Chọn Tết nội hay Tết ngoại là do điều kiện, hoàn cảnh, đừng áp đặt quy tắc cứng nào nhé bạn!

by admin

Năm hết Tết đến, chuyện Tết nội Tết ngoại lại xôn xao, nhiều gia đình vì chuyện này mà xào xáo thậm chí đổ vỡ. Là một phụ nữ đã có gia đình và dung hoà khá tốt chuyện nội ngoại, mình xin chia sẻ đôi chút góc nhìn của mình.

Đối với mình, ăn Tết ở đâu cần cân nhắc hoàn cảnh gia đình hai bên, địa lý, kinh tế gia đình, đảm bảo sự công bằng tròn vẹn. Ai cũng thương và muốn ở bên cha mẹ của mình vào thời khắc giao niên, đôi khi cái khoảnh khắc nó còn quan trọng hơn tổng thời gian, bạn yêu gia đình cha mẹ tổ tiên bạn như thế nào thì người bạn đời của bạn cũng yêu gia đình họ như thế. Do đó, không nên ép một quy tắc cứng nhắc nào, cũng đừng đem “truyền thống” ra làm khiên chắn. Truyền thống có cái tốt cũng có cái không phù hợp với sự phát triển ngày nay nữa, cái gì trước nay vẫn làm không có nghĩa là nó đúng tuyệt đối. Nếu các anh cho rằng lời các cụ dạy luôn đúng, sao các anh không nhuộm răng, ăn trầu, để tóc dài, sao không chọn vợ từ thuở mười ba? Hay cái gì có lợi cho các anh thì các anh đòi gìn giữ, không quan tâm đến lợi ích của người khác?

Để giải thích kỹ hơn cho luận điểm trên, mình xin đưa một vài ví dụ cụ thể sau:

  1. Anh Nam và chị Hà lấy nhau, nhà anh Nam có 5 anh chị em, phần lớn sống gần nhà bố mẹ anh tại Hà Nội. Vợ chồng anh Nam làm ăn tại Hải Phòng, quê vợ thì ở Bến Tre. Mỗi năm các dịp lễ anh chị đi xe về quê nội chơi vì gần, còn quê ngoại cả năm không về được, chỉ còn dịp Tết. Cha mẹ chị Hà có hai đứa con gái lấy chồng xa quê, như vậy, anh chị nên đón Tết nội hay Tết ngoại? Nếu anh chị đầm ấm một nhà mấy chục con cháu đón Tết cùng ông bà nội, không quan tâm ông bà ngoại cô đơn trước ti vi xem pháo hoa, liệu có thấy thương đấng sinh thành?
  2. Chị Ngọc anh Sinh đang sống chung với cha mẹ chồng, làm dâu, khi cha mẹ chồng ốm đau cũng là một tay chị Ngọc chăm sóc, cơm nước dọn dẹp suốt 360 ngày. Quê chị ở xa, ông bà ngoại cả năm chỉ được gặp con và cháu ngoại qua màn hình điện thoại. Vậy nếu anh chị không nỡ bỏ ra 5 ngày trên tổng số 365 ngày để cùng ông bà ngoại đón năm mới, liệu có phải bất hiếu? Hay chỉ hiếu với bên nội là được tính, còn cha mẹ sinh ra vợ cũng chỉ được xem như họ hàng?
  3. Chị Trâm ở với bố vì mẹ mất sớm, ông đã lớn tuổi lại đau yếu nhiều do làm lụng vất vả. Rồi chị lấy chồng trên tỉnh. Nhà chồng cũng được tính là có điều kiện, làm ăn phát đạt. Năm hết Tết đến, chồng chị nằng nặc đòi vợ ăn Tết quê chồng để “ra mắt” họ hàng, vì đối với anh ta người đàn ông lưng còng tóc bạc lủi thủi trong căn nhà cấp bốn kia không có máu mủ tình cảm gì, cho dù đó là người đã sinh ra nuôi nấng vợ anh nên người. Anh chỉ thích Tết sum vầy bên gia đình anh, cha mẹ anh mà thôi.

Có thể các ví dụ của mình hơi cực đoan, nhưng nó cho thấy việc ăn Tết quê nào phải được cân nhắc trên rất nhiều yếu tố, dùng sự thấu hiểu và tình thương cùng trách nhiệm để quyết định, chứ không phải răm rắp tuân theo “các cụ”, “con trai mới được thắp nén hương giao thừa”, hay “Mùng một Tết cha mùng hai Tết mẹ” để giành lợi ích về phía mình. Nếu hai bên cha mẹ đều xa hai vợ chồng và hoàn cảnh tương đồng, hãy luân phiên từng năm để cha mẹ nào cũng được có khoảnh khắc con cháu ruột rà của mình cùng mình xem Táo quân, ăn miếng bánh chưng sáng mùng một và thắp hương ông bà, không phân biệt con trai con gái hay con dâu con rể. Bởi cha mẹ nào cũng là cha mẹ, con nào cũng là con, đã thương nhau thì hãy thương cả người sinh ra nửa kia của mình, các bạn nhé….

You may also like

Leave a Comment