Luận bàn sử học và triết học từ game đế chế ( phần 2)Bài viết chỉ mang tính chất giải tríBàn về sai lầm chặt đi cánh rừng phòng thủ.

by admin

Tôi chắc hẳn rất nhiều bạn có thói quen cho dân chặt rừng bừa bãi. Vì sao các bạn hay làm thế? Vì nó tiện, rừng gần nhà cứ thế mà chặt. Thỉnh thoàng các bạn thấy bãi vàng nào đó đằng sau cánh rừng, thế thì cứ chặt bố rừng đi rồi đào vàng luôn một thể.

Chính bản thân tôi cũng có thói quen tương tự. Cho đến lần tôi đấu solo với thằng bạn thân. Tôi chọn đạo Choson, sở trường là tháp canh và quân BB( bộ binh cầm kiếm). Thằng bạn thân của tôi thì chọn Yamato, sở trường là ngựa vàng( kị binh bọc thép).

Bắt đầu khai trận, tôi điều quân khải triển “ Kim Quy đại trận pháp” hay còn gọi là chiến thuật con rùa, nói thẳng bố nó ra là tôi đổ bê tông, xây thành với tháp canh đầy nhà. Ngựa vàng cuả thằng bạn tôi đem ra bị tháp canh bắn cho toi sạch. Tôi đang rất đắc ý thì bỗng dưng không hiểu từ đâu ra một đàn ngựa vàng chui vào sau lưng nhà tôi, chém sạch dân với ruộng. Hóa ra là do tôi cứ để dân chặt gỗ lung tung, chặt luôn cánh rừng che chắn phía sau nhà. Rừng bị chặt hết tạo thành lối đi mới khiến cho thằng bạn tôi có thể thoải mái cho ngựa vàng ùa vào.

Từ đó tôi mới nhận ra rằng rừng không chỉ có tác dụng lấy gỗ, mà nó còn là bức” thành lũy thiên nhiên” để chống lại kẻ thù. Bởi vậy tôi không còn cho dân chặt gỗ lung tung nữa, mà tôi luôn tính toán xem cánh rừng gần nhà mình có tác dụng phòng ngựa không? Nếu có thì tôi sẽ cho dân đi xa chút để chặt những cánh rừng đằng xa, không cho dân chạm vào cánh rừng phòng thủ. Tuy bất tiện chút nhưng an toàn.

Trong lịch sử cũng có những tướng lĩnh mắc sai lầm tương tự. Tôi ví dụ về cuộc chiến giữa 2 nước Tống – Liêu của Trung Quốc. Nhà Tống có sở trường về tháp canh và BB giống Choson. Còn nhà Liêu có sở trường về ngựa vàng giống đạo Yamato. Ngựa vàng nhà Liêu mạnh vô cùng, một con ngựa vàng thừa sức chấp 3 BB cuả nhà Tống. Mỗi khi nhà Tống ló mặt ra là bị ngựa vàng cày nát. . Bởi vậy vua Tống quyết định cho quân phòng thủ trong thành để chống lại quân Liêu. Ngựa vàng nhà Liêu bén mảng lại gần là bị tháp canh nhà Tống bắn cho toi con ngựa.

Thế là vua Liêu thay đổi bài vở chiến thuật. Không tấn công được thành, ngựa vàng cuả quân Liêu chuyển sang chém cháy ruộng của nhà Tống đặt ở ngoài thành( trong thành toàn phải để xây nhà dân, không có chỗ cho ruộng, nên ruộng phải để ngoài thành) . Ruộng bị chém cháy như vậy thì nhà Tống lấy lương thực đâu để mua dân mua lính. Cứ như vậy thì nhà Tống sẽ bị sụp đổ.

Đen hơn nữa cho nhà Tống là “ Vạn Lí trường thành” không còn thuộc về họ nữa. Nguyên do là khi nhà Đường sụp đổ, Trung nguyên đại loạn. Nhà Liêu nhân cơ hội chiếm Vạn Lí trường thành. Do đó khi nhà Tống thống nhất đất nước thì cái thành đấy không còn thuộc về tay họ. Do đó nhà Tống không có trường thành nào đặt ở biên giới để ngăn quân Liêu tràn vào lãnh thổ chém cháy ruộng mình cả.

Xây thêm một cái Vạn lí trường thành nữa? Đó là điều không thể vì nó tốn tiền vô cùng. Các bạn cứ tưởng tượng như xây thành kéo dài từ đầu đến cuối map trong game, tốn tài nguyên vô cùng. Nhà Tần xây cái thành này xong thì cũng sập bố nó luôn triều đại, vì hết tiền, mà dân cũng oán thán vì nhiều người chê.t khi xây thành quá. Cho nên nhà Tống quyết định chọn giải pháp tiêt kiệm hơn và vẫn hiệu quả. Họ quyết định trồng rừng dọc biên giới để phòng thủ. Ngựa vàng nhà Liêu mạnh ở trên đồng bằng thôi, chứ vào rừng thì BB nhà Tống vả vỡ alo ngay. Khí hậu phương Bắc nhiều tuyết lạnh, nhà Liêu định đốt rừng thì gió tuyết thổi tắt lửa luôn.

Bởi thế nên vua Liêu mang quân để ngăn nhà Tống trồng rừng, tướng Tống toàn đám gà mà , vua Liêu lo quái gì. Nhưng trong một ngày đẹp trời mà các tướng gà của nhà Tống bị “Chim Sẻ đi nắng” nhập hồn, BB nhà Tống chém toi sạch ngựa vàng Đại Liêu. Vua Đại Liêu thất bại nên đành kí hòa ước với nhà Tống, chấp nhận cho nhà Tống trồng rừng.
Hơn trăm năm sau , quân Đại Liêu ngày một suy yếu. Nguyên nhân là do vua Liêu thay vì đem cục vàng để nâng cấp áo giáp cho binh lính, thì đem đi nâng cấp … áo lót cho cung tần mĩ nữ. Chư hầu nhà Liêu là nhà Kim thấy thế nhân cơ hội làm phản, mà nhà Kim cũng có sở trường về ngựa vàng giống như nhà Liêu. Trái ngược với vua Liêu, vua Kim có bao nhiêu cục vàng trong tay đều all in nâng cấp hết giáp cho binh lính hết. Bởi vậy ngựa vàng full giáp cuả nhà Kim dễ dành đánh bại ngựa vàng thiếu giáp của nhà Liêu.

Nghe được tin này thì vua quan nhà Tống mừng quýnh. Đất đai của nhà Liêu cực kì giàu có, họ sở hữu “con đường tơ lụa” buôn bán đầy lợi nhuận, thảo nguyên nuôi nhiều ngựa tốt, lại đang giữ “ Vạn Lí trường thành”. Nhà Liêu trong mắt nhà Tống bây giờ giống như bãi vàng khuất sau cánh rừng vậy. Vua quan nhà Tống muốn nhân cơ hôi này để liếm đất. Thế là nhà Tống liên minh với nhà Kim để thịt nhà Liêu.

Nhưng muốn phá thành nước Liêu thì phải có cẩu đá, mà cẩu đá sao đi qua rừng được. Thế là quân Tống chặt hết rừng phòng thủ mà họ đã mất công trồng dọc biên giới để vác cẩu đá đi qua.
Một điều khá thú vị là tuy là kẻ thù cuả nhau, nhưng vua Tống lại có sở thích giống vua Liêu là thích đem vàng đi nâng cấp áo lót cho mĩ nữ hơn áo giáp cho binh lính, cho nên BB nhà Tống bây giờ đã phế vật, không còn mạnh như trước. Bởi vậy khi thịt xong nhà Liêu, nhà Kim thấy nước Tống giàu có quá nên cũng nhân cơ hội xơi luôn. Ngựa vàng nhà Kim bất ngờ tấn công quân Tống. Quân Tống trở tay không kịp, hoàn toàn bị cày nát. Cánh rừng phòng thủ cuả nhà Tống đã bị chính họ chặt đi rồi, nên họ không có cách nào ngăn ngựa vàng quân Kim tràn vào lãnh thổ của mình. Vì cũng không còn rừng để chặn, nhà Kim dễ dàng vác cẩu đá đi qua để phá tanh bành kinh thành nước Tống, nhà Tống bại vong.

Sự bại vong của nhà Tống đã để lại bài học cho các tướng lĩnh bàn phím chơi game đế chế sau này: bằng mọi giá không được chặt đi cánh rừng phòng thủ của mình, cho dù đằng sau cánh rừng đấy có bao nhiêu bãi vàng đi chăng nữa.
( ngoài ra nhà Tống cũng để lại bài học là bao nhiêu vàng kiếm được đều phải đem đi nâng cấp áo giáp cho binh lính, đừng đem đi nâng cấp áo lót cho mĩ nữ. Nhưng tôi chắc rằng không game thủ đế chế mắc sai lầm này đâu nhỉ).

You may also like

Leave a Comment