12 cuốn sách thay đổi suy nghĩ của tôi về cuộc đời

by admin

 Dưới đây là những cuốn sách giúp tôi suy nghĩ và hình thành nên một tư duy sắc bén hơn trong từng thời điểm nhất định.

 

Súng, vi trùng và thép – Jared Diamond

 

Đây là cuốn sách lịch sử phổ quát đầu tiên mà tôi đọc, chính nó đã làm tôi phải lòng thể loại sách này. Lịch sử phổ quát là môn học đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn (Tại sao chúng ta lại ở đây? Tại sao thế giới lại trở thành như bây giờ?) một cách thông minh.

Tôi đọc cuốn sách này sau một năm sống ở một đất nước đang phát triển và đang tự hỏi bản thân tại sao cuộc đời của tôi – một người lớn lên ở Mỹ lại thay đổi nhiều đến thế. Tác giả đưa ra quan điểm rằng, thế giới trở nên như ngày hôm nay là do, dĩ nhiên, súng, vi trùng và thép.

Dựa vào những hiểu biết sinh học của mình, Diamond nói rằng văn hóa Tây phương thống trị thế giới là do sự khác biệt về môi trường chứ không phải do trí thông minh, hệ đạo đức hay một loại gen đặc biệt. Đọc cuốn sách này đã khiến tôi có một khung nhận thức về sự khác biệt giữa các quốc gia.

 

What Evolution Is – Ernst Mayr

 

Ernst Mayr là một trong những nhà sinh vật học nổi trội đầu thế kỉ XX. Ông đã viết hơn chục cuốn sách về lĩnh vực này. Cả một cuộc đời nghiên cứu của ông được gói trọn trong cuốn sách What Evolution Is, và cuốn sách này đã cho tôi hiểu biết về sự tiến hóa của sinh học.

Hầu hết những người giỏi giang nhất tôi từng gặp đều thích tìm hiểu về sự phát triển và đã từng nghiên cứu sâu về nó. Tôi nghĩ lí do là vì ta sẽ cảm thấy thật quyền lực khi hiểu biết về gần như mọi mặt của đời sống con người. Những mối quan hệ sẽ phát triển, công việc sẽ phát triển, công ty sẽ phát triển, thị trường sẽ phát triển và con người cũng sẽ phát triển. Hiểu được về sự phát triển, theo cách này, là hiểu được về những thứ làm nên cuộc đời của mỗi chúng ta.

 

Gen vị kỷ – Richard Dawkins

 

Gen vị kỷ lấy ý tưởng của sự phát triển và áp nó vào văn hóa của con người. Thay vì nhìn theo góc thông thường là con người mang gen, ở đây tác giả nhìn theo khía cạnh gen “mang” con người. Con người không truyền gen từ thế hệ này sang thế hệ khác mà chính gen mới thiết lập nên con người và bằng cách ấy, chúng tự truyền mình sang thế hệ tiếp theo.

Cuốn sách cũng nói đến “meme” để làm ví dụ cho cách văn hóa đại chúng tương tác với sự phát triển cũng giống như sinh học. Văn hóa meme cũng giống như một bộ gen thành công vì nó đã thuyết phục được con người lan truyền nó.

 

Thiên nga đen – Nassim Nicholas Taleb

 

Khi chúng ta biết một sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn đang chuẩn bị xảy đến, ta có thể chuẩn bị trước cả về vật chất và tâm lí. Y2K được ngăn ngừa không phải vì nó chẳng có gì nguy hiểm mà vì quá nhiều công ty thấy hiểm họa sắp xảy ra nên đã chi cả tỉ đô la để chuẩn bị và phòng tránh nó.

Sự kiện ảnh hưởng đến thế giới nhất chính là thiên nga đen: những sự kiện dường như không thể nào xảy ra nhưng lại có những hậu quả khôn lường. Những sự kiện kinh hoàng nhất từ trước đến nay, từ Thế chiến I đến sự kiện ngày 9/11 hay khủng hoảng kinh tế 2008, chúng đều là những con thiên nga đen.

Đọc cuốn sách Thiên nga đen ngay sau khi khủng hoảng kinh tế 2008 diễn ra đã khiến tôi nhận ra rằng những người phát ngôn trên TV hay báo chí đều không hiểu họ đang nói cái gì. Việc thấu hiểu cách thế giới này vận hành phụ thuộc vào chính tôi chứ không phải họ.

 

Đi tìm lẽ sống – Viktor Frankl

 

Frankl là một người sống sót sau 4 năm sống trong trại tập trung của Nazi. Ông dùng những trải nghiệm ấy của mình để viết nên cuốn Đi tìm lẽ sống.

Trong thời kì ở Aushwitz, Frankl quan sát được rằng những người tù nhân sống sót qua thời kì đen tối ấy đều là những người có mục đích sống rõ ràng và cao cả, ví dụ như một dự án cần hoàn thành hay một người thân trong gia đình cần gặp.

Frankl lí luận rằng, ngay cả trong đời sống thường nhật ta cũng không tránh được khổ đau. Nhưng nếu ta tìm được lẽ sống trong khổ đau, ta sẽ mạnh mẽ hơn và tiếp tục tiến về phía trước với một khát khao mạnh mẽ. Cuốn sách không phải là sự lặp lại câu nói nhàm chán và sáo rỗng: “Hãy theo đuổi đam mê”. Frankl nhìn lẽ sống với một góc nhìn đa chiều hơn và đào sâu tìm hiểu làm thế nào để mọi người có thể tìm thấy lẽ sống đời mình.

Cuốn sách này giúp tôi bớt thực dụng trong công việc và sắp xếp lại ưu tiên của mình: tìm một công việc làm cuộc sống tôi trở nên ý nghĩa hơn.

 

On the Genealogy of Morals – Friedrich Nietzsche

 

Cuốn sách này thay đổi cách hiểu của tôi về thế giới, về vũ trụ và về vạn vật nhiều hơn bất cứ cuốn sách nào tôi từng đọc.

Nietzsche đưa ra quan điểm là chúng ta hiểu nhầm sâu sắc những từ ngữ như “tốt”, “tệ” và “xấu xa”, và đạo đức không phải là một niềm tin vĩnh cửu. Đạo đức là do con người tạo ra.

Nietzsche thách thức rất nhiều quan điểm cắm rễ trong đầu một người lớn lên với đạo Judeo-Christian như tôi. Bằng cách đó, ông khiến tôi phải suy nghĩ xem những điều tôi cho là đúng có thực sự là đúng hay không.

 

Finite and Infinite Games – James P. Carse

“Có ít nhất hai loại trò chơi”, Carse đặt vấn đề ngay đầu cuốn sách, “Một loại là có hạn, loại còn lại là vô hạn.” Trò chơi có hạn được chơi để thắng và để thể hiện sự kiểm soát của ta lên người chơi còn lại. Còn trò chơi vô hạn được chơi với mục đích giữ trò chơi tiếp diễn và mời được những người chơi mới tham gia cùng.

Carse đưa ra những cách mới mẻ để tiếp cận mọi thứ, từ hành động đến tình dục, đến những thứ xấu xa, khoa học, sự giàu có và địa vị xã hội. Cuốn sách này thay đổi cách tôi nhìn thế giới một cách sâu sắc, từ cách tôi tiếp cận mối quan hệ đến cách tôi tiếp cận công việc. Mỗi năm tôi đều phải đọc lại nó một lần.

 

Poor Charlie’s Almanack – Charlie Munger

 

Một cuốn bách khoa toàn thư viết bởi một tỷ phú 90 tuổi vui tính và hài hước. Poor Charlie’s Almanack là một tuyển tập những bài diễn thuyết của Charlie Munger, một cộng sự kinh doanh thầm lặng của Warren Buffett. Warren nhận xét Charlie là một trong những người sắc sảo nhất mà ông từng biết và cuốn sách này đã thể hiện rõ nét nhất cách tư duy của Charlie.

Cuốn sách gây cho tôi hứng thú tìm hiểu không chỉ những gì tôi nghĩ mà cả cách tôi nghĩ. Nó cũng vô cùng hài hước nữa ?

 

Out Of Your Mind – Alan Watts

 

Một cuốn sách giới thiệu nhẹ nhàng những quan điểm Phật giáo từ một người tự nhận mình là “kẻ giải trí tâm linh”.

Watts chỉ ra cách phá vỡ giới hạn của tâm trí và mở rộng sự hiểu biết, sự trân trọng với những thứ xug quanh chúng ta. Out of Your Mind giúp tôi nhận ra là không thể đánh giá một sự vật, sự việc là tốt hay xấu ngay trong lần đầu tiếp xúc.

 

Metaphors We Live By – George Lakoff và Mark Johnson

 

Lakoff và Johnson chỉ ra rằng chúng ta có thể hiểu những sự việc trừu tượng thông qua ẩn dụ bằng cách liên kết chúng với những sự việc thực tế. Bằng cách thay đổi những ẩn dụ, ta có thể thay đổi hoàn toàn cách ta nhìn thế giới.

Tác giả kể một câu chuyện hấp dẫn về một chàng sinh viên khoa Hóa nghĩ rằng “cách giải quyết cho mọi vấn đề cuộc sống” là một ẩn dụ, ẩn dụ này muốn nói rằng tất cả những vấn đề trong cuộc sống của ta cũng giống như những chất hóa học, có khả năng thay đổi khi ta thêm vào hoặc bớt đi một vài thứ từ nó nhưng không bao giờ biến mất hoàn toàn. Vậy nên ta không nên lo lắng khi ta có những vấn đề.

Nó giúp tôi hiểu rằng bằng cách thay đổi những ẩn dụ, tôi có thể thay đổi cuộc đời mình.

 

Sapiens – Yuval Noah Harari

 

Một cuộc thám hiểm nương theo câu hỏi: Nếu người ngoài hành tinh hạ cánh xuống Trái Đất vào ngày mai, họ sẽ nghĩ gì về homo sapien?

Harari trả lời câu hỏi này bằng câu chuyện cuộc đời của homo sapien trong vòng 70,000 năm. Câu trả lời ấy thực sự dí dỏm, đa chiều, sâu sắc và chỉ riêng cuốn sách này mới có.

Cuốn sách này khiến tôi nghĩ lại về vai trò của homo sapiens trong lịch sử và vai trò của chính bản thân tôi trong xã hội và vũ trụ này như một homo sapien.

 

Seeing Like a State – James C. Scott

 

Tại sao những kế hoạch để cải thiện chất lượng cuộc sống con người thường không diễn ra như dự kiến?

Nhìn vào sự tập thể hóa bắt buộc ở Nga, thuyết kế hoạch nông thôn ở Brazil, Bước Tiến Lớn ở Trung Quốc và sự hiện đại hóa nông nghiệp, Scott giải thích tại sao thế kỉ 20 lại chứng kiến sự đổ bộ của những kế hoạch về những điều không tưởng – những kế hoạch mà vô tình đã mang đến cái chết đến cho hàng ngàn người.

Cuốn sách này làm tôi lo lắng về những “tiến triển” đang được tạo ra bởi những con người nghĩ là kế hoạch của mình sẽ mang đến đầy ý nghĩa đến cho nhân loại.

Theo Medium

Lan Anh (biên dịch)

You may also like

Leave a Comment