một đồ uống trong đời sống hàng ngày, thực tế cà phê sẽ không quá nguy hại nếu người sử dụng chúng một cách khoa học, đúng liều lượng, đặc biệt với người mắc các bệnh lý về dạ dày.
? Tài liệu tham khảo:
- Vinmec
- Tinhte
- Hello Bác sĩ
Nguồn bài viết: Chemio Saigon