Thực hiện những thủ thuật cần cấp nhưng gây khó chịu cho bệnh nhân, y bác sĩ có khi nào thấy tội lỗi không?

by admin

Chúa ơi, có. Ngàn lần, có.

Đây thực sự là một vấn đề lớn với tôi. Bởi vì tôi phụ trách cả khoa Ngoại tổng quát/Ngoại chấn thương và Hồi sức tích cực. Và tất cả những khoa này đều thực hiện những kỹ thuật thú thật là tàn bạo như thời Trung cổ trên bệnh nhân.

Khỏi hỏi, với tôi, thủ thuật ghê tởm nhất là đặt dẫn lưu màng phổi. Bạn sẽ đặt một ống to bằng ngón cái hoặc to hơn giữa hai xương sườn và di chuyển nó lên khoảng không gian giữa phổi và lồng ngực, để hút không khí và máu từ phổi bị rò rỉ. Thủ thuật này được thực hiện trong trường hợp cấp cứu bởi một bác sĩ Ngoại chấn thương như tôi, nhằm ngăn tụ máu và khí gây xẹp phổi – hoặc tệ hơn, gây trụy mạch trong lồng ngực. Tôi có thể gây tê vùng da và cơ, nhưng những bệnh nhân thường không yên và không dung nạp thuốc an thần hoặc được vô cảm. Rồi, sau khi rạch da, tôi chọc ngón trỏ, gọn gàng tách cơ, và vào khoang màng phổi, để một luồng khí và máu tràn ra ngoài. Tôi thu ngón tay lại và nương sức mở một lỗ hở đủ lớn để đặt ống dẫn lưu. Chỉ mất một phút, nhưng là trải nghiệm cùng cực. Huyết áp chịu được lượng thuốc giảm đau nhiều bao nhiêu, tôi cho bệnh nhân bấy nhiêu, nhưng họ vẫn la. Cồn cào đến mức phát nôn. Có một lần, khi còn là thực tập sinh, tôi gần như ngất và phải ngồi xổm xuống sàn mổ trong giây lát, với ngón tay còn đang trong ngực nữ bệnh nhân khốn khổ kia. Tôi phải tự nhủ rằng tôi đang cố cứu sống bệnh nhân. Nhưng Chúa ơi, tôi ghét nó.

Tôi kinh sợ không phải mỗi mình đặt dẫn lưu màng phổi. Trong Hồi sức cấp cứu, tôi phải đặt RẤT NHIỀU ống thông tĩnh mạch trung tâm[1]. Đó là những ống thông tĩnh mạch cỡ lớn đi trực tiếp đến một trong những tĩnh mạch lớn gần tim, ví dụ như tĩnh mạnh chủ. Tôi thường đặt ống ở cổ hoặc ngực của bệnh nhân đã tiếp nhận an thần để cấp cứu. Tôi gây tê tại chỗ, nhưng vẫn can thiệp chọc đẩy khá nhiều. Tôi luôn thắc mắc không biết họ lúc đó biết và cảm nhận được gì. Rốt cuộc thì họ cũng không kể được cho tôi nghe.

Tháng 6 năm ngoái, tôi khởi phát triệu chứng của bệnh lý cấp tính. Suy tim-phổi cấp. Tôi được đặt bóng đối xung động mạch chủ[2] để hồi sinh tim, nhưng tình trạng không khá lên. Quyết định được đưa ra: hỗ trợ bằng máy tim phổi nhân tạo[3], hay máy ECMO[3] Giống như bóng đối xung động mạch chủ, ECMO đòi hỏi những ống thông lớn đặt ở cổ. Họ còn lọc máu tôi nữa, nhưng đó là câu chuyện của những ống thông khác.

Bên dưới là ảnh một bệnh nhân đặt ECMO. Mấy ống thông đó rất là BỰ. Vậy mà lúc đó, họ đặt ống cho tôi trong tình trạng khẩn cấp tại giường bệnh, không hề gây mê.

[Hình 1]

Rồi tôi hôm nay đây.

[Hình 2]

Đây rồi. Bằng chứng hùng hồn của một thủ thuật ngoại khoa can thiệp và máu me để cứu mạng tôi đây.

Và bạn biết gì không? Nếu không vì cái sẹo, tôi cũng không biết gì nữa cơ. Tôi không nhớ một điều gì luôn. Tôi CÓ nhớ mấy chuyện khi tôi được hồi sức cấp cứu, như lúc chụp MRI (làm tôi phát khiếp). Hay lúc chị tôi ngồi bên giường bệnh, nói chuyện với tôi. Nhưng tôi không nhớ gì về mấy cái ống thông cả.

Thiệt là một phước phần kì cục. Giờ thì tôi có thể chỉ tay vào cổ và nói bệnh nhân là: nó không tới nổi nào. Họ tin tôi vì tôi từng giống họ. Họ cảm thấy thoải mái và yên tâm. Và tôi, với tư cách bác sĩ, đã tự trải nghiệm và tìm được sự thanh thản cho thắc mắc của mình. Vậy, coi như đó là một sự đọa đày đáng biết ơn.

________________________________________

[1] ống thông tĩnh mạch trung tâm: từ gốc central line

[2] đặt bóng đối xung động mạch chủ: từ gốc aortic pump

[3] máy tim phổi nhân tạo (ECMO – Extracorporeal Membrane Oxygenation): từ gốc ECMO

You may also like

Leave a Comment