Tôi và anh gặp nhau trên chuyến tàu tối từ Pennsylvania Station gần Time Square về Long Island. Tôi lên tàu và đi dọc tìm chỗ ngồi. Tàu không đông nhưng ai cũng bỏ đồ lên ghế kế bên và rõ ràng là chỉ muốn ngồi một mình. Anh là người duy nhất nhìn lên và dời balo của mình để tỏ ý mời tôi ngồi. Cả 2 cũng chẳng nói gì cho tới khi anh soát vé đến và tôi lấy nhầm vé chuyến đi ban chiều đã bấm lỗ. Bối rối một chút, tôi cũng tìm ra tấm vé mới mua để đưa cho người soát vé tàu. Lúc đó tôi và anh cùng nhìn nhau, nhún vai và cười. Rồi anh nói: “Là người mà, ai chẳng có lúc mắc lỗi lầm.” Lát sau tôi mới hiểu đó là anh cũng nói về mình.
Từ nói chuyện xã giao, dần dần anh cởi mở hơn và anh cũng kể về cuộc đời mình. Anh kể anh từng ở tù 10 năm vì anh đã phạm phải một tội lỗi lớn. Anh lỡ tay làm chết người khi còn trẻ. 10 năm tù đó đã cứu rỗi cuộc đời anh. Anh ăn năn về lỗi lầm của mình và quyết tâm thay đổi. Khi anh ra tù, điều đầu tiên anh làm là viết một bức tâm thư gửi đến người mẹ của nạn nhân. Anh thành khẩn cầu xin sự tha thứ, điều mà anh nghĩ mình không xứng đáng. Anh viết, anh đã trở thành một người khác, một người muốn làm điều tốt đẹp cho bản thân và những người xung quanh. Anh viết anh muốn bà biết những điều anh suy nghĩ và quyết tâm. Anh viết, nếu bà vẫn căm giận anh, anh sẽ hiểu vì anh đáng bị như vậy.
Sự tha thứ của người mẹ sẽ là điều xa xỉ nhất mà anh có thể nhận được trong cuộc đời này. Anh không dám mong đợi bà sẽ trả lời mình. Nhưng anh lại càng không ngờ anh sẽ nghe được trực tiếp những lời bà nói. Bà đã gọi cho anh. Đó là một cuộc nói chuyện đẵm nước mắt từ cả 2 đầu dây. Bà nấc nghẹn khi nói rằng bà đã tha thứ cho anh. Bà cảm nhận được sự chân thành của anh qua bức thư. Bà nói đó có lẽ là sứ mạng của con trai bà khi đến cuộc đời này. “Vì nó đã cứu rỗi cuộc đời cậu. Vậy nên đó sẽ là điều cậu sẽ làm cho những người khác.”
Anh đã làm như vậy. Anh đã hoà nhập xã hội. Anh gặp những người bạn. Anh gặp những người chủ tin tưởng giao anh công việc dù biết rõ quá khứ của anh. Anh có một gia đình và là người bạn lớn của đứa con trai 19 tuổi của anh. Anh thường xuyên đến những trung tâm cải tạo thanh thiếu niên để truyền cảm hứng từ câu chuyện của mình. Anh gặp những thanh niên đường phố ở New York để cố gắng ảnh hưởng tốt đến họ không phải phạm phải những gì đã từng. Anh gặp những người vô gia cư và mời họ cùng ăn bất cứ khi nào anh có thể. Anh cám ơn cuộc sống vì đã cho anh cơ hội để làm điều tốt và gặp những người như tôi sẵn sàng lắng nghe và cùng anh trò chuyện. Anh nói anh cảm nhận tôi là một người tốt có một trái tim lớn. Tôi thật thà cảm ơn và bảo tim anh to gấp đôi của tôi đấy. Chúng tôi cùng cười.
Một cuộc gặp gỡ kì lạ. Nó sẽ không diễn ra nếu như tôi không đi lạc và trễ chuyến tàu mình chọn trước. Nó cũng sẽ không diễn ra nếu như tôi không bước lên khoang tàu trong số chắc khoảng 20 khoang. Nó cũng sẽ không diễn ra nếu như anh không chủ động mời tôi ngồi cạnh. Và nếu như tôi không giữ tấm vé cũ để rồi lấy nhầm nó thì câu chuyện cũng sẽ không diễn ra. Tôi nói nó thật là trùng hợp. Anh thì tin điều ngược lại.
Chuyến tàu chạy 1 tiếng 15 phút cũng đến trạm Deer Park. Tôi chia tay anh ở đây. 2 người xa lạ như từ 2 thế giới khác nhau trao nhau một cái ôm thân tình và 1 cái bắt tay thật chặt. Anh sỡ hữu bàn tay thô ráp của người lao động, nhưng ấm áp và rất chặt. Nó thể hiện một sự tự tin vào con đường anh đã chọn. Tôi chúc anh gặp mọi điều may mắn và bước xuống tàu. Anh sẽ đi tiếp chuyến tàu của anh mà tôi biết vẫn chưa là trạm cuối.
Đêm mùa thu New York cuối tháng mười, trời lạnh với những cơn gió khiến người ta phải siết chặt áo mình hơn. Tôi nhìn bầu trời đêm quang đãng và tiếp tục chuyến đi của mình trong khi cảm nhận bàn tay phải vẫn còn ấm.
Người ta nói người New York lạnh như mùa đông nơi họ ở vậy. Và giờ tôi biết rằng điều đó là không đúng.
Tạm biệt New York. Hẹn gặp lại.
Khoa Trần