Hạnh phúc lớn nhất là được làm chính mình. Bạn chỉ có một cuộc đời này, đừng phí phạm nó để sống một cuộc sống của người khác.
Jiddu Krishnamurti là một triết gia nổi tiếng Ấn Độ bị mê hoặc bởi chủ đề bản chất tư duy. Điều khiến người đọc cảm thấy thú vị và đáng ngưỡng mộ nhất về ông là ông tuyên bố không trung thành với bất kỳ quốc tịch, tầng lớp hay tôn giáo nào.
Chính sự linh hoạt trong tư tưởng này đã tạo thành nền tảng cho các triết lý của Krishnamurti. Suy nghĩ là tự do. Chỉ khi bạn bán đi quyền thiêng liêng này để nhờ người khác nghĩ hộ, cuộc đời bạn mới bắt đầu trật đường ray.
Ông thẳng thắn phá huỷ mọi tượng đài của giáo điều, phê phán những kẻ thích áp đặt giá trị cá nhân lên cuộc đời người khác và thúc giục chúng ta hãy tự trở thành một người thầy của chính mình. Đừng làm nô lệ, mãi sống theo những lời khuyên của kẻ khác. Hãy tìm cách để tự viết ra cuốn sách cho cuộc đời mình.
Có những lúc, cuộc sống làm tổn thương tất cả chúng ta, nhưng hiếm khi bạn được dạy cách đối phó với những cú sốc này. Trong cuốn sách “Bạn Đang Nghịch Gì Với Đời Mình?”, ông giới thiệu nhiều chủ đề về cuộc sống từ các mối quan hệ và tình yêu, đến nỗi sợ hãi và sự cô đơn. Ông đặt ra những câu hỏi như “Tầm quan trọng của cuộc sống là gì? Làm sao để đi tìm lẽ sống? Đối mặt với các nỗi đau tinh thần ra sao”.
Ông lập luận rằng chúng ta chỉ đặt những câu hỏi này khi có sự hỗn loạn và không chắc chắn bên trong. Vì cảm giác này rất khó chịu, nên bạn nhanh chóng quy kết nguyên nhân của sự bất ổn này cho yếu tố môi trường bên ngoài. “Tại ai đó, tại việc gì đó, tại sự may rủi nào đó khiến tôi ra nông nỗi này”. Kẻ dám nghịch ngợm nhưng lại không dám đứng lên nhận trách nhiệm về mình.
Ông cho rằng cách đơn giản để giành lại quyền kiểm soát các vấn đề của mình là thừa nhận rằng nguyên nhân xuất phát từ bạn. Chỉ khi bạn nhận ra lỗi lầm thuộc về mình, bạn mới có thể sửa lỗi và bắt đầu thay đổi. Trí khôn khác với thông tin ở chỗ: một thứ là bạn phải tự vận dụng trải nghiệm của mình để nhận ra, một thứ thì bạn chỉ cần học vẹt và vay mượn từ người khác.
Khi dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm nghĩa là bạn đang dám làm chủ cuộc đời mình. Bạn sẽ tự ngộ ra những triết lý sâu sắc mà không phải sao chép nó từ ai. Sinh ra là một nguyên bản, đừng sống như một bản sao.
Con người là một sinh vật không hài lòng với những gì mình có. Những gì họ đang có, họ nghĩ thật là bình thường. Những gì người khác có, họ lại cho rằng rất đáng ham muốn, rất đáng phấn đấu để có được. Họ quên mất rằng kho báu thực sự không nằm ở ngoài kia mà ở chính bên trong họ. Nếu họ bắt đầu hiểu về chính mình, yêu thương bản thân hơn, trân quý sự khác biệt của riêng mình, họ sẽ không phải ghen tị bất cứ ai.
“Đó là trách nhiệm của bạn, cách bạn sống, cách bạn trải nghiệm cuộc sống thường nhật. Nếu bạn muốn hòa bình trên thế giới, bạn phải sống hòa bình, không ghét nhau, không ganh tị, không tìm kiếm quyền lực, không miệt mài cạnh tranh. Bởi nếu thoát khỏi những hẹp hòi đó, bạn sẽ có tình yêu. Chỉ có một tâm trí có khả năng yêu thương mới biết được sống bình yên là gì”, ông viết.
Hạnh phúc lớn nhất là được làm chính mình. Bạn chỉ có một cuộc đời này, đừng phí phạm nó để sống một cuộc sống của người khác.
Trạm Đọc tổng hợp | Nguồn ảnh: Sưu tầm