Ông Tạ nhìn bên ngoài nhà cửa xây mới nhiều, có vẻ không như xưa đâu chả vậy chứ riêng gì Ông Tạ. Ngày xưa ấy, tối lửa tắt đèn có nhau; nhà nào có chuyện gì cả xóm biết, cả xóm chung tay. Nhưng nếp nhà, nếp Ông Tạ gần bảy mươi năm dễ gì phai nhạt.
Sài Gòn Một Thuở – Dân Ông Tạ Đó! Tập 2
(0 lượt)
Mua sách giảm giá 30% >>
Ầm ĩ, chộn rộn những ngày trước Tết, đêm 29 rạng sáng 30 Tết, nhiều người Ông Tạ cũng không ngủ. Chợ Ông Tạ càng không ngủ – đêm cuối trước Tết còn chợ, sau đó sẽ nghỉ đến mùng ba, mùng bốn tùy năm. Thực tế mùng bảy mới hy vọng chợ hoạt động như cũ. Ấn tượng thuở nhỏ của tôi là chợ búa khu Ông Tạ nghỉ Tết khá lâu, mùng sáu vẫn loe hoe ít sạp hàng buôn bán. Phải mùng bảy hạ nêu, chợ mới chính thức vào công việc một năm mới.
Đêm 29 rạng 30 là một chợ Ông Tạ của nhà nghèo, hàng hóa bán rẻ cho xong buổi chợ. Có bà vừa bán vừa mừng tuổi cho khách: dúi thêm ít hàng, ít bánh kẹo “mang về cho cháu ở nhà”. Lò heo cũng vào mẻ thịt ra chợ cuối cùng trong năm. 30 Tết và sau đó mấy ngày, chợ nghỉ, lò heo cũng phải nghỉ theo. Chín, mười giờ sáng 30, hầu như các chợ đã quang hẳn; ai cũng vội về nhà. Trưa 30, xe rác vừa xong những mẻ rác cuối đã thấy xe cứu hỏa của Gia Định trờ tới, phun rửa đường ồ ạt. Người người cũng dọn dẹp nhà mình lần cuối, mai mùng một sẽ không quét nhà. Chị tôi bảo: “Không được quét nhà mùng một kẻo quét tiền bạc ra khỏi nhà”. Dân Công giáo mà cũng tin như vậy, nói chi bà con các đạo khác.
Hai mươi ba giờ đêm 30, các nhà thờ xong lễ nửa đêm các chùa thơm phức mùi hương trầm… Cả Ông Tạ im lặng trong đêm, chỉ còn mùi nhang trầm trên bàn thờ Chúa, bàn thờ Phật, bàn Thiên ngoài trời. Ông bà, bố mẹ réo con về khi những tiếng pháo lẻ đã lác đác, ngày càng nhiều.
Đang im lặng thênh thang
Chợt vỡ ra náo động
Pháo nổ rung mặt trống
Trời đất chuyển giao thừa
Chắc chắn Ông Tạ là một trong những vùng pháo nhiều nhất Sài Gòn – Gia Định, không kém Chợ Lớn. Giàu nghèo gì cũng ít là một phong, thường cả thước. Những nhà cao tầng khu ngã ba có nhà nổ cả chục thước. Đường ngập hồng xác pháo, không ai quét dọn, xe cộ qua lại cuốn tung. Người đi lễ nhà thờ, chùa, chúc Tết đầu năm, chân đi như reo trên màu hồng pháo…
Nồi bánh chưng đêm Giao thừa cũng đã ra lò, đưa lên ép cho ráo nước cúng gia tiên, ông bà. Trẻ con đã xúng xính quần áo mới chuẩn bị theo cha mẹ đi chúc Tết ông bà, có thể ở Ông Tạ, có thể ở Bình An, Xóm Mới, Phú Nhuận… Các ông trùm, ông quản vào chúc Tết các cha, các dì (soeur) để nhận lì xì, dù chỉ vài đồng.
Khác với hiện nay, Tết khu Ông Tạ thời ấy ít nhà đóng cửa. Đa số mở cửa đón khách với phòng khách trang hoàng ấm cúng sạch sẽ – như một cách “báo cáo” một năm “ăn nên làm ra -” của nhà mình. Cả chủ lẫn khách đều ăn mặc trang nhã, nói năng vui vẻ, từ tốn, lịch sự. Tôi nhớ ba tôi đi chúc Tết một vòng xóm, mỗi nhà ít phút, đến trưa mới xong. Các ông đi chúc Tết hàng xóm, bạn bè; các bà đón khách viếng thăm. Trẻ con mon men chờ lì xì. Thanh niên nam nữ thì hồi đó còn nhỏ, tôi không biết họ tếch đi đâu, hay kéo nhau đi xem phim ở Đại Lợi. Tết cuối cùng trước năm 1975, nếu tôi nhớ không lầm thì mùng một rạp Đại Lợi chiếu phim Thái Lan Tình cô gái rắn, nam nữ chen nhau chật rạp. Trẻ con thì cha mẹ cấm cửa không được coi. Mùng hai là phim về 108 vị hảo hơn Lương Sơn Bạc, mùng ba là một phim Mỹ.
Đâu đâu cũng thấy các sòng bầu cua, kể cả trước rạp hát Đại Lợi. Xung quanh, nam phụ lão ấu đủ mặt, đông nhất vẫn là thanh thiếu niên. Thỉnh thoảng cũng có kẻ thua xót, giựt tiền bỏ chạy. Có lúc một đám thanh niên bên Bảy Hiền mò xuống một sòng bầu cua ngõ Con Mắt, vơ tiền trên bàn bầu cua. Chẳng may, trong sòng bầu cua ấy có nữ võ sĩ đấm bốc nổi tiếng khu Ông Tạ, tên Tâm. Chị là em anh Tư “dế”, con bà Phúc nhà cạnh đền Phúc Trí linh điện trong ngõ. Chị Tâm xách dao chặt đã tua tủa răng nhọn xông trận. Cả đám giựt tiền bỏ chạy mất dép, cạch mặt hẳn. Có năm, tiền lì xì trong túi bỗng cảm thấy nặng, tôi lén nhà mò ra rạp hát Đại Lợi đặt tiền vào ô bầu cua. Thua sạch, tôi lủi thủi về, bỗng thấy như… hết Tết. “Xuân ơi xuân, nếu chẳng vui gì, hãy đừng, đừng tìm đến chi…”
Từ 23 tháng Chạp trở đi, dân mình đã gọi là Tết: 23 Tết. Ngay cả những năm sau 1975, khó khăn đến tận cùng người Ông Tạ vẫn gói bánh, vẫn nổ pháo rền vang. “Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết.” Thời ấy, thịt thà thiếu thốn, năm bảy nhà, cả chục nhà trong các khu Nghĩa Hòa, Nam Hòa, Tân Chí Linh… đã mở những đường dây “hụi heo” để cuối năm mổ heo chia nhau. Trong hẻm Gà và cả chợ Phạm Văn Hai, những phần thịt đông vẫn như thuở nào. Chỉ khác là xưa các nhà tự nấu, giờ ra chợ, có người nấu sẵn rồi. Cạnh trụ sở Công an Phường 3, có năm, mấy nồi bánh chưng đỏ lửa suốt ngày đêm. Nấu và bán tại chỗ… Nhiều nhà thờ đã ra mẻ bánh chưng thứ hai cả trăm cặp cho bà con nghèo…
Ông Tạ nhìn bên ngoài nhà cửa xây mới nhiều, có vẻ không như xưa đâu chả vậy chứ riêng gì Ông Tạ. Ngày xưa ấy, tối lửa tắt đèn có nhau; nhà nào có chuyện gì cả xóm biết, cả xóm chung tay. Nhưng nếp nhà, nếp Ông Tạ gần bảy mươi năm dễ gì phai nhạt.
Những ngày này, từ sáng sớm đến gần nửa đêm, dọc đường Phạm Văn Hai, hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám, dài dài mấy trăm mét hai bên ngã ba, cả một trời xuân, mùa Tết Ông Tạ vẫn ê hề lá dong, bánh chưng, dưa hành, kẹo lạc… từ sáng tới tối, tấp nập hơn nhiều chợ khác. Nhiều nhà thờ, nhà chùa trưng bày lộng lẫy, Tết lắm. Khuôn viên sân nhà thờ Tân Sa Châu những ngày này, qua cổng như bước vào một làng quê ngày Tết.
Như ngày nào ông bà chúng ta, cha mẹ họ mới lần đầu bước chân đến đây, mái tranh – vách ván – nền đất nện, lập “làng Ông Tạ”…