Được nuôi dạy trong một gia đình không quan tâm đến cảm xúc có nghĩa là gia đình bạn bỏ mặc hoặc gạt bỏ cảm xúc của bạn đủ để cho bạn thấy rằng cảm xúc của bạn không quan trọng.
Nếu bạn học được điều này khi còn nhỏ, có thể bạn còn chẳng nhận thức được bạn đang tiếp thu điều đó, bạn sẽ tiếp nhận những “sự thật” sai lầm như một thực tế và bạn sẽ sống dựa trên những thực tế đó. Sống bằng những sự thật sai trái học được khi còn nhỏ sẽ âm thầm phá hoại cuộc đời sau này của bạn. Việc tin tưởng rằng cảm xúc của mình – thứ vốn là người bảo vệ, chỉ đường, kết nối, và là người đưa ra quyết định xuyên suốt cuộc đời, là vô ích và phiền toái sẽ đặt bạn vào một tình huống bất lợi trầm trọng. Sau đó bạn sẽ có thể sống một cuộc đời dài hàng thập kỷ mà không có được nguồn năng lượng quan trọng cho sự sống – thứ mà người khác đang tận hưởng.
Nó kìm lại các mối quan hệ, tiềm năng phát triển và cả những cơ hội của bạn. Và có lẽ điều quan trọng nhất là, nó khiến bạn không ngừng phạm phải những lỗi lầm tương tự có thể dự đoán được hết lần này đến lần khác.
6 lỗi người bị bỏ mặc cảm xúc thời thơ ấu luôn mắc phải
1/ Về cơ bản, bạn tin rằng mình khác biệt so với những người khác
Thực tế rằng cuộc đời bạn bị chi phối một cách mạnh mẽ bởi một “sự thật” sai trái mang tính căn bản thật sự sẽ làm bạn khác biệt theo một cách nào đó. Cuộc sống của người khác đều được cung cấp năng lượng và phong phú hơn nhờ cảm xúc của họ, trong khi đó cuộc sống của bạn lại đau khổ vì phải đè nén tình cảm và bị thu hẹp. Bạn có thể cảm thấy người khác có một thứ gì đó không tên mà bạn không có được. Bạn có thể nhìn xung quanh và thấy rằng người ta đang sống một cuộc đời đầy màu sắc, mà đời bạn thì có vẻ như toàn gam màu xám xịt. Điều này khiến bạn tin rằng về cơ bản bạn khác biệt, nhưng sự thật thì không phải như vậy. Cảm xúc của bạn vẫn ở đó, ăn sâu cắm rễ trong cơ thể bạn. Bạn chỉ cần bắt đầu đối xử với cảm xúc của mình theo cách khác đi mà thôi.
Hành động sai lầm bạn lặp đi lặp lại: Tránh né mọi người và cho rằng mình không thuộc về thế giới của họ.
2/ Chịu trách nhiệm cho những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình
Việc bạn chẳng hay biết gì về cảm xúc của chính mình khiến cho bạn trở nên nhạy cảm một cách thái quá đối với cảm giác từ người khác cũng như những sự kiện, tình huống bên ngoài. Nếu bạn được dẫn lối bởi con người bên trong bạn (cảm xúc của bạn), bạn sẽ hành xử xuất phát từ con người thật của mình và bạn thấy tự tin, vững vàng hơn.
Hành động sai lầm bạn lặp đi lặp lại: Bạn cứ liên tục cố gắng “sửa chữa” mọi thứ cho người khác. Bạn nỗ lực kiểm soát những thứ mà bạn không thể kiểm soát và thấy tội lỗi về những việc không phải do lỗi của bản thân bạn gây ra.
3/ Tin rằng cảm xúc của bạn sẽ khiến người khác khó chịu hoặc sẽ là gánh nặng cho họ
Khi bạn nhìn nhận cảm xúc của mình như một gánh nặng, bạn tự nhiên sẽ muốn “bảo vệ” mọi người khỏi chúng. Điều này khiến cho mọi thứ trở nên khó khăn để có được những mối quan hệ chân thật, lâu dài – những mối quan hệ mang tính cá nhân sâu sắc, bền vững và chắc chắn.
Hành động sai lầm bạn lặp đi lặp lại: Bạn khóa chặt cảm xúc của mình lại và giấu chúng đi. Bạn làm ra vẻ như thể mình không hề buồn bã, tổn thương, hay tức giận trong khi bạn thực sự cảm thấy vậy, với những lý do chính đáng. Bạn cố loại bỏ cảm xúc của riêng mình, và cho rằng chúng sẽ khiến mọi người từ bỏ bạn. Rốt cuộc bạn lại hành xử theo những cách chẳng hề giống mình.
4/ Cố gắng để không có bất kỳ nhu cầu nào
Khi bạn cho rằng có cảm xúc là điều tiêu cực, bạn cũng cho rằng có nhu cầu là điều tương tự. Vì thế, khi bạn đẩy cảm xúc của mình ra xa, bạn cũng đang khước từ những nhu cầu của chính mình. Bạn tin rằng việc bạn cần một cái gì đó khiến bản thân trở nên yếu ớt và rằng bạn lẽ ra nên tự mình làm được mọi thứ.
Hành động sai lầm bạn lặp đi lặp lại: Phục vụ cho nhu cầu của người khác trước khi phục vụ cho bản thân mình. Thất bại trong việc lên tiếng cho lợi ích tốt nhất của bản thân.
5/ Chối bỏ những cơ hội
Không thể kết nối được với cảm xúc khiến bạn phải xoay xở ở một vị trí yếu thế hơn. Bạn có thể thiếu tự tin vào bản thân và linh cảm về mọi thứ – những thứ mà cho phép bạn mạo hiểm. Bạn có ý thiên về những gì có cảm giác an toàn hơn thay vì nhìn nhận rằng những khả năng là một chuyện tích cực.
Hành động sai lầm bạn lặp đi lặp lại: Nói “Không” trong khi bạn lẽ ra nên nói” Có”. Nỗi sợ hãi rằng mình không thể làm được dẫn đến việc bạn từ chối các cơ hội để học hỏi, phát triển và phấn đấu để đáp ứng đầy đủ tiềm năng của bản thân.
6/ Im lặng khi bị thách thức về mặt cảm xúc
Cuộc đời mọi người đều bị ngắt quãng bởi những khoảnh khắc không mấy thoải mái. Ai đó nghi ngờ bạn hoặc tổn thương bạn, la hét vào mặt bạn hoặc hỏi bạn những câu khó chịu không thể nào vừa ý nổi. Chuyện này có thể xảy ra trong cuộc hôn nhân của bạn, ở nơi làm việc, trong mối quan hệ bạn bè, hay thậm chí với cả con cái bạn. Khi có người mong muốn, và cần bạn phản hồi lại họ, thì bạn lại chẳng làm gì.
Hành động sai lầm bạn lặp đi lặp lại: Có những khi xuất hiện những thử thách chẳng thoải mái gì, bạn lại dựng lên bức tường khổng lồ của mình – có thể là bạn nghĩ bạn đang bảo vệ mọi người khỏi cảm xúc và/ hoặc nhu cầu của bạn – và bạn câm như hến. Bạn đẩy người khác khỏi cơ hội vượt qua khó khăn cùng bạn và cơ hội được hiểu bạn ở mức độ sâu sắc và nhiều tầng cảm xúc hơn. Đây là một sai lầm lớn, và bạn thì cứ tiếp tục mắc phải nó.
(st)
——