Văn hóa và truyền thông đã khiến mọi người quá tập trung vào việc đạt được hạnh phúc mà quên đi những mục tiêu sâu xa của cuộc sống.
Thế nhưng ham muốn hạnh phúc không phải thứ duy nhất ám ảnh ta!
Chúng ta đang dành hết tâm sức để theo đuổi quyền lực, sự giàu có về vất chất và thành công trong công việc thay vì trở thành một cá nhân có nhân cách ưu tú. Xã hội ngày nay coi trọng đức tính tô vẽ trong lý lịch hơn là phẩm chất sẽ được ca ngợi khi bạn chết. Với cuốn sách của mình, Brooks muốn tạo ra khái niệm có đúng đắn và sâu sắc hơn về hạnh phúc để thay thế những quan niệm hiện tại. Trong Festival Ý Tưởng Aspen được tài trợ bởi Viện Aspen và tờ The Atlantic, Brooks đề cập đến bài viết của ông về “sống có chiều sâu” được tổng hợp từ các kiến thức triết học, thần học và lịch sử.
Joshph Soloveitchik, một giáo sĩ Do Thái, từng viết cuốn “The Lonely Man Of Faith” xuất bản năm 1965 viết rằng, bản chất con người có hai mặt, là Adam I và Adam II.
Adam I rất trần tục, tham vọng, là bản chất bên ngoài của con người. Hắn muốn tạo dựng, sáng lập, xây dựng cơ đồ, thúc đẩy đổi mới. Adam II đại diện cho phần nội tại trong chúng ta. Anh ta sống có đạo đức để tâm hồn thanh thản, không chỉ làm việc tốt mà còn muốn trở thành người tốt. Anh ta sống và tồn tại để khám phá sự thật và đạt được nội tâm nhất quán.
Adam I muốn chinh phục cả thế giới. Adam II chăm chú lắng nghe và phục tùng lẽ tự nhiên.
Adam I khao khát thành tựu. Adam II tìm kiếm nội tâm vẹn toàn và sức mạnh tinh thần.
Adam I muốn biết cách thế giới hoạt động. Adam II thì tự hỏi vì sao chúng ta tồn tại.
Từ cửa miệng của Adam I là “thành công”. Adam II thì có châm ngôn “tình yêu, cứu vớt, đền đáp”.
“Chúng ta sống trong một thế giới nuôi dưỡng những Adam I, chúng ta được dạy phải quyết đoán, thuần thục các kĩ năng và sử dụng trí tuệ để người khác kính nể.” – Brooks nói. Hôm nay bạn muốn trở thành người xuất sắc nhất, ngày mai bạn lại muốn trở thành lương thiện nhất. Vấn đề là làm sao để tìm ra sự cân bằng..
Vậy làm thế nào để trở thành một Adam II – sống một cuộc đời có chiều sâu? Và khái niệm sống có chiều sâu thực sự là như thế nào?
Theo Brooks, đó là những người có những trải nghiệm sâu rộng và biết cách bày tỏ cảm xúc chân thành, trọn vẹn, đồng thời có niềm tin tâm linh sâu sắc. Về mặt tình cảm, họ chất chứa những yêu thương vô điều kiện. Về mặt lý trí, họ tự xây dựng những triết lý sống chắc nịch, và sống tuân theo ý chí đó. Về hành động, họ làm những việc người thường không dám làm. Về đạo đức, họ có sự nhất quán chặt chẽ gần như hoàn hảo.
Bởi tham vọng, tự phụ, sợ hãi, tham lam là những thứ khiến ta lạc lối. Còn trung thực, khiêm tốn, can đảm, tự lập luôn được người đời ngưỡng mộ – đó là những đức tính phải rất lâu ta mới ngộ ra và tích lũy được.
Sống sâu sắc khiến chúng ta trưởng thành hơn.
Có 5 yếu tố khơi dậy chiều sâu trong con người, bao gồm:
Tình yêu
Tình yêu gây ra những biến đổi vô điều kiện trong tâm thức. Tình yêu có rất nhiều dạng thức: yêu một người, yêu những vật xung quanh, yêu Thiên Chúa. Khi yêu, ta không còn vị kỷ và tự nhường vị trí trung tâm trong cuộc sống của bản thân cho người mình yêu. Khoảng cách giữa cho và nhận cũng bị san lấp vì ta bằng lòng dâng hiến tất cả. Khi được hỏi vì sao ông ấy lại dành tình cảm đặc biệt cho một người bạn, Brooks trích dẫn câu nói của tác giả Michel de Montaigne “Vì tôi là tôi, còn anh ta là anh ta”.
Đau khổ
Khi mọi người có trong tay một kế hoạch cho tương lai, họ mong muốn cuộc sống đó tràn đầy hạnh phúc. Nhưng khi nhớ về kỉ niệm trong quá khứ, họ thường không nhớ đến khoảnh khắc hạnh phúc mà sẽ kể về những nỗi đau. Hóa ra, kế hoạch theo đuổi hạnh phúc được hình thành từ đau khổ. Đau khổ trong tình yêu làm ta buồn bã, mất kiểm soát, nhưng chính nó là động lực để ta có cái nhìn sâu sắc về bản thân để hoàn thiện mình. “Mọi người không kiểm soát được nỗi đau nhưng không thể cứ đau mãi, phải tìm ra cách vượt qua nỗi đau đó” – Brooks đưa ra ví dụ về Franklin Roosevelt và những năm tháng chiến đấu với bệnh bại liệt
Tự đấu tranh
Những người sống có chiều sâu nhận thức được sức mạnh của họ, phẩm giá của họ và cả những điểm yếu của họ. Họ không ngừng đấu tranh với chính mình, đó là một cuộc đấu tranh nội tâm thật dũng cảm. Brooks cho rằng, đấu tranh nội tâm là cơ sở để hình thành tính cách.
Tuân thủ
Những người sống có chiều sâu không tự thay đổi mình, chính những sự việc, con người xung quanh thay đổi họ. Họ tuân theo tiếng gọi tự nhiên để phục vụ thế giới bên ngoài. Brooks đề cập đến Frances Perkins, người đã chứng kiến thảm họa cháy nhà máy Triangle Shirtwaist năm 1911 khiến nhiều công nhân chết trong biển lửa. Sau đó, bà quyết định cống hiến cả đời cho sự an toàn của người lao động (Frances Perkins cuối cùng trở thành Bộ trưởng Bộ Lao động dưới thời Franklin D. Roosevelt)
Chấp nhận
Có những sự thật chúng ta buộc phải chấp nhận vì không thể thay đổi được. Sự thừa nhận này là khái niệm thuộc kiểu xã hội loài người siêu việt. Trong khi Adam I làm việc đến kiệt sức, Adam II thản nhiên chấp nhận những gì ông cho là đúng. Về mặt tư tưởng, Adam II không đồng tình với quan niệm tự tay gây dựng (tự trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng), đã làm thay đổi bề mặt trái đất mấy nghìn năm qua. Giá trị con người không nằm ở lao lực làm việc và lao lực tranh đấu.
Hãy không ngừng đấu tranh nội tâm. Đừng chọn lựa yêu cái gì và yêu khi nào, đừng lo sợ khi nào nỗi buồn sẽ ghé thăm, và ở đời không phải lúc nào cũng tuân theo người khác. Quan trọng là, nếu cuộc sống cho ta cơ hội để sống ý nghĩa hơn, hãy nắm bắt nó!
Trạm Đọc (Read Station)
Theo The Atlantic