Càng lớn, mình cảm thấy cần tìm bạn hơn tìm tình

by admin

Mình không hẳn là một đứa sống thu mình đến mức không muốn tiếp xúc với bất kì ai, nhưng từ lâu, những mối quan hệ với mình được định hình theo một hướng có thể hiểu thế này: có cũng được, mà không có cũng không sao.

Mình thích đi dạo một mình hơn là đi chung với một ai đó khác; mình thích khám phá cái bóng của chính mình trong những góc coffee yên tĩnh để có thể nhìn rõ nội tâm của mình, hơn là ngồi cùng một ai đó và tám đủ mọi đề tài trên trời dưới đất; mình thích đi ăn một mình, để thực sự tận hưởng mùi vị những món mình muốn ăn, hơn là quan tâm đến khẩu vị của một ai đó liệu có hợp không khi đi cùng mình; mình thích im lặng xem bộ phim mình chờ đợi ra rạp đã lâu, hơn là để tâm đến gu thể loại của người đi cùng chẳng biết có cùng màu điện ảnh như mình không, mình thích làm mọi thứ một mình, và mình không hề cảm thấy cô đơn, nói đúng hơn rằng mình hài lòng với sự cô độc mà mình đang trải.

Okada Takashi, tác giả của cuốn sách “Tâm lí học về rối loạn nhân cách tránh né” đã mở ra cho mình một cách nhìn trực quan về hành trình đi tìm nguồn gốc của nỗi cô độc trong lòng, trước đây, lúc mình còn vô tình nhìn nhận bản thân mình là một đứa sống khép kín, thậm chí đôi lần mình tự vấn bản thân mình liệu có đang sống đúng với cách nhìn nhận của xã hội hay không, hiểu đơn giản như cô Tư nói : Tự thấy mình như đang uống một ly chua xót đầy, ủa, sống sao mà tới nông nổi này, thế gian thênh thang vậy mà không có ai tri âm hết? Nói theo kiểu dân gian là kiếm không ra một người bạn để… làm thuốc. Quá tệ!

Vậy đấy, đôi khi mình bắt gặp ánh mắt của vài người nhìn mình khi mình đơn lẻ bước vào quán ăn và ngồi thù lù ở một góc nào đó, vài người đang nói cười rôm rả cùng bạn bè trong quán coffee tự dưng im bặt, trao mình một ánh mắt lạ lùng khi mình mở cửa bước vào và lặng lẽ giở cuốn sổ tay đầy rẫy những trang giấy úa màu ghi ghi chép chép, nhiều người tỏ ra khó hiểu khi thấy mình ngồi trầm ngâm trơ trọi cùng đốm lửa trên tay, mặt bàn rộng 60×80 mà chỉ để vừa một ly đen đá đắng.

Mình thường tìm những quán coffee chỉ bán duy nhất một loại thức uống quốc dân, thêm nước ngọt cũng được, hoặc menu dài lắm thì có thêm sinh tố, nước ép. Gu của mình là một góc quán yên tĩnh và ít người, đôi lúc mình nghĩ thầm, chủ quán mà đọc được suy nghĩ của mình chắc là giận mình lắm, vì nếu quán đông khách, mình cực kì ngần ngại bước vào.

Cô đơn là trạng thái tinh thần đang hướng sự tìm kiếm niềm vui ra thế giới bên ngoài, cô độc là tính chất duy trì sự bền vững của tâm thức an lành khi hướng về ngay chính bản thân, một người nội tâm như mình không bao giờ quan trọng về số lượng, cái chính yếu vẫn là chất lượng trong bất kì điều gì. Và rõ ràng, điều đó sẽ vô tình thúc đẩy cách nhìn nhận của bản thân về mọi thứ qua lăng kính của sự hoàn hảo, đó là một điểm trừ khá lớn, và chắc cũng là nguyên nhân chính khiến mình càng ngày càng quen cách sống cô độc bởi vì nó ảnh hưởng đến sự mong cầu cao về tiêu chuẩn khắc khe hơn mức bình thường trong hành trình mình đi tìm kiếm những mối quan hệ nghiêm túc. Và nguồn cơn của tính ái kỷ cũng bắt nguồn từ nguyên nhân này.

May mắn thay, mình đã phát hiện và vạch ra ranh giới rõ ràng cho điều đó, để không cho phép bản thân chạm đến ngưỡng cửa lòng ái kỷ, một điều tối quan trọng để mình có thể rạch ròi giữa ranh giới ấy chính là nuôi dưỡng thái độ cởi mở và vung đắp cho tâm hồn ngày một hướng thiện hơn.

Sau hàng loạt những biến động không ngừng, với mình, tình yêu là một loại thức ăn vô cùng nhiều dưỡng chất, đau đớn và bế tắc, rệu rã và vật vã, đan xen cùng với hạnh phúc và thăng hoa, tin yêu và mãn nguyện, tất thảy những xúc cảm vô thường đó đều được mình hòa trộn vào nhau và cho ra đời những câu chuyện, bằng cách viết, mình học được nhiều từ chính những bài học mình đã trải qua, và mình yêu viết, vì càng viết, mình càng nhìn thấy được suy nghĩ của mình mỗi ngày một trưởng thành. Và cũng chính vì những suy nghĩ trưởng thành đã có chỗ đứng vững chãi, nên mình không muốn tùy tiện đem lòng mình ra thử sức với yêu đương, một khi chưa sẵn sàng, nó sẽ là gánh nặng.

Trong cuốn sách “Tâm lí học về rối loạn nhân cách tránh né”, tác giả đã viết một dòng, mà khi mình đọc đến, mình đã phát hiện ra một điều thiếu sót vô cùng lớn trong lòng mình, đó là sự trao gửi tâm tư, nói dễ hiểu thì chìa khóa của niềm hoan hỉ đích thực chính là được gắn kết với người khác.

Mình nhận ra, ngay chính bản thân mình, và rộng hơn là những cá thể trẻ trong xã hội hiện đại, khi mỗi ngày đối diện với quá nhiều thông tin nhan nhản đập vào mắt, từ Facebook đến Instagram, Twitter, Youtube, và mạnh mẽ nhất là sự phát triển tốc độ chóng mặt của Tiktok, càng lúc càng xuất hiện nhiều những khái niệm về tâm lí mà trước đây không bao giờ thấy, tiêu biểu chính là hội chứng “Peer Pressure” mà hiện nay có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề tâm lí nổi trội này.

Quay trở lại, ở hiện tại, mình muốn tìm bạn hơn tìm tình, là bởi vì bản năng được gắn kết trong lòng mình đang dần bị suy thoái, nói đúng hơn là mình không muốn phải dày công xây dựng một bức tường quá kiên cố để rồi phải đứng trong đó mà hét toáng lên rằng “don’t leave me alone”.

Hài lòng với sự cô độc không có nghĩa là chấp nhận sống một mình mà không có ai đó lắng nghe đến cuối đời, con tàu thuận buồm xuôi gió đến mấy cũng có ngày phải nương nhờ một con tàu khác để cùng nhau đương đầu với những cơn bão lớn giữa đại dương, một cái cây dù tươi tốt đến mấy cũng không bao giờ có thể tự mình trở thành cánh rừng bạt ngàn xanh thẳm, và đâu đó trên bầu trời, một vì sao sáng rực rỡ qua bao nhiêu năm ánh sáng cũng chẳng thể nào mang danh nghĩa thực sự của một chòm sao.

Duy trì trạng thái cô độc và thỏa hiệp với lòng mình rằng mọi thứ sẽ được diễn ra một cách chỉnh chu nhất khi có ai đó kề cạnh và lắng nghe, chân thành và thiện lương sẽ là kim chỉ nam dẫn đường đến mọi cánh cửa đã nhiều năm đóng kín, cách mình đang sống có thể sẽ chướng mắt gai tai cho rất nhiều người không cùng nhân sinh quan, nhưng có lẽ một ngày nào đó, mình tin, lúc tâm hồn họ đang mục rỗng nhất, họ chỉ muốn được tự hướng vào bên trong chính bản thân mình, khi thấy một ai đó đang muốn khóa cửa lòng lại, đừng vội gõ cửa, hãy đứng bên ngoài và hát cho họ nghe một bài nhạc khiến họ tự mình mở lại cánh cửa ấy ra.

Cân bằng giữa cho đi và nhận lại mới là một chu kì hoàn hảo.

Mình cảm ơn bạn, vì bạn đã cho mình cơ hội để lắng nghe bạn.

Bạn cảm ơn mình, vì mình đã cho bạn cơ hội để tự lắng đọng bản thân.

————-

Biết đâu một ngày nào đó, bạn sẽ trở thành tình, nhưng hãy cứ đứng riêng lẻ, thật khủng khiếp với mình nếu để hai từ ấy đi chung.

– Dương –

You may also like

Leave a Comment