Cuốn sách “Người Hỏa Tiễn” kể về hành trình ly kì và đáng nhớ của phi hành đoàn Apollo 8. Hành trình ấy có vinh quang chói lòa nhưng cũng gồm những đau thương mất mát. Trích đoạn dưới đây kể về mất mát ấy, cũng là ngày đen tối nhất trong lịch sử của NASA.
NGƯỜI HỎA TIỄN – CHUYẾN DU HÀNH CẢM TỬ CỦA BA PHI HÀNH GIA ĐẦU TIÊN BAY LÊN MẶT TRĂNG
Đó là câu chuyện của hơn một năm về trước, khi lửa bùng lên trong tàu vũ trụ giả lập vào thời điểm đếm ngược ở bãi phóng tại Florida ngày 27 tháng 1 năm 1967. Đợt diễn tập Apollo 1 với ba phi hành gia bên trong đáng ra phải an toàn để chuẩn bị cho chuyến bay thực sự khoảng bốn tuần sau đó. Nhưng một tia lửa đã bất ngờ lóe lên từ hệ thống điện và môi trường giàu oxy trong con tàu khiến ngọn lửa càng lan nhanh hơn, còn phi hành đoàn thì bị kẹt bên trong. Ngay cả phi hành gia khỏe nhất NASA là Ed White cũng không thể mở nổi cánh cửa sập của module chỉ huy trong lúc ngọn lửa nuốt trọn con tàu.
Vào ngày Slayton gọi, gia đình Borman đang tận hưởng kỳ nghỉ ngắn hiếm hoi tại ngôi nhà nhỏ ven hồ, gần nơi họ sinh sống ở Houston.
“Frank, chúng ta gặp một vụ hỏa hoạn ở bãi phóng số 34, Gus Grissom, Ed White và tân binh Roger Chaffee đã tử vong. Đến hiện trường nhanh nhất có thể; anh được chỉ định vào ủy ban điều tra.”
Tin này khiến Borman chết sững vì ông xem Ed White như anh em ruột. Nó cũng khiến vợ Borman là Susan đau buồn vì Pat White (vợ Ed) là một trong những người bạn thân nhất của bà. Borman nói với Slayton rằng ông sẽ đến Florida ngay, nhưng phải ghé qua nhà White ở Houston trước đã.
Khi vợ chồng ông đến nơi, Pat đang hoang mang cực độ. Hai đứa con mới 10 và 13 tuổi của bà bỗng nhiên bị mất cha. Và chỉ vài giờ sau khi nhận được tin dữ, lúc mà nỗi đau còn chưa kịp nguôi, thì một quan chức Washington gọi đến thông báo rằng: mặc dù nguyện vọng của Ed là được chôn cất ở West Point nhưng ba phi hành gia xấu số sẽ được an táng tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington.
“Tay đó tên gì?” Borman hỏi.
Chỉ chốc lát sau, một người đàn ông bắt máy.
“Washington đã quyết định rồi,” người đàn ông nhấn mạnh.
“Tôi không quan tâm đến quyết định đó,” Borman nói. “Ed muốn an nghỉ tại West Point và chắc chắn sẽ phải như thế. Tôi sẽ đến gặp Tổng thống Johnson để đảm bảo điều này bằng bất cứ giá nào. Khôn hồn thì làm đi.”
Bốn ngày sau, Ed White được an táng tại West Point. Borman và Lovell đã tham gia khiêng linh cữu. Anders cũng tham dự.
Sau tang lễ, Borman tham gia một ủy ban điều tra do NASA triệu tập. Ông là phi hành gia duy nhất trong ủy ban, điều này cho thấy NASA xem ông là một trong những người xuất sắc nhất. Việc đầu tiên của Borman là hỗ trợ giám sát tháo dỡ Apollo 1 tại Mũi Kennedy để xác định nguyên nhân hỏa hoạn. Vài ngày sau đó, ông là người đầu tiên tiến vào cabin. Một khung cảnh kinh hoàng chẳng khác nào ác mộng hiện ra. Hàng dãy thiết bị và các tấm pa-nô bị cháy thành tro và bám đầy bồ hóng, các mảnh vỡ ngổn ngang. Những ống kết nối các phi hành gia với hệ thống hỗ trợ sự sống bị nung chảy. Khắp nơi xung quanh Borman là hai màu xám và đen.
Đêm đó, ông cùng Slayton và những người khác tụ tập tại nhà hàng Mousetrap ở bãi biển Cocoa – một quán quen của các nhân viên NASA. Borman hiếm khi uống nhiều, nhưng vì cần gạt bỏ mùi khét của con tàu cháy nên ông bắt đầu trước. Ông nâng ly vì những người anh em đã ngã xuống rồi ném cái ly đã cạn vào lò sưởi. White là một trong những người cương trực nhất mà Borman từng biết: dám nhận sai, yêu nước nồng nàn và không mê xe thể thao, cũng không chơi bời với phụ nữ – những điều mà phi hành gia chẳng thiếu thốn gì. Cả Borman và White đều là những người đàn ông của gia đình. Hai gia đình thường cùng nhau câu cá tại một căn nhà trên hồ ở gần Houston.
Nỗi tiếc thương đối với người anh em Ed White đã khiến Borman trằn trọc suốt đêm đó.
Borman đã vùi đầu vào con tàu cháy trong suốt hai tháng, nghiên cứu thiết kế, tìm kiếm những khiếm khuyết, thầm đưa ra những phương án sửa chữa. Vào tháng 4 năm 1967, Quốc hội điều trần để nghe nguyên nhân vụ cháy và Borman là người trình bày.
Phiên chất vấn diễn ra rất gay gắt, theo chiều hướng công kích và phản đối với đầy rẫy những lời lẽ phê phán và chỉ trích. Nhưng Borman chẳng hề nao núng. Ông không che giấu bất cứ điều gì và thừa nhận trách nhiệm của NASA, nhưng không cho phép các nghị sĩ hủy hoại danh tiếng của cơ quan này. Ông đau đớn trước sự ra đi của người bạn Ed White nhưng quyết không để những cảm xúc cá nhân len lỏi vào báo cáo của mình. Khi phiên điều trần gần xong, ông đã đưa ra một trong những đề xuất khiến phần làm chứng này trở nên vô cùng đáng nhớ.
“Chúng tôi muốn nói với quý vị là chúng tôi tin vào ban quản lý dự án, vào các kỹ sư và vào chính bản thân mình.” Borman lên tiếng. “Tôi nghĩ câu hỏi thực sự là: Quý vị có đặt niềm tin vào chúng tôi hay không?” Vài ngày sau, ông nói với các nhà lập pháp: “Làm ơn ngừng quy kết trách nhiệm và hãy tiếp tục công việc.” Ở NASA, dường như chẳng ai là không ủng hộ ông, từ người quản lý đến nhân việc phục vụ. Cuối cùng, Quốc hội chấp thuận ý kiến ấy và để NASA tiếp tục sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng.
————–
Bằng giọng văn kể chuyện lôi cuốn và cấu trúc mạch lạc, “Người Hỏa Tiễn” của Robert Kurson sẽ dẫn người đọc đi qua những con đường và chiến lược mà NASA đã sử dụng để phóng Apollo 8 lên Mặt Trăng cùng những hiểm nguy mà các phi hành gia của sứ mệnh này trải qua trong hành trình khám phá bạn đồng hành xa xưa nhất của Trái Đất.