3 TIPS ĐỂ HỌC CÁCH YÊU BẢN THÂN

by admin

Lúc này đây bạn đang ở cạnh ai đấy? Ngày mai thì sao? Ngày mốt như nào? Người bước đi bên bạn hôm qua, nắm tay bạn hôm nay, dù người ấy có quan trọng thế nào cũng chẳng thể đồng hành cùng bạn suốt đời. Cuộc sống là một câu chuyện mà bản thân bạn tự là tác giả, người mà bạn yêu suy cho cùng cũng chỉ là một nhân vật trong câu chuyện trên mà thôi. Vậy nên, mối tình đậm sâu nhất, dài lâu nhất vẫn nên là “Tự yêu chính mình”.

??? 1_Định vị bản thân

Trong nhan đề một cuốn sách của mình John Mason đã viết: “Bạn sinh ra là một nguyên bản. Đừng chết như một bản sao”. Mỗi người là một cá thể, mỗi cá thể có cá tính riêng. Những nét tính cách ấy là những đường thẳng tách biệt, đôi khi chúng sẽ giao nhau tại một điểm, nhưng không có nghĩa chúng thẳng hàng. Việc gượng ép bản thân phải trở nên thật hoàn hảo, phải trở thành người A này, người B kia thật sự là vô nghĩa. Khi nhìn vào những người thành công, chúng ta thường có thói quen so sánh họ với chính mình, sau đó tự hạ thấp đi giá trị của bản thân, đánh mất đi niềm tin, mất đi sự tự tin và niềm đam mê vốn có. Đó mà gọi là “Tự yêu chính mình” sao? Đó là ghét mình rồi. Càng những lúc chán nản như thế, bạn càng cần phải “định vị” lại chính mình. Đó là cách bạn thành thật đối diện với hoàn cảnh, điều kiện; nhận ra những ưu điểm, khuyết điểm, sở trường, sở đoản của bản thân; là cách bạn tự đặt ra và trả lời những câu hỏi: Bạn là ai (WHO)? Bạn đang ở tại vị trí nào (WHERE)? Bạn đang có thứ gì (WHAT)?

Gọi “Định vị bản thân” là một trong chuỗi công thức của “self-love” bởi lẽ, đó là quá trình để chúng ta tìm lại chính mình trong vòng luẩn quẩn, loay hoay, bế tắc của cuộc sống thường ngày. Bằng những thế mạnh, năng lực tiềm ẩn của bản thân, rồi chúng ta sẽ định vị được mục tiêu, lẽ sống và định hướng tương lai cho riêng mình.

??? 2_Cộng sinh

Thuật ngữ chuyên ngành “sinh thái học” gọi “cộng sinh” là một hình thức những loài sinh vật khác nhau cùng sinh sống, cộng tác, hỗ trợ nhau trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi (win-win). Thế giới có hơn 7 tỷ người, bạn không thể cứ sống mà chỉ có một mình. Hãy mở lòng hơn, biết đón nhận, biết cho đi, hòa nhập với mọi người, bởi lẽ “Cuộc sống không giống cuộc đời” mà cuộc đời thì không bao giờ như ý, sẽ có một lúc nào đó chúng ta sẽ thật sự cần sự giúp đỡ, hợp tác từ những người xung quanh, đừng chỉ mãi ôm khư khư vấn đề của mình với một cái đầu trống rỗng. Trong môi trường hòa nhập ấy, hôm nay bạn giúp tôi thì khi bạn cần, tôi sẽ giúp lại, thế thôi.

Nhưng, chúng ta “cộng sinh” chứ không “ký sinh”, sống “hòa nhập” chứ không “hòa tan”. Khi người nào đó đặt chân vào cuộc sống của bạn, dù tốt dù xấu, họ cũng sẽ để lại một bài học sống quý giá dành cho bạn. Thế nên, đi hay ở là việc của họ. Khi tình cảm nguội thì trái tim lạnh, chúng ta không thể đơn phương níu giữ một mối quan hệ. Vậy nên, trưởng thành rồi thì đừng quá phụ thuộc vào người khác, đừng sống như thể họ là cả bầu trời của bạn, bạn sẽ không thể biết trước bao giờ bầu trời sụp đổ đâu. Song, nếu một người không biết quý trọng tình cảm của bạn, bạn có thể buồn. Nếu một người yêu thương bạn thật lòng bỗng dưng rời đi, bạn có thể khóc. Nhưng buồn khóc xong, sau cùng, bạn vẫn là người tiếp tục sống, thật hạnh phúc, vui tươi.

??? 3_Dưỡng sinh

Theo Y học cổ truyền, “dưỡng sinh” là điều dưỡng cơ thể để có sức khỏe tốt nhằm kéo dài tuổi thọ. Đa phần chúng ta đều lờ đi vì nghĩ mình chưa tới tuổi để làm việc đó, song bạn có đang tự tin về sức khỏe của mình không? – “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không đơn thuần chỉ có bệnh tật hay đau ốm”.

^ Về thể chất ^

Yêu bản thân không có nghĩa là nuông chiều theo những thói quen không lành mạnh, sở thích vô kỷ luật, mà ngược lại, đó là sự tích cực rèn luyện, lắng nghe cơ thể, thay đổi lối sống theo hướng tốt hơn. Người ta thường nói “Trạng thái cảm xúc tiêu cực sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe”, nhưng thực chất, thể trạng sức khỏe cũng phần nào ảnh hưởng đến tinh thần của chúng ta. Chẳng hạn như bạn thường sẽ cáu gắt khi đói, bạn chẳng muốn ra ngoài tụ họp bạn bè khi mấy ngày nay cứ liên tục tăng ca…hay bạn chỉ muốn nằm yên một chỗ không học không làm trong những “ngày bà dì tìm đến”. Vậy nên, “An thân rồi mới an tâm”, hãy nhớ rằng, cơ sở của sự thư thái, sảng khoái về thể chất, sức lực bắt nguồn từ cách bạn tập luyện như thế nào.

^ Về tinh thần ^

Chuyên gia dùng hai chữ “tâm thần” để đề cập đến tâm lý và cảm xúc. Phán đoán một người có sức khỏe tâm thần tốt hay không là điều không hề dễ dàng. Tâm thần bất ổn không chỉ là khi bạn đang chịu áp lực đến nghẹt thở, bạn bị hội chứng rối loạn lo âu hay cảm thấy khó chịu ở những nơi đông người…mà nó còn dựa vào khả năng bạn tận hưởng cuộc sống, khả năng đương đầu với thử thách và khó khăn. Yêu thương bản thân, tận hưởng cuộc sống không có khái niệm chỉ hướng đến những thứ tốt đẹp. Bạn không cần lúc nào cũng phải thật thần thái, vui cười như một “best face” mà che đậy bên trong, cảm xúc tiêu cực của mình, để về lâu dài cảm xúc ấy sẽ dồn nén, tích tụ, to lên rồi bùng nổ…khi ấy, cái bạn không thể kiểm soát được nữa chính là lời nói, hành động và cả những mối quan hệ của mình. Vậy nên, hãy yêu chiều cảm xúc của bản thân một chút, khi buồn cứ khóc lúc vui cứ cười, nuôi dưỡng thật tốt sức khỏe tinh thần cho nguồn cảm hứng sống yêu đời, lạc quan.

^ Về xã hội ^

Self-love không có nghĩa là: only love yourself. Người khỏe về mặt xã hội là người cảm thấy thoải mái, sống hòa hợp với bản thân, gia đình, các thành viên khác trong xã hội nơi họ đang sống. Việc cân bằng các mối quan hệ là điều vô cùng khó khăn, giống như lúc bé, bạn phải vừa là con ngoan, vừa là trò giỏi; khi lớn bạn lại bị kẹt giữa lãnh đạo, đồng nghiệp, đối tác và bạn bè, gia đình. Con người càng lớn thì sợi dây liên kết, gắn kết xã hội càng dài, đôi khi sợi dây ấy có những nút thắt mâu thuẫn mà bạn phải là người tháo gỡ, cũng có khi nó tạo thành những móc xích thắt chặt tình cảm của bạn với mọi người hơn. Vậy nên, trên trái đất có hơn 7 tỷ người này, đừng sống như thể bạn đang ở một vũ trụ riêng biệt, độc lập.

Sự thật rằng, chúng ta thường được dạy cách yêu thương, quan tâm, đồng cảm với người khác nhưng không bao giờ biết cách yêu thương và chuẩn bị chính mình cho tương lai. Mỗi chúng ta đều cần vượt qua nỗi sợ hãi về những điều mình chưa biết, hiểu được giá trị của bản thân. Hành trình “self-love” không chỉ vỏn vẹn trong một ngày duy nhất mà sẽ theo bạn đến suốt đời này.

You may also like

Leave a Comment