Theo TS. Nguyễn Văn Dũng – Trưởng Khoa Côn trùng – Viện Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, rận mu không phải là bệnh quá phổ biến nhưng cũng khá nhiều ở Việt Nam.
Bé gái có 100 con rận mu trên lông mi
Mới đây, một bé gái (5 tuổi, ở Hà Nội) được bố mẹ đưa đến Viện Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương khám với tình trạng mắt bị sưng tấy, đỏ, ngứa quanh vùng mắt.
Sau thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị mắc rận mu (còn gọi là rận bẹn) ký sinh quanh mí mắt, lông mi. Các bác sĩ đã mất khá nhiều thời gian để gắp hơn 100 con rận mu và trứng kí sinh ở lông mi mắt.
Trước đó, một nam thanh niên 25 tuổi cũng bị ngứa dữ dội vùng bẹn và mí mắt suốt hơn 1 tháng, khi về đêm lại càng ngứa.
Bệnh nhân lên mạng tra và nghi ngờ mình bị nhiễm rận mu và dùng nhiều cách tự trị bệnh như bôi các loại thuốc ngoài da, dùng lá xoan giã nước để bôi nhưng tình trạng ngứa vẫn không giảm.
Tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương bác sĩ phát hiện bệnh nhân có ổ rận mu ký sinh ở bẹn và trên mi mắt.
Theo TS Dũng, bệnh rận mu ít gặp nhưng ở các vùng du lịch, đặc biệt là người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thường ghi nhận ca bệnh rận mu nhiều hơn.
TS Dũng cho biết, loài ký sinh này được gọi là rận mu, vì chúng thường ký sinh trên vùng có lông, ở vùng ẩm ướt như vùng mu.
Nhưng một số trường hợp như trẻ em, chưa có lông mu nhưng rận mu vẫn tấn công và xuất hiện ở mí mắt. Đối với trẻ em, do chưa có lông mu nên khi lây nhiễm ký sinh này thường bị rận làm ổ ở mi mắt, tuy nhiên, ở Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương gặp nhiều trường hợp có rận mu trên mí mắt, cả ở trẻ em lẫn người lớn. Rận mu là ngoại ký sinh nên chỉ ký sinh trên bờ mi, nên không vào trong mắt ký sinh.
“Rận mu không dễ phát hiện ra như con chấy nó nhỏ hơn, hơi tròn tròn, ít di chuyển, khi rận xuất hiện lên cùng mắt mọi người cứ nghĩ nó là rỉ mắt thôi, hoặc khi ngứa quá ở vùng mu thì mới thấy nó bò và phát hiện nó là con côn trùng.
Thường con này có màu sáng, khi đốt người thì sẽ chuyển sang màu nâu đỏ vì có máu. Rận mu ký sinh trên vùng có lông, ở vùng ẩm ướt như vùng mu, với trẻ nhỏ rận mu thường ký sinh ở mí mắt.
Vì đường truyền bệnh thường qua đường quan hệ tình dục, nên người mắc rất ngại đi khám. Một số khác có thể mắc bệnh do mặc chung quần lót, áo lót của người có rận mu, dùng chung chăn, màn, khăn tắm… khi đi du lịch”, TS Dũng cho biết.
Triệu chứng bị rận mu
Theo TS Dũng, vòng đời của rận mu tuỳ thuộc vào nhiệt độ, môi trường tuy nhiên vòng đời của rận mu từ một quả trúng thành một con trưởng thành bắt đầu hút máu khoảng 7 ngày.
Triệu chứng của người bị rận mu thường ngứa rất khủng khiếp, vì ngoài cắn hút máu ra chúng có hai cái càng như cái càng cua bám chắc vào da của chúng ta gây ngứa. Rận mu khi bám vào cơ thể người rất khó rơi ra.
“Chưa có nghiên cứu nào cho biết, nhiễm rận mu sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Điều phiền toái của rận mu là ngứa ngáy, khó chịu, khi nhiễm lên mí mắt do ngứa ngáy nên người bệnh có thể dụi, gãi có thể gây bội nhiễm, đau mắt”, TS Dũng chia sẻ.
Cách điều trị rận mu
Theo TS Dũng, hiện nay, nhiều người dùng bài thuốc truyền miệng là nước lá xoan để diệt rận mu. Tuy nhiên, lá xoan bôi nước lên vùng bị ngứa thì chỉ làm rận mụ say, tạm thời không hoạt động nữa chứ không giết chết được rận mu.
Một khoảng thời gian sau, khi không còn tác dụng các chất của lá xoan thì rận mu lại hoạt động và sinh sôi trở lại. TS Dũng cũng cảnh báo không nên bôi nước lá xoan lên mí mắt để trị rận mu vì lá xoan có chất độc, có thể làm hại mắt.
Việc dùng thuốc Dep để bôi cũng không hiệu quả loại bỏ rận mu. Hiện nay trên thị trường có một số loại thuốc trị chấy, chúng ta có thể dùng loại hoá chất này để bôi. Tuy nhiên quy trình bôi phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ, vì nếu bôi hoá chất quá nhiều có thể gây dị ứng, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
“Đối với con rận mu sử dụng hoá chất, sữa tắm không hiểu quả, đối với bệnh nhân sử dụng sữa tắm tẩy rửa làm rận mu tạm thời không hoạt động, đỡ ngứa ngay lúc đó.
Còn tại các bệnh viện chuyên ngành ký sinh trùng, việc điều trị rận mu đơn giản, thông thường chỉ một liệu trình, bôi thuốc không quá 1 tuần là khỏi. Thuốc bôi cũng rất rẻ.
Tuy nhiên, người dân tuyệt đối không được tự ý bôi thuốc này lên mi mắt. Điều trị rận mu ở mí mắt, các bác sĩ không dùng hóa chất mà phải dùng tay gắp từng con rận mu để đảm bảo an toàn cho mắt”, TS Dũng nói.
Theo TS Dũng, hiện nay trên thị trường có một số loại thuốc trị chấy, chúng ta có thể dùng loại hoá chất này để bôi.
Tuy nhiên quy trình bôi phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ, vì chúng là hoá chất nên cần có sự hưởng dẫn sử dụng, liều lượng của bác sĩ. Hoá chất khi bôi liều lượng quá nhiều sẽ gây phản ứng vùng bôi, gây ảnh hưởng sức khoẻ cho người bôi, TS Dũng khuyến cáo.
TS Dũng cũng nhấn mạnh, nếu người dân bị ngứa ở vùng mí mắt nhưng xét nghiệm không phải viêm kết bờ mi thì nên đến những cơ sở chuyên môn về ký sinh trùng để khám, điều trị, không nên ngại ngùng, xấu hổ mà không đi khám.