Ai rồi cũng hối hận về quyết định của mình – nhưng làm thế nào để lựa chọn đỡ lỗi nhất?

by admin

Làm thế nào để có thể quyết đoán, khi xung quanh có hàng tá yếu tố khiến bạn lung lay?

Hãy thử một trắc nghiệm nhỏ, nếu chiếc iPhone 7 bạn muốn mua đang được giảm giá mạnh, bạn sẽ chọn: A: Mua, hay B:Không mua. Đáp án của bạn là?

Vẫn câu hỏi đó, thử đổi câu trả lời một chút, A/Mua, B/Không mua, để dành tiền đi Đà Lạt. Đáp án của bạn là?

Qua 2 lần hỏi trên, tôi đoán là câu trả lời của bạn sẽ đổi từ A sang B. Tại sao tôi biết ư, vì bản chất của sự lựa chọn luôn không đổi, và cuốn sách Quyết Đoán sẽ giải mã bí ẩn đó, chính xác là mua iPhone 7 hay không nhỉ?

Trong 1 thí nghiệm được minh họa trong cuốn sách, các sinh viên đại học Yale cũng bị đặt vào một thế tiến thoát lưỡng nan khi được hỏi: Nếu giá DVD bộ phim yêu thích nhất của họ đang được giảm giá, họ sẽ chọn A/ Mua hay B/ Không Mua. 75% đồng ý, 25% bỏ qua.

 Tuy nhiên, với một nhóm khác, khi câu trả lời được chỉnh sửa một chút thành: A/ Mua B/ Không mua, để dành 500 nghìn đó để mua những thứ khác, thì có tới 45% quyết định không mua. Bạn chắc đã nhận ra, sinh viên Yale chẳng hơn gì bạn. Trong cuốn Quyết Đoán, 2 anh em nhà Health chỉ ra rằng không chỉ sinh viên Yale, Harvard, mà tôi, bạn, và loài người chúng ta, đều lặp đi lặp lại những sai lầm một cách có hệ thống khi ra quyết định, và trong trường hợp iPhone 7 là câu hỏi đang bị thiếu vắng: “Mình đang đánh đổi cái gì để mua iPhone 7?”

Bạn có thể nghĩ rằng với hàng ngàn quyết định bạn đưa ra trong đời, từ chuyện lặt vặt như tối nay ăn gì đến chuyện to tát hơn như chọn trường đại học, bạn hẳn phải giỏi việc quyết định lắm. Nhưng thực tế là ai cũng hối hận về quyết định của mình. Người ta hối hận về lựa chọn làm kinh doanh mà không làm nhạc sĩ, lựa chọn cưới cô Linh mà không phải cô Quỳnh, lựa chọn đọc bài viết này tiếp hay tiếp tục lướt Facebook. Để cuối cùng, người ta nằm hấp hối trên giường bệnh và ước mình đã chọn sống một cuộc đời khác.

Quyết đoán bày ra những chiến thuật để giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn. Có lẽ bước đầu tiên chính là bước quan trọng nhất: mở rộng lựa chọn của bạn. Khi tuyệt vọng hay rối trí, bạn sẽ thường đóng khung các quyết định của mình vào 2 đáp án, hoặc là A, không thì phai B: Nhảy cầu Long Biên hay sống khổ sở, Phá thai hay bị đàm tiếu, Trượt đại học hay là chết, Bỏ việc hay là làm tiếp… Nhưng tuyệt nhiên đời không phải có 2 đáp án để áp bạn phải khoanh tròn. 

Ví dụ như khi cân nhắc mua iPhone 7 hay không, bạn đã tính đến lựa chọn mua một chiếc iPhone đời cũ hơn, tính năng không quá thua kém mà giá rẻ hơn vài triệu hay chưa? Luôn có những lựa chọn khác ngoài lựa chọn “có hay không” mà chúng ta vẫn quen bó hẹp.

Có nhiều cách để tăng thêm lựa chọn, và những cách đó đơn giản hơn bạn nghĩ. Thậm chí đơn giản đến mức hiển nhiên, như việc cân nhắc đến chi phí cơ hội trong một quyết định mua sắm. Thế nhưng như thí nghiệm ở Yale đã cho thấy, đa số người mua sắm lại không nghĩ theo cách này. Rõ ràng không ai bị trói buộc vào việc “có hay không” mua một bộ phim này, vì ngoài kia có bao nhiêu là thứ khác để mua, nhưng sự tập trung vào một quyết định “có hay không” này đã che lấp tầm nhìn của những người được hỏi. Vậy nên chỉ cần đơn giản nhớ đến chi phí cơ hội là bạn đã tự mở rộng lựa chọn của mình rất nhiều rồi đấy.

Một cách khác để có thêm lựa chọn là tưởng tượng rằng các lựa chọn ban đầu của bạn đã biến mất. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng như các cụ dạy, “cái khó ló cái khôn,” nếu bạn không thể sử dụng những phương án bạn vốn có, bạn buộc phải nghĩ ra phương án khác. Nếu các phương án hiện tại của bạn đột nhiên biến mất thì sao? Nếu không thể đi du học, cũng không thể chịu nổi FTU, thì mình sẽ buộc phải nghĩ ra phương án nào khác?

Nhìn vào những phương pháp mở rộng lựa chọn này, bạn có thể băn khoăn rằng cuối cùng thì đây cũng chỉ là những cách thoả hiệp. Bộ đôi tác giả cho rằng bản thân việc thoả hiệp không phải là xấu, mà thậm chí còn giúp hoàn thiện những quyết định, bằng cách áp dụng ưu điểm và loại trừ nhược điểm của các phương án. Bạn có nghĩ rằng việc mua một chiếc điện thoại rẻ tiền hơn là một phương án vừa đáp ứng được nhu cầu của bạn mà không đến mức khiến bạn phải ăn mỳ tôm suốt vài tháng tới?

Quyết Đoán được viết một cách rất thực tế, rất rõ ràng và dễ hiểu cho những ai cần nâng cao kỹ năng trong việc quyết định (và đó là điều thực ra ai cũng cần). Nếu mục tiêu của bạn là trở nên quyết đoán, đây là điểm bắt đầu của bạn.

Hãy thử đọc cuốn sách này và áp dụng vào phần cuối cuốn sách, nơi có những ví dụ cụ thể để bạn tập quyết định. Bạn sẽ được hướng dẫn qua từng bước để dần quen với quy trình tư duy quyết đoán, bao gồm mở rộng lựa chọn, kiểm nghiệm thực tế giả thuyết của bạn, cho phép bản thân  tránh khỏi xúc cảm nhất thời khi quyết định, và một khi đã quyết định, hãy chuẩn bị cho trường hợp mình sẽ sai.

 Bạn đã biết rằng bạn có nhiều lựa chọn hơn là iPhone 7, bước tiếp theo là kiểm nghiệm thực tế bằng cách đọc review điện thoại của những người sử dụng khác và có thể đi ra cửa hàng để dùng thử, nhưng đừng để người bán hàng đánh vào cảm xúc nhất thời của bạn. Hãy giữ chặt danh sách những điều bạn cần ở một chiếc điện thoại, đừng để cảm xúc chen vào. Và khi bạn đã mua điện thoại, đừng vứt phiếu bảo hành lung tung.

Nếu bạn có thể áp dụng cả hệ thống Quyết Đoán vào mỗi quyết định quan trọng trong đời bạn, biến nó thành một quy trình thuần thục như đánh răng rửa mặt lúc thức dậy, thì bạn sẽ tiêu diệt được hàng tá các lỗi quyết định mà người đời hay mắc phải. Hệ thống này không đảm bảo được quyết định của bạn lúc nào cũng thành công rực rỡ, nhưng đảm bảo được rằng bạn sẽ quyết định khôn ngoan hơn, dũng cảm hơn.

Thanh Huệ / Trạm Đọc

You may also like

Leave a Comment