Review Truyện Sau Khi Tôi Chết Anh Ấy Không Cưới Thêm Ai Nữa

by admin

SAU KHI TÔI CHẾT, ANH ẤY KHÔNG CƯỚI THÊM AI NỮA

Tác giả: Bánh Ú Đường
Số chương: 13 chương + 2 phiên ngoại
Thể loại: Ngôn tình, OE chính truyện, HE ngoại truyện, thị giác nữ chủ
Tình trạng: Đã hoàn.
Tôi từng đọc được một câu: “Khoảng cách xa nhất trên thế giới này không phải là khoảng cách giữa sự sống và cái chết.” Mượn vế câu này, rất nhiều tác giả đã tạo ra những câu nói về tình yêu đáng nhớ như Diệp Tử, Phỉ Ngã Tư Tồn hay Cầm Sắt Tỳ Bà. Nhưng nếu sống chết thực sự không quan trọng như vậy, thì tình yêu sẽ tồn tại như nào khi âm dương cách biệt, khi những lời hẹn thề chỉ còn trong dĩ vãng?
Tôi từng nghĩ như thế đấy. Chết rồi còn chờ đợi gì, còn nhớ nhung hẹn thề gì? Nhưng khi biết đến của tác giả Bánh Ú Đường, bản thân lại không kìm được nỗi nghẹn ngào dành cho Nguyễn Chính Ý và Tô Uyển Uyển – nam nữ chính của chúng ta.
Nam nữ chính của chúng ta của chúng ta đều là những người có gia cảnh bình thường. Nam chính không phải là tổng tài bá đạo cũng không phải là thiếu gia nhà giàu, nữ chính không phải một cô gái giỏi giang lễ độ, cũng không có gương mặt xinh đẹp. Họ gặp nhau ở tuổi đời đẹp nhất, cùng nhau phấn đấu vì tương lai mai sau. Khi sự nghiệp vừa khởi sắc, hôn nhân vừa ấn định thì Tô Uyển Uyển không may bị đột tử. Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, người chồng thân yêu trong phút chốc biến thành “chồng cũ”. Và từ đó câu chuyện được kể lại với lời kể của “âm hồn không tan” – Tô Uyển Uyển.
Năm hai mươi hai tuổi, Nguyễn Chính Ý đã nói: “Tô Uyển Uyển, nếu em đi trước anh, anh sẽ không cưới thêm ai khác”.
Năm hai mươi sáu tuổi, Nguyễn Chính Ý nói: “Tô Uyển Uyển, đời này anh chỉ cưới một mình em.” Rồi sau đó, cô vặn hỏi, nếu như cô chết sớm thì sao, Nguyễn Chính Ý vẫn nói: “Anh sẽ sống một mình đến cuối đời, không cưới thêm ai khác.”
Đó là lời hứa hẹn duy nhất mà nam chính dành cho nữ chính. Nhưng cô nàng tự cho mình là “hình mẫu nữ thanh niên hoàn hảo không có tật xấu” lại không tin, Nguyễn Chính Ý sống thọ đến chín mươi tuổi, anh có sáu mươi năm dài đằng đẵng, chẳng lẽ anh định cô độc hết quãng thời gian ấy? Tô Uyển Uyển quả quyết, đó không phải phong cách của anh.
Tô Uyển Uyển tự tin cho là thế, cô vô cùng cố chấp với quãng đời còn lại của người chồng cũ, đợi đến khi anh tái hôn, trải qua cả đời bình an, cô sẽ rời đi, uống hết chén canh Mạnh Bà quên hết ba mươi năm cuộc đời ngắn ngủi.
Trước cái chết của vợ, dường như nam chính không có quá nhiều cảm xúc, anh bình tĩnh lo liệu hậu sự, trấn an bố mẹ, cũng không tảo mộ dâng hoa cho nữ chính vào Tiết Thanh Minh, Nhưng tất cả chỉ là vẻ bề ngoài, anh đang cố giả vờ kiên cường. Anh vẫn bày biện đồ đạc của cô, vẫn đặt con gấu lớn do họ cùng nhau gắp được trên đầu giường, dù ghét đồ ngọt nhưng lại không nỡ ném đống kẹo cô đã mua đi. Thỉnh thoảng anh vẫn sạc pin điện thoại của cô, vẫn treo ảnh cưới của họ trên tường. Anh… Chỉ cho là cô đang đi công tác, cô sẽ về sớm thôi, chỉ thế thôi.
Sinh nhật ba mươi mốt tuổi, người không thích đồ ngọt như anh lại mua loại bánh kem sô cô la ngọt nhất, bản thân thì ăn một bát mì bỏ thêm rất nhiều ớt cay, rồi bả vai anh khẽ run lên, từng giọt nước mắt lăn dài xuống bát.
Nguyễn Chính Ý lí trí là thế nhưng anh cố chấp vô cùng, mà sự cố chấp ấy của anh chỉ dành cho cô gái tên Tô Uyển Uyển. Anh không thể tin cũng không thể hiểu nổi một người trẻ như cô lại lẻ loi ra đi, đến lần gặp mặt cuối cùng cũng không thể. Nói trắng ra, anh không cam lòng, khi người khác trăm năm hòa hợp, tại sao ông trời nỡ mang cô gái bé nhỏ của anh đi? Anh càng cố chấp, càng lừa gạt bản thân bao nhiêu thì nỗi đau thấu tim can lại tra tấn và hành hạ anh bấy nhiêu. Nếu không quan tâm để ý, nếu không yêu đến khắc cốt ghi tâm thì tại sao phải đau đớn như thế?
Đọc đến đây, bao xúc cảm trào dâng. Tôi cũng như Tô Uyển Uyển, chỉ muốn đứng trước mặt Nguyễn Chính Ý, muốn bảo anh tái hôn, muốn bảo anh hay xây dựng gia đình mới vì vợ của anh đã chết rồi. Tô Uyển Uyển thực ra cũng là một người ích kỷ trong tình yêu, Dù cô không tin lời hứa kia của anh nhưng trong thâm tâm cô vẫn không nguôi hi vọng ấy. Nhưng khi thấy anh cô độc như thế, thấy một người đàn ông

mạnh mẽ cao ngạo như anh khóc, cô sợ… sợ Nguyễn Chính Ý cô độc, cô rất muốn anh tái hôn để quên đi nỗi đau này. Nhưng, dù người nhà khuyên bảo thế nào, làm mai ra sao, dù có một cô gái cũng tên là Uyển Uyển vô cùng thích anh, anh vẫn không hề mủi lòng, hờ hững nói: “Mẹ, dù có là đàn bà hay đàn ông, chỉ cần đủ yêu thì sẽ không bao giờ thay đổi.”
Nguyễn Chính Ý vẫn cô độc, từ ba mươi tuổi, ba mươi lăm tuổi, bốn mươi tuổi, năm mươi tuổi đến bảy mươi tuổi. Anh dường như che giấu hết tất cả nỗi nhớ nhung đau đớn, bình lặng sống như không có gì xảy ra. Anh đi đến những nơi họ từng đến, tìm cho mình cuộc sống thư thái, cho đến khi không thể chăm sóc cho bản thân nữa, anh tự tìm đến viện dưỡng lão. Nguyễn Chính Ý lúc này đây đã thực sự không còn ai nữa, không có vợ con, không còn bố mẹ, không có con cháu; một mình lẳng lặng như thế. Xúc động hơn là, khi tám mươi tuổi, anh mắc chứng Alzheimer. Anh dường như không nhớ rõ được Tô Uyển Uyển nhưng lại luôn nhớ đến bánh kem sô cô la mà cô thích ăn. Anh mệt mỏi rồi nhớ nhung quá lâu rồi, anh cố chấp nhiều năm như vậy chỉ vì Tô Uyển Uyển.
Có lẽ nhiều người không ngừng hỏi: Nếu đã yêu đến vậy, thương đến thế, tại sao không ra đi cùng cô ấy? Tôi nghĩ rằng, nếu Nguyễn Chính Ý lựa chọn cái chết, anh chẳng khác gì con rùa rụt cổ, trốn chạy khi trách nhiệm còn đè nặng trên vai. Mẹ anh thì sao, bố mẹ cô thì sao? Lại để họ người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh một lần nữa? Và còn bao cố gắng xây dựng tương lai của họ nữa. Nguyễn Chính Ý không thể, không chỉ là trách nhiệm, mà anh còn muốn Tô Uyển Uyển nợ anh. Anh đã giữ vững lời hứa, dành cả đời cho người con gái anh yêu, chỉ mong kiếp sau, cô có thể hoàn trả anh tất cả, không để anh một mình, không để anh khóc, cũng không để anh cô độc đến cuối đời.
Truyện không dài, chỉ có mười ba chương cộng thêm vài phiên ngoại nhưng lại khiến người đọc  cảm thấy như đã đi hết một đời người, từ già đến trẻ, từ hạnh phúc đến đau thương, từ sự sống đến cái chết. Truyện xây dựng đúng chất “ngược”, nhưng không phải hành hạ dằn vặt thể xác, cũng không phải ân oán tình thù, Bánh Ú Đường đã mang đến một câu chuyện khá thực tế, logic, mạch văn chậm rãi nhẹ nhàng nhưng lại đi vào lòng người đọc từng câu từng chữ. May mắn là, tác giả vẫn mở thêm một con đường mới cho hai nhân vật chính ở những chương cuối truyện và ở phiên ngoại, khi ấy, nam nữ chính không chết, họ yêu nhau, kết hôn, có con. Có lẽ, đó là niềm an ủi mà Bánh Ú Đường dành cho Nguyễn Chính Ý cũng như các độc giả. Cảm ơn nhà  dịch Blue Avenue đã mang đến cho độc giả Việt Nam một câu chuyện hay và sâu sắc như thế.

You may also like

Leave a Comment