3 cuốn sách giúp bạn hợp tác với bác sĩ để trở thành người bệnh thông thái hơn

by admin

Sống giữa “rừng thông tin” của thế kỷ 21 mang lại cho chúng ta nhiều sự thuận tiện, nhưng cũng tạo ra không ít vấn đề khi dễ khiến chúng ta ngộ nhận, rơi vào bẫy tư duy trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả chăm sóc sức khỏe. 4 cuốn sách dưới đây sẽ giúp bạn trở thành người bệnh thông thái để có thể hợp tác với bác sĩ trong quá trình chăm sóc sức khỏe.

Your Health Your Decisions – Hợp tác cùng bác sĩ để trở thành người bệnh thông thái

Với kinh nghiệm 40 năm làm việc trong ngành y trong những vai trò khác nhau, từ bác sĩ, nhà nghiên cứu đến biên tập viên báo khoa học, Bs. Robert Alan McNutt cho rằng: thay vì mô hình bác sĩ hay chuyên gia y tế đưa ra các quyết định chữa bệnh; thì người bệnh nên được cung cấp kiến thức, công cụ cũng như sự tự tin để so sánh và cân nhắc các phương án y tế dành cho bản thân và đưa ra lựa chọn cho chính mình.

Bác sĩ McNutt viết: Càng hiểu câu chuyện về việc ra quyết định khám chữa bệnh, bạn sẽ càng dễ dàng định hướng những quyết định của chính mình trong tương lai. Bạn phải là người ra các quyết định khám chữa bệnh. Và sự tham gia của bạn vào các tình huống khó khăn đó sẽ là những đóng góp lớn cho ngành y tế. Cuốn sách này là câu chuyện về việc đưa ra quyết định khám chữa bệnh của tác giả, của nhiều người bệnh khác và cả chính bạn.

sach-hop-tac-cung-bac-si
Caption Hợp tác cùng bác sĩ để trở thành người bệnh thông thái

– Lời mở đầu và chương đầu tiên: Robert Alan McNutt sẽ trình bày tình thế “tiến thoái lưỡng nan” mà một người bệnh gặp phải khi đưa ra quyết định khám chữa bệnh.

– Chương hai: Tác giả mô tả hành trình học cách đưa ra quyết định khám chữa bệnh của chính bản thân dựa trên những thông tin khoa học.

– Chương ba và bốn: Chỉ rõ lý do tại sao bạn nên là người đưa ra các quyết định trong khám chữa bệnh cho bản thân.

– Chương năm và sáu: Bạn sẽ học được cách lựa chọn và sử dụng hiệu quả các thông tin y học.

– Chương bảy, tám và chín: Bạn sẽ được luyện tập các kỹ năng cần thiết khi đưa ra các quyết định khám chữa bệnh.

– Chương 10 đến 16: Chia sẻ về câu chuyện ra quyết định của những người bệnh. Bạn sẽ học được cách vượt qua các trở ngại khi đưa ra quyết định khám chữa bệnh.

– Chương 17: Một số hạn chế của các nghiên cứu dùng để cung cấp thông tin cho người bệnh và những điều bạn cần làm khi thiếu thông tin.

– Chương 18: Giải thích chi tiết thông qua các ví dụ khi người bệnh đến khám bác sĩ với tư cách là người có thể đưa ra những quyết định sáng suốt trong khám chữa bệnh. 

– Cuối cùng, chương 19 cung cấp những nguồn thông tin y học hữu dụng.

Cuốn sách “Your Health, Your Decisions: Hợp tác cùng bác sĩ để trở thành người bệnh thông thái” của Bác sĩ McNutt sẽ cung cấp cho bạn biết lý do, cũng như kiến thức và phương pháp mà bạn cần phải biết, để bạn có đủ tự tin đưa ra lựa chọn sáng suốt cho bản thân và nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất.

Hoang mang – Chỉ dẫn của bác sĩ để hiểu rõ đúng sai

Với cuốn sách “Hoang Mang – Chỉ dẫn của bác sĩ để hiểu rõ đúng sai”, bác sĩ Nina Shapiro sẽ chỉ ra cách giúp mọi người phân biệt được sự lừa đảo và những thông tin chân thực dựa trên các bằng chứng chính xác. Bác sĩ đã có hơn 20 năm kinh nghiệm lâm sàng và nghiên cứu tại Harvard, UCLA, bà đã giúp đỡ vô số người bệnh đưa ra những quyết định quan trọng mỗi ngày.

sach-hoang-mang-chi-dan-cua-bac-si
Cuốn sách Hoang mang – Chỉ dẫn của bác sĩ để hiểu rõ đúng sai

Các vấn đề mà tác giả đặt ra trong cuốn sách được phân tích đầy tính thuyết phục, nó rất “thời thượng” khi đặt trong bối cảnh nhu cầu tiếp cận thông tin đa chiều như hiện nay. Một vài cuốn sách hay vài cái nhấp chuột về một vấn đề nào đó về sức khỏe không thể thay thế được người bác sĩ. Một cơn sốt virus đa phần là lành tính có thể tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị gì đặc biệt, tuy nhiên vẫn có tỉ lệ nhất định biến chứng nặng nề. Khi viết các câu chuyện về sức khỏe cộng đồng, các KOL sẽ có xu hướng đưa các thông tin chung nhất và thường gặp nhất, hoặc chỉ đề cập đến một khía cạnh của vấn đề. Điều này khiến một bộ phận người đọc hiểu sai ý. Nếu kiến thức cơ bản của họ không đủ sẽ tạo ra hành động sai lầm, ví dụ tình trạng các bà mẹ bài xích thái quá các loại thuốc kháng sinh mà bác sĩ chỉ định cho con của mình.

Cuốn sách cũng sẽ giới thiệu cho người đọc về liệu pháp bổ sung, để thấy rằng khi nào thì nó hiệu quả và cách thức ra sao; các rủi ro của vắc xin, chế phẩm bổ sung cho vi lượng đồng căn và liệu các phương phép xét nghiệm như chụp nhũ ảnh, soi ruột kết và sàng lọc DNA có được đồn thổi quá mức hay không. Một số thói quen phổ biến mà người ta vẫn giữ (hoặc muốn giữ) có thể để lại những hậu quả không mong muốn cũng sẽ được tác giả nhắc đến.

Không chỉ có thế, tác giả cũng đưa ra các giải pháp đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện, như bớt suy nghĩ về việc phải mua thực phẩm gắn nhãn “hữu cơ” hay “tự nhiên”; thay vào đó là những vấn đề nghiêm trọng hơn như không tiêm vắc-xin, các sản phẩm hỗ trợ giảm cân và quảng cáo chế độ ăn chữa ung thư không cần điều trị. Và điều tuyệt vời nhất là cuốn sách dành cho tất cả mọi người, không chỉ những người đang ở độ tuổi dồi dào nhất về sức khỏe, mà cả người già và trẻ em.

Kể gì với Bác sĩ – Để chẩn đoán đúng và tránh lạm dụng xét nghiệm

Bước chân vào bệnh viện là vào nơi mà sự sống và cái chết cách nhau chẳng bao xa, nơi mà nỗi đau và niềm hy vọng luôn đan xen, kiến thức y khoa là thứ khá xa lạ với đa số người bệnh… tất cả đã tạo nên một mối quan hệ phụ thuộc của người bệnh với các thầy thuốc. Mối quan hệ này thay đổi tùy theo từng nền văn hóa, tùy theo từng hoàn cảnh điều kiện cụ thể. Về nguyên tắc, người thầy thuốc khi khám bệnh, điều trị cho bệnh nhân không đại diện cho cá nhân họ mà đại diện cho một ngành khoa học đặc biệt, ngành khoa học nhân văn, bởi liên quan tới tính mạng và sức khỏe của con người.

sach-ke-gi-voi-bac-si
Cuốn sách “Kể gì với bác sĩ”

Và bạn gặp bác sĩ vì bạn muốn biết điều gì đang xảy ra với cơ thể của mình và muốn cảm thấy tốt hơn. Chẩn đoán là yếu tố chủ chốt của cả hai điều trên. Bạn xứng đáng biết được bản thân mình đang mắc bệnh gì, và bạn nên hợp tác cùng với bác sĩ trong từng bước của quá trình chẩn đoán từ những suy nghĩ về chẩn đoán phân biệt đến chẩn đoán sơ bộ.

Ngày nay, các bác sĩ luôn quá bận rộn và không có nhiều thời gian để trao đổi cùng bệnh nhân, còn bệnh nhân thì không phải ai cũng biết cách làm thế nào để truyền đạt lại câu chuyện của mình. Cũng chính việc giao tiếp không hiệu quả này dẫn đến việc chẩn đoán nhầm, bỏ sót hoặc được chỉ định quá nhiều xét nghiệm không cần thiết. Cuốn sách “Kể gì với Bác sĩ” sẽ giúp mỗi người bệnh vượt qua những trở ngại, rào cản này.

Cuốn sách được chia thành năm phần:

Phần đầu tiên tóm tắt lịch sử y khoa qua nhiều thời kỳ cho đến Kỷ nguyên Chẩn đoán Phi Cá nhân hóa hiện nay, khi nghệ thuật chẩn đoán dần mai một và để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Phần hai minh họa những cạm bẫy của y học theo sách vở với bốn ca bệnh từ phòng cấp cứu và ý nghĩa đối với bệnh nhân, bác sĩ và hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung.

Trong phần ba và phần bốn cuốn sách “Kể gì với bác sĩ”, các tác giả chứng minh mọi thứ có thể khác đi như thế nào. Họ mô tả những điều cơ bản trong hợp tác chủ động giữa bác sĩ và bệnh nhân, và cách ứng dụng những điều đó vào thực tế.

Phần cuối cuốn sách xem xét ý nghĩa lớn hơn của phương pháp này đối với chính sách chăm sóc sức khỏe và cải cách y khoa.

Mỗi phần cuốn sách “Kể gì với bác sĩ” đều kết thúc với phần Đánh giá và một bản Tổng kết những điểm quan trọng. Cuối cùng là những bài tập và bảng kiểm để giúp độc giả luyện tập lại những gì đã đọc.

Xuyên suốt cuốn sách “Kể gì với bác sĩ”, các tác giả cung cấp cho cả người bệnh và nhân viên y tế Tám Điều then chốt để Chẩn đoán tốt hơn:

  • Kể toàn bộ câu chuyện.
  • Bảo vệ chính kiến của mình trong quá trình suy nghĩ của bác sĩ.
  • Tham gia vào việc khám lâm sàng.
  • Cùng xây dựng chẩn đoán phân biệt.
  • Hợp tác cho quá trình ra quyết định.
  • Sử dụng các xét nghiệm một cách hợp lý.
  • Dùng lý trí để xác nhận chẩn đoán sơ bộ.
  • Hợp nhất chẩn đoán vào quá trình chữa trị.

Các tác giả không đổ lỗi cho các bác sĩ vì chẩn đoán sai, những sai lầm của họ là do hệ thống giáo dục y khoa hiện thời. Thông qua những câu chuyện thực tế, bác sĩ Wen và Kosowsky đã minh họa cách người bệnh có thể tham gia vào quá trình khám lâm sàng của mình và hợp tác với bác sĩ để có được chẩn đoán đúng. Những câu chuyện được đưa ra dưới cái nhìn của cả bệnh nhân và các nhân viên y tế như bác sĩ, điều dưỡng, bác sĩ nội trú,… Các tác giả cũng đưa ra những nhận xét cá nhân và lời khuyên cho độc giả. Đây là một quyển sách thực hành, có nhiều hướng dẫn hữu ích để giúp bác sĩ và bệnh nhân có thể giao tiếp hiệu quả hơn. 

Bản thân là bác sĩ phòng cấp cứu, các tác giả đã kể lại những câu chuyện có thực để giúp độc giả rút ra bài học cho chính mình. Với những bác sĩ, đó là cách để chẩn đoán tốt, chính xác hơn cho người bệnh của mình, không bỏ sót, nhầm lẫn. Với người bệnh, đó là được chẩn đoán đúng và không bị chỉ định quá nhiều xét nghiệm không cần thiết.

Bác sĩ là chuyên gia về y học nhưng bệnh nhân là người biết rõ nhất về cơ thể mình, vì vậy bác sĩ và bệnh nhân nên hợp tác với nhau để có được chẩn đoán đúng.

You may also like

Leave a Comment