BẾ TẮC KHI VIẾT CHÍNH LÀ DẤU HIỆU CỦA ĐỘT PHÁ 

by admin

Haruki Murakami không chỉ là một tiểu thuyết gia mà còn là một dịch giả đáng nể.

Murakami có chia sẻ rằng: trong quá trình dịch, thi thoảng ông gặp những chỗ đọc không hiểu gì hết. Nghĩ mãi mà vẫn không thể dịch được. Những lúc như thế, Murakami thường nhìn chằm chằm vào mấy dòng đó hàng tiếng đồng hồ.

Đôi khi ông hiểu ra, nhưng cũng có lúc thì không. Nếu chưa hiểu, ông sẽ bỏ qua và đọc tiếp, thi thoảng sẽ quay lại và tiếp tục suy nghĩ. Có những lần phải trải qua cảm giác bế tắc đó vài ngày thì Murakami đã biết cách mình phải dịch câu đó như thế nào.

Mấu chốt ở đây là khoảng thời gian nhìn chằm chằm vào những dòng chữ đó không hề vô ích. Đó chính là cách để từng câu từng chữ thẩm thấu vào trong bản thân mình rồi thì cuối cùng Murakami cũng tìm ra điểm đột phá.

Bản thân mình cũng rất nhiều lần bế tắc trong việc triển khai một ý tưởng thành một bài viết. Thậm chí là bế tắc để viết ra một chữ thích hợp nhất nhằm nối những gì chuẩn bị viết mạch lạc với những gì đã viết. Trạng thái bế tắc này đem tới rất nhiều sự khó chịu, tệ hơn nữa là sự căng thẳng đến tột cùng khi những dây thần kinh trên đầu giật lên từng đợt như một tín hiệu báo cho mình biết rằng trí não đang quá tải.

Những lúc đó mình thường dừng lại để đi bộ hay đọc lướt vài trang sách, ngay lập tức trạng thái căng thẳng liên dịu xuống. Nhưng kể cả đi dạo bên hồ hay đọc vài trang tiểu thuyết thì mình vẫn không từ bỏ việc phải làm thế nào để cụ thể hoá ý tưởng hoặc tìm được câu chữ phù hợp.

Mình may mắn là không mất đến vài ngày, nhưng sau một ngày thì có. Điều này đúng với mọi thể loại mình viết. Đôi khi là mình đọc cả trăm trang sách hay chạy 10km thì giải pháp mới xuất hiện trong tiềm thức của mình. Thường thì mình sẽ viết tiếp được ngay sau khi trạng thái căng thẳng biến mất. Thực tế thì sự bế tắc này lại càng thúc đẩy mình tìm ra giải pháp đột phá và tạo ra thành quả nhanh nhất có thể.

Việc cố chấp viết tiếp không giải quyết được vấn đề. Thay vào đó là việc liên tục tư duy về vấn đề mới tạo ra khoảnh khắc loé sáng.

Chuyện bế tắc trong viết lách hay dịch thuật thường xuyên xuất hiện đối với người viết và dịch giả. Ngay cả đối với một tiểu thuyết gia với 40 năm kinh nghiệm như Murakami. Nhưng đối với người viết chuyên nghiệp, bế tắc lại là dấu hiệu sản sinh ra sự đột phá. Và để phá vỡ bế tắc thì chỉ bằng cách miệt mài suy nghĩ và tập trung vào vấn đề cần giải quyết. Ngay cả khi bạn cho phép mình thảnh thơi để thư giãn thì cũng không được quên mục tiêu của mình.

Cách của Murakami là nhìn chằm chằm hàng giờ đồng hồ vào dòng chữ cần dịch.

Cách của mình thì dù có chạy hay đọc thì mình vẫn liên tục nghĩ về việc phải làm thế nào để viết tiếp được.

Nhiều khi chẳng khác gì đâm đầu vào tường. Nhưng sự khác biệt giữa một người viết mỗi ngày với một người thi thoảng viết chỉ đơn giản là chấp nhận sự bế tắc đó trước khi đột phá xuất hiện.

Đột phá ở đây không phải là may mắn hay tình cờ. Đột phá chỉ đến khi bạn pha loãng nó bằng thời gian tư duy, bằng ý chí không từ bỏ và bằng một nỗ lực vượt khỏi giới hạn nhằm đưa tâm trí phải hoạt động theo cách “chết tiệt” nào đó để giải quyết vấn đề.

Khoảnh khắc đó chính là Eureka – Tìm ra rồi!

Khoảnh khắc đó là sự vô lý nhưng kỳ diệu của tiềm thức.

Khoảnh khắc đó cũng chính là sự vỡ oà trong chánh niệm mà thiền đem lại.

Khi bế tắc xuất hiện, đừng lo sợ hay trốn tránh nó. Hãy chấp nhận sự khó chịu nó đem lại và nhìn một cách trực diện vào nó.

Khi bạn nhận biết được bế tắc đem tới sự đột phá thì việc tiếp theo là bạn để nó hoà vào tư duy, suy nghĩ của mình như một dòng nước trước khi dòng nước này hội tụ thành chiếc chìa khoá mở toang cánh cửa bế tắc trước mặt bạn.

Và khi viết đến đây mình một sự giác ngộ bất thần ập xuống tâm trí mình: Để có hội tụ thì phải phân tán. Phân tán sự bế tắc để đột phá được hội tụ.

Phân tán là mặt sau của hội tụ. Như bế tắc là mặt sau của đột phá.

Hoá ra là như vậy.

Ảnh: Akirakusaka-official

You may also like

Leave a Comment