Hơn 1.500 công nhân ngừng việc ở Bình Dương đã trở lại làm việc
Theo bà Nguyễn Kim Loan – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, Ban giám đốc Công ty CP Green River Furniture (chuyên sản xuất gỗ) đã đồng ý giữ nguyên mức thưởng lương tháng 13 của năm 2023.
Sáng ngày 8/7, hơn 1.527 trên 1.620 công nhân đã trở lại nhà máy sản xuất sau 3 ngày ngừng việc để phản ứng việc bị cắt giảm lương thưởng tháng 13. Số công nhân còn lại nghỉ thai sản, nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng…
Hiện nay, Ban giám đốc Công ty CP Green River Furniture đang nỗ lực liên hệ với các đối tác, tìm kiếm thêm đơn hàng, đảm bảo việc làm ổn định cho công nhân.
Trong thời gian tới, Liên đoàn Lao động TP.Tân Uyên và Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi quan hệ lao động tại Công ty này, cũng như hướng dẫn cấp công đoàn cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.
Trước đó, Công ty Cổ phần Green River Furniture cho biết, đơn vị bị giảm đơn hàng suốt từ đầu năm tới nay. Doanh thu thua lỗ khiến công ty tính tới phương án cắt giảm 500 lao động, hoặc cắt thưởng tháng thứ 13.
Ngày 1/7, Ban giám đốc Công ty Cổ phần Green River Furniture thông báo, năm 2023, công nhân chỉ nhận 50% lương tháng 13 và tiền thâm niên.
Đến ngày 5/7, hơn 1.600 công nhân của công ty đã ngừng việc tập thể vì không đồng tình. Các công nhân cho rằng, giá cả hàng hóa tăng cao, đời sống của người lao động khó khăn. Tiền thưởng tháng 13 là khoản thu nhập đáng kể, được công nhân người lao động mong chờ sau 1 năm làm việc.
Sau vụ việc, cán bộ Liên đoàn Lao động TP.Tân Uyên và Liên đoàn Lao động tỉnh đã trực tiếp xuống công ty cùng với công nhân đối thoại, thương thuyết với doanh nghiệp.
Ngày 7/7, công ty đã ra quyết định mới, giữ nguyên lương thưởng tháng 13 cho năm 2023. Năm 2024 trở đi tiền thưởng cuối năm chỉ giữ lại tiền thưởng thâm niên, hủy bỏ tiền thưởng tháng 13.
Không để tranh chấp quan hệ lao động trở thành điểm nóng
Vụ việc xảy ra Công ty CP Green River Furniture tiếp tục cho thấy tình hình khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nhất là với doanh nghiệp sản xuất gỗ khi đơn hàng xuất khẩu không phục hồi như kỳ vọng.
Điều đáng lo là nhiều doanh nghiệp đang không có đơn hàng mới, hoặc tình trạng thiếu đơn hàng còn kéo dài.
Theo ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, tình hình suy giảm kinh tế hiện nay gần như khắp thế giới. Do vậy, việc tìm kiếm đơn hàng hiện rất khó khăn.
Một số nhà máy vẫn đang cố gắng tìm thị trường ngách, như thị trường Trung Đông, thị trường Úc, hoặc đàm phán với các khách hàng, duy trì sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động, ông Liêm chia sẻ.
Trước đó, kết quả khảo sát của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho thấy, trong hơn 7.300 doanh nghiệp còn hoạt động thì có 22,2% dự kiến giảm hơn trên 50% quy mô lao động.
Tính theo địa phương, TP.HCM có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm lao động cao nhất (25,8%), sau đó đến Bình Dương (24%). Có thể làn sóng sa thải người lao động sẽ tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do những khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp, kết quả khảo sát nhận định.
Ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động thương bình xã hội Bình Dương cho biết, khi lạm phát tăng, người tiêu dùng ở Mỹ chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.
Thị trường bất động sản gặp khó, nhà đất không mua bán được. Nhu cầu thay mới mặt hàng nội thất, trong đó có gỗ nội thất giảm thấp. Các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, Sở đang giải quyết bảo hiểm thất nghiệp khoảng 40.000 trường hợp. Tuy nhiên, nếu tình trạng khó khăn kéo dài, điều đáng ngại là tình trạng tranh chấp lao động, ngừng việc, lãng công dễ xảy ra.
“Sở Lao động thương bình xã hội sẽ nỗ lực hỗ trợ kết nối việc làm cho người lao động trong khi chờ thị trường phục hồi; đồng thời nắm bắt thông tin để hạn chế thấp nhất các vấn đề liên quan đến lao động, không để trở thành điểm nóng”, ông Tuyên nói.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu gỗ 5 tháng năm 2023 ước đạt hơn 2.188 triệu USD, giảm 21,4% so với cùng kỳ.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, một số ngành công nghiệp chủ lực của Bình Dương đạt mức tăng trưởng thấp, một số ngành sụt giảm. Riêng ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 9,6%.