Trước khi phát hiện ra châu Úc, người ta vẫn luôn tin rằng tất cả thiên nga trên đời đều có bộ lông màu trắng. Sự kiện bất ngờ đó đã thay đổi toàn bộ thế giới quan (về thiên nga) của nhân loại.
Chuyên gia hàng đầu về chống khủng hoảng kinh tế – Nassim Nicholas Taleb đã dựa vào sự kiện trên để đặt đưa ra khái niệm “thiên nga đen”, nhằm nói về những biến cố tưởng chừng không thể xảy ra nhưng lại có thể xảy ra.
Theo Taleb, một biến cố “thiên nga đen” có ba đặc điểm chính: không thể dự đoán; có tác động nặng nề; và sau khi nó xảy ra, người ta mới dựng lên một lời giải thích để khiến nó ít ngẫu nhiên hơn, dễ dự đoán hơn so với bản chất thật của nó.
1. Bài học thứ nhất: các biến cố “thiên nga đen” thay đổi đáng kể thực tại của những người không biết rằng chúng sắp xảy đến
Nassim Taleb gọi một sự kiện là “thiên nga đen” khi nó không thể đoán trước, không phải vì sự ngẫu nhiên, mà vì tầm nhìn hạn hẹp của chúng ta về những điều có thể xảy ra.
Hậu quả là, những người có ít nhận thức nhất về “thiên nga đen”, sẽ là người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ những hậu quả thảm khốc của nó.
Ví như cuộc tấn công ngày 11/9 vào tòa tháp đôi tại Mỹ, cuộc khủng hoảng tài chính 2008 hoặc hay sóng thần Sumatra ở Indonesia khiến 230.000 người chết vào năm 2004. Nếu biết trước những sự kiện này sẽ xảy đến, bạn sẽ không bị sốc hay ngạc nhiên. Tuy nhiên trong một số trường hợp, “thiên nga đen” chỉ là nỗi bi kịch của một cá nhân.
2. Bài học thứ 2: Đừng dùng quá khứ để giải thích tương lai
Một trong những hành vi sai lầm nhất của con người là xu hướng dự đoán những gì sẽ xảy ra trong tương lai bằng cách lấy quá khứ làm lời giải thích. Dựa trên những điều chúng ta có thể chắc chắn – những gì đã xảy ra trong cuộc sống từ quá khứ – chúng ta thêu dệt một câu chuyện có ý nghĩa và mong đợi rằng tương lai sẽ đi theo chiều hướng tương tự.
Những nạn nhân trong cuộc khủng hoảng tài chính cũng mắc sai lầm như vậy – họ tin rằng thị trường sẽ tăng mãi, vì nó vẫn tăng trưởng trong nhiều năm trước đó. Và khi thị trường đột ngột lao dốc, thì ai nấy đều ngạc nhiên tột độ.
3. Bài học 3: Cố gắng đánh giá rủi ro trong thế giới thực giống như khi chơi trò chơi có thể đưa bạn đến những lựa chọn sai lầm
Trong cuốn Thiên Nga Đen, Taleb còn mô tả về “ludic fallacy”, hay việc “áp dụng sai lý thuyết trò chơi vào tình huống trong đời thực”.
Khi phải đối mặt với nhiệm vụ đánh giá rủi ro trong thế giới thực, chúng ta thường cố gắng tưởng tượng rủi ro như một trò chơi, nơi có những quy tắc và xác suất mà chúng ta có thể xác định trước, rồi dựa vào đó để thể đưa ra quyết định đúng.
Ngoài ra, Thiên Nga Đen là cuốn sách bao quát nhiều chủ đề: từ hiện tượng kẻ thắng lấy hết, tác động của sự tình cờ, sự bất lực của đường cong hình chuông Gauss đối với hầu hết mọi điều, các khái niệm về tính thang bậc, vô số những bất định xảy ra trên thế giới, đặc biệt là thế giới hiện đại nơi thông tin di chuyển với tốc độ chóng mặt, cho đến những ý tưởng sai lầm về khả năng dự đoán tương lai của con người. Và quan trọng hơn hết, tất cả những ý tưởng này đã được tác giả khéo léo xâu chuỗi thành một lý thuyết chung, giúp ta nhận ra được vốn kiến thức ít ỏi của mình.
Khái niệm “thiên nga đen” đã ăn sâu vào ý thức con người, đặc biệt là giới đầu tư và thống trị thị trường tài chính suốt hơn một thập kỷ qua khi quyển sách Thiên Nga Đen của Nassim Taleb xuất bản năm 2007. Trong cuốn sách này, Taleb chỉ ra rằng nhà đầu tư thường bỏ qua nguy cơ thị trường biến động mạnh, đặc biệt trong suốt thời gian dài kinh tế phát triển ổn định. Chính bởi vậy, ngay khi một cuộc khủng hoảng tài chính vô cùng lớn diễn ra vào năm 2007, cuốn sách Thiên Nga Đen đã nhận được nhiều sự chú ý bởi những tiên đoán đã được tác giả nêu lên trong đó.
Hiện nay, cuốn sách Thiên Nga Đen đã bán được 1,5 triệu bản, được dịch ra 27 thứ tiếng, nằm trong top sách bán chạy của tạp chí New York Times trong 16 tuần liên tiếp. Ngoài ra, cuốn sách còn được tạp chí The Times bình chọn là một trong những cuốn sách gây ảnh hưởng nhất trong vòng 60 năm qua.
Tinh tế, choáng ngợp và mang tính khái quát cao, Thiên Nga Đen sẽ thay đổi cách nhìn của bạn về thế giới.
Theo: Thu Anh – Cafebiz