THẠCH TÍN – KÌ ÁN ĐẦU ĐỘC THẾ KỈ

by admin

Thạch tín hay được gọi với cái tên khoa học là Asen vô cơ. Chúng thuộc nhóm bán kim loại tồn tại trong tự nhiên và rất dễ hòa tan được trong đất đá hoặc nước. Tùy từng khu vực địa tầng mà chúng có những trạng thái riêng. Khi chất này ở trạng thái hoạt động, chúng thường hòa tan trong đất và xâm nhập vào nguồn nước ngầm.

Asen vô cơ là một chất có tính độc rất nguy hiểm đối với sinh vật và con người. Chúng có thể tan được trong nước với trạng thái không màu và không vị. Nếu sử dụng các dạng thực phẩm có nhiễm thạch tín sẽ gây ra những nguy cơ lớn về sức khỏe.

Thạch tín là độc dược trả thù chồng phổ biến của phụ nữ châu Âu thế kỷ 19, nhưng người nổi tiếng nhất là Marie Lafarge, nguyên mẫu của tiểu thuyết “Madame Bovary”.

Ở châu Âu, thế kỷ 19, cách phổ biến nhất để giết người là dùng thạch tín, với một phần ba tổng số vụ án hình sự do đầu độc đều liên quan chất này. Lý do, đơn giản là rất dễ kiếm. Tất cả những gì bạn phải làm là đi vào cửa hàng hóa chất và nói cần phải diệt chuột.

Người Pháp thậm chí còn đặt tên cho giai đoạn này là Kỷ nguyên chất độc, và thạch tín, được mệnh danh Hoàng tử của các chất độc, trở thành cách giải quyết phổ biến của những phụ nữ chán chồng. Nhiều nước thậm chí còn cố gắng thông qua các đạo luật cấm phụ nữ mua thạch tín.

Độ phổ biến các vụ đầu độc chồng dần khiến công chúng nhàm chán, nhưng vụ án của Marie Lafarge lại khác. Nó là một trong những phiên tòa đầu tiên trên thế giới được tường thuật trên một tờ nhật báo và sau này, được tiểu thuyết gia Gustave Flaubert xây dựng thành tác phẩm kinh điển, Madame Bovary.

CUỘC ĐỜI NÀNG MARIE – ĐÁNG THƯƠNG HAY TỘI LỖI

Marie sinh năm 1816 trong gia đình giàu có ở Paris, có cha từng phục vụ quân đội và mẹ là hậu duệ của vua Louis Philippe II. Cuộc đời của Marie Cappelle lẽ ra cứ thế yên ả trôi đi, nếu không có một sự kiện đã khiến mọi thứ rẽ sang một trang khác. Năm Marie 12 tuổi, cha cô qua đời vì tai nạn trong một cuộc săn bắn. Mẹ cô tái hôn, rồi cũng mất sau đó 7 năm. Dì ruột của Marie – vốn là người phụ nữ quyền lực và kết hôn với Tổng thư ký Ngân hàng Pháp, nhận nuôi đứa cháu gái ngây thơ không nơi nương tựa.

Được dì ruột chăm sóc chu đáo, thậm chí còn gửi đến nuôi dạy ở trường học dành cho tầng lớp quý tộc, nhưng Cappelle không bao giờ biết hài lòng. Cô ý thức được rằng mình là một người nghèo khó, song lại luôn cố gắng thể hiện trước đám đông về xuất thân từ tầng lớp thượng lưu với một cuộc sống sang giàu. Và Marie bắt đầu ghen tỵ trước những thứ mà mình không có, bao gồm cả những người chồng giàu có mà đám bạn thượng lưu vẫn kết hôn.

Vì thế, Marie Cappelle quyết định phải lấy một người chồng giàu có. Năm Marie 23 tuổi, cô vẫn chưa kết hôn – và đó là một độ tuổi tương đối cao của thế kỷ 19. Một người chú đứng ra nhận “trách nhiệm” tìm cho cô cháu gái đấng lang quân. Đối tượng đã có, nhưng Marie lại không hào hứng với cuộc hôn nhân sắp đặt đó.

Dù có nhiều người cầu hôn, Marie vẫn còn độc thân ở tuổi 23. Họ hàng cô thậm chí thuê cả dịch vụ môi giới hôn nhân để tìm ứng cử viên lý tưởng.

Tháng 8/1839, Marie gặp Charles Lafarge, 28 tuổi, doanh nhân goá vợ. Để che giấu sự thực rằng đây là cuộc hôn nhân môi giới, chú của Marie phải giới thiệu Charles là bạn mình và sắp xếp cuộc gặp “tình cờ” với Marie tại nhà hát opera.

Charles Lafarge – người sau này sẽ lấy Marie Cappelle, là một người đàn ông cao lớn nhưng tính tình thô lỗ. Dù vậy, anh ta cũng là con nhà danh gia vọng tộc. Thế nhưng, sau Cách mạng Pháp, nhà Lafarge rơi vào tình cảnh khốn khó. Charles thậm chí còn khiến gia đình nợ chồng thêm nợ vì làm ăn thua lỗ. Vốn đã không ưng người chồng kệch cỡm, thua xa mình về ngoại hình, Marie càng trở nên chán ngán khi gia đình rơi vào cảnh cơ hàn. Và cô ả bắt đầu lên kế hoạch cho một sự giải thoát.

Marie thấy Charles bình thường, thô lậu và khá đáng ghét, nhưng vì anh ta tự quảng cáo là chủ sở hữu của điền trang nguy nga nên cô đồng ý kết hôn chỉ sau hai ngày. Trong khi đó khoản hồi môn kếch sù của cô dâu lên tới 90.000 franc thực sự đã có ích cho Charles vì anh ta đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và sắp phá sản. Với Charles, Marie chỉ đơn thuần là “mỏ vàng”.

Vỏ bọc hào nhoáng sớm sụp đổ khi Marie về nhà chồng, nó không khác gì một tu viện đổ nát lúc nhúc chuột. Marie đột nhiên thấy bị chôn vùi ở vùng nông thôn với người chồng mà cô không yêu thương, bà mẹ chồng hay soi mói và điền trang tồi tàn.

Marie bị trầm cảm, hay nhốt mình trong phòng. Cô viết một bức thư cho chồng, cầu xin thoát cho mình khỏi cuộc hôn nhân này, đe dọa sẽ tự tử nếu anh ta không bằng lòng. Nhưng tất nhiên, Charles đâu dễ dàng “rụt tay khỏi hũ vàng”. Điều này có nghĩa là Marie không thể làm gì ngoại trừ việc tự thích ứng là cô vợ ở tỉnh lẻ.

Để giúp chồng, Marie thậm chí hạ mình viết thư cho những người bạn giàu có năm xưa, cầu xin giúp đỡ về mặt tài chính để chồng tiếp tục kinh doanh xưởng đúc kim loại.

Với những lá thư của Marie trong tay, Lafarge quay trở lại Paris vào tháng 12/1839 với hy vọng có được các nhà đầu tư ý tưởng. Marie thuyết phục chồng đến Paris, nơi cô nói rằng đã tìm được một công việc hái ra tiền. Trước ngày Charles lên đường, Marie thuyết phục chồng lập di chúc. Để tăng tính thuyết phục, cô ả cũng lập di chúc, dành toàn bộ tài sản cho chồng nếu bản thân có mệnh hệ nào. Và Marie cũng yêu cầu Charles điều tương tự. Chiều ý vợ, Charles Lafarge lập di chúc. Nhưng có lẽ Marie không thể ngờ rằng Charles lại lẳng lặng thay đổi, dành hết mọi tài sản cho mẹ thay vì người vợ đầu ấp tay gối.

Ở Paris, khi này Charles đã vay được 25.000 franc từ người thân của vợ, Marie viết một bức thư tình say đắm, kèm theo hai món quà: Một bức tranh và một chiếc bánh Giáng sinh. Anh chỉ ăn một miếng nhỏ, nhưng bị ốm dữ dội vào ngày hôm sau.

Những triệu chứng của Charles giống với một người mắc bệnh tả. Người chồng của Marie bỏ qua lời khuyên can dùng thuốc của bác sỹ, chỉ bỏ chiếc bánh đi và nghĩ rằng nó bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Anh ta sau đó bị nôn, ốm sốt liên tục và trở về trang viên và chết hôm 14/1/1840 trước sự bất lực của các bác sĩ, sau 9 ngày vật vã với các cơn đau.

Trong suốt thời gian đó, gia đình Charles nghi Marie đầu độc chồng. Chủ tiệm thuốc chuột trong thị trấn làm chứng, Marie nhiều lần đến mua thuốc diệt chuột. Mọi nghi ngờ đổ lên Marie. Gia đình Charles mời cảnh sát tới nhà thu thập bất cứ bằng chứng tiềm năng nào để phân tích hóa học và thẩm vấn các nhân chứng.

Giữa tháng 1 năm đó, ngay khi sắp được thừa kế toàn bộ tài sản của chồng, Marie bị cảnh sát bắt với cáo buộc đầu độc bằng thạch tín. Để có bằng chứng là cơ thể nạn nhân chứa thạch tín, tử thi của Charles được khai quật để làm thử nghiệm theo phương pháp của “cha đẻ” ngành chất độc học thời đó, bác sĩ người Tây Ban Nha, Mathieu Orfila.

Vì thi thể đang trong tình trạng phân hủy nặng, các bác sĩ chỉ có thể lấy ra một thìa vật chất để phân tích và tất nhiên, thử nghiệm không mang lại kết quả rõ ràng.

Nhóm pháp y này sau đó vẫn cố chấp tuyên bố không có dấu vết của thạch tín trong thi thể nạn nhân. Luật sư của Marie coi đây là bằng chứng vô tội và cố gắng làm mất uy tín lời khai của các nhân chứng khai rằng từng thấy Marie đổ chất bột trắng đáng ngờ vào đồ ăn thức uống của chồng.

Trong nỗ lực cuối cùng để làm rõ mọi chuyện, thẩm phán mời chính “cha đẻ” của ngành nghiên cứu chất độc, bác sĩ Orfila, thực hiện cuộc khám nghiệm lần thứ tư trên cơ thể nạn nhân.

Là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất, được kính trọng nhất trong giới nghiên cứu thời đó, ‘chuyên luận về chất độc’ của Orfila được coi là một trong những văn bản kinh điển và chuẩn mực về pháp y hình sự, góp phần chấm dứt “kỷ nguyên chất độc” của nước Pháp.

Khi đến Tulle vào năm 1840 để kiểm tra lại hài cốt của Charles, ông đã phát hiện ra nửa miligam thạch tín và khẳng định chỉ có thể tồn tại trong cơ thể do được sử dụng từ bên ngoài, chứ không phải từ đất ngấm vào.

Ông cho biết, thạch tín có thể ở lại trong dạ dày theo thời gian, nhưng tồn tại lâu hơn trong thực phẩm và đồ sành sứ. Ông tự tay kiểm tra các bát đĩa Marie đã dùng để đựng đồ ăn khi chăm sóc chồng những ngày cuối đời. Và kết quả, tất cả đều chứa thạch tín.

Đây là một trong những vụ án hình sự gây tranh cãi nhất trong lịch sử Pháp khi đặt lên bàn cân vai trò của khoa học trong tư pháp hình sự, sự phân chia giữa cộng đồng thành thị và nông thôn, vai trò của phụ nữ và căng thẳng giữa xã hội, các giai cấp và chính trị.

Trên báo chí, Marie được miêu tả là phụ nữ nguy hiểm, đã sử dụng mưu kế nữ tính để dụ Charles vào lưới. Song nhiều nhân vật nổi tiếng khi đó, gồm các nhà văn Honoré de Balzac, và Alexandre Dumas, ủng hộ Marie và cho rằng cô vô tội. Có thể do những tác động xã hội này, sau 16 ngày xét xử, Marie không bị phạt tử hình mà chỉ phải chịu án chung thân khổ sai.

Sau 12 năm ngồi tù, Marie cuối cùng đã được chuyển đến viện dưỡng lão, do sức khỏe sa sút. Ở tuổi 37, cô đã ngồi tù một phần ba cuộc đời và sau đó chết vì bệnh lao, năm 1852.

Cuộc đời của Marie là nguồn cảm hứng cho một trong những cuốn tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng nhất văn học Pháp, Madame Bovary, của đại văn hào Gustave Flaubert, xuất bản 4 năm sau cái chết của Marie.

Câu chuyện cũng nhiều lần được dựng thành phim, trong đó có L’Affaire Lafarge của đạo diễn Pierre Chenal, ra mắt năm 1938.

Nguồn: Creepy Pasta Việt Nam

——————-

You may also like

Leave a Comment