Khi Bác Sĩ Bật Hack có đẹp không?

by admin

Khi Bác Sĩ Bật Hack có đẹp không?

 

    Trước thả cái giới thiệu

Trần Thương là một bác sĩ nghèo, thu nhập một tháng chỉ có 2000 tệ, chịu đủ áp lực trong sinh hoạt hằng ngày!
Thế nhưng, đến một ngày, sau khi tỉnh lại sau giấc ngủ, hắn phát hiện mình mở được hack. . .
Ngươi muốn thực hiện một ca phẫu thuật ruột thừa, thế là mở bụng dò xét:
Ngươi chạm đến ruột thừa: 【 Ruột thừa: Khỏe mạnh! 】
Ngươi chạm đến kết tràng: 【 Kết tràng: Khỏe mạnh! 】
Ngươi chạm đến ruột thừa: 【 Ruột thừa: Đây là quái viêm ruột thừa cấp tính, lv15, quái vật hi hữu, đề nghị: Cắt bỏ ruột thừa! 】
Dao trên tay ngươi cắt xuống, hoàn thành cắt viêm ruột thừa .

【 Đinh! Đánh giết quái ruột thừa hi hữu, thu hoạch được: kinh nghiệm phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa +100, nhân dân tệ +100, một kim khâu (màu trắng)! 】
. . .
Ngươi là một bác sĩ cấp cứu ngoại khoa, ngươi tỉnh lại sau giấc ngủ. . . Cứu người sẽ được mạnh lên!

   

    Khi Bác Sĩ Bật Hack
    Tác giả: Ác Thốn Quan Xích
    Thể loại: đô thị, võng du
    Số chương: 1800 +
    Tình trạng: đang ra
    Bản dịch: 10x chương

 

    Nếu hỏi mình chỗ nào thể hiện nhân sinh ấm lạnh rõ ràng nhất? Mình sẽ không ngần ngại nói ngay: Bệnh viện. Bạn có thể có 500 anh em bạn bè thân thiết trên bàn nhậu, nhưng cũng có thể bơ vơ nằm viện một mình chẳng có ai chăm; Một cụ ông cụ bà có con đàn cháu đống dâu hiền rể thảo vào ngày mừng thọ, nhưng có thể buồn tủi lẻ loi bởi con cháu đang bận làm ăn xa chưa chịu về; Ở bệnh viện bạn sẽ thấy, có khi đáng sợ nhất không phải là bệnh tật mà là lòng người, có khi ấm áp nhất không phải là mặt trời, mà chính là tấm lòng của người y bác sĩ.

    Mình đọc “Khi Bác Sĩ Bật Hack” với rất ít kỳ vọng, bởi tag của nó là “hiện đại, võng du”, cứ mang tâm niệm đọc để giải trí chút thôi, vậy mà mình lại bị chinh phục bởi những câu chuyện nhân sinh trong đó.

    Trần Thương, một anh chàng bác sĩ đa khoa trẻ, 27 tuổi, là cộng tác viên ở khoa Cấp cứu tại Đông Dương Nhị viện – một bệnh viện nằm giáp ranh giữa 3 tỉnh. Anh chàng chăm chỉ đi sớm về muộn suýt soát 3 năm, chưa từng được cầm dao mổ chính, công việc chính là phụ tá cho Trần Bỉnh Sinh, một bác sĩ rất có tâm ở khoa này.

    Nếu hỏi Trần Thương trong 3 năm này, anh học hỏi được những gì tại khoa Cấp Cứu việc nhiều người ít, có lẽ Trần Thương không ngại nói cho bạn nghe: 3 năm qua việc hắn làm nhiều nhất chính là ôm bệnh án đi buồng mỗi sớm, nên rèn luyện được một thân thể lực và cánh tay chắc khoẻ, còn việc hắn làm nhiều thứ hai là gì? Uhm, viết bệnh án đến độ lão luyện, nghe đồn thanh tra bảo hiểm y tế còn chưa phạt lão đại Trần Bỉnh Sinh lần nào, tất cả đều do tính cẩn thận của Trần Thương mà ra.

Than ôi, làm trai sống ở khoa cấp cứu
Phải có danh gì với núi sông? (*)

    Cứ với tiến độ tà tà từ từ như thế, việc thăng quan phát tài ắt hẳn phải là giấc mộng trăm năm, à mà có khi đến cả ngàn năm ấy chứ, trai tỉnh lẻ nhà nghèo, chỉ học mỗi đại học trong cái ngành y mật ít ruồi nhiều thì lấy đâu ra cơ hội trở mình? Bản thân Trần Thương cũng nghĩ như vậy, nên mục tiêu của anh chàng là lăn lộn ở tỉnh dăm năm, kiếm ít kinh nghiệm đánh quái rồi về quê mở phòng khám nuôi thân béo mầm, à quên, hành y tế thế, thế là đủ rồi, chẳng mong cầu gì hơn.

    Nhưng đời ấy mà, lắm khi rõ lắt léo. Cuộc đời Trần Thương vốn là một đường thẳng tắp đến tận lúc … về quê dưỡng già, ai ngờ vì giữa đường mọc ra một hệ thống mà thành rẽ ngang.

    Thế là câu chuyện của chúng ta bắt đầu rồi đấy

    Cái hệ thống trên trời rơi xuống này rất lởm đời, còn chả chịu tự giới thiệu như những hệ thống khác, đâm ra lần đầu tiên “nó” xuất hiện, Trần Thương còn tưởng là mình ngủ mơ. Cái gì mà “Phát động nhiệm vụ: khâu lại …. hộ bác sĩ Trần Bỉnh Sinh, thu hoạch được 10 điểm kinh nghiệm và 100 tệ…”, uầy, điểm kinh nghiệm thì không biết để làm gì, nhưng nhân dân tệ thì Trần Thương đâu có ngu mà không biết. Haizz, cộng tác viên nghèo rớt mùng tơi, thấy tiền dĩ nhiên là sáng mắt ra rồi, thế là anh chàng làm thuê cho hệ thống kiếm thêm thu nhập (tất nhiên rồi, ai ngu gì chê tiền, 3 năm làm lụng không dám ăn tiêu anh chàng chỉ tiết kiệm được 2,1 vạn thôi đấy).

    Lúc khởi đầu đúng là Trần Thương thấy nhân dân tệ mà sáng mắt thật, khâu lại bệnh nhân, $$$$, hỗ trợ NPC người thật, $$$ … Khoa Cấp cứu không thiếu việc, cứ 50 tệ, 100 tệ đều khiến anh chàng vui như tết. Rồi dần dần độ khó sẽ nâng lên, không chỉ là khâu lại mà là đánh quái, đánh tiểu boss, đánh cao cấp boss, đánh bá vương boss vân vân và mây mây…

    Nhưng nếu chỉ là câu chuyện đánh quái thôi, có lẽ Khi bác sĩ mở hack sẽ không hấp dẫn mình đến thế. Mình xin phép không kể nhiều về anh chàng Trần Thương dù anh ấy siêu siêu siêu thú vị, các bạn hãy tự cảm nhận khi đọc truyện nhé, mình sẽ chỉ nói đôi chút “râu ria” bên ngoài tác phẩm thôi. Xuyên suốt tác phẩm là những câu chuyện đời, chuyện nghề bởi Phòng Cấp Cứu là một xã hội thu nhỏ với đủ sự kiện hỉ nộ ái ố trên đời. Tác giả cũng rất duyên dáng khi lồng ghép giữa những màn đánh quái là những kiến thức về y học, đủ để độc giả hiểu biết thêm về bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ qua những pha hài nhảm shit tung hứng giữa các nhân vật hay những tình huống dở khóc dở cười. Ví dụ như cả hai vợ chồng kéo nhau đi Phòng Cấp cứu, còn nghi ngờ ông/ bà ăn chả dẫn đến tôi bị bệnh tình dục… té ra chỉ là hậu quả của giặt chung bít tất với nội y khi bị nấm chân. Ví dụ như một trò đùa ác bằng video ma quỷ có thể khiến bệnh nhân đang khoẻ mạnh bộc phát bệnh tim, ví dụ như cần phải lưu ý gì khi quan hệ tình dục lúc mang thai để bảo đảm an toàn cho mẹ và bé… Có những điều rất giản dị và trực quan trong cuộc sống đã bị chúng ta bỏ qua nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng: nội soi thực quản thường xuyên sẽ gây mỏng thành thực quản, chụp Xquang quá độ có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp trạng, cách dùng thuốc và phối trộn thuốc khi bạn đang có bệnh nền…

    Nhưng hấp dẫn và cảm động hơn cả vẫn là những câu chuyện thấm đẫm chất nhân sinh xuyên suốt mạch truyện. Bạn có thể gặp bóng dáng của chúng ta, của những người quanh ta trong câu chuyện này. Đó là anh chồng nhà quê lam lũ bị dập ngón tay áp út đã quyết cắt cụt chỗ dập vì phí tổn chỉ mất 300 trong khi nếu thực hiện nối gân mất 2 vạn, nhưng lại dặn dò bác sĩ: hãy nói với vợ tôi là đến bệnh viện muộn quá không giữ được nên phải cắt bỏ, tôi không muốn vợ tôi đau lòng … Đó là câu chuyện về những người cảnh sát hình sự bị tội phạm bắn bị thương tay phải vẫn dũng cảm nói cứ điều trị đi, lỗi lầm đâu tôi chịu hết, không phải tại bác sĩ đâu, tôi biết bác sĩ đã cố gắng hết sức rồi… Đó là câu chuyện nữ y tá mang thai bị người nhà bệnh nhân dùng dao nhọn đâm tổn thương tim, sau khi cấp cứu xong vẫn bảo đừng cho em về tuyến sau, em còn làm cấp cứu được … Đó là câu chuyện dù chỉ 10% chúng tôi cũng quyết phẫu thuật, tiền không có lại kiếm, chúng tôi chỉ có một mẹ mà thôi… Có những câu chuyện về tình anh em, tình vợ chồng thực sự ấm lòng, mình đọc mà nước mắt rưng rưng.

    Một điểm thú vị khác của tác giả là xây dựng những câu chuyện không hề một màu, có những điểm sáng nhưng không thiếu những bóng đen trong Phòng Cấp cứu. Đùa ác khiến người ta suýt chết, đâu có sao, con tôi mới 10 tuổi thôi mà? Bệnh nhân đã bị thương rất nặng nhưng người nhà nhất quyết không ký giấy đồng ý phẫu thuật? Bác sĩ lơ là suýt làm mất mạng bệnh nhân? Vô trách nhiệm trong lâm sàng gây hậu quả nghiêm trọng?… Những điều này đều không thiếu trong tác phẩm, khiến cho bức tranh “ngành y” không hết nhạt nhoà.

    Tác giả cũng rất dụng tâm trong việc mô tả những “chiến sĩ – bác sĩ”. Hơn ai hết, bác sĩ cũng là con người, cũng có hỉ nộ ái ố, cũng có ghen ghét tị nạnh, cũng có không phục lẫn không cam lòng… Khi bác sĩ mở hack không phải chỉ là câu chuyện của Trần Thương mà của rất nhiều y bác sĩ trong các bệnh viện anh chàng ghé qua. Một người chồng là bác sĩ chủ nhiệm nói về người vợ quê mùa đi bán quần áo của mình: nếu không có cô ấy thì không có tôi bây giờ… Một người chồng khác đi Mỹ du học để vợ mình lăn lộn nuôi cả nhà, chăm sóc bố chồng bệnh tật và hai đứa con, tốt nghiệp trở về lập tức đòi ly hôn vợ… Những người chồng tiền tuyến, những người vợ hậu phương hay những “cặp vợ chồng song tu” tu luyện ở bệnh viện, ai cũng có những câu chuyện, những lý do, những vui buồn sướng khổ và đều có đất diễn trong tác phẩm dài hơi này.

    “Khi Bác Sĩ Bật Hack” có đầy đủ ưu điểm để trở thành một tác phẩm hot thu hút người đọc, nhưng nó có nhược điểm không? Có đấy. Từ đầu tác giả đã mượn hệ thống để buff cho nam chính, khiến anh rực rỡ hào quang. Hệ thống có độ khó của nó, nhưng đến tại thời điểm hiện tại mình đọc (chương 7xx) thì hệ thống chưa troll Trần Thương lần nào, mình hy vọng sau này hệ thống sẽ liên tục troll anh chàng, ví dụ như dạy kiến thức sai để anh chàng phản biện chẳng hạn, như thế câu chuyện về hệ thống sẽ đỡ một màu hơn. Nhược điểm thứ hai là truyện quá dài, không biết các bạn có đủ kiên nhẫn để lấp hố cùng tác giả hay không?

    Nhưng vì đây là một câu chuyện rất thú vị, nên trân trọng đề cử để các độc giả nhảy hố.

—————————
#Review_by_Cua_Đá

    Viết xuống “Khi Bác Sĩ Bật Hack có đẹp không?” không dễ, mọi người tán dương chính là động lực để tiểu biên tiếp tục kiên trì viết tiếp! Hẹn gặp lại a…

You may also like