Thứ gọi là phản chiếu chính là cảm giác được nhìn thấy, được phản chiếu như khi đang soi gương của một người trong một mối quan hệ. Về mặt vật lý, con người không thể nhìn thẳng vào khuôn mặt của mình mà cần phải có một chiếc gương; về mặt tâm lý, con người cũng có nhu cầu thông qua phản ứng của người khác để nhìn thấy chính mình.
Thế hệ gen Z hiện nay đang được nuôi dưỡng với nhiều sự kỳ vọng mà thiếu đi sự phản chiếu. Nhiều bậc phụ huynh đem nguyện vọng và sự ích kỷ của mình đặt lên trên người con cái, những lời khen ngợi và động viên không đến từ sự thật hay sở thích của con mà đến từ sự thỏa mãn mong đợi của phụ huynh.
Ví dụ, một đứa trẻ có thành tích đứng thứ năm trong kỳ thi của trường nên đã được thầy giáo tuyên dương, cậu vui vẻ nói chuyện này với bố mẹ, phản ứng nào là phản chiếu?
a. Không được đắc ý quá, có bốn bạn đứng trước con đấy!
b. Làm tốt lắm, lần sau tiếp tục phát huy.
c. Cố gắng của con đã được đền đáp, con vui vẻ thì bố mẹ cũng cảm thấy tự hào về con.
Đáp án là c. Cốt lõi của phản chiếu không có liên hệ lớn đến sự thật khách quan – thi được hạng mấy, mà có liên quan đến cảm xúc của trẻ. Phụ huynh có đưa ra phản ứng cùng tần số với cảm xúc của trẻ hay không chính là phần quan trọng nhất của phản chiếu.
Thế nhưng hai kiểu phản hồi nhiều nhất mà thế hệ gen Z hay nhận được lại là a và b (thiếu cảm xúc). Chúng ta cảm thấy hóa ra niềm vui của mình là không nên, hóa ra thành tích đạt được không có gì đáng nói, lòng tự tôn bị tổn thương. Khi gặp được chuyện đáng vui mừng một lần nữa ta sẽ bắt đầu nghi ngờ chính mình: Liệu người khác có cảm thấy việc này không có gì to tát không?
Lâu dài ta sẽ dần mất đi động lực, mọi cố gắng chỉ “vì làm vừa lòng bố mẹ”. Khi đến giai đoạn phân tách khỏi gia đình, ta phát hiện ra bố mẹ không còn là cả thế giới, sự kỳ vọng của bố mẹ không giúp bản thân đạt được sự tán thưởng tương tự trong xã hội, khi ta bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa và giá trị cuộc đời cũng là lúc rơi vào mơ màng, trống rỗng.
Phản chiếu là một phản ứng trung tính và ôn hòa, không phải khuếch đại cảm nhận của con trẻ, càng không phải là phớt lờ, mà là việc phân chia và đưa ra phản hồi phù hợp ngang bằng, tương tự và nhất quán với trải nghiệm bên trong của trẻ.
Phản chiếu đúng mức là một chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự trưởng thành nhân cách.
Nguồn: Bài viết tham khảo từ cuốn sách “Thấu hiểu tâm lý, chữa lành nội tâm”