“Mike, nếu cậu không đáng sợ thì thực sự cậu là ai?”
Lời thách thức của bà hiệu trưởng mình rồng Hardscribble làm Mike hoảng hốt. Câu nói này có thể kết thúc cả tương lai của cậu. Cậu quái vật sinh viên năm nhất, luôn tràn trề màu xanh tuổi trẻ như chính màu da xanh lá của cậu luôn tự hỏi tại sao mọi công sức trong cuộc đời đều không được đền đáp?
Trở thành một hù dọa viên là niềm hãnh diện và tự hào danh giá của bất kỳ con quái vật nào. Như bao con quái vật khác, Mike khao khát trở thành hù dọa viên, vì cậu muốn được coi trọng: trong trường, cậu chả có bạn – khi lũ bạn đang thét lên những tiếng hù dọa ầm ĩ thì cậu đứng giữa đám và cho ra tiếng hù dọa cực kỳ yếu ớt. Lúc đi tham quan nhà máy hù dọa, cậu lẻn theo chuyên viên hù dọa xuất chúng nhất và được tặng chiếc nón của nhà máy- món quà mà cậu mãi nâng niu và luôn tự hào, và được bảo rằng nếu muốn trở thành hù dọa viên – hãy đi học ở Monster University đi.
Bất chấp bị cô lập trong trường vì tiếng hù yếu ớt của mình, Mike nỗ lực ngày đêm để được nhận vào trường đại học, vì trong cái xã hội của lũ quái vật: chỉ có khi làm hù dọa viên thì mới thực sự được coi trọng kính nể. Mike bắt đầu những ngày mới ở trường đại học trong niềm hân hoan và lửa nhiệt huyết. Cậu đặt ra cho mình mọi mục tiêu và cố gắng hoàn thành nó để theo đuổi đam mê: qua được các kỳ thi điểm số cao nhất, tham gia hội sinh viên nổi nhất trường, tập thể dục đều đặn, vân vân và mây mây. Trong khi những con quái vật khác còn mải chơi và ỷ y vào khả năng hù dọa trời sinh như Sulley – con quái vật lông lá màu xanh đốm tím, Mike vẫn cày bừa trong thư viện, học ngày học đêm.
Tại sao, tại sao tất cả những con quái vật khác đều có khả năng hù dọa, còn cậu chả thể cải thiện được tiếng gầm thét thều thào của mình? Bị chuyển qua khoa khác là một sự nhục nhã, là mất tất cả danh dự của một con quái vật, là sự kém cỏi không thể dung thứ được.
Khi đọc đến khúc này, những ai đã từng coi Monster University nát như cháo, hay ai chưa từng coi cũng có thể cảm nhận một phần tuổi trẻ của mình trong đó. Ngày xưa lúc học lớp 9 tôi có một cô bạn đã từng bật khóc vì rớt đội tuyển Địa lý vòng đầu dù học rất giỏi. Tôi an ủi, hỏi bạn thì nhận được câu trả lời mà đến giờ tôi vẫn nhớ: “Tui không khóc vì tui thất bại, mà vì tui không biết tương lai tui sẽ thích và theo cái gì.” Bản thân tôi cũng chật vật cả một thời tuổi trẻ suốt mấy năm trời, khi theo bám thứ gọi là định kiến. Nếu bọn quái vật có định kiến là nó phải chui vào phòng bọn trẻ làm chúng khóc thét, thì tuổi trẻ của tôi chẳng qua chỉ là sự chứng tỏ ngông cuồng với người lớn rằng CON GÁI VẪN CÓ THỂ THEO KHỐI NGÀNH KHOA HỌC TỰ NHIÊN- vì từ trước đến giờ tôi luôn phải chịu sự nói ra nói vào là con gái học khoa học tự nhiên không được, thường thì chỉ có học xã hội thôi. Bản tính ương bướng sai khiến tôi thi vào trường Y để chứng tỏ bản thân, chỉ vì tôi muốn được công nhận hơn trong gia đình. Chứng tỏ được nhưng bây giờ tôi lại luôn bất an: điểm số và mối quan hệ xã hội.
Tuổi trẻ tôi cũng tràn trề hạnh phúc dù không vui chơi nhiều với bạn bè- là những buổi chiều mày mò dịch những bài báo mình yêu thích và lưu cất cẩn thận trong một cuốn sổ, là những buổi tối đọc miên man những phóng sự, thời cấp 3 là sự nổi loạn khi quyết định tự làm những dự án xã hội cấm kỵ mà ai nấy nghe cũng khiếp sợ, nhưng khi trình bày thì ai ai cũng thán phục. Nhưng vẫn còn một nỗi bất an luôn có sẵn: bị chê là viết chả êm mượt như người khác, lời chê cười từ chính người thân trong gia đình. Tôi biết rằng mình có thể theo khối ngành xã hội, nhưng chỉ vì nỗi sợ định kiến mà tôi bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để phát triển bản thân, chỉ vì nỗi sợ luôn canh cánh: sợ bị đánh giá thấp trong gia đình.
Hiện giờ tôi đã đi làm trong lĩnh vực Marketing, tôi yêu công việc vô cùng, mỗi ngày thức dậy là đầu tôi nảy ra dòng suối con chữ, nhưng nếu bạn hỏi về tôi của năm lớp 11: đó là lần lớ ngớ trước đề văn “Tôi là ai?” của thầy giáo chủ nhiệm. Và đến bây giờ tôi thầm cảm ơn thầy vì đã giao tôi bài tập ấy.
“Tôi là ai?” cái đề khiến bao thế hệ đã từng bật cười, nhưng chả biết viết cái giống gì trong đó.
“Thứ này chỉ có mấy ông triết học linh ta linh tinh gì đó mới hùng hồn thôi – suy nghĩ đầu tiên của tôi”. Một lời tự bạch ư- ôi vậy viết gì đây để nộp thầy, hay kiểu khẳng định cá tính ư – viết kiểu gì khi mình không học giỏi hay tháo vát, và suốt ngày bị so sánh với người này người kia. Lứa 17 bồng bột chả biết tương lai mình theo cái gì? Tôi là con người vô định hay có tương lai sáng lạng, tôi đam mê cái gì,… đâu phải ai cũng có được. Và hầu hết cũng đã từng trải qua tuyệt vọng như Mike, khi bao công sức không bao giờ được đền đáp?
Tôi đã từng gặp rất nhiều bạn trẻ đang học đại học, và tôi hỏi họ: “Thế ra trường biết mình sẽ đi về đâu không?” thì hầu như nhận được câu trả lời là “Cứ ra trường rồi tính”. Một sự vô định hiện hữu trong hầu hết lứa trẻ. Báo chí thì cứ nhan nhản đưa ra hình ảnh những kẻ xuất chúng vào trường top của Mỹ hay làm trong những công ty tập đoàn khủng nhất thế giới, những siêu anh hùng từ kỳ thi tuyển sinh đại học đến thủ khoa tốt nghiệp, người khổng lồ doanh nghiệp làm chúng ta hoang mang.
Giống như lần đầu trong cuộc đời của Mike chưa bao giờ kinh khủng thế khi nhận được lời phán xét sét đánh từ người khác, đã có ai từng có ý định bỏ học hay bỏ nghề dù mình đã cày miệt mài nhưng kết quả chả tới đâu hết? Đã ai từng có ý định không hay về cuộc đời (trầm cảm, tuyệt vọng,…) khi cảm giác mình là đứa vô tích sự, khi không thể vượt qua định kiến kiểu: “Ôi dào, con này/thằng kia có cày cục trầy vi tróc vảy cũng không thể ngóc đầu lên nổi” hay nhận ra ước mơ và kỳ vọng của chính bản thân vượt quá sức mình ? Hay kiểu cảm giác tội lỗi xấu hổ khi mình đang theo một ngành nghề thời thượng hái ra tiền, hay “danh giá” mà ai ai cũng tấm tắc khen: Ôi dữ thần thật đấy, nhưng chính mình không hạnh phúc với nó? Cuộc đời do mình quyết, cớ sao phải luôn chứng tỏ là phải hoàn hảo thế kia?
Mike cũng vậy. Cậu là một sinh viên xuất chúng thông minh chăm chỉ, chả ai phủ định được điều đó. Nhưng lời thách thức của bà hiệu trưởng có ý nghĩa gì: bà không tin cậu trở thành hù dọa viên được. Giống như định kiến và những thổi phồng của truyền thông áp đặt lên chúng ta. Và quả thật dù Mike dẫn dắt cả đội Oozma Kappa – từ những con quái vật underdog thành những con người chiến thắng thì sự thật vẫn hé lộ: chính Sulley đã chỉnh nút để khi Mike hét lên cỡ nào thì kết quả vẫn là tối đa. Ồ, lại là một khúc mắc nữa đây? Tại sao dù được Sulley- con quái vật lông lá dòng dõi có khả năng bẩm sinh về hù dọa huấn luyện, và học bao trường lớp nhưng cuối cùng mèo lại hoàn mèo?
“Những kẻ hù dọa làm việc trong bóng đêm.” Đó là câu dẫn trong cuộc thi hù dọa của MC. Ơ thế bình thường giả sử đi trong rừng bạn thấy thú dữ gầm lên vào buổi sáng bạn có sợ không? Tất nhiên là sợ chứ, sợ đến mức mặt cắt không còn hột máu luôn. Con nít có sợ thú dữ hay bò sát không? Đa phần là sợ (trừ phi nó quá gan lì thì bỏ qua). Vậy thì chắc chắn nó phải sợ, người lớn còn sợ nữa huống chi. Nhưng tại sao lũ quái vậy lại phải lầm lũi trong đêm? Một người trầm tính thoải mái và một người luôn hằng sâu nỗi bất an trong lòng, ai sẽ trở nên độc ác hơn?
Sulley có thể hù dọa tốt vì cậu có một nỗi sợ sâu thẳm trong tim luôn tồn tại: nỗi sợ của không biết mình là ai và áp lực phải làm rạng danh dòng dõi, và bản thân luôn sợ hãi trong mọi tình huống. Trong Monster Inc. lúc Sulley hù dọa to nhất là khi bị quái vật nhện Waternoose tách ra khỏi bé Boo. Randall có khả năng tàng hình đặc biệt và luôn sợ lộ diện khi bị đánh hay hạ rèm vì chính bản thân hắn là một gã vô cùng nhút nhát từ sâu thẳm, luôn luôn thủ đoạn gian lận nên phải tự giấu mình không cho ai thấy. Hội ROR – số má nhất cái trường có nỗi sợ của việc mất đi danh tiếng và thất bại. Và hàng trăm hù dọa viên đều có một nỗi sợ không thành tiếng luôn hiện hữu: chúng chả biết mình sẽ đi về đâu nếu bị mất việc, vì bản thân chúng luôn cảm thấy bất an: chỉ có khi làm hù dọa viên thì một quái vật mới thực sự có giá trị.
Còn Mike và hội OK? Chúng quá hiền lành và hài hước, thậm chí có con bị lưu ban cả trăm lần vẫn vui vẻ mỉm cười. Bản thân Mike cũng không có nỗi sợ, bất chấp bị cô lập từ bé, cậu vẫn luôn mỉm cười, dù hoàn cảnh có kinh khủng đến cỡ nào không bao giờ thấy Mike run rẩy. Không có nỗi sợ thì không bao giờ gào thét được . Đến lúc này thì ta đủ hiểu: trong cuộc sống, ai ai cũng có những nỗi sợ: sợ thất bại, sợ khó khăn, sợ thất nghiệp,… và kinh khủng hơn hết NỖI SỢ KHÔNG BIẾT MÌNH LÀ AI. Hóa ra những kẻ mạnh nhất là chính là những người luôn lạc quan, vui vẻ, có chí hướng và không khuất phục trước nỗi sợ. Sự sợ hãi luôn sẵn có và khiến con người ta thụt lùi, nhưng khi biết mình là ai, lạc quan vui vẻ sẽ giúp bản thân ngày càng tiến lên.
Vì vậy trong Monster Inc., những hù dọa viên chỉ mãi mãi là nhân viên không tiến triển gì hơn hết cả. Vì sao ư? Vì các kiểu hù dọa chỉ cần áp dụng trong giáo trình và gào thét sao cho đúng là xong ! Việc liên tục phải chịu đựng và làm việc dưới sợ hãi khiến chúng ta đang tự hủy hoại chính bản thân và bỏ lỡ những thứ khiến mình có thể vươn xa hơn.
Lấy đoạn kết trong phim Monster Inc., khi Sulley tình cờ phát hiện ra tiếng cười có thể thay thế tiếng hù dọa để làm sáng tỏ cả thành phố, nó đã biến hẳn một tập đoàn hù dọa phá sản thành tập đoàn tiếng cười. Bạn thấy đấy, có hàng tá cách để gây cười, và việc làm cho ai đó cười luôn luôn phải sáng tạo và đổi mới, vì mỗi người mỗi vẻ mà. Mike cuối cùng trở thành hoạt náo viên xuất sắc nhất trong công ty, tạm biệt cuộc sống tẻ nhạt của nhân viên bảo trì .
Và bạn biết đấy, tiếng cười thì luôn sảng khoái, mọi quái vật trở nên tự tin và hài hước, và tuyệt nhiên không còn nỗi sợ nào cả – chúng đã định vị được bản thân và biết lối đi cuộc đời.
Theo 4sv.vn
Trạm Đọc