CARL JUNG VÀ TÂM LÝ HỌC CỦA ĐÀN ÔNG – ĐỨA TRẺ

by admin

“Một người không thể khai phá ra những đại dương mới trừ khi anh ta có đủ can đảm để rời khỏi bờ.”

Andre Gide.

Marie-Louis von Franz, một nhà tâm lý học Thụy Sĩ, đã nhận thấy một trào lưu kỳ dị vào giữa thế kỷ 20 – nhiều người đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành nhưng lại kém phát triển về mặt tâm lý. Họ mang cơ thể của một người trưởng thành, nhưng sự phát triển về mặt tâm trí thì không theo kịp. Franz xem đây như một vấn đề nghiêm trọng đến nỗi vào năm 1959 cô đưa ra một chuỗi các bài giảng về tâm lý học của Puer Aeternus, tiếng Latin có nghĩa là “đứa trẻ vĩnh cửu”. Trong khi nguồn gốc của thuật ngữ này được dùng trong thần thoại để ám chỉ một đứa con của thần, người luôn trẻ mãi, thầy của cô tên Carl Jung đã dùng thuật ngữ này trong tâm lý học để chỉ những cá nhân giống như Peter Pan, những người chưa bao giờ lớn lên. Một trong số những bài giảng của cô, von Franz đã miêu tả Puer Aeternus giống như những cá nhân:

“…vẫn còn mang tâm trí của một đứa trẻ vị thành niên; nghĩa là; tất cả những nét tiêu biểu thông thường ở một cậu thanh niên 17 hay 18 tuổi sẽ được tiếp diễn trong cuộc sống về sau này, đi kèm với đó là một sự lệ thuộc lớn vào người mẹ ở hầu hết trường hợp.”

Marie-Louis von Franz, The Problem of the Puer Aeternus

Von franz tiên đoán rằng trong những thập kỷ sắp tới thứ mà cô gọi là “vấn nạn của Puer Aeternus” sẽ lan rộng khắp thế giới và ảnh hưởng ngày càng nhiều tới các cá nhân. Lời tiên đoán của cô đã được chứng minh là cực kỳ chuẩn xác – đặc biệt là những người đàn ông của thế giới Phương Tây. Nhiều nam thanh niên gặp khó khăn về mặt học thuật, xã hội, tinh thần, tài chính, và tình dục. Họ vẫn sống trong nhà cho dù họ đã hơn 20 và 30 tuổi, sống trong vòng bảo bọc quan tâm của cha mẹ thay vì dấn thân vào một nơi không ai biết tới để tự lập. Thay vì phấn đấu để tạo điều gì đó cho bản thân mình, thì nhiều người lại thích những thế giới ảo thân quen và thoải mái của Internet, khiêu dâm, và trò chơi điện tử. Họ giống như những người lang thang vô định trong cuộc sống, không có hướng đi hay mục đích, theo đuổi những thú vui nhất thời để xoa dịu nỗi đau khổ. Dựa vào tầm ảnh hưởng của vấn đề này, sẽ không quá xa vời khi nói rằng vấn đề của Puer Aeternus chính là cơn loạn thần của thời hiện đại.

Mục đích của bài học chính là mang đến một phương thuốc giải cho những người mắc phải vấn đề này. Để làm được điều đó, chúng ta sẽ có một sự phân tích chuyên sâu về tâm lý của Puer Aeternus, và dựa vào những kiến thức sâu sắc đến từ Carl Jung, Soren Kierkegaard, von Franz, và những người khác, mang đến những lời khuyên thực tế như làm sao để khởi đầu một con đường đời đầy trách nhiệm, phong phú, thành công, và tự lập hơn.

Trước khi ta nghiên cứu tâm lý của Puer Aeternus, thì cũng cần phải lưu ý tới những yếu tố gây nên vấn đề xã hội này, và đến cuối cùng ta sẽ thảo luận cách mà phức cảm người mẹ (Mother Complex) kìm hãm sự trưởng thành của nhiều người ngày nay – hay như Von Franz ghi chú:

“Một người mang phức cảm người mẹ sẽ luôn đối diện với xu hướng trở thành một Puer Aeternus.”

Marie-Louis von Franz, The Problem of Puer Aeternus.

Xuyên suốt quá trình tiến hóa lịch sử thì người mẹ và người cha đã đảm nhận những vai trò khác nhau. Người mẹ thì luôn tương tác với đứa con của mình nhiều hơn người cha. Họ luôn duy trì sự tiếp xúc về mặt thể lý và chăm sóc, xoa dịu, và đồng cảm nhiều hơn tới những nỗi đau về mặt cảm xúc và thể chất và nhu cầu của đứa trẻ. Mối quan hệ cực kỳ thân mật và gần gũi này với hình tượng của người mẹ đã tạo ra một dấu ấn cảm xúc khó phai, hay một mối liên kết tâm lý bền chặt, được các nhà tâm lý học gọi là “phức cảm người mẹ”

“Trải nghiệm của đứa con đối với người mẹ được thể hiện dưới dạng một phức cảm; một chùm năng lượng cảm xúc nằm ngoài tầm kiểm soát của bản ngã.”

James Hollis, Under Saturn’s Shadow.

Người cha không có một mối liên kết phụ thuộc vào đứa trẻ. Thay vào đó, vai trò của họ theo truyền thống đó là cung cấp những nguồn lực và sự bảo bọc trong quá trình đứa trẻ phát triển, nhưng đồng thời mang đến những lời chỉ dẫn, thứ cũng quan trọng không kém. Nói rõ hơn, vai trò của người cha đó là giúp đứa trẻ thoát ra khỏi mối quan hệ phụ thuộc vào người mẹ và giúp nó bước ra ngoài thế giới với tư cách là một người trưởng thành biết tự lập và hữu ích.

Trong hầu hết các nền văn hóa xuyên suốt lịch sử thì những cá nhân chuyển biến từ tuổi thiếu niên sang độ tuổi trưởng thành nhờ vào sự giúp đỡ của các nghi thức chuyển giao (Rites of Passage). Mục tiêu cốt lõi của tất cả những nghi thức chuyển giao, ở nhiều nền văn hóa, đó là chia cắt cậu thanh niên ra khỏi người mẹ của mình, đầu tiên là về mặt thể lý, và sau đó là về mặt tâm lý. Những nghi thức này bắt đầu ngay khi đến tuổi dậy thì, và chỉ được thiết lập bởi những già làng của bộ tộc, “những người cha văn hóa” (cultural fathers). Phụ nữ bị cấm quan sát hay tham gia những nghi thức này.

Một nghi thức chuyển giao điển hình, được Mircea Eliade giải thích trong cuốn Rites and Symbold of Initiation, diễn ra như sau. Vào nửa đêm, “những người cha văn hóa” của bộ tộc, trang diện giống như vị thần hoặc ác quỷ, sẽ tóm lấy cậu thanh niên ra khỏi chiếc giường của mình. Đây chính là lần cuối cậu được gặp mặt người mẹ của mình, đôi khi là cả tháng trời. Cậu thanh niên sau đó sẽ được đưa vào hang động sâu thẳm, bị chôn sống, hay phải trải qua cảm giác chìm trong bóng tối theo đúng nghĩa đen, hoặc theo nghĩa biểu tượng. Giai đoạn này tượng trưng cho cái chết mang tính biểu tượng của thời thơ ấu cậu thanh niên này: Mất đi thiên đường và cảm giác vui sướng khi được vô tư. Nó muốn truyền đến cho cậu một thông điệp:

“Ngươi không thể quay về nhà được nữa.”

Thomas Wolfe

Sau cái chết mang tính biểu tượng của thời thơ ấu, một nghi lễ tái sinh sẽ được thực hiện, đánh dấu bước chuyển biến của cậu thanh niên sang trạng thái trưởng thành hơn. Cậu sau đó được những già làng truyền đạt kiến thức và trí khôn của bộ lạc, và tiếp đó được gửi đến vùng đất hoang dã, nơi cậu sẽ dành nhiều tháng một mình đấu tranh cho sự sống còn của bản thân. Sau khi cậu thành công trở về, thì cậu sẽ được tiếp đón với tư cách là một người trưởng thành. Cậu thanh niên, kể từ giờ khắc này, được xem như là đã vượt qua được “phức cảm người mẹ” của mình; sự non nớt và lệ thuộc là điều không thể dung thứ.

Với cường độ và đôi khi là bạo lực của những nghi thức chuyển giao này, có vẻ như tổ tiên của chúng ta đã hiểu ra rằng chia cắt một cậu trai ra khỏi người mẹ chính là một công việc khó nhằn cần đến những phương thức hợp lý. Ở phương Tây ngày nay, không còn nghi thức chuyển giao nào như vậy nữa.

“Người ta thường nói rằng một trong những nét tiêu biểu của thế giới hiện đại đó là sự mất tích của những nghi thức chuyển giao có ý nghĩa.”

Micread Eliade, Rites and Symbols of Initiation

Thiếu đi “những người cha văn hóa” và nghi thức chuyển giao, thế hệ trẻ ngày nay phải dựa vào người cha của mình để giúp họ trưởng thành. Nhưng bất hạnh thay, không phải người cha nào cũng có thể mang đến những lời khuyên như này cho con của họ, vì để làm được điều đó, người cha phải cực kỳ mạnh mẽ và tự lập và có hiện diện về mặt cảm xúc trong cuộc sống của đứa trẻ. Ví dụ, người cha phải cho thấy rằng có một điều gì đó đáng để hướng tới và đấu tranh trên thế giới này; bởi để thành công trong việc khuyến khích một người trẻ tuổi thoát khỏi sự thoải mái thời thơ ấu, thì người đó cần phải biết rằng có một nơi nào đó đáng để đi.

“Những người con cần noi gương theo người cha trong thế giới này. Họ cần người cha chỉ dạy cách để tồn tại ở thế giới này, cách làm việc, cách vượt qua nghịch cảnh…Họ cần phải kích hoạt bản chất nam tính có sẵn bên trong mình bằng một hình mẫu bên ngoài và bằng cách khẳng định trực tiếp.”

James Hollis, Under Saturn’s Shadow

Trong cuốn sách Finding Our Fathers, Sam Osheron đã trích dẫn một cuộc nghiên cứu quy mô lớn, trong đó chỉ có 17% người đàn ông Mỹ cho biết họ có một mối quan hệ tích cực với người cha của mình thời còn trẻ. Phản ánh về thống kê này, nhà tâm lý trị liệu James Hollis viết:

“Nếu cái thống kê đáng kinh ngạc này gần như là sự thật, thì có vẻ một thứ gì đó lớn và thảm kịch đã xảy ra tới một trong những cán cân bằng quan trọng của tự nhiên.”

Phá vỡ thế cân bằng quan trọng của bản chất con người chính xác là những gì đang xảy ra. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ thiếu vắng người cha, và hệ quả là nhiều người phải chịu đau khổ. Những cậu thanh niên trẻ tuổi được mong đợi là người sẽ rời khỏi chốn tiện nghi của nhà, vượt qua phức cảm người mẹ của mình, và tạo tác nên một cuộc đời đáng sống mà không cần sự hỗ trợ về mặt tâm lý của người cha. Có ai băn khoăn rằng tại sao vấn nạn của Puer Aeternus lại phổ biến ở thời điểm hiện nay của chúng ta?

Nhưng tác hại của việc thiếu vắng người cha càng trở nên tồi tệ hơn bởi sự tác động của người mẹ. Đầu tiên là vì nó tạo ra một tình huống nơi, người mẹ có xu hướng trở thành người đứng đầu của gia đình như một cách bù đắp cho sự thiếu vắng một hình tượng nam tính trong cuộc sống của đứa trẻ. Và thứ hai, sự thất bại của người cha trong việc yêu thương và chăm sóc người mẹ khiến bên trong cô có một cơn thèm khát về mặt cảm xúc, thứ cô cố gắng để thỏa mãn nó thông qua mối quan hệ của mình đối với người con. Tình thế này tạo ra một cơn giông tố hoàn hảo, theo đó người mẹ trở thành một thứ mà những người theo trường phái Carl Jung gọi là “người mẹ nuốt chửng” (Devouring mother). Cô bảo bọc và chăm sóc con mình quá mức và can thiệp vào mọi khía cạnh cuộc đời của cậu bé. Thông thường người mẹ trong trường hợp như này, dù có ý định tốt đi chăng nữa, thì cô cũng vô thức thao túng đứa trẻ trở nên phụ thuộc vào mình cho đến khi trưởng thành. Và thông thường ở trường hợp như này thì đứa trẻ cũng sẵn lòng tuân theo.

“Hãy xem đây, một âm mưu bí mật giữa người mẹ và người con, và cách cả hai giúp đỡ lẫn nhau tiến tới việc từ bỏ cuộc sống.”

Carl Jung, Aion

Một đứa trẻ được nuôi dưỡng theo cách này, và như thế cậu sẽ chẳng bao giờ có được cơ hội tự mình phiêu du, tự đấu tranh cho chính bản thân, dám thất bại và sửa chữa những lỗi lầm của mình, hay tự mình quyết định, cậu sẽ trở thành một người thanh niên mất đi khả năng chịu đựng và vượt qua những thách thức không thể tránh khỏi và những mâu thuẫn trong cuộc sống. Mong muốn tốt đẹp để thích nghi với thực tế và để thành một cá nhân, cả hai điều này đều chứa đựng nỗi sợ, đau đớn và xung đột, sẽ được thay thế bởi mong muốn duy trì mối quan hệ ràng buộc với người mẹ, cho dù đó là người mẹ của mình hay một người mẹ thay thế mang tính biểu tượng trên thế giới này. Nếu cậu không phụ thuộc vào người mẹ sinh học của mình, thì có thể cậu sẽ tuyệt vọng tìm kiếm những người phụ nữ khác để thay thế vai trò nuôi dưỡng, hoặc nếu không cậu sẽ đánh mất chính mình trong vòng tay an ủi của cơn nghiện. Nói cách khác, nếu một đứa trẻ bước sang tuổi trưởng thành mà vẫn bị phức cảm người mẹ tác động mạnh mẽ, thì cậu ta sẽ không tìm cách để tự lập và phát triển nhận thức của mình, thay vào đó sẽ bị chiếm hữu bởi thứ mà Jung gọi là:

“…linh hồn của sự thoái lui, [thứ] đe dọa ta phải ràng buộc với người mẹ và theo đó là sự tan rã và tuyệt diệt diễn ra ở trong vô thức.”

Carl Jung, Symbol of Transformation.

Cậu ta sẽ thấy chính mình được ưu ái trong lúc ngủ, chứ không phải ở trong cuộc chiến với đời.

“…anh mong bị tóm lấy, hút vào, bao bọc, và bị nuốt chửng. Như mọi khi, anh tìm một vòng tay bảo vệ, nuôi nấng, hấp dẫn của người mẹ, tình cảnh của đứa trẻ đó được giải thoát khỏi mọi sự ưu phiền…Chẳng ngạc nhiên gì khi thế giới thực biến mất ra khỏi tầm mắt!”

Carl Jung, Aion

Ở bài học tiếp theo chúng ta sẽ có một sự phân tích sâu hơn về tâm lý của Puer Aeternus. Theo đó, ta sẽ khám phá cách một Puer có thể vượt qua vấn đề của mình để tạo nên một cuộc đời tự lập và toàn vẹn hơn.

You may also like

Leave a Comment