Tôi từng không hiểu ý nghĩa câu nói ấy, mãi cho tới khi trưởng thành.
Cuối ngày, trời chập choạng tối. Những nhành mây bên kia đường pha loãng với ánh đỏ dịu dàng của mặt trời, dần dần rẽ lối để tia sáng cuối cùng quay về, phết lên bầu trời một sắc đen ảm đạm, vẽ bởi các vì sao và vầng trăng khuyết.
Ngồi ở quán cà phê bên kia đường, nhâm nhi cốc trà vẫn còn ấm, phả lên không khí từng làn hơi nóng nhẹ, lặng nhìn dòng người tấp nập chốn đô thị phồn hoa, tôi cảm thấy lạc lõng giữa thành phố nơi chẳng có một góc nhỏ để gọi là nhà. Vốn biết, trưởng thành là khi bản thân đã chấp nhận sự hiện diện của cô đơn xoay quanh cuộc sống thực tại. Là mỗi sáng ra không còn ai đánh thức, chỉ có thể tự mình xoay sở cùng chiếc đồng hồ hẹn giờ với nỗi bất an sẽ hết pin bất cứ lúc nào. Là khi những cảm xúc tủi hờn, buồn bã không còn nơi để gửi gắm. Là lúc bản thân đứng bất lực giữa hàng trăm sự lựa chọn, dễ dàng vấp ngã, nhưng lại tự nhủ không được phép bỏ cuộc. Là thời gian nỗi nhớ nhà trong lòng dâng lên tới đỉnh điểm, muốn quay trở về để buông xuông tất cả phiền muộn, nhưng tiền để mua một chiếc vé xe cũng chẳng có.
Sự cô đơn ấy lấy đi hết những hy vọng cuối cùng trong tinh thần, để lại đó là một khoảng không trống vắng. Trong lúc người người ở thế giới ngoài kia nghĩ suy ngày mai sẽ là chuyến đi nào, hành trình gì, tôi vẫn còn băn khoăn “liệu một thùng mì này có đủ để ăn đến cuối tháng”.
Những trầy xước ở hiện tại chính là nguyên nhân khiến tôi hoài niệm một thời quá khứ tưởng chừng đã đi xa, một quãng thời gian ngắn ngủi chảy qua trong đời. Năm tháng hồn nhiên được khoác lên mình màu áo trắng, chính là năm tháng tuổi trẻ mãi không quay lại như chuyến tàu một chiều, mang bao thương nhớ, tiếc nuối.
Lúc ấy, mối bận tâm của tôi không phải kế sinh nhai hàng ngày, mà là điểm số trên bài kiểm tra. Mỗi giờ tan học, tụ tập với lũ bạn đi dạo một vòng vỉa hè, ăn uống các món linh tinh, mấy đứa góp vài nghìn là đủ mua được hàng đống đồ ngồi cùng “nhâm nhi”, tán dóc. Trước mặt thầy, cô cũng không yên phận, làm đủ trò quậy phá ngỗ nghịch. Cả gan mang đồ ăn vào trong lớp, ngồi ăn rón rén cũng là một thú vui của chúng tôi lúc bấy giờ. Nhớ có lần, cả bọn còn mang mì tôm và nước sôi đi, úp vào cái bát nhựa, chia nhau ra ăn. Bị lên sổ đầu bài cũng không chừa, vẫn có lần tái phạm.
Hay gần trường tôi có cây khế sai trĩu quả, quả khế chua chua, chát chát chấm với ít muối bột canh nghe thôi đã thấy nước miếng tuôn ra. Khổ nỗi, chủ cây khế ấy có nuôi một con chó to giữ nhà, mỗi lần thấy lũ chúng tôi là nó sủa inh ỏi. Manh động thì một là tiêm phòng, hai là bị chủ nhà phát hiện và “hưởng vé nghe cải lương” rát tai của bố mẹ. Nhưng chúng tôi vẫn bỏ cuộc, mang cả thang, cả que,… ra để đối phó với con chó hung hãn ấy.
Cuối cùng, tuy chiến lợi phẩm chỉ có 3 quả khế xanh lè, nhưng đứa nào đứa nấy cũng cười toe toét, chia nhau cắn từng miếng. Đến giờ hương vị đó vẫn còn phảng phất trong tôi. Có lẽ, nụ cười năm tháng ấy không phải vì điều gì khác, nó mãi chẳng phai nhoà chỉ đơn thuần là vì chúng tôi luôn bên nhau, có nhau và cùng đồng hành.
Chiều chủ nhật, tôi cùng lũ bạn đạp xe quanh bờ hồ, ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống. Tôi vốn không thích khoảng khắc này, vì khi những ánh nắng cuối cùng sót lại nhảy nhót trên vạt áo, cũng là lúc tất cả chúng tôi phải trở về nhà. Kết thúc một ngày rong chơi. Hoàng hôn năm đó, trong tôi, luôn là báo hiệu của sự kết thúc, chia ly.
Hôm tốt nghiệp, tâm trạng của chúng tôi trùng xuống hơn bất cứ lúc nào. Có mấy đứa trong nhóm nước mắt, nước mũi tèm nhem, tay run run cầm bút kí lên áo tôi. Tôi mắng đùa chúng nó:
– Tụi này, lớn rồi còn khóc nhè. Không sợ ông ba bị xách giỏ bắt đi làm thịt hả?
Nói xong câu ấy, cả lũ chúng tôi ôm chầm nhau mà khóc nấc lên.
Nghi lễ kết thúc, những quả bóng bay sắc màu ghi đầy ước nguyện phiêu theo làn gió, bay lên bầu trời. Trên nền trời thấm đẫm sắc đỏ nhạt nhoà, quả bóng màu vàng của tôi như lẩn trốn vào đó, khuất sau làn mây rồi rời khỏi tầm mắt.
Dưới ca từ da diết của bài hát tạm biệt, chúng tôi nắm tay nhau, quây thành một vòng tròn. Thề hẹn dù vạn vật có biến chuyển như nào, vẫn luôn đồng hành và sát cánh bên nhau, nguyện đã là bạn, một đời là bạn. Dải nắng đỏ phết đều lên những tấm áo trắng, dội bóng xuống sân trường. Mặt trời vẫn cháy đỏ trên cao là con dấu minh chứng đóng lên lời thề này.
Cuối cùng, hơn 5 năm xa cách, tôi cũng nhận ra rằng: Chẳng có lời hứa nào chiến thắng nổi thời gian. Sau một năm ra trường, chúng tôi vẫn hẹn gặp nhau hằng tuần, hằng tháng. Rồi những cuộc hẹn thưa dần, chuyển sang một năm, hai năm. Lắm lúc muốn gọi điện để than thở với nhau nhưng lại không dám, vì chúng nó cũng như tôi, bận sống, bận tồn tại, bận tìm chỗ đứng trong thế giới tấp nập ngoài kia.
Một tình bạn đã từng hẹn tri kỉ cứ thế phai nhoà, một ngày nào đó sẽ hoá bọt biển và trở về với đại dương xa xôi, hoà cùng những con sóng nhỏ, một đời tĩnh lặng. Dù vậy, tôi cũng biết ơn những đợt sóng ấy, nó đã khuấy động thế giới nội tâm của tôi, dạy tôi mở lòng, biết nâng niu, trân trọng những gì mình đang có. Tôi tự hỏi, năm tháng ấy, tại sao bản thân cứ theo đuổi những hoài bão xa xôi, những điều kì diệu nào đó, mà không nhận ra, thứ đáng giá hơn cả là tình bạn hiện hữu ngay trước mắt.
Quen với cuộc sống tự lập, tôi cũng không còn bài xích hoàng hôn và những ánh chiều tà như trước. Bởi đời người không thể nào tránh khỏi ly biệt, chỉ là sớm hay muộn, nên tôi học cách chấp nhận nó. Cuối ngày, ngồi trước hiên nhà, đưa mắt ngắm nhìn hoàng hôn, mọi muộn phiền của tôi như được ôm vào sợi nắng kia, chỉ trong chốc lát sẽ lặn đi mất cùng với mặt trời.
Bầu trời đỏ ấy cũng mang trong mình những chấp niệm thanh xuân của tôi. Dạy cho tôi biết thế nào là hạnh phúc.