Một trong những điều thanh bình nhất con người từng sáng tạo nên chính là bài hát ru. Gần như trong mọi nền văn hoá, người mẹ đều bế con đung đưa và hát ru cho đứa trẻ ngủ.
Có ý kiến cho rằng lời bài hát không nhất thiết phải giúp chúng ta cảm thấy yên bình. Tuy đứa bé không hiểu ý nghĩa câu từ trong bài hát nhưng lần nào âm thanh lời ru cũng đưa nó vào giấc ngủ yên lành. Đứa bé cho chúng ta thấy rằng chúng ta là những sinh vật có khuynh hướng cảm âm trước khi hiểu ý nghĩa. Người lớn tất nhiên hiểu được ý nghĩa của câu từ, nhưng vẫn có một mức cảm nhận nhất định xuyên thấu vào tâm can nhiều hơn những gì chúng ta thấu hiểu một ý tưởng hay luận điểm. Theo cách nào đó, người nhạc sĩ đã đánh bại tất cả triết gia trong việc truyền đạt ý tưởng tới chúng ta.
Trong Thần thoại Hy Lạp mê có một câu chuyện về người nhạc công nổi tiếng Orpheus – người phải giải cứu vợ mình thoát khỏi địa ngục. Để tới đó, anh cần đi qua con chó ba đầu hung dữ Cerberus, sinh vật canh gác cổng dẫn vào thế giới người chết. Orpheus đã chơi một khúc nhạc ngọt ngào mê hồn khiến con thú hoang dã trầm lại và trở nên hiền lành, dễ bảo trong chốc lát. Người Hy Lạp viết nên câu chuyện này như muốn nhắc nhở chính mình về sức mạnh của âm nhạc. Orpheus không lý lẽ với Cerberus, không cố giải thích tầm quan trọng của việc anh phải đi qua cánh cổng thế nào, không kể lể về tình yêu của anh với vợ và anh muốn cô ấy trở về ra sao. Cerberus cũng như chúng ta trong những lúc đau buồn – khá “miễn dịch” với lý lẽ. Nhưng nó vẫn mở lòng lắng nghe. Vấn đề là làm sao tìm ra con đường thay đổi nó.
Khi chúng ta lo lắng hay buồn bã, những người tốt thỉnh thoảng cố gắng vỗ về chúng ta bằng cách đưa ra ý kiến hay chỉ ra những sự thật: họ muốn thay đổi suy nghĩ của chúng ta – thông qua những lập luận cẩn trọng – để giúp làm dịu đi nỗi đau. Nhưng, giống như trường hợp của Cerberus, cách hiệu quả nhất để giải quyết chuyện này có thể chỉ đơn giản là được nghe một khúc nhạc. Có lẽ tâm hồn chúng ta cần được làm dịu và yên bình trở lại (bằng một bài hát ru, một bản dạo đầu của Chopin hay một nhạc phẩm của Natalie Merchant), trước khi nó có thể lắng nghe bất kỳ lý lẽ nào.
Âm nhạc là công cụ điều chỉnh tâm trạng tuyệt vời nhất con người từng sáng tạo nên và lợi ích của nó thì có một số điểm nhấn sau:
Âm nhạc kết nối chúng ta với những cảm xúc thất lạc cần có. Nó điều hòa nỗi buồn bên trong mà con người đã phải quá cứng rắn và mạnh mẽ để kìm nén. Nó giống như chiếc rìu phá vỡ lớp băng dày đã bao phủ trái tim đã lâu bên trong chúng ta.
Âm nhạc có thể khiến nỗi buồn mang một chân giá trị nhất định, đóng khung và gói gọn những nỗi niềm có khả năng không kiềm soát được.
Âm nhạc như người cha, người mẹ vỗ về khi ta yếu đuối.
Âm nhạc đưa chúng ta trở về với cuộc sống, nhẹ nhàng “huých” chúng ta trở lại nơi có hi vọng và lòng rộng lượng, khoan dung.
Chúng ta có thể đi theo nhạc điệu tự tin đó, khi ý chí của chúng ta đang trì trệ.
Âm nhạc ở đó để dẫn lối chúng ta qua nhịp sống thường nhật, vượt qua sự tầm thường và từ trên cao nhìn nhận, quan sát con người ta.
Âm nhạc kết nối chúng ta với bản năng và thể xác khi lý trí, logic và tính kỷ luật có nguy cơ “nghiền nát” chúng ta.
Âm nhạc phá hủy mọi rào cản giữa những người xa lạ – thôi thúc chúng ta nhìn ra những điểm tương đồng, thay vì sự khác biệt.
Chúng ta khám phá ra tất cả duyên nợ với âm nhạc khi hiểu rõ rằng ta bất lực thế nào khi ta muốn biến chuyển tâm trạng chỉ thông qua lý trí. Một cuộc sống tốt đẹp không chỉ cần một “thư viện” ý tưởng: nó cần một danh sách bài hát dài và phong phú có thể kéo chúng ta một cách có hệ thống quay lại với bản ngã kiên cường, nhạy cảm và đầy hi vọng.
Trạm Đọc
Theo The Book of Life