Tôi đọc được một bài viết trên facebook một ngày nọ. Giống như hầu hết các câu chuyện được đăng tải trên facebook, nó có lẽ chỉ đúng khoảng 38% và được viết bởi một đứa nhóc 16 tuổi. Dù vậy, tôi vẫn thấy bài viết khá tuyệt, và đủ để khiến ta suy ngẫm vì nó.
Bài viết nói về một người đàn ông tên Mohammed El-Erian. Mohammed là CEO của một quỹ trái phiếu của uber trị giá 2 nghìn tỷ đô la được gọi là PIMCO và kiếm được 100 triệu đô la mỗi năm. Vào tháng 1, anh bất ngờ từ chức để dành nhiều thời gian hơn cho cô con gái 10 tuổi của mình.
Tin xấu đây: Một quyết định như vậy rõ ràng là một vấn đề lớn trong xã hội của chúng ta. Hoàn toàn bất ngờ và chống lại quy luật của xã hội “kiếm tiền tỷ hoặc cố tới chết” mà chúng ta vẫn quá quen thuộc. Bài đăng đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và cũng thu về nhiều luồng ý kiến khác nhau.
El-Erian đã đưa ra quyết định như vậy sau một trận cãi nhau với cô con gái nói trên. Anh mắng con gái mình hãy đi đánh răng đi. Con bé từ chối. Anh đã lấy cuốn sách kinh điển “Tôi là cha của bạn và bạn sẽ làm theo những gì tôi nói” và con bé đã bảo cha mình chờ một chút. Sau đó, con gái anh rút vào phòng ngủ và viết ra 22 khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời con bé mà cha mình đã bỏ lỡ vì công việc – tiệc sinh nhật, buổi biểu diễn ở trường, hội nghị thỏ krishna, v.v. Có lẽ, danh sách được viết nguệch ngoạc bằng bút chì này đã cho El-Erian một trường hợp xấu về những gì internet đã đặt tên là “xúc động” (the feelz), và Mohammed đã xin nghỉ ngay ngày hôm sau – Mohammed “wow, nhiều số 0 thật đấy” El-Erian giờ đây là một người cha toàn thời gian.
Nếu bạn đã từng học một lớp kinh tế, một trong những điều đầu tiên bạn học được là khái niệm mang tên “chi phí cơ hội”, một ý niệm thường được ví von như “không có bữa trưa nào miễn phí cả”.
Chi phí cơ hội có nghĩa là về cơ bản mọi thứ bạn làm, bất kể đó là gì, sẽ tiêu tốn một nguồn tài nguyên, ngay cả khi gián tiếp. Ví dụ kinh điển là khi bạn được ai đó mời một bữa ăn trưa. Mặc dù đạt được giá trị của bữa trưa lúc đó, bạn vẫn từ bỏ tất cả các hoạt động năng suất khác mà bạn có thể có khả năng đang làm.
Vì thế mà bạn phải chấp nhận đánh đổi một giờ làm việc. Một giờ để ngủ. Một giờ trực các cuộc gọi bán hàng từ những khách hàng tiềm năng. Hay, trong trường hợp của El-Erian, một giờ ở bên đứa con gái 10 tuổi của mình.
Trong nền văn minh của chúng ta, chúng ta thường xuyên tôn vinh những người trở nên giàu có vì khả năng làm nên những điều kì diệu của họ. Nhưng bản chất của những điều đặc biệt đó thường đòi hỏi chi phí cơ hội rất cao. Bill Gates được biết là đã ngủ trong văn phòng của mình năm ngày một tuần và vẫn độc thân ở độ tuổi 30. Steve Jobs đã không làm tốt vai trò của người cha đối với đứa con gái đầu lòng của ông. Brad Pitt không thể nào rời khỏi nhà mà không bị bóng đèn và máy ảnh cản trở. Người đàn ông đã bộc bạch rằng anh ấy đã trải qua thời kỳ trầm cảm do sự cô lập xã hội gây ra bởi việc anh đứng trên đỉnh cao của danh vọng.
Cốt lõi của vấn đề là làm bất cứ điều gì tuyệt vời đều đòi hỏi một sự hy sinh nhất định, dù nó có thể chưa được rõ ràng lúc ban đầu. Bạn biết đấy, giống như liên tục bỏ lỡ sinh nhật của con gái bạn vậy.
Nhưng đây là vấn đề. Xã hội hiện đại nhân rộng cơ hội của chúng ta. Do đó, xã hội hiện đại cũng nhân lên gấp bội chi phí cơ hội, khiến cho việc tiêu tốn toàn bộ thời gian và sức lực của chúng ta vào bất kỳ điều gì mà không cảm thấy hối hận hay hối tiếc trở nên cực kỳ khó khăn.
Bạn hãy thử tra cứu khái niệm của FOMO, hay Nỗi sợ bị bỏ rơi (Fear of Missing Out) xem. Chúng ta sống một cuộc sống mà những hình mẫu chuẩn mực bản thân vẫn luôn noi theo đang cố gắng ép ta vào khuôn khổ, dù chúng ta không có khả năng trở thành những hình mẫu ấy.
Khoảng 200 năm trước, người ta không gặp phải vấn đề này. Nếu bạn sinh ra là một nông dân, bạn hầu như không có lựa chọn gì khác ngoài trồng trọt. Hơn nữa, bạn thậm chí còn không có khả năng nhận thức được các cơ hội ngoài việc canh tác. Do đó, cống hiến tất cả mọi thứ trong cuộc sống của bạn để trở thành một nông dân canh điền gần như không đòi hỏi chi phí cơ hội hay FOMO. Vì sau cùng, bạn chẳng có gì để bỏ lỡ cả.
Theo một cách kỳ quái và có phần lạc hậu, mọi người ngày trước đều có thể “có tất cả”. Sở dĩ họ có tất cả vì đơn giản là họ không còn gì khác để “có” nữa.
Tháng trước tôi đã viết một bài nói về mục đích cuộc sống. Một bài viết mà 800 tỉ tỉ con người đã chia sẻ nó trên Facebook và nói với tôi rằng tôi là một con người tuyệt vời. Elizabeth Gilbert, tác giả của Eat, Pray, Love thậm chí còn nghĩ rằng việc đó rất “ngầu”. Nhưng ý niệm về mục đích của cuộc sống chưa bao giờ tồn tại trong tâm trí tôi cho đến một vài thập kỉ trước. Khi đó, mục đích cuộc đời tôi vẫn còn là một ẩn số.
Theo một cách nào đó, khủng hoảng mục đích cuộc sống của bạn là một thứ xa xỉ, thứ mà bạn có được nhờ vào các quyền tự do cá nhân mà thế giới hiện đại ban tặng.
Tôi luôn nhận được email phàn nàn về cân bằng công việc / cuộc sống. Rất nhiều bài báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng đang tranh luận về việc liệu một người “có thể có tất cả” hay không – tức là có thể trở thành một ngôi sao trong sự nghiệp của bản thân, có một cuộc sống gia đình lành mạnh, có những sở thích mới lạ, ổn định về tài chính và có thân hình bikini gợi cảm và nấu soufflé trong đồ lót của bạn trong khi mua bất động sản trên bãi biển bằng cách thế chấp chiếc iPhone 6 mới mua của bạn, có tất cả cùng một lúc hay không?
Điều thay đổi không phải là sự bất lực của chúng ta trong việc quản lý thời gian hay sự cân bằng giữa cuộc sống giữa công việc và giải trí. Điều thay đổi là chúng ta có nhiều cơ hội làm việc và vui chơi hơn bao giờ hết – nhiều sở thích hơn, nhận thức rõ hơn về mọi trải nghiệm tiềm năng mà chúng ta đang trải qua. Nói tóm lại, chúng ta có nhiều chi phí cơ hội hơn.
Và chúng ta đã nhận thức được điều này theo một cách khủng khiếp mỗi ngày. Mỗi người quyết định hy sinh cuộc sống hẹn hò của mình để thăng tiến trong sự nghiệp giờ phải liên tục nghe về đời sống tình dục hỗn loạn của bạn bè và người lạ. Mỗi người hy sinh triển vọng nghề nghiệp của họ để dành nhiều thời gian và sức lực hơn cho gia đình giờ đây đang phải “hứng chịu” tin tức về sự thành công của những người xuất chúng xung quanh họ. Mỗi người quyết định đảm nhận một vai trò cần thiết trong xã hội vẫn đang chìm đắm trong những câu chuyện vô bổ của người nổi tiếng và xinh đẹp.
Vậy làm thế nào để chúng ta thích ứng với nền văn hóa cực kì kết nối và mới mẻ này. Làm thế nào để chúng ta làm chủ FOMO?
Câu trả lời thông thường, câu trả lời mà bạn sẽ tìm thấy ở hầu hết các nhà sách và tại hầu hết các cuộc hội thảo là “làm ít được nhiều”, “học cách quản lý thời gian”, hay Arnold Schwarzenegger đã từng nói, “ngủ nhanh hơn”.
El-Erian đã nhắc đến trong bài viết trên Facebook của cha mình rằng ông đã dành nhiều năm để biện minh cho việc bỏ lỡ sinh nhật của con gái mình – ông bận rộn, công việc quá khắt khe, lịch trình du lịch của ông rất điên rồ.
Đây là sự cân bằng công việc/cuộc sống điển hình, những lời phàn nàn điển hình mà chúng tôi luôn nghe thấy: “Tôi có tất cả những điều tôi muốn làm và không đủ thời gian.”
Nhưng nếu câu trả lời không phải là để làm được nhiều việc nữa thì sao?
Nếu câu trả lời là mong muốn ít hơn thì sao?
Điều gì sẽ xảy ra nếu giải pháp chỉ đơn giản là chấp nhận tiềm năng bị ràng buộc của chúng ta, xu hướng đáng tiếc của chúng ta khi con người chỉ tồn tại ở một nơi trong không gian vào một mốc thời gian nhất định. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta nhận ra những hạn chế không thể tránh khỏi trong cuộc sống của mình và sau đó ưu tiên những gì chúng ta quan tâm dựa trên những hạn chế đó?
Điều gì sẽ xảy ra nếu nó đơn giản như việc nói “Đây là thứ tôi trân trọng nhất”, và sau đó sống với nó?
Khi chúng ta cố gắng làm tất cả mọi thứ, để lấp đầy danh sách những việc cần làm trong cuộc sống, để “có tất cả” thì chúng ta cố gắng sống một cuộc sống vô giá trị, một cuộc sống mà mọi thứ đều dễ dàng có được và không mất mát gì. Khi mọi thứ đều được khao khát như nhau, thì không có gì là cần thiết hay mong muốn cả.
Tuần trước, tôi nhận được email từ một người đàn ông kể khổ về tình hình cuộc sống của anh ta. Anh ta ghét công việc của mình và đã cắt đứt kết nối với bạn bè cũng như các hoạt động mà anh ta từng quan tâm. Anh nói anh bị trầm cảm. Anh nói anh cảm thấy như mình đã đánh mất chính mình. Anh nói anh chán ghét cuộc sống của mình.
Nhưng, vào thời khắc cuối cùng anh nói rằng, anh đã quen với môi trường công việc của mình. Vì vậy, việc rời bỏ công việc của mình là bất khả kháng. Thay vào đó, anh hỏi anh nên làm sao cho phải bây giờ.
Theo trải nghiệm của tôi, những người vẫn đang đấu tranh để tìm ra mục đích của cuộc sống thường xuyên phàn nàn rằng họ không biết phải làm gì. Nhưng vấn đề thực sự không phải là họ không biết phải làm gì. Vấn đề ở đây là họ không biết điều họ cần từ bỏ điều gì.
Ưu tiên của El-Erian đã từng là kiếm được 100 triệu đô la mỗi năm. Ưu tiên của ông là làm một CEO thật tốt. Ưu tiên của ông là chiếc máy bay trực thăng tư nhân và chiếc xe limo kéo dài và nhân viên ngân hàng cực nhọc xoay sở số tiền tồn dư của anh ta bất cứ nơi nào anh ta đi. Và để kiếm được những thứ đó, anh đã chọn việc không có mặt trong cuộc đời của con gái mình.
Cho đến một ngày, anh chọn điều ngược lại.
Dịch: Hoàng Anh
Biên tập: Hương