Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, phòng khám Da liễu của bệnh viện vừa tiếp nhận 1 bệnh nhi bị viêm da cơ địa biến chứng nặng do gia đình tự ý đắp lá điều trị.
Bệnh nhi (11 tháng tuổi, trú tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) được người nhà đưa đến khám với triệu chứng nhiều vết lở loét, mủ vùng bụng, chân, tay.
Theo lời người nhà, trước khi nhập viện 20 ngày, trên da bé có xuất hiện những nốt mụn đỏ mọng nước. Được họ hàng mách dùng lá cây về đắp, chữa sẽ khỏi nên gia đình đã hái lá cây về giã nát, đắp cho trẻ.
Sau 1 khoảng thời gian đắp thuốc, nốt mụn trên người trẻ có dấu hiệu loét và lan ra rộng hơn. Gia đình đã đưa đến bệnh viện tuyến huyện để thăm khám và được giới thiệu ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị.
Theo các bác sĩ, trong thời gian vừa qua, Bệnh viện Cao Bằng cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tự ý dùng thuốc nam đắp không khỏi và để lại nhiều hậu quả nặng nề như hoại tử, nhiễm trùng huyết, bệnh nặng hơn và khó điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc hoặc lá cây gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đắp lá cấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chưa được khoa học chứng minh, có thể gây bội nhiễm, hoại tử, thâm chí nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng.
Khi có những biểu hiện của bệnh lý người dân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra khi chữa trị muộn.
Viêm da cơ địa cần được điều trị sớm
Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng khoa Bệnh da liễu phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương), viêm da cơ địa thông thường được phát hiện khi trẻ khoảng 3 tháng tuổi trở lên.
Một thống kê cho thấy, các phát hiện bệnh sớm thì khả năng khỏi sớm càng cao. Còn trẻ ngoài 2 tuổi mới phát hiện bệnh thì nguy cơ bệnh kéo dài đến tuổi dậy thì và trưởng thành rất cao.
Bác sĩ Linh cho biết, trong viêm da cơ địa, để quản lý tốt phải cần phải làm tốt 2 việc đó là điều trị và chăm sóc dự phòng. Hai việc này phải đi song song với nhau. Khi có tổn thương trên da phải bôi thuốc điều trị.
Còn dự phòng bao gồm chế độ tắm rửa, sinh hoạt rồi kiêng 1 số đồ quần áo mặc trên người. Hai việc này phải kiên trì hàng ngày, quanh năm
Tuy nhiên, đa phần ở Việt Nam, người bị viêm da cơ địa chỉ tập trung điều trị lúc đang bị bệnh nặng, còn khi khỏi các triệu chứng là quên hết, lại sinh hoạt như người bình thường, dẫn đến việc tái phát rất là dày, chưa khỏi đợt bệnh này đã đến đợt bệnh khác.
Điều này dẫn đến việc da chưa kịp phục hồi đã bị tổn thương, viêm nhiễm tiếp, da dày cộm lên. Da dày ở đây là do các tế bào viêm “chất chồng” lên nhau, hết lớp này đến lớp khác. Nhẹ thì vài nốt, vài bộ phận bị “da kỳ đà”, nặng thì “da kỳ đà” có thể phủ toàn thân.
Sai lầm khi dùng lá theo các bài thuốc dân gian, truyền miệng để tắm hay đắp điều trị viêm da cơ địa
Bác sĩ Linh cũng cho biết, hiện nay nhiều người bị viêm da cơ địa hoặc các bệnh về da nhưng tự ý dùng các bài thuốc dân gian, truyền miệng như loại lá nào mát, loại lá nào tắm sẽ đỡ ngứa, loại lá nào tắm sẽ đỡ rôm sẩy, mụn nhọt.
Bác sĩ Linh cho biết, có 70-80% bệnh nhân đến khám các bệnh về da đã từng dùng qua loại lá gì đó để bôi, tắm. Có bệnh nhân dùng lâu dài, dù bệnh không đỡ nhưng với niềm tin “các loại lá lành, an toàn, không mang lại các tác dụng phụ” nên bệnh nhân vẫn cứ dùng.
Theo bác sĩ Linh, có nhiều loại lá “vô thưởng vô phạt” không gây tổn thương da nhưng cũng không làm khỏi bệnh. Nhưng có nhiều loại lá có dầu, mùi hương, có các chất kích ứng sẽ khiến da đang bị kích ứng lại càng tổn thương, gây đỏ nhiều hơn, phù nề hơn, rỉ dịch nhiều hơn, gây viêm nhiều hơn.
Ngoài ra, các lá có thể mất vệ sinh, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bụi bặm, vi trùng khiến cho các tổn thương da nặng nề hơn. Đặc biệt là tình trạng bội nhiễm, gây viêm nhiễm trầm trọng, thậm chí nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.
Ngoài ra, một nguyên nhân khiến nhiều người viêm da cơ địa biến chứng nặng là do tự ý mua thuốc về bôi.
“Nguyên nhân là do chúng ta mua thuốc rất dễ. Người bệnh sẽ ra hiệu thuốc, mô tả cho người bán thuốc các triệu chứng và được bán cho các loại thuốc bôi, thuốc uống theo “ý hiểu” của người bán thuốc. Khi không thấy đỡ lại được tư vấn chuyển sang loại khác.
Tôi từng gặp bệnh nhân đã tự đổi 3-4 loại thuốc bôi theo tư vấn của người bán thuốc trước khi đến bệnh viện thăm khám. Khi bệnh không đỡ, triệu chứng trầm trọng “không chịu nổi” mới đi khám.
Trong khi mỗi bệnh viêm da cơ địa có các nguyên nhân khác nhau, cần có cách điều trị linh hoạt. Các bệnh nhân bị viêm da cơ địa cần phải đi khám để được chẩn đoán đúng, kê đơn phù hợp.
Ngoài ra, các bệnh nhân còn cần phải tuân thủ chặt chẽ việc vệ sinh thân thể và cách chăm sóc da chứ không chỉ “bôi thuốc” rồi mặc kệ thì bệnh cũng khó đỡ”, bác sĩ Linh chia sẻ.
“Đây chính là 2 nguyên nhân phổ biến khiến cho bệnh da liễu của nhiều người bị kéo dài dai dẳng, cũng như hay tăng cấp độ nặng hơn khi không đi khám lập tức để được điều trị đúng.
Chúng tôi đã gặp trường hợp nặng phải điều trị nội trú kéo dài do viêm da kích ứng, dị ứng. Mặc dù bệnh này nếu đi khám sớm và điều trị đúng thì rất nhanh khỏi. Đây là “bệnh cố hữu” rất khó thay đổi, dù đã được truyền thông khá nhiều”, bác sĩ Linh nói.