Tin nhắn không hồi đáp và niềm tin “Họ không cố ý”.

by admin

Tôi đã từng rất nhạy cảm với tin nhắn. Một tin nhắn bị Seen, Sent hay Delivered quá lâu làm tôi vô cùng bứt rứt, khó chịu. Bất kể tin dành cho người yêu hay bạn bè, sự bứt rứt mà ta nhận được đều giống nhau. Ở mức độ nhẹ, bị ăn seen chỉ gây hơi sốt ruột thôi, nhưng nếu nặng hơn và kéo dài sẽ gieo mầm cảm giác buồn bực, kiệt quệ và không được tôn trọng. Các bạn cũng hiểu điều đó phải không?

Mạng xã hội có công rất lớn kết nối con người với nhau, nhưng đồng thời nó cũng làm năng lượng tinh thần chúng ta hao hụt đi. Trong con mắt những người nhạy cảm, biểu hiện của sự không được tôn trọng vô vàn lắm. Đó có thể là một tin nhắn không được trả lời, một comment không được hồi đáp/react, thậm chí nhận được react khác với số đông cũng khiến họ trăn trở rất nhiều. Tôi là một trong những người như vậy và tôi viết với niềm tin mình không đơn độc.

—–

Nhưng khó khăn nào rồi cũng có hồi kết, nếu vẫn khó khăn tức là chưa hết. Qua tìm tòi sách vở, tôi thấy hai khái niệm rất tốt để giảm nhẹ cảm xúc tiêu cực: “Dao cạo của Occam” và “Dao cạo của Hanlon”.

Nguyên lý Occam’s razor cho rằng “Một lời giải thích dựa trên CÀNG NHIỀU GIẢ ĐỊNH thì CÀNG BẤT HỢP LÝ”. Nếu phải chọn một trong hai giả thuyết thì hãy chọn cái đơn giản hơn và suy diễn ít thôi. Trong nghiên cứu khoa học cũng vậy và các quan hệ xã hội cũng vậy. Không nên mặc định sự tiêu cực hướng vào mình vì nó rất vô lý. Chẳng hạn như khi một người bạn quên hồi đáp tin nhắn, bạn sẽ chọn lời giải thích “Vì họ sơ ý/đang bận” hay “Vì họ ghét mình”? Nếu mong muốn tâm hồn được bình yên, có lẽ bạn không cần tôi trả lời thay đâu.

Khái niệm Hanlon’s razor là quy tắc đối nhân xử thế: Đừng bao giờ vội quy điều gì là ác ý, nếu sự thiếu hiểu biết cũng cho lời giải thích tương tự. Quy tắc này giải quyết bất đồng rất tốt vì nó dập tắt sự tức giận từ trong trứng nước.

Hãy lấy ví dụ như trong tham gia giao thông, một bối cảnh rất dễ gây bực mình. Khi bị một chiếc xe tạt đầu, bản năng của bạn ngay lập tức hậm hực rằng “Đó là kẻ xấu tính”. Đồng ý là ngoài đường không thiếu “dân tổ” nhưng công nhân viên chức còn đông hơn cả chục lần. Bạn đã thử nghĩ rằng người đó đang muộn làm hay đi đón con chưa? Với quy tắc Hanlon, chúng ta tập trung vào bức tranh toàn cảnh thay vì mỗi bản thân. Đừng nghĩ người ta xấu với mình trong khi họ chỉ không biết, không nhớ, hoặc phạm những sơ sót có thể bỏ qua được.

Tôi đã thử áp dụng quy tắc Hanlon vào vấn đề “tin nhắn không hồi đáp” đè nặng trong lòng. Khi đó tôi mới hiểu bấy lâu nay mình căng thẳng vô cớ thế nào.

Ngày ấy tôi quá ám ảnh với việc dè chừng để không làm mất lòng mọi người, đến mức bị coi là khó gần. Cùng với đó là sự đòi hỏi quá cao, rằng tôi đã cho đi cái A thì phải nhận lại cái B một cách tương xứng, giống như việc trả lời tin nhắn vậy. Có thể do họ không để ý, đang bận học và làm việc, hay đơn giản hết sức là tin nhắn bị trôi? Vì không hiểu điều đó nên tôi áp đặt cảm giác hoài nghi và bất an lên những người thân thuộc. Tôi căm ghét những sự tổn thương mà tôi có thể đã gây ra cho bạn bè vì rắc rối trong bộ não của chính mình. Nếu tiếp tục đi con đường này, chẳng mấy chốc mà tôi nghĩ cả thế giới đều muốn gạt bỏ mình.

Chỉ có tôi đang ác với tôi thôi, nếu thực tế không cho thấy còn ai khác.

—–

Khi nói đến “Tin nhắn không hồi đáp”, ý tôi không chỉ là tin nhắn theo nghĩa đen. Đó còn là tất cả những tình cảm, những sự quan tâm bạn cho đi trong đời nhưng cảm thấy không được tập thể coi trọng. Bạn thấy những biểu hiện nho nhỏ của sự xa lánh, như một tin nhắn không được trả lời, một cuộc đối thoại nhát gừng… Và bạn thường xuyên băn khoăn, dằn vặt rằng mình đã làm điều gì để dẫn đến tình trạng ấy, đôi khi băn khoăn đến rệu rã tinh thần. Chính tôi cũng từng kẹt trong lối suy nghĩ đó nên tôi hoàn toàn thấu hiểu, và chỉ muốn nói với bạn rằng chuyện không nghiêm trọng đến vậy đâu.

Bạn có thể “lưu” hai quy tắc trên vào tiềm thức để vững tâm hơn trong những tình huống tương lai. Nó sẽ xảy ra kể cả khi mình không muốn, bởi vì không thể sống mà không lỡ làm tổn thương/bị tổn thương một hai lần. Nhưng khi sự tổn thương ấy xảy ra, tôi mong bài viết này giúp bạn đối mặt với nó một cách cảm thông và bao dung, cho đầu óc nhẹ nhàng. Tin nhắn không hồi đáp có gánh nặng tinh thần lớn hay nhỏ là do chính bạn tự quyết định.

Nói đi cũng phải nói lại, bạn đừng áp dụng những quy tắc trên cứng nhắc quá nhé. Vì có những trường hợp ngoại lệ mà con dao Occam hay Hanlon không thể “cạo” tới được. Đó là những người ác ý thực sự, tuy là thiểu số nhưng họ vẫn tồn tại. Nói ra thật chua xót, nhưng dường như họ coi chúng ta không đáng để cho họ trả lời. Một hai lần có thể thông cảm, nhưng nhiều lần seen và còn thoái thác thì chắc là cố tình rồi. Bạn hãy tin tưởng vào bản năng và tôn trọng cảm xúc của bản thân trên hết, để lọc ra những người bất hảo không tôn trọng điều đó. Mọi người đều xứng đáng được hồi đáp tin nhắn đúng lúc, hay ít nhất cũng xứng đáng một lời giải thích thành thật.

———

Bài này tôi viết cho tất cả những người để tâm quá nhiều đến cảm xúc của người khác, cũng giống như mình ngày trước. Tôi rất không thích lời khuyên sáo rỗng “Đừng nghĩ nhiều nữa” nên đã yểm trợ nó bằng những thông tin khoa học, để giúp bạn hiểu rằng những lo lắng đang đặt nhầm chỗ. Ai cũng có cuộc sống riêng, họ không nghĩ về bạn nhiều như bạn tưởng và càng không bỏ công bỏ sức đi làm hại hay phớt lờ bạn.

Hẹn gặp lại bạn. Tôi đã, đang và sẽ luôn quan tâm.

Sơn Nguyễn suy nghĩ

You may also like

Leave a Comment